PHÁT BIỂU CỦA PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC QUỐC HỘI TÒNG THỊ PHÓNG TẠI PHIÊN KHAI MẠC HỘI NGHỊ QUỐC TẾ VỀ ''TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ TRONG XÂY DỰNG VÀ CỦNG CỐ HOÀ BÌNH: TỪ CAM KẾT TỚI KẾT QUẢ''

07/12/2020

Tối ngày 07/12, tại Hà Nội, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng đã có phát biểu tại phiên khai mạc Hội nghị quốc tế về ''Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả''. Cổng TTĐTQH trân trọng giới thiệu toàn văn:

 

Toàn cảnh Hội nghị

 

Kính thưa các quý vị đại biểu,

Tôi rất vui mừng và cảm ơn khi tới dự và phát biểu tại Hội nghị quan trọng của Liên hợp quốc với chủ đề rất thiết thực và ý nghĩa, đó là: “Tăng cường vai trò của phụ nữ trong xây dựng và củng cố hòa bình: Từ cam kết tới kết quả”. Với sự tham gia chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh cùng các vị đại biểu có mặt từ Hà Nội, Việt Nam, chúng tôi bày tỏ sự hưởng ứng mạnh mẽ của Việt Nam với chủ đề của Hội nghị. Nhằm xây dựng và củng cố hòa bình toàn cầu và cùng đánh giá lại việc thực hiện Nghị quyết của Liên hợp quốc, cùng tôn vinh phụ nữ vì hòa bình và sự đóng góp xây dựng đất nước trong thời kỳ mới.

Thưa các quý vị,

Lịch sử nhân loại đã trải qua nhiều cuộc xung đột lớn nhỏ, trong đó, hai cuộc thế chiến đẫm máu ở thế kỷ 20, đã gây bao đau thương, mất mát. Lịch sử nhân loại cũng thấm đượm khát vọng và đấu tranh của các dân tộc để được sống trong hoà bình. Sự ra đời của Liên hợp quốc đã thắp sáng niềm hy vọng của cộng đồng quốc tế vào một thế giới hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn. Khát vọng cao cả, chính đáng đó, ngày nay vẫn cháy bỏng, nhưng cuộc đấu tranh còn nhiều khó khăn vì còn có xung đột; nghèo đói vẫn tiếp diễn ở nhiều nơi, đang đe doạ cuộc sống của hàng trăm triệu người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.

Uỷ viên Bộ Chính trị - Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng

Trên hành trình lâu dài đó: người phụ nữ giữ vai trò quan trọng và đóng góp to lớn. Họ giữ gìn tình thương yêu ấm áp trong mỗi gia đình; là hậu phương vững chắc và giàu đức hy sinh; là những chiến sĩ kiên cường, dũng cảm; là những nhà ngoại giao sắc bén, tinh tế trên bàn đàm phán hòa bình và cũng là những nhà lãnh đạo tài năng, đầy cảm thông. Ở các điểm nóng xung đột ác liệt nhất trên thế giới, các nữ chiến sĩ của lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, các nhà hoà giải xung đột, các vị lãnh đạo các cộng đồng và quốc gia là phụ nữ đang cống hiến không mệt mỏi để ươm mầm xanh cho hòa bình, phát triển và tạo dựng tương lai cho biết bao thế hệ con người. Thực tiễn đã cho thấy vai trò của phụ nữ, sự tham gia của phụ nữ không chỉ là điều kiện tiên quyết cho hòa bình, an ninh và phát triển tại nhiều quốc gia, khu vực, mà còn đóng góp trực tiếp cho cuộc đấu tranh bền bỉ vì bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ trên toàn cầu.

Thưa quý vị đại biểu,

Với tư tưởng độc lập, tự do, cho quyền được sống, được hưởng hòa bình, hạnh phúc nên cách đây 20 năm, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã thông qua Nghị quyết 1325. Đây là lần đầu tiên khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong phòng ngừa xung đột, cũng như trong xây dựng và củng cố hòa bình của thế giới. Từ đó tới nay, cộng đồng quốc tế đã duy trì quyết tâm mạnh mẽ trong tư duy và hành động đối với chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh cũng như các cam kết quốc tế quan trọng khác. Cụ thể: Cương lĩnh hành động Bắc Kinh và Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững. Các cam kết quan trọng này cũng đã được hiện thực hoá và lồng ghép trong nhiều khuôn khổ pháp lý, chính sách và các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, trong đó có việc xây dựng và thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về Phụ nữ, Hòa bình và An ninh.

