Thường trực Ủy ban Kinh tế họp mở rộng

29/09/2011

Sáng 28.9, tại Hà Nội, Thường trực Ủy ban Kinh tế đã họp mở rộng thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền để chuẩn bị báo cáo thẩm tra dự án Luật trình UBTVQH tại Phiên họp thứ Ba tới.

Theo Tờ trình của Chính phủ, cùng với Nghị định 74 về phòng, chống rửa tiền, 6 năm qua, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này đã được ban hành, bước đầu tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản về phòng, chống rửa tiền tại nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn thời gian qua cho thấy, Nghị định 74 chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý cao nhất nên chưa giải quyết được một số quy định không đồng bộ giữa Nghị định này với các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nghị định cũng chưa đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền như: khái niệm rửa tiền chưa đồng nhất và chưa đáp ứng được các quy định tại Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống buôn bán bất hợp pháp chất ma túy và các chất hướng thần, Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia và Công ước của Liên Hiệp Quốc về chống tài trợ khủng bố, các khuyến nghị của Lực lượng đặc nhiệm tài chính và chống rửa tiền. Đại diện Ngân hàng Nhà nước – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cho rằng, vấn đề chống rửa tiền rất nhạy cảm, phức tạp với nhiều quy trình và cách thức, biện pháp đặc biệt. Tuy nhiên, đây là vấn đề khá mới mