PHÓ CHỦ TỊCH QUỐC HỘI PHÙNG QUỐC HIỂN: CHÚNG TA KHÔNG CHỈ DUY TRÌ ĐÀ TĂNG TRƯỞNG MÀ CÒN GIỮ ĐƯỢC SỰ ỔN ĐỊNH XÃ HỘI VÀ GIA TĂNG NIỀM TIN CỦA NHÂN DÂN

10/02/2021

Năm qua, trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm do tác động của dịch COVID-19 thì kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương gần 3%. Điều này góp phần làm cho GDP Việt Nam giai đoạn 2016 – 2020 tăng trung bình 5,9%/năm, giúp Việt Nam thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất trong khu vực và trên thế giới.



Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển trả lời phỏng vấn

Nhân dịp đầu xuân Tân Sửu 2021, phóng viên Truyền hình QHVN đã có cuộc phỏng vấn Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển về những kết quả đã đạt được trong năm 2020, cũng như những định hướng phát triển trong năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 – 2025.

Phóng viên: Trước hết, xin trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội đã nhận lời trả lời phỏng vấn của Truyền hình Quốc hội Việt Nam. Thưa Phó Chủ tịch Quốc hội, kinh tế thế giới và VN phải đối mặt với cú sốc lớn nhất toàn cầu trong nhiều thập kỷ qua, Ngân hàng Thế giới dự báo năm 2020 trong khi kinh tế thế giới dự kiến suy giảm ít nhất 4% thì Việt Nam vẫn đạt mức  tăng trưởng khá,  IMF thì dự báo là một trong 4 nền kinh tế trên thế giới có được sự tăng trưởng về GDP bình quân đầu người. Phó Chủ tịch Quốc hội có thể phân tích về những điểm sáng của kinh tế nước ta trong năm 2020?
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Nhìn lại năm 2020, thì thấy đúng là một năm chúng ta có rất nhiều cố gắng nhưng chúng ta gặp nhiều thách thức. Có thể nói là những thách thức chưa từng có.

Nếu như đánh giá cuộc khủng hoảng tài chính, kinh tế năm 2008 là một cú sốc rất nặng đến nền kinh tế Việt Nam và thế giới, thì đại dịch Covid 19 là một đại dịch tác động rất mạnh đến nền kinh tế của Việt Nam và thế giới, hơn cả khủng hoảng tài chính năm 2008. Và thậm chí người ta còn nói rằng, kể từ cuộc đại khủng hoảng năm 1929-1933, thì đến nay cũng chưa có cuộc khủng hoảng nào lớn như vậy. Cho nên tôi hoàn toàn đồng tình với các định chế tài chính trên thế giới rằng, khủng hoảng do đại dịch Covid 19 đem lại đã làm cho tăng trưởng kinh tế của thế giới âm từ 4%-6%. Đây là một con số tôi cho là rất sát với thực tế.

Điều rất đáng mừng là mặc dù Việt Nam bị tác động không nhỏ bởi đại dịch Covid 19 và nền kinh tế Việt Nam lại là một nền kinh tế có độ mở rất lớn, những tác động của khu vực cũng như của thế giới thì đều tác động mạnh đến chúng ta và chúng ta cũng đã trải qua 3 làn sóng dịch nhưng mà chúng ta đã đẩy lùi được. Chúng ta không những đẩy lùi dịch Covid 19 mà còn giữ được tăng trưởng kinh tế nước ta dương. Đó là điều đáng mừng, vì chúng ta thấy rằng hầu như các nền kinh tế trên thế giới đều tăng trưởng âm cả và chỉ có 4 nền kinh tế tăng trưởng trong đó có Việt Nam.