Tuy vậy, chúng ta cần thẳng thắn nhìn nhận rằng: Từ cam kết đến kết quả vẫn còn một khoảng cách dài trước những khó khăn, thách thức đối với các mục tiêu đề ra trong chương trình nghị sự này. Tính mạng, nhân phẩm và các quyền cơ bản của phụ nữ vẫn bị đe dọa trong môi trường an ninh khu vực và toàn cầu ngày càng phức tạp và bất ổn; nhiều nơi xung đột, bạo lực, đặc biệt là bạo lực về giới vẫn tiếp diễn; cùng với các thách thức như nghèo đói, dịch bệnh, thảm họa thiên tai do biến đổi khí hậu; khủng bố; tội phạm ảnh hưởng không nhỏ đến phụ nữ và trẻ em. Sự hiện diện và đóng góp của phụ nữ trong các tiến trình tham gia các hoạt động đàm phán, hoà giải, gìn giữ hoà bình quốc tế còn rất khiêm tốn. Bên cạnh đó, những rào cản về giới trong xã hội vẫn là cản trở đối với mong muốn chính đáng, nỗ lực vươn lên của những người phụ nữ.

Thưa các quý vị,

Những khó khăn, thách thức này, đặc biệt đặt trong bối cảnh đại dịch COVID-19, đã cho thấy sự cấp thiết phải tăng cường hơn nữa các nỗ lực nhằm tạo điều kiện và đảm bảo cho phụ nữ tham gia đầy đủ, bình đẳng và có ý nghĩa trong các tiến trình ngăn ngừa, giải quyết và tái thiết hậu xung đột, gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển bền vững và gắn kết xã hội - những yếu tố then chốt giúp xây dựng và củng cố một nền hoà bình bền vững, bao trùm. Để làm được điều này, tôi đề nghị chúng ta cần tập trung nỗ lực trên ba phương diện chính:

Thứ nhất, tăng cường và thống nhất nhận thức trong xã hội và ở mọi cấp độ về vai trò của phụ nữ trong các tiến trình hoà bình và tái thiết hậu xung đột, góp phần xoá bỏ các rào cản và định kiến giới cũng như bảo vệ và đáp ứng tốt hơn quyền, lợi ích và nhu cầu thiết yếu của phụ nữ và trẻ em gái trong và sau xung đột.

Thứ hai, phụ nữ cần được đặt ở vị trí quan trọng trong các chính sách, chiến lược, sáng kiến ở cấp quốc gia, khu vực và quốc tế về an ninh và phát triển, bao gồm cả các nỗ lực giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống. Theo đó, phụ nữ không chỉ là đối tượng trực tiếp thụ hưởng thành quả của hòa bình và tiến bộ xã hội, mà còn được trang bị kiến thức và kỹ năng, trao quyền về kinh tế và chính trị, tạo điều kiện tiếp cận khoa học và công nghệ để tham gia đầy đủ và bình đẳng vào quá trình ra quyết định và xây dựng chính sách.

Thứ ba, cộng đồng quốc tế cần duy trì quyết tâm chính trị và cụ thể hóa các cam kết thực hiện Chương trình nghị sự về Phụ nữ, Hòa bình, An ninh, gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs). Đồng thời cần tăng cường hợp tác quốc tế và chia sẻ nguồn lực, kinh nghiệm để kết nối các nỗ lực, nâng cao hiệu quả triển khai nhằm đạt những kết quả thực chất, bền vững. Trong tiến trình đó, các nước đang phát triển cần được quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi về tài chính, công nghệ, tiếp cận thị trường để tiến kịp với thời đại.

Thưa các quý vị,

Cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, với chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam luôn in đậm dấu ấn và đóng góp của người phụ nữ. Phụ nữ Việt Nam, với truyền thống quý báu “Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”, đã đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng hoà bình, phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế và tạo dựng bản sắc văn hoá của dân tộc, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”. Trong chiến tranh, phụ nữ Việt Nam là hậu phương vững chắc cho tiền tuyến nhưng cũng là những người chịu nhiều thiệt thòi nhất. Việt Nam với nhiều phong trào thi đua đã nhanh chóng tập hợp, phát triển thành những cao trào cách mạng sôi nổi, rộng lớn, huy động sức mạnh tổng hợp của hàng chục triệu phụ nữ từ mọi miền đất nước tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nay, chiến tranh tuy đã lùi xa hàng chục năm, nhưng rất nhiều người mẹ, người vợ các chiến sĩ cách mạng Việt Nam vẫn còn vẹn nguyên ký ức về: cuộc chiến hào hùng của dân tộc và niềm tự hào khi những người chồng, người con của họ, đã góp phần đấu tranh cho độc lập, tự do, hòa bình cho Tổ quốc hôm nay. Nhà nước Việt Nam đã tôn vinh Danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đây là sự ghi nhận của Tổ quốc với công lao to lớn và sự hy sinh của các bà mẹ Việt Nam.

