CẦN CHẾ TÀI ĐỦ MẠNH ĐỂ ĐẢM BẢO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN

27/02/2023

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023, bàn về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác của Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho rằng, hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp chịu sự giám sát không chấp hành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát

HỘI NGHỊ TOÀN QUỐC TỔNG KẾT VÀ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH CÔNG TÁC HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN NĂM 2023

Cần chế tài đủ mạnh để đảm bảo hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng Nhân dân (HĐND) các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2022 và triển khai kế hoạch công tác năm 2023, bàn về nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế trong công tác của Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, về nguyên nhân khách quan, hệ thống văn bản pháp luật ngày càng nhiều và có sự phân cấp dần cho các địa phương, trong khi đó UBND cấp tỉnh chưa kịp thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn nghiên cứu, tham mưu trình HĐND cấp tỉnh ban hành theo quy định; một số văn bản hướng dẫn của Trung ương chậm được ban hành như các hướng dẫn về việc thực hiện các chương trình, mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 hoặc còn có nhiều cách hiểu khác nhau giữa các cơ quan, gây khó khăn cho việc thực hiện; một số cơ quan ngành dọc như Bảo hiểm xã hội, Kho bạc, Thi hành án dân sự, thuế... hoạt động và thực thi pháp luật có ảnh hưởng nhiều đến quyền và lợi ích của nhân dân địa phương nhưng đại biểu không có quyền chất vấn thủ trưởng các cơ quan này do không thuộc đối tượng chất vấn theo quy định của pháp luật.

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh

Bên cạnh đó, hiện nay chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý đối với các trường hợp chịu sự giám sát không chấp hành việc thực hiện các kết luận, kiến nghị sau giám sát; một số nội dung cần phải có nội dung, lộ trình, nguồn lực hoặc hướng dẫn của Trung ương nên chưa giải quyết được dứt điểm.

Trưởng Ban Công tác đại biểu cũng cho biết, năm 2022, có một số nội dung mới phát sinh ngoài chương trình, kế hoạch năm, có một số nội dung mới và khó dẫn đến quá tải trong việc thực hiện nhiệm vụ; việc cung cấp thông tin, số liệu của các cơ quan phục vụ hoạt động của HĐND ở một số nơi chưa thống nhất, đầy đủ, chính xác, kịp thời; chưa có giải pháp hiệu quả để khắc phục việc chậm gửi, lùi hoặc thay đổi một số nội dung trình của UBND và các cơ quan có liên quan tại các kỳ họp HĐND.

Cùng với đó, nguồn lực của một số địa phương còn hạn chế nên chưa được giải quyết dứt điểm được một số kiến nghị của cử tri như về lĩnh vực đầu tư xây dựng; một số nơi còn xem nhẹ vai trò của HĐND trong bộ máy nhà nước; thiếu sự quan tâm, phối hợp trong các mặt công tác nên hiệu quả chưa cao.

Cần chế tài cụ thể với đơn vị bị giám sát để nâng cao hiệu quả giám sát của Hội đồng nhân dân

Về nguyên nhân chủ quan, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ của HĐND được giao ngày càng nhiều, trong khi số lượng đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách còn ít. Một số đại biểu do bận công tác chuyên môn, nhất là đại biểu hoạt động kiêm nhiệm nên chưa bảo đảm về thời gian tham gia giám sát, khảo sát, thẩm tra, sự thay đổi nơi công tác của một số đại biểu đã ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả hoạt động. Bên cạnh đó, một số đại biểu trình độ, năng lực và kinh nghiệm chuyên môn còn hạn chế hoặc còn nể nang, ngại va chạm, chưa mạnh dạn thảo luận, tranh luận, chất vấn.

Tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan giúp việc HĐND còn ít chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ; chất lượng chưa đồng đều. Cơ sở vật chất, chế độ bồi dưỡng, đào tạo và chế độ chính sách đối với đại biểu HĐND, công chức của Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND còn hạn chế, bất cập.