Nhưng điều quan trọng nhất của nền kinh tế Việt Nam không chỉ là vấn đề tăng trưởng, mà chúng ta vẫn giữ được sự ổn định của xã hội; niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước đã được nâng lên; vị thế của Việt Nam trên thị trường Quốc tế được tăng cường. Và bạn bè thế giới thì người ta nhìn Việt Nam với con mắt hết sức khâm phục, nhất là năm 2020 là năm chúng ta là chủ tịch của Hội đồng bảo an liên hợp Quốc và cũng là chủ tịch của Asean và AIPA thì càng nâng lên tầm vóc của Việt Nam. Đó là một điểm cộng, một dấu son rất quan trọng, và với toàn bộ sự khiêm tốn, chúng ta có quyền tự hào về những gì đã đạt được của Việt Nam trong năm 2020.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển

Phóng viên: Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, đâu là những nhân tố chính đã giúp nền kinh tế nước ta đạt được những kết quả khả quan trong bối cảnh hết sức khó khăn như vậy?
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Có thể nói rằng, trước hết là xuất phát từ nội lực của chúng ta, xuất phát từ con đường chúng ta lựa chọn, một nền kinh tế thị trường nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chúng ta không chỉ chăm lo đến tăng trưởng kinh tế mà còn luôn tính đến sự ổn định xã hội, đảm bảo các trụ cột, vừa là phân phối theo lao động, vừa là thực hiện theo cơ chế thị trường, nhưng đồng thời chúng ta đảm bảo cơ chế an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, có 3 trụ cột này giúp chúng ta có bước đi hết sức vững chắc. Và chính con đường chúng ta lựa chọn đó với một tư duy hoàn toàn đổi mới là chúng ta từ phát triển theo chiều rộng, chuyển sang phát triển theo chiều sâu.

Chúng ta luôn luôn gắn tăng trưởng nhanh nhưng phải bền vững. Chính sự bền vững đó tạo ra một điều kiện, một điểm tỳ giúp chúng ta đạt được tăng trưởng. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn, với những điều kiện như hiện nay mà nền kinh tế đạt được tăng trưởng từ 2,5%-3% cũng là kết quả hết sức tốt đẹp rồi. Đấy là những điểm chúng ta tạo ra được những thay đổi, những điều khác căn bản so với một số nền kinh tế khác.
 
Phóng viên: Vậy việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội có vai trò như thế nào đối với Chính phủ trong việc điều hành các lĩnh vực kinh tế, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?
 
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Rõ ràng chúng ta thấy các luật của Quốc hội và các nghị quyết của Quốc hội chính là sự cụ thể hoá đường lối quan điểm phát triển của Đảng ta. Và cũng khẳng định rằng, luật và các nghị quyết của Quốc hội chính là điểm tỳ pháp lý cho Chính phủ, là cơ quan chấp hành tổ chức thực hiện. Và khi điểm tỳ pháp lý đó vững chắc, có mục tiêu cụ thể, có những những giải pháp cụ thể thì sẽ là căn cứ rất tốt cho Chính phủ tổ chức thực hiện.

Trong 5 năm qua, những quyết sách của Quốc hội liên quan đến các mục tiêu phát triển về kinh tế xã hội, cũng như những cơ sở pháp lý mà Quốc hội đã thông qua, ví dụ như rất nhiều luật mới từ luật Quy hoạch, cho đến luật Đầu tư công, luật Đối tác công tư… đó phải nói là những luật rất mới, phù hợp với một cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa. Cùng với đó, chúng ta cũng có những quyết định liên quan đến những công trình trọng điểm quốc gia, rồi những quyết định về tài chính, những vấn đề về ngân sách. Nhất là 5 năm vừa qua, lần đầu tiên chúng ta xây dựng được kế hoạch tài chính 5 năm, rồi kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Và những căn cứ đó là những căn cứ rất chắc chắn, để cho Chính phủ tổ chức thực hiện và Chính phủ bám sát vào để tổ chức thực hiện, cho nên chúng ta đạt được những kết quả hết sức tích cực.