Chủ trương nhất quán của Đảng cộng sản Việt Nam, Nhà nước Việt Nam là luôn phát huy cao độ vai trò và tiềm năng to lớn của phụ nữ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nâng cao địa vị phụ nữ và thúc đẩy bình đẳng giới trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội. Những định hướng lớn này đã được thể chế hóa trong Hiến pháp, Luật bình đẳng giới và nhiều văn bản trong hệ thống pháp luật Việt Nam, đã có chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ nay đến năm 2030, góp phần tăng cường đóng góp của phụ nữ trong thực hiện mục tiêu đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2045.

Với quyết tâm cao nhất và sự đồng lòng, đoàn kết của toàn dân, Việt Nam đã và đang nỗ lực cụ thể hóa những chủ trương, chính sách nói trên thành những kết quả đáng tự hào. Phụ nữ Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong các quá trình hoạch định chính sách. Nhiều phụ nữ Việt Nam ưu tú đang giữ cương vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đó là: Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Trưởng Ban dân vận Trung ương. Tỉ lệ đại biểu nữ tại Quốc hội Việt Nam chiếm 27%, nhiều phụ nữ là anh hùng lực lượng vũ trang, anh hùng lao động, là các nhà ngoại giao, các nhà lập pháp, nhà khoa học, những người sản xuất giỏi, người có uy tín, văn nghệ sĩ tiêu biểu; hàng ngàn phụ nữ là chủ doanh nghiệp đã đóng góp cho sự chuyển mình mạnh mẽ của đất nước. Nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới được nâng lên; công tác bình đẳng giới tại Việt Nam đã được Liên hợp quốc đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ (MDGs).

Với vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2020 và Chủ tịch AIPA 41, Việt Nam đã góp tiếng nói mạnh mẽ khẳng định vai trò và đóng góp của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống. Việt Nam cũng đã thúc đẩy nhiều sáng kiến cho Hội nghị và Phiên họp cấp cao về tăng quyền năng cho phụ nữ, thúc đẩy vai trò của phụ nữ vì hòa bình và an ninh bền vững, lần đầu tiên được tổ chức trong khuôn khổ ASEAN.

Tại Liên hợp quốc, trên cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đã cùng các nước xây dựng Nghị quyết số 1889 năm 2009 về phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn hậu xung đột và sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy vấn đề Phụ nữ, Hòa bình, An ninh trong nhiệm kỳ 2020-2021. Tại Cộng hòa Trung Phi và Nam Xu-đăng, những nữ quân nhân Việt Nam là những chiến sĩ đang cống hiến cho sứ mệnh gìn giữ hòa bình cao cả được Liên hợp quốc giao phó. Đến nay, khoảng 17% lực lượng của Việt Nam được cử tham gia hoạt động gìn giữ hoà bình là phụ nữ và sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới. Vừa qua, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết về tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho việc bảo đảm bình đẳng giới và tăng cường sự tham gia của phụ nữ trong hoạt động quan trọng này.    

Thưa các quý vị,

75 năm trước đây, từ thân phận người dân của nước thuộc địa, cuộc sống của người dân lầm than, từ bóng tối của sự nghèo nàn, lạc hậu của chế độ thực dân, phong kiến áp bức, dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: Dân tộc Việt Nam, với ý chí Việt Nam đã đấu tranh thắng lợi giành lại nền độc lập, tự do cho con người Việt Nam, khẳng định quyền của một nước Việt Nam độc lập, tự do, giải phóng con người, giành lại quyền sống, quyền bình đẳng cho con người, trong đó có vai trò, quyền lợi của người phụ nữ mà Bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam độc lập năm 1946 đã khẳng định: “Phụ nữ và nam giới ngang nhau về mọi phương diện”.

Hôm nay, từ Thủ đô Hà Nội của Việt Nam – thành phố đã được Tổ chức UNESCO vinh danh là “thành phố vì hoà bình”, tôi và chúng ta tin tưởng, đánh giá cao chủ đề Hội nghị, cho rằng Hội nghị là cơ hội để chúng ta bày tỏ sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam, phụ nữ Việt Nam, tiếp tục đóng góp vào việc xây dựng một thế giới không còn chiến tranh, không bạo lực, không còn sự kỳ thị, một thế giới của hoà bình bền vững, mọi người đều được sống trong hòa bình, nơi người phụ nữ trở thành chủ nhân của chính vận mệnh của mình.

Tôi xin chúc quý vị sức khoẻ, hạnh phúc và chúc Hội nghị thành công tốt đẹp.

Xin trân trọng cám ơn./.