Ủy ban Tư pháp Quốc hội xem xét kiến nghị phòng chống tội phạm

09/09/2010

Phiên họp toàn thể của Ủy ban Tư pháp Quốc hội diễn ra từ ngày 6-13/9 tại TP.HCM dưới sự chủ trì của đồng chí Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khóa XII.

Trong phiên họp ngày 8/9, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội tiến hành thẩm tra các báo cáo của Chính phủ, TAND tối cao và Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Đồng chí Trung tướng GS.TS Trần Đại Quang, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an (BCA) thay mặt Bộ trưởng BCA, thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm năm 2010.

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ về triển khai chủ trương, tăng cường hiệu lực quản lý của nhà nước trong công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm trên các lĩnh vực cũng như đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 09/CP, Chương trình quốc gia phòng, chống tội phạm… nhằm góp phần giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng và các hội nghị quốc tế, các hoạt động chính trị, lễ hội lớn.

Từ đầu năm 2010 đến nay, lực lượng Công an đã phát hiện, điều tra, bắt giữ, xử lý 341 vụ, 740 đối tượng trực tiếp hoặc có liên quan đến tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia; triệt phá 2.914 băng, nhóm tội phạm các loại, 6.014 vụ cờ bạc (25.786 đối tượng), 363 vụ mại dâm với 1.177 đối tượng; trong đó có nhiều băng ổ, nhóm tội phạm hình sự nguy hiểm, lưu manh chuyên nghiệp…

Tình hình tội phạm được kiềm chế, đã phát hiện 38.194 vụ pháp pháp hình sự, giảm 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Về tội phạm kinh tế, tham nhũng, sử dụng công nghệ cao phát hiện 9.373 vụ (giảm 8,08%), thiệt hại 3.536 tỷ đồng, tạm giữ tài sản trị giá hơn 1.000 tỷ đồng.

Về tình hình trật tự an toàn giao thông cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, tai nạn giao thông đường bộ giảm 0,35%, đường thủy giảm 31%...

Tuy nhiên, tình hình hoạt động của các loại tội phạm còn diễn biến phức tạp, nhất là tội phạm có tổ chức, tội phạm nguy hiểm, tội phạm sử dụng vũ khí “nóng” phạm tội, tội phạm ma túy, tội phạm sử dụng công nghệ cao; đặc biệt là gần 18.000 đối tượng đang bị truy nã, trong đó có 4.564 đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm chưa bị bắt giữ.

Để chủ động phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm thời gian tới, Chính phủ đã đưa ra 9 giải pháp cơ bản; trong đó, kiến nghị Quốc hội tiếp tục sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật, tạo hành lang pháp lý cho công tác phòng ngừa, đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, nhất là trên lĩnh vực bảo vệ mơi trường; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên lĩnh vực an ninh-trật tự; tăng cường lực lượng, phương tiện cho các lực lượng chuyên trách phòng, chống tội phạm ở cơ sở; mở các cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 09/CP của Chính phủ và Chương trình Quốc gia phòng, chống tội phạm; mở rộng quan hệ hợp tác trong đấu tranh phòng, chống tội phạm với các nước trong khuôn khổ tổ chức INTERPOL, ASEANAPOL và các diễn đàn song phương, đa phương...

Đồng thời, Chính phủ cũng kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tăng cường chỉ đạo xây dựng, sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật trên lĩnh vực an ninh-trật tự; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc giữa các cơ quan tư pháp trong điều tra, xử lý tội phạm...

 

Thanh Hải

(http://www.chinhphu.vn/)