Tôi lấy ví dụ như là tăng trưởng của chúng ta mặc, dù là năm 2020 chỉ từ 2,5%-3%, nhưng tăng trưởng bình quân 5 năm chúng ta đã đạt là 5,9%. Đấy là một con số hết sức tích cực, và kinh tế vĩ mô ổn định. Trong đó, nợ công đã được đưa xuống mức rất an toàn, cơ cấu nợ thay đổi, CPI giữ được dưới 4%, dự trữ ngoại tệ đã tăng trên 80 tỷ USD. Với những yếu tố đạt được thì phải nói rằng, những chủ trương đường lối của Đảng, cũng như là pháp luật của Quốc hội đã đi vào cuộc sống và Chính phủ thực hiện, đã đạt được những thành công.

Phóng viên: Ngân hàng Thế giới dự báo: “Việt Nam đang đứng trước bước ngoặt để phục hồi sau dịch Covid-19. Quốc gia này đang có cơ hội để chọn con đường phát triển xanh hơn, thông minh hơn và bao trùm hơn”. Phó Chủ tịch Quốc hội có ý kiến như thế nào về nhận định này?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Tôi cho là đúng. Bởi cơ hội không đến một cách chốc lát, cơ hội đến từ công tác chuẩn bị của chúng ta, là chúng ta đã thay đổi tư duy trong những năm vừa qua. Đặc biệt 5 năm gần đây, chúng ta đã có thay đổi về sự phát triển, không chỉ là theo chiều rộng nữa, mà là theo chiều sâu. Và đặc biệt là trong các lĩnh vực mà chúng ta có thế mạnh thì chúng ta đã có thay đổi.

Ví dụ như nền nông nghiệp, chúng ta đã đi theo một nền nông nghiệp hữu cơ xanh, sạch và gắn với lại thị trường, đặc biệt là các thị trường khó tính. Trước đây chúng ta chỉ có những thế mạnh như là gạo, tiêu, điều, cà phê, nhưng bây giờ chúng ta không chỉ dừng ở đó mà có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp khác, nhất là rau - củ - quả, đã làm cho xuất khẩu nông nghiệp của chúng ta tăng cao, trên 41 tỷ USD, có 10 sản phẩm trên 1 tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, và đi vào những thị trường hết sức khó tính. Điều đó chứng minh rõ ràng là chúng ta đã thay đổi về quan điểm, tư duy trong những năm qua. Đây là cơ hội, nhất là sau đại dịch Covid-19, thì cơ cấu của chúng ta càng phải thay đổi. Đây có thể nói là trong nguy thì có cơ, và cơ hội đó đã đến với chúng ta.

Chúng ta đang có cơ hội để chuyển đổi. Và không chỉ là nông nghiệp, có những lĩnh vực như là công nghiệp cơ khí, chế biến chế tạo của chúng ta cũng là thay đổi rất căn bản. chúng ta đi vào những lĩnh vực mà có thể nói trước đây Việt Nam nghĩ rằng không bao giờ phát triển được, như là lĩnh vực điện tử chẳng hạn, thì bây giờ chúng ta đã có một nền công nghiệp điện tử, mặc dù chưa phải cao, vẫn còn là lắp ráp thôi, nhưng ta đã có một bước tiến rất quan trọng, đem lại kim ngạch xuất khẩu lớn, tạo điều kiện chúng ta có một nguồn thu nhập trong dân cư, cũng như là tiền thuế cũng đã tăng lên đáng kể.

Trong lĩnh vực dịch vụ cũng vậy, những sản phẩm dịch vụ cũng thay đổi, như những sản phẩm du lịch của chúng ta chẳng hạn, rất được khách Quốc tế ưa chuộng và Việt Nam đúng là một điểm đến trên thế giới. Rất tiếc là năm 2020, dịch Covid-19 đã xảy ra, làm cho số lượng khách du lịch Quốc tế giảm xuống nghiêm trọng. Nhưng rõ ràng du lịch trong nước chúng ta cũng lại khởi sắc, và giúp chúng ta giảm được những tổn thất do Covid-19 gây ra, và bớt đi những căng thẳng.

