Quốc hội thảo luận dự thảo Luật thủy lợi: Đề nghị xem xét tính khả thi của quy định hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi

08/06/2017

Sáng 08/6, theo chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường, thảo luận về dự án Luật thủy lợi dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Các đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành với nội dung báo cáo giải trình, tiếp thu của Ủy ban thường vụ Quốc hội, đồng thời góp ý kiến về quy định hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi sao cho phù hợp với các nhóm đối tượng, để đảm bảo tính hợp lý, công bằng, giảm thiểu những phức tạp cũng như khả năng bảo đảm của ngân sách.

Chủ nhiệm Ủy ban KHCN&MT Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật thủy lợi

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật của Ủy ban thường vụ Quốc hội, tại Kỳ họp thứ 2 khi cho ý kiến lần đầu về dự án Luật thủy lợi có ý kiến đề nghị cần quy định cụ thể đối tượng được hỗ trợ toàn bộ, đối tượng được hỗ trợ một phần tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; vì đây là một chính sách quan trọng và ảnh hưởng lớn tới khả năng cân đối ngân sách của nhà nước khi chúng ta chuyển đổi cơ chế tài chính của dịch vụ thủy lợi từ phí sang giá. Nhận thấy ý kiến trên là xác đáng, Ủy ban thường vụ Quốc hội chỉnh sửa vấn đề này tại Điều 37 của Dự thảo Luật.

Khoản 1 Điều 37 dự thảo Luật quy định về hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi như sau: Trong từng thời kỳ, căn cứ khả năng ngân sách nhà nước, Nhà nước hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thuỷ lợi, phạm vi tính từ công trình đầu mối đến điểm giao nhận sản phẩm, dịch vụ thủy lợi không phân biệt nguồn vốn đầu tư trong các trường hợp: a) Hỗ trợ toàn bộ cho hộ nghèo; hộ cận nghèo thuộc gia đình chính sách; đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào ở miền núi, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; b) Hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho cá nhân, hộ gia đình trồng cây lương thực và làm muối; c) Hỗ trợ một phần cho cá nhân, hộ gia đình trồng rau, màu, nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Lâm Thành – tỉnh Lạng Sơn cho rằng cần cân nhắc quy định này trên cơ sở xem xét ba khía cạnh. Một là, về đối tượng với quy định như trên thì số đối tượng thụ hưởng sẽ rất lớn có thể đến hàng 10 triệu hộ vì tới 65% dân số nước ta sống về nông nghiệp, sức ép về chi trả sẽ rất lớn. Hai là, tính phức tạp cho việc chi trả mức chi trả theo hộ, theo nhân khẩu, theo diện tích sử dụng hay theo khối lượng nước? Trong khi các thông số này biến động liên tục và khó xác định. Bên cạnh đó, quá trình chi trả sẽ tốn nhiều công sức, phức tạp về thủ tục và dễ nảy sinh mâu thuẫn. Ba là, tính công bằng sẽ xác định thế nào với hộ sử dụng nhiều, hộ sử dụng ít và những nơi mà hộ không có công trình thủy lợi.

Theo đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đây là một chính sách rất quan trọng cần có tính thực tiễn cao do vậy nên thiết kế theo hướng quy định việc miễn, giảm phù hợp cho các nhóm đối tượng và có căn cứ vào diện tích sử dụng để đảm bảo tính hợp lý, công bằng, giảm thiểu những phức tạp cũng như khả năng bảo đảm của ngân sách. Đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cần có giải trình và báo cáo tác động của chính sách này đầy đủ trước khi quyết định.

Đại biểu Nguyễn Lâm Thành đề nghị thiết kế Điều 37 sao cho đảm bảo tính hợp lý, công bằng      Ảnh: Đình Nam

Bày tỏ nhất trí với ý kiến của đại biểu Nguyễn Lâm Thành, đại biểu Lưu Đức Long – tỉnh Vĩnh Phúc bổ sung thêm đề nghị đối với trường hợp gia đình chính sách thì nên hỗ trợ toàn bộ.

