ĐOÀN GIÁM SÁT, KIỂM TRA CÔNG TÁC BẦU CỬ CỦA UBTVQH LÀM VIỆC VỚI TỈNH NINH BÌNH

16/03/2021

Chiều 16/3, Đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng bầu cử Quốc gia do Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế của Hội đồng bầu cử Quốc gia làm Trưởng đoàn, đã làm việc với tỉnh Ninh Bình về công tác bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026.

 Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế của Hội đồng bầu cử Quốc gia phát biểu tại buổi làm việc

Tham gia Đoàn giám sát có lãnh đạo Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, Ủy ban Quốc phòng - An ninh, Ủy ban Pháp luật, Ủy ban về các vấn đề Xã hội của Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Ban Dân nguyện thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Về phía đại diện các Bộ tham gia Đoàn, có lãnh đạo Bộ Công an, Bộ Nội vụ, Bộ Y tế và Cục Tác chiến, Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban bầu cử tỉnh Ninh Bình cho biết: Triển khai Chỉ thị của Bộ Chính trị về công tác bầu cử và các văn bản có liên quan, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ủy ban bầu cử tỉnh đã giao trách nhiệm cho các sở, ban, ngành, đoàn thể trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được phân công triển khai thực hiện tốt các công việc có liên quan đến cuộc bầu cử đảm bảo cho cuộc bầu cử diễn ra dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân.

Đại diện Lãnh đạo tỉnh Ninh Bình

Cũng theo Chủ tịch Uỷ ban bầu cử tỉnh Ninh Bình, đến nay, tỉnh NInh Bình đã thành lập Ủy ban bầu cử các cấp tỉnh, huyện, xã, thành lập Ban bầu cử đại biểu Quốc hội ở mỗi đơn vị bầu cử, Ban bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân 3 cấp. Sau Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, số đại biểu Quốc hội được bầu tại tỉnh Ninh Bình là 06 người. Số lượng người được giới thiệu ứng cử: 12 người (trong đó: Trung ương giới thiệu 02 người; địa phương giới thiệu 10 người). Số đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Bình, nhiệm kỳ 2021-2026 được bầu là 50 đại biểu. Số lượng người được giới thiệu ứng cử: 100 người. Đến nay, tình hình an ninh, trật tự cho cuộc bầu cử luôn được đảm bảo, không xảy ra những vấn đề phức tạp ảnh hưởng đến quá trình chuẩn bị cho cuộc bầu cử. Công tác đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh Covid-19 trước, trong và sau bầu cử được đặc biệt quan tâm.

Thành viên Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc 

Các thành viên Đoàn giám sát, kiểm tra cho rằng, hệ thống văn bản hướng dẫn về bầu cử của tỉnh Ninh Bình rất đầy đủ. Số lượng người giới thiệu người ứng cử gấp đôi so với chỉ được bầu cho thấy công tác chuẩn bị tốt cho cuộc bầu cử. Một số ý kiến cũng đề nghị Ủy ban bầu cử tỉnh cần lưu ý để đạt tỷ lệ về đại biểu nữ, dân tộc, độ tuổi, đồng thời quan tâm đến việc tập huấn, kỹ năng phát biểu cho người ứng cử. Với đặc điểm của tỉnh Ninh Bình có các điểm du lịch thu hút nhiều du khách, một số ý kiến cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm đến công tác phòng chống dịch Covid-19, vấn đề an ninh phi truyền thống nhằm đảm bảo an toàn trước, trong ngày bầu cử.

Một số ý kiến khác của Đoàn giám sát, kiểm tra cũng đề nghị tỉnh cần quan tâm đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng trong vận động bầu cử, thông tin truyền thông về người ứng cử; phối hợp chặt chẽ giữa Công an, quân sự, Biên phòng trong đảm bảo an ninh chính trị, Trật tự an toàn xã hội phục vụ bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 trên địa bàn tỉnh.

Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhận định, đến thời điểm này, các bước chuẩn bị cho bầu cử của tỉnh cơ bản đã bám sát kế hoạch, đúng trình tự theo Luật bầu cử và nghị quyết của Hội đồng bầu cử Quốc gia. Thời gian từ nay đến ngày bầu cử 23/5 không còn nhiều; thậm chí tính từng ngày đối với từng mục công việc, Trưởng đoàn giám sát, kiểm tra cũng đề nghị cần phải tiếp tục nhận thức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 là sự kiện chính trị, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước và từng địa phương: “Đặc biệt là bám sát các quy định của Luật bầu cử và các hướng dẫn để triển khai cuộc bầu cử  bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân; tạo điều kiện thuận lợi nhất để Nhân dân thực hiện đầy đủ quyền làm chủ của mình trong việc lựa chọn, giới thiệu, bầu người có đủ đức, đủ tài, xứng đáng đại diện cho Nhân dân cả nước tại Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp”, Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nhấn mạnh.

Thành viên Đoàn Giám sát phát biểu tại buổi làm việc 

Trưởng đoàn giám sát, kiểm tra công tác bầu cử cũng đề nghị các cấp tỉnh tập trung làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp triển khai các khâu sau khi thu nhận hồ sơ ứng cử. Trước mắt, cần sớm chuyển hồ sơ ứng cử hợp lệ của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương  đến Hội đồng bầu cử Quốc gia; chuyển danh sách trích ngang lý lịch, bản sao tiểu sử tóm tắt và bản kê khai tài sản, thu nhập của người được giới thiệu ứng cử, người tự ứng cử tại địa phương đến Mặt trận Tổ quốc để tiến hành hiệp thương lần 2 bảo đảm đúng quy trình.

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế của Hội đồng bầu cử Quốc gia cho rằng tình hình an ninh, trật tự, cơ bản Ninh Bình ổn định, chưa có điểm nóng, tuy nhiên, cần phải tiếp tục nâng cao cảnh giác, đặc biệt chú trọng bảo đảm an ninh, trật tự tại những địa bàn trọng điểm, khu vực trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Cấp ủy, lãnh đạo các cấp cần tiếp tục chỉ đạo chặt chẽ việc xây dựng các phương án bảo đảm an ninh chính trị và trật tự, an toàn xã hội; giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân; ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hành động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối”.

 Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Hội đồng bầu cử Quốc gia, Trưởng Tiểu ban An ninh, trật tự và Y tế của Hội đồng bầu cử Quốc gia chủ trì buổi làm việc

Đại tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp phòng chống đại dịch Covid-19; chủ động xây dựng các phương án, kịch bản nhằm kịp thời ứng phó và tham mưu cho chính quyền khi tình huống dịch bệnh có thể xảy ra ở một số khu vực trong thời gian chuẩn bị và tổ chức bầu cử; chú ý khu vực tập trung đông người ở các khu du lịch, khu tâm linh.

Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền, chú trọng tuyên truyền, vận động ở cấp cơ sở, đến từng hộ gia đình, người dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử; các quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân; về vị trí, vai trò của Quốc hội và Hội đồng nhân dân trong bộ máy nhà nước; về vị trí, vai trò của người đại biểu nhân dân; phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, các chức sắc tôn giáo trong tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia bầu cử; động viên mọi cử tri nghiên cứu kỹ về danh sách người ứng cử, tự giác, tích cực và chủ động tham gia bầu cử, tránh tình trạng đi bầu hộ, bầu thay./.

Khắc Phục