PHÁT BIỂU CỦA ỦY VIÊN BỘ CHÍNH TRỊ, PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG TẠI PHIÊN HỌP TOÀN THỂ MSEAP 4

25/09/2019

Trong Phiên họp toàn thể Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 4 (MSEAP4) diễn ra tại thủ đô Nur Sultan của Kazakhstan, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có phát biểu tại hội nghị. Cổng Thông tin điện tử Quốc hội trân trọng giới thiệu toàn văn phát biểu.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Thưa Ngài Nurlan Nigmatulin, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan,

Thưa Ngài Vyacheslav Viktorovich Volodin, Chủ tịch Duma Quốc gia LB Nga,

Thưa Ngài Moon Hee Sang, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc,

Thưa các vị Trưởng đoàn, Thưa các quý Bà, quý Ông,

Thay mặt Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôi xin gửi lời chào trân trọng và lời cảm ơn sâu sắc tới Ngài Chủ tịch Hạ viện Kazakhstan, Ngài Chủ tịch Duma Quốc gia Liên bang Nga và Ngài Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc về lời mời tham dự “Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 4” tại thủ đô Nur-Sultan xinh đẹp của Kazakhstan. Cám ơn Nghị viện nước chủ nhà đã dành cho Đoàn Việt Nam sự đón tiếp trọng thị, chu đáo.

Thưa Ngài Chủ tịch,

Thưa toàn thể quý vị,

Thế giới chúng ta đang sống đang trải qua những thay đổi nhanh chóng và phức tạp. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang thúc đẩy nhân loại bước sang thời đại mới, làm thay đổi trật tự thế giới về cả chính trị, kinh tế - xã hội. Sự cạnh tranh địa chính trị giữa các quốc gia ngày càng mạnh mẽ, chủ nghĩa đa phương đối mặt với nhiều thách thức do sự nổi lên của chủ nghĩa cực đoan, chủ nghĩa đơn phương, cùng với đó là các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng gay gắt. Bối cảnh phát triển này đặt ra những yêu cầu mới đối với hệ thống hợp tác đa phương trong khu vực và trên thế giới; theo đó Liên minh kinh tế Á - Âu có nhiều nỗ lực và sáng kiến hợp tác và hội nhập, thúc đẩy tự do hóa thương mại, tăng cường hợp tác đầu tư, hướng tới một tương lai thịnh vượng chung của không gian Á - Âu.

Trong bối cảnh tình hình thế giới hiện nay, chúng ta cần tiếp tục nỗ lực thúc đẩy các tiến trình đối thoại, xây dựng và củng cố lòng tin, mở rộng quan hệ đối tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế, giải quyết những khác biệt, tranh chấp thông qua đối thoại hòa bình dựa trên các nguyên tắc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc, tôn trọng, hiểu biết và tin cậy lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, đồng thời đề cao trách nhiệm của các quốc gia. Lòng tin và sự chân thành là khởi nguồn của các quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu bền. Quan hệ đối tác cần được triển khai ở các cấp độ, giữa các quốc gia, giữa các tổ chức khu vực và quốc tế, giữa các nhà hoạch định chính sách, thực thi chính sách với các nhà lập pháp, nghị sỹ các nước, giữa người dân và các chủ thể khác trong toàn xã hội. Với tinh thần đó, Quốc hội Việt Nam đánh giá cao vai trò của Nga - Hàn Quốc - Kazakhstan trong việc duy trì phát huy ảnh hưởng diễn đàn này. Chủ đề hội nghị về “đối thoại, tin cậy và đối tác” là nội dung mang tính xuyên suốt, định hướng cho các thảo luận của chúng ta tại hội nghị, đặc biệt ưu tiên tập trung vào các vấn đề mà chúng ta quan tâm là hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững.

Thưa quý vị,

Việt Nam với trách nhiệm của mình luôn kiên trì thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Thông qua các cơ chế hợp tác hiện nay như IPU, AIPA, APPF, ASEP và MSEAP, Quốc hội Việt Nam sẵn sàng tăng cường thảo luận về hợp tác nghị viện để chúng ta cùng chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ lẫn nhau đưa ra các sáng kiến cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu, thực thi hiệu quả các cam kết, đóng góp vào hòa bình, an ninh, phồn thịnh của khu vực và thế giới.

Nhân dịp diễn đàn quan trọng này, tôi xin đề xuất với Hội nghị một số nội dung sau:

1. Tăng cường xây dựng lòng tin, hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau; thúc đẩy hợp tác, đối thoại, trao đổi kinh nghiệm trên lĩnh vực quốc hội để Quốc hội và Nghị viện chúng ta trao đổi kinh nghiệm, tăng cường hợp tác cùng phát triển, đem lại hòa bình, ổn định và thịnh vượng cho mọi người dân trên cơ sở tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và các nguyên tắc, chuẩn mực ứng xử chung đã trở thành giá trị của toàn nhân loại.

2. Đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu; thúc đẩy hợp tác Á - Âu trong chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực quốc gia nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và thích ứng với những biến đổi mạnh mẽ của thời đại cách mạng công nghiệp lần thứ 4.

3. Chú trọng các hoạt động giao lưu văn hóa và nhân dân trong khu vực Á - Âu, nơi giao thoa giữa hai nền văn hóa châu Á và châu Âu, vốn đa dạng về lịch sử, văn hóa, chính trị, qua đó xây dựng một nền văn hóa, đối thoại hợp tác vì hòa bình, khoan dung và hòa hợp giữa các nước.

4. Ủng hộ nỗ lực của các nước Á - Âu xây dựng cơ chế hợp tác nghị viện Á - Âu thành một diễn đàn mạnh mẽ, hoạt động chặt chẽ và hiệu quả; mở rộng sự tham gia của nghị viện các quốc gia trong khu vực .

5. Kết nối MSEAP với các diễn đàn, tổ chức hợp tác liên nghị viện khác trên thế giới như IPU, APPF, AIPA, APA nhằm bổ sung và tăng cường hoạt động ngoại giao nghị viện trên thế giới, song hành cùng các tổ chức hợp tác quốc tế và khu vực như Liên hợp quốc, Liên minh Châu Âu, Cộng đồng ASEAN...

Quốc hội Việt Nam chúc mừng Kazakhstan đã làm tốt vai trò nước chủ nhà tổ chức hội nghị này.

Xin chúc các vị Chủ tịch, các Trưởng đoàn và toàn thể quý vị sức khỏe và thành công.

Xin trân trọng cảm ơn!