29/12/2022
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 tới. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật này, TS.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đưa ra 04 vấn đề trọng tâm cần làm rõ thêm trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)…
TẠO DỰNG THỊ TRƯỜNG BẤT ĐỘNG SẢN CÓ GIÁ THẤP SẼ TẠO ĐỘNG LỰC GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ NHÀ Ở XÃ HỘI
TS.NGUYỄN VĂN TUÂN: CẦN XÁC ĐỊNH ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC THỤ HƯỞNG NHÀ Ở XÃ HỘI TRONG DỰ ÁN LUẬT NHÀ Ở (SỬA ĐỔI)
Thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Bộ Xây dựng được giao chủ trì soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) và báo cáo Chính phủ để Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV (tháng 5/2023).
TS.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam.
Góp ý dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), TS.Phạm Văn Tân - nguyên Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Liên hiệp Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam nhấn mạnh: Luật Nhà ở được Quốc hội ban hành năm 2014 với 183 điều là một văn bản luật với rất nhiều nội dung, phạm vi điều chỉnh rộng, tác động tới nhiều đối tượng. Với việc thực thi Luật, vấn đề nhà ở về cơ bản giải quyết theo hướng tạo điều kiện và cơ hội để người dân, nhất là người lao động và gia đình họ có chỗ ở ổn định, lâu dài, góp phần ổn định xã hội.
Trong thời gian gần đây, một số luật được sửa đổi, bổ sung và ban hành mới thay thế như: Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư... Sắp tới, Quốc hội sẽ sửa lại Luật Đất đai mà trong các Luật này có nhiều nội dung quy định liên quan đến Luật Nhà ở năm 2014. Do đó, việc rà soát, điều chỉnh, sửa đổi các quy định có liên quan trong Luật Nhà ở năm 2014 để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ hệ thống pháp luật và giải quyết những hạn chế tồn tại của Luật nhà ở sau 7 năm thực hiện là rất cần thiết.
TS.Phạm Văn Tân đánh giá cao Ban soạn thảo Luật Nhà ở đã có quá trình nghiên cứu công phu, xác định được các bất cập, hạn chế, tồn tại và chỉ rõ nguyên nhân của những bất cập, hạn chế, tồn tại, những nội dung cần sửa đổi, bổ sung. Từ đó, Ban soạn thảo đã đề xuất sửa đổi phần lớn các điều trong 183 điều của Luật nhà ở năm 2014 thành một dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), trong đó có điều 153 điều được sửa đổi, bổ sung (sửa đổi, bổ sung 109 điều và thêm 44 điều mới).
Dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội cho ý kiến vào Kỳ họp thứ 5 tới (ảnh minh họa: Internet).
Như vậy, theo TS.Phạm Văn Tân, có rất nhiều thay đổi được đề cập trong dự thảo Luật Nhà ở lần này để thay thế cho Luật Nhà ở ban hành năm 2014. Tuy nhiên, theo TS.Phạm Văn Tân, cần làm rõ thêm một số vấn đề trọng tâm trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi):
Thứ nhất: Liệu Ban soạn thảo đã xem xét, rà soát hết nội dung các luật đã được ban hành như Bộ Luật Dân sự, Luật Xây dựng, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức hợp tác công-tư... và sẽ được ban hành như Luật Đất đai có liên quan đến vấn đề nhà ở để tham chiếu vào nội dung của dự thảo Luật hay chưa? Trong nội dung Tờ trình không nêu cụ thể những vấn đề gì có liên quan từ các bộ luật đã được đề cập đối với dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)?
Thứ hai: Trong Tờ trình, Ban soạn thảo đã đề cập 7 nhóm hạn chế, tồn tại với 36 nội dung cụ thể. Ban soạn thảo cũng nêu rõ 10 nguyên nhân với 17 nội dung cụ thể. Câu hỏi đặt ra là sau khi Luật Nhà ở năm 2014 có hiệu lực thi hành, ngoài các hạn chế tồn tại và nguyên nhân đã được đề cập thì còn những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân nào nữa hay không? Ví dụ: Trong Tờ trình chưa nêu về những hạn chế, tồn tại trong công tác quản lý Nhà nước về nhà ở mà thực tế công tác quản lý Nhà nước về nhà ở còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Mặc dù khi nêu 10 nguyên nhân thì có tới 3 nguyên nhân liên quan đến công tác quản lý Nhà nước, đó là: (1) chính sách pháp luật liên quan đến nhà ở còn chưa đồng bộ; (2) công tác kiểm tra xử lý vi phạm trong quản lý sử dụng nhà ở còn chưa được quan tâm thực hiện thường xuyên; chế tài xử lý sai phạm còn chưa nghiêm; (3) hệ thống tổ chức, bộ máy; số lượng cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ còn mỏng, chất lượng còn hạn chế chưa đáp ứng yêu cầu.
Với lập luận nêu trên, TS.Phạm Văn Tân đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) nghiên cứu, xác định thêm các hạn ché, tồn tại và nguyên nhân, trên cơ sở đó bổ sung thêm các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong dự thảo Luật.
Thứ ba: Trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) với 232 điều thì có 153 điều được bổ sung, sửa đổi, trong đó 109 điều sửa đổi, thay thế và 44 điều bổ sung mới. Phần lớn các điều bổ sung mới đều có nguồn gốc về nội dung từ Nghị định số 09/2015/NĐ-CP, Nghị định số 30/2021/NĐ-CP và Thông tư số 02/2016/TT-BXD. Các luật khác có liên quan đến nhà ở chưa được thuyết minh, đề cập cụ thể vấn đề nào cần và đã được đưa vào nội dung của Luật Nhà ở. Vì vậy, khó xác định được những nội dung nào cần điều chỉnh để phù hợp với các luật hiện hành đã được nêu liên quan đến vấn đề nhà ở. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần thuyết minh rõ thêm trong Tở trình, nếu còn thiếu cần bổ sung thêm.
Thứ tư: Tờ trình của Bộ Xây dựng trình Chính phủ nêu nội dung Luật có 234 điều là không chính xác (tại trang 15 của Tờ trình) mà Dự thảo Luật chỉ có 232 điều. Do vậy, TS.Phạm Văn Tân đề nghị Ban soạn thảo sửa lại số điều trong Tờ trình để khớp với số điều trong dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)./.
Bích Lan