Phiên họp thứ Ba hai của UBTVQH

25/07/2010

* Dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường: Không “đánh đồng” phí môi trường và thuế bảo vệ môi trường * Dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi): Có nên cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản hay không?

Ngày 23.7, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường và dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi).

Trình bày Báo cáo định hướng giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Thuế bảo vệ môi trường, Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Phùng Quốc Hiển khẳng định: bản chất của thuế bảo vệ môi trường là thuế gián thu, thu vào sản phẩm, hàng hóa mà khi sử dụng gây tác động xấu đến môi trường. Nguyên tắc áp dụng thuế là người nào sử dụng sản phẩm gây ô nhiễm thì người đó phải chịu thuế bảo vệ môi trường. Việc đánh thuế bảo vệ môi trường thể hiện định hướng và sự điều tiết của Nhà nước đối với việc tiêu dùng gây ô nhiễm nhằm hạn chế việc sử dụng các sản phẩm này; đồng thời tạo nguồn lực tài chính bù đắp chi phí bảo vệ môi trường. Thuế bảo vệ môi trường mang ý nghĩa xã hội, góp phần bảo vệ môi trường sống, bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển bền vững nên quy định người tiêu dùng là người chịu thuế còn người sản xuất, nhập khẩu có trách nhiệm nộp thuế là hợp lý. Trong khi đó, phí môi trường chỉ áp dụng trong quá trình sản xuất gây ô nhiễm môi trường. Người chịu phí và người nộp phí là người xả thải ra môi trường. Phí môi trường thường gắn với dịch vụ nhất định và được thu để bù đắp chi phí xử lý ô nhiễm môi trường. Với tính chất khác nhau giữa phí môi trường và thuế bảo vệ môi trường thì không thể lấy việc thực hiện nghĩa vụ thuế bảo vệ môi trường thay cho việc thực hiện nghĩa vụ nộp phí môi trường và ngược lại. Mặt khác, thực tế thu phí môi trường trong thời gian qua còn nhiều bất cập, số thu rất hạn chế, không đủ khắc phục hậu quả môi trường; nhiều đối tượng thuộc diện phải thực hiện nghĩa vụ tài chính do việc gây ảnh hưởng đến môi trường chưa được điều chỉnh. Do vậy, việc áp dụng cả thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường ở những công đoạn khác nhau là cần thiết.

Một số Ủy viên UBTVQH tán thành quan điểm trên. Bởi hiện nay phí mang tính bù đắp và hoàn trả thực chất, nên gây ô nhiễm bao nhiêu thì phải hoàn trả bấy nhiêu. Còn thuế bảo vệ môi trường không mang tính bù đắp hay hoàn trả trực tiếp. Không thể đánh đồng thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường. Tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho rằng: nên gộp thuế bảo vệ môi trường và phí môi trường thành một sắc thuế chung để tránh chồng lấn giữa thuế và phí trong quá trình áp dụng. Vì thực tế, thuế hay phí cũng đều là một khoản tiền doanh nghiệp phải nộp cho Nhà nước để bù đắp chi phí xử lý ô nhiễm môi trường.

Một số Ủy viên UBTVQH cho rằng, quy định 5 nhóm hàng hóa chịu thuế như dự thảo Luật trình QH tại Kỳ họp thứ Sáu là phù hợp với trình độ phát triển kinh tế của nước ta hiện nay; đồng thời cũng góp phần bảo đảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước và không gây tác động lớn đến sản xuất, kinh doanh. Song, có thể bổ sung một điều khoản quét để kịp thời bổ sung các đối tượng chịu thuế. Chủ tịch Hội đồng Dân tộc K’sor Phước đề nghị, cần nghiên cứu, rà soát để bổ sung thêm một số sản phẩm khi sử dụng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, đặc biệt là thuốc diệt cỏ và thuốc lá. Bởi thuốc diệt cỏ là hóa chất đang được sử dụng rộng rãi và gây ô nhiễm nghiêm trọng cho đất đai, nguồn nước, sức khỏe con người; còn thuốc lá là sản phẩm tác động rất xấu đến sức khỏe con người.

Trình bày Báo cáo một số vấn đề lớn của dự án Luật Khoáng sản (sửa đổi), Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền cho biết, tiếp thu ý kiến của các ĐBQH trong Kỳ họp thứ Bảy vừa qua, dự thảo Luật đã điều chỉnh quy định về quyền lợi của người dân tại địa phương có khoáng sản theo hướng: quy định rõ nguyên tắc phân chia nguồn thu trong hoạt động khoáng sản nhằm bảo đảm hài hòa lợi ích của địa phương- Nhà nước – doanh nghiệp và phù hợp với Luật Ngân sách Nhà nước. Tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản có trách nhiệm trong việc xây dựng, duy tu, bảo vệ cơ sở hạ tầng của địa phương, bảo đảm việc đền bù đất đai, nhất là đất sản xuất lúa, bảo vệ nguồn nước và môi trường để hạn chế thiệt hại do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; ưu tiên sử dụng và chuyển đổi nghề nghiệp cho lao động địa phương. Dự thảo Luật cũng quy định rõ hơn trách nhiệm của HĐND các cấp trong việc giám sát thực hiện nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động khoáng sản. Về chuyển nhượng quyền thăm dò khoáng sản, quyền khai thác khoáng sản, Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, nên cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, khai thác khoáng sản mà tổ chức, cá nhân có được thông qua đấu giá hoặc dự án đã có đầu tư nhất định trên thực địa. Đối với tổ chức, cá nhân khác có giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản nhưng chưa có đầu tư trên thực địa, nếu không tiếp tục thực hiện thăm dò, khác thác thì Nhà nước nên ra quyết định thu hồi để giao cho các tổ chức, cá nhân khác có nhu cầu và năng lực thực sự. Bởi trên thực tế, có tổ chức, cá nhân hoạt động khoáng sản do điều kiện khách quan không thể tiếp tục thực hiện dự án đầu tư, có nhu cầu chuyển nhượng dự án đã đầu tư để thu hồi vốn. Tuy nhiên, một số Ủy viên UBTVQH đề nghị không nên cho phép chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản để tránh tình trạng khai thác tùy tiện các tài nguyên khoáng sản. Theo Trưởng ban Dân nguyện Trần Thế Vượng, phương pháp đấu giá quyền khai thác khoáng sản đang được triển khai thực hiện, nhưng chỉ là hợp pháp hóa cho việc sử dụng quân xanh, quân đỏ nhằm che dấu việc chỉ định thầu của cơ quan quản lý. Nếu tiếp tục cho chuyển nhượng quyền thăm dò, quyền khai thác khoáng sản thì sẽ hình thành một lớp người chuyên đi chạy giấy phép, sau đó bán lại để thu lợi nhuận. Dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) không nên bật đèn xanh cho các hiện tượng tiêu cực này.

Về phân loại quy hoạch khoáng sản, nhiều Ủy viên UBTVQH đề nghị, để quản lý thống nhất tài nguyên khoáng sản, bảo đảm khoáng sản được thăm dò, khai thác hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, thì cần xây dựng quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung của cả nước. Đồng thời, cần quy định Bộ Tài nguyên và Môi trường là cơ quan lập quy hoạch thăm dò, khai thác khoáng sản chung để thống nhất quản lý Nhà nước về một đầu mối.

 

 

P.Thủy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/u)