Đổi mới, nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân

Chia sẻ về phương hướng đổi mới nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, HĐND cần bám sát các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thực tiễn của từng địa phương để đổi mới hoạt động, bảo đảm tính khả thi, thực chất, hiệu quả cao trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp. Phát huy vai trò của Đảng đoàn HĐND trong xây dựng kế hoạch và đề xuất với cấp ủy cho ý kiến về định hướng, chương trình hoạt động của HĐND, nhất là Chương trình ban hành Nghị quyết của HĐND; kịp thời thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của đảng, chính sách pháp luật của nhà nước, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của cử tri và nhân dân. Tiếp tục kiện toàn nhân sự Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND ở một số địa phương hiện còn khuyết thiếu.

Bên cạnh đó, HĐND cần bám sát chương trình xây dựng luật của Quốc hội để định hướng hoạt động của HĐND; tham gia đầy đủ các khảo sát, giám sát theo chương trình, kế hoạch của Quốc hội, UBTVQH và các cơ quan Trung ương và tham gia tích cực, hiệu quả vào việc hoàn thiện thể chế, tổ chức thực thi pháp luật ở địa phương. Đổi mới nâng cao chất lượng kỳ họp theo hướng nâng cao chất lượng chuẩn bị các báo cáo, dự thảo nghị quyết, khắc phục tình trạng chậm gửi hồ sơ, tài liệu, kiên quyết không trình những nội dung chưa bảo đảm chất lượng, chưa tuân thủ quy trình, bảo đảm nghị quyết được ban hành phát huy hiệu lực, hiệu quả.

Cần nâng cao chất lượng kỳ họp Hội đồng nhân dân

Một nhiệm vụ đặt ra là HĐND cần đổi mới hoạt động giám sát và nâng cao hơn nữa chất lượng công tác giám sát theo hướng xây dựng và tổ chức kế hoạch giám sát bảo đảm khoa học, chất lượng và hiệu quả, tăng cường khảo sát thực tế kết hợp xem xét báo cáo, tạo chuyển biến tích cực sau giám sát, thực hiện các hoạt động giám sát lại khi xét thấy cần thiết, kịp thời ban hành các nghị quyết để tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phát triển kinh tế - xã hội, tài chính - ngân sách, đầu tư công, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trưởng Ban Công tác đại biểu nêu rõ, cần đổi mới công tác tiếp xúc cử tri theo hướng tiếp xúc theo chuyên đề, lĩnh vực, giới, ngành, kết hợp trực tuyến với trực tiếp, tăng thời gian, số lượng tiếp xúc cử tri, mở rộng tiếp xúc cử tri đến từng xã, thôn, những nơi còn khó khăn, hạn chế việc tiếp xúc “đại cử tri”.., đồng thời đẩy mạnh công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát việc giải quyết, trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri; thực hiện các biện pháp đồng bộ, chủ động phối hợp với Ủy ban MTTQVN, các đoàn thể, cơ quan báo chí, cùng nhân dân trong việc xem xét, giải quyết triệt để các kiến nghị chính đáng của cử tri và các kết luận sau giám sát.

Thêm vào đó, cần đổi mới hoạt động của Thường trực HĐND cấp tỉnh theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả các phiên họp của Thường trực HĐND cấp tỉnh, giải quyết kịp thời có hiệu quả các vấn đề phát sinh giữa hai kỳ họp, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho quản lý, điều hành của UBND cấp tỉnh thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng an ninh của địa phương; tăng cường chỉ đạo, điều hòa, phối hợp hoạt động của các Ban HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND tỉnh.

Thực tế cũng đặt ra yêu cầu đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND theo hướng tuyên truyền kịp thời, toàn diện cả chiều rộng và chiều sâu để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. Triển khai phát động và xây dựng kế hoạch thực hiện giải báo chí toàn quốc tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội và HĐND được tổ chức hằng năm.

 Ngoài ra, cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong các hoạt động của HĐND cấp tỉnh, phát triển hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đồng bộ, liên thông từ HĐND cấp tỉnh đến HĐND cấp huyện và cấp xã; tiếp tục chỉ đạo nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong công tác tham mưu, phục vụ các kỳ họp HĐND, của Thường trực HĐND và các Ban HĐND cấp tỉnh.

Minh Hùng

Print   Close