Trong khi đó đại biểu Mai Thị Kim Nhung – tỉnh Quảng Trị đề nghị cần bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ. Đó là hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần cho hộ gia đình có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng. Hộ gia đình có người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng tham gia hoạt động sản xuất nông nghiệp thường là những hộ gia đình gặp khó khăn về kinh tế, vì vậy, cần được xem xét để được hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi. Việc hỗ trợ này là phù hợp, thống nhất với chính sách của Nhà nước đối với người khuyết tật được quy định tại Luật người khuyết tật.

Phát biểu tranh luận liên quan đến chính sách hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi quy định tại Điều 37, đại biểu Đinh Văn Nhã – tỉnh Phú Yên cho rằng Quốc hội cần thảo luận để có sự thống nhất cao về thực hiện chính sách hỗ trợ sao cho hợp lý.

Đại biểu Đinh Văn Nhã cho biết, chúng ta đang thực hiện chính sách thủy lợi phí, trước năm 2007 – 2008, một năm ngân sách nhà nước thu từ thủy lợi phí năm cao được 1.700 tỷ. Từ năm 2008-2009 khi Quốc hội khóa XII thông qua Nghị quyết thực hiện chính sách miễn giảm thủy lợi phí, thay vì ngân sách nhà nước thu vào hơn 1700 tỷ thì đến nay ngân sách nhà nước cân đối để hỗ trợ các công trình thủy nông trong phạm vi cả nước năm cao nhất khoảng gần 4000 tỷ năm 2016, bình quân mức bình thường là 2.500 - 3.000 tỷ. Tức là nhà nước phải bỏ tiền ra để thực hiện chính sách miễn giảm. Khi chúng ta thực hiện được chính sách thủy lợi phí, quyền quyết định của nhà nước miễn giảm cho các đối tượng là phù hợp với quy định của pháp luật.

Tuy nhiên, sắp tới nếu như Quốc hội thông qua cơ chế giá dịch vụ thì sự can thiệp của nhà nước vào để miễn giảm là rất khó. Bởi vì, nhà nước có thẩm quyền quy định khung giá, mức giá cụ thể, giá trở thành doanh thu của các công ty cung cấp nước. Việc quy định miễn, giảm ảnh hưởng đến doanh thu, ảnh hưởng đến lợi nhuận và không tạo được động lực để xã hội quan tâm. Cho nên việc chuyển sang cơ chế hỗ trợ là hoàn toàn hợp lý như quy định tại Điều 37.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đề nghị Quốc hội cần cân nhắc cách tiếp cận khi quy định Điều 37 dự thảo luật

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh – tỉnh Hoà Bình cho rằng cách tiếp cận trong luật là không khả thi và chi phí để tuân thủ quy định này còn cao hơn hiệu quả đạt được. Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh phân tích, tiếp cận theo đối tượng sản xuất lúa màu hay cây lương thực là không ổn vì các đối tượng này luân canh thường xuyên, có thể trồng rau, có thể cấy lúa, vậy lúc nào miễn, lúc nào hỗ trợ. Tiếp cận theo hoàn cảnh kinh tế và dân tộc thiểu số cũng càng khó khăn vì thế nào là nghèo, cận nghèo biến động thường xuyên, vùng đặc biệt khó khăn cũng biến động thường xuyên cần phải rà soát. Cho rằng cách tiếp cận trong luật không khả thi, đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc lại tiếp cận theo hai khía cạnh sau:

Một là hỗ trợ cho những người trực tiếp sản xuất, ai là người nông dân trực tiếp sản xuất với mảnh ruộng đó thì được hỗ trợ.

Hai là diện tích được hỗ trợ thì tùy theo khả năng có thể trong hạn điền theo quy định của Luật đất đai, 3 hecta đối với vùng đồng bằng, 2 hecta đối với vùng khác, cũng có thể 50% của mức hạn điền đó. Để đảm bảo sự công bằng cũng không nên ban hành những chính sách để tạo ra sự ỷ lại, đặc biệt đối với đối tượng hộ nghèo.

Tiếp thu những ý kiến tâm huyết của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường khẳng định, quy định về thực hiện chính sách ưu đãi, chính sách hỗ trợ cần phải thiết kế lại từ ngữ và phương thức tiếp cận để sau này vận hành không bị xáo trộn, để khi nghị định, thông tư ra đời phải sát với thực tiễn. 

Bảo Yến