Quốc hội thông qua Luật Quản lý ngoại thương

12/06/2017

Chiều 12/6, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV, với 433/435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 88,19%, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Quản lý ngoại thương.

Dự án luật Quản lý ngoại thương đã được Quốc hội đã cho ý kiến tại hội trường ngày 25/5/2017, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV. Đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý ngoại thương và dự thảo Luật.

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật về nguyên tắc áp dụng pháp luật (Điều 4); Về trách nhiệm quản lý nhà nước về ngoại thương (Điều 6); Về các hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương (Điều 7); Về áp dụng biện pháp cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu (Điều 9); Về các trường hợp ngoại lệ (Điều 14); Về áp dụng hạn ngạch xuất khẩu, hạn ngạch nhập khẩu, áp dụng biện pháp hạn ngạch thuế quan xuất khẩu, hạn ngạch thuế quan nhập khẩu (các điều 18, 19 và 21); Về chỉ định cửa khẩu xuất khẩu, nhập khẩu (Tiểu mục 4 Mục 2 Chương II); Về chỉ định thương nhân xuất khẩu, nhập khẩu (Tiểu mục 5 Mục 2 Chương II); Về quản lý theo giấy phép, điều kiện xuất khẩu, nhập khẩu (Mục 3 Chương II); Về nguyên tắc quản lý hoạt động quá cảnh hàng hóa (Điều 45); Về đại lý mua bán hàng hóa cho thương nhân nước ngoài (Tiểu mục 3 Mục 6 Chương II); Về quản lý hoạt động nhận gia công hàng hóa cho thương nhân nước ngoài (Điều 51); Về cơ chế điều hành hoạt động thương mại biên giới tại cửa khẩu biên giới trên đất liền (Điều 54); Về biện pháp quản lý hàng hóa đối với khu vực hải quan riêng (Mục 8 Chương II); Về biện pháp phòng vệ thương mại (Chương IV); Về các biện pháp phát triển hoạt động ngoại thương (Chương VI); Về giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương (Chương VII).

Kết quả biểu quyết thông qua Luật Quản lý ngoại thương

Theo đó, Luật Quản lý Ngoại thương được thông qua gồm 8 chương, 113 điều, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2018. Luật quy định về biện pháp quản lý ngoại thương, phát triển hoạt động ngoại thương; giải quyết tranh chấp về áp dụng biện pháp quản lý ngoại thương. Đối tượng áp dụng là cơ quan quản lý nhà nước, thương nhân tham gia hoạt động ngoại thương và tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài khác có liên quan.

Sau khi nghiên cứu dự án luật, các đại biểu Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua toàn bộ dự án Luật với 433/435 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm tỷ lệ 88,19% trong tổng số đại biểu Quốc hội.

Điều 7 dự thảo Luật quy định về 6 hành vi bị nghiêm cấm trong quản lý ngoại thương được các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua riêng, với 433/435 đại biểu tán thành, chiếm tỷ lệ 88,19% trong tổng số đại biểu Quốc hội.

Đặng Mai