Phóng viên: Năm 2021 là năm chuyển sang giai đoạn mới với việc thực hiện kế hoạch 5 năm 2021-2025, vậy việc tổng kết lại những kinh nghiệm của 5 năm qua và xây dựng kế hoạch của giai đoạn mới có những điểm gì đáng chú ý, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Chúng ta bước vào năm 2021 đó là năm đầu tiên của kế hoạch 5 năm 2021-2025, nhưng đồng thời cũng là năm đầu tiên của chiến lược 10 năm giai đoạn 2021-2030. Và có thể nói rằng là, với những tiền đề, những cơ hội, rồi những tiềm năng và thế năng chúng ta đã có, thì đó là một cái đà để chúng ta có một năm 2021 sẽ có những kết quả khá thuận lợi. Cái đà đó chính là tiềm lực, vị thế, kinh nghiệm của chúng ta. Chúng ta có những kinh nghiệm, đó là chúng ta đã kiên trì với những mục tiêu của chúng ta.

Chúng ta luôn luôn phải lường trước được những khó khăn thách thức, không được chủ quan. Bởi hiện nay, chúng ta đang thấy rằng mọi thứ đều thuận lợi, nhưng có thể có những khó khăn mà chúng ta phải kiên trì vượt qua.

Thứ hai là phải đổi mới tư duy, đổi mới cách nghĩ và cách làm, chúng ta không thể “đường mòn nếp cũ” được. Trong điều kiện thế giới đang chuyển mình rất mạnh, khoa học công nghệ phát triển như vũ bão, chúng ta phải đổi mới tư duy. Chúng ta vừa phải củng cố những cái ta đã có, nhưng đồng thời, chúng ta cũng phải có những bước đột phá, để theo kịp sự phát triển của khoa học kỹ thuật, của thế giới.

Thứ 3 rất quan trọng, đó là chúng ta phải đào tạo nguồn nhân lực, nguồn nhân lực rất quan trọng, nếu chúng ta không có nguồn lực về tri thức, về trí thức, về trình độ khoa học kỹ thuật, về quản lý, về kỹ năng thì chúng ta khó có thể vượt qua được những khó khăn. Cho nên theo tôi, vấn đề giáo dục phải hết sức được chú trọng. Vấn đề nữa mà chúng ta phải làm đó là xây dựng một nền kinh tế độc lập tự chủ, những lĩnh vực then chốt và quan trọng, chúng ta phải duy trì được. Bởi vì đợt đại dịch Covid-19 vừa qua, khi nền kinh tế chúng ta buộc phải đóng cửa, và hạn chế hoạt động kinh tế với nước ngoài, chúng ta cũng có nhiều lĩnh vực gần như phải đóng băng, thậm chí phải sử dụng nguồn lực trong nước và sức mạnh nội sinh, thì chúng ta thấy là những lĩnh vực thiết yếu như nền công nghiệp dược, thuốc bảo vệ cho nhân dân, trang thiết bị cho y tế, nếu mà chúng ta không chủ động, chúng ta sẽ gặp khó khăn. Đại dịch Covid-19 khiến các nước đang phải tự cứu mình, vậy chúng ta như thế nào? Rõ ràng là chúng ta có độc lập của chúng ta, cho nên chúng ta vẫn duy trì được sự ổn định trong lĩnh vực bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân. Theo tôi, chúng ta phải luôn luôn đi từ lợi thế của mình. Mặc dù công nghiệp là sự dẫn dắt cho sự phát triển, nhưng rõ ràng nông nghiệp Việt Nam vẫn là xương sống, là bệ đỡ cho nền kinh tế. Và qua nhiều cuộc khủng hoảng kinh tế xảy ra, thì chúng ta đều thấy, nông nghiệp chính là bệ đỡ và giữ sự ổn định cho xã hội, nhất là vấn đề an ninh lương thực, đảm bảo lương thực và vật chất tối thiểu cho người dân. Đó chính là những bài học kinh nghiệm để thực hiện cho tốt.

Phóng viên: Đó là những bài học kinh nghiệm đã rút ra trong 5 năm qua. Vậy về kế hoạch trong giai đoạn tới là như thế nào, thưa Phó Chủ tịch Quốc hội?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Vừa qua, Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu, tham gia vào dự thảo nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, các văn kiện để trình ra Đại hội, cũng như là thảo luận bước đầu những nhiệm vụ kinh tế xã hội của 5 năm, rồi kế hoạch tài chính 5 năm, cũng như là kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm. Trong đó, chúng ta đã xác định rằng 5 năm tới, cũng như là tầm nhìn chiến lược 10 năm, và tầm nhìn đến năm 2045 kỷ niệm 100 năm thành lập nước, thì rõ ràng là chúng ta đã xây dựng được mục tiêu phù hợp với sự phát triển kinh tế xã hội cho từng giai đoạn.

Ví dụ như năm 2021 là năm mà chúng ta còn phải phục hồi, năm mà chúng ta coi như là chưa có vắc-xin để phòng bệnh. Cho nên năm 2021 vẫn là năm có nhiều khó khăn, Quốc hội chỉ quyết định tăng trưởng kinh tế là khoảng 6%, chứ không đặt ra như ban đầu là từ 6,5%-7%. Nhưng từ năm 2022 trở đi thì chúng ta bắt đầu tăng tốc để đạt được mục tiêu tăng trưởng từ 6,5%-7%, và thậm chí là phải cao hơn, để tạo đà cho những năm sau và nhiệm kỳ sau. Chúng ta cũng xác định là mặc dù khó khăn như vậy nhưng mà tăng trưởng về thu ngân sách của chúng ta vẫn phải là từ 1,1-1,2 lần so với nhiệm kỳ trước. Chúng ta phải bố trí cho đầu tư công khoảng 2,7 triệu tỷ đồng, cao hơn nhiệm kỳ trước khoảng 30%, và cũng xác định những mục tiêu quan trọng, trọng yếu cần đầu tư trong 5 năm tới. Chúng ta cũng phải xác định bội chi là bao nhiêu và khẳng định là nợ công chúng ta phải đưa xuống 60%.

Như vậy có thể nói rằng, Quốc hội đã định hình bước đầu về những mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội, ngân sách, cũng như là đầu tư công trong 5 năm tới, và đó sẽ là nguyên liệu rất quan trọng để cho Quốc hội khoá XV ngay từ kỳ họp thứ nhất có thể đưa ra được quyết định cho 5 năm tới, sau khi mà chúng ta có nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân mới, Phó Chủ tịch có nhắn gửi gì tới cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân và cử tri cả nước?

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển: Có thể nói là chúng ta rất vui mừng, chuẩn bị bước sang năm mới, năm Tân Sửu 2021, với một khí thế rất hồ hởi và phấn khởi, để đón chào sự thành công của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cũng như là mở ra một chương mới, một giai đoạn mới của sự phát triển đất nước.

Năm 2021 là một năm của sức sống, năm Tân Sửu- con Trâu mới, chúng ta sẽ có một khát vọng phát triển kinh tế-xã hội đất nước, mong muốn cho mọi người không chỉ ấm no mà còn phồn vinh và hạnh phúc. Tôi xin chúc cho nhân dân, cử tri, các doanh nghiệp cả nước, một năm an khang và thịnh vượng, đạt được những thành công to lớn, đặt những viên gạch đầu tiên cho nhiệm kỳ 5 năm, cũng như chiến lược phát triển kinh tế xã hội nhiệm kỳ 10 năm 2021-2030.

Phóng viên: Nhân dịp đầu xuân, xin kính chúc Phó Chủ tịch Quốc hội một năm mới sức khoẻ và thành công! Trân trọng cảm ơn Phó Chủ tịch Quốc hội!

Mùi Khánh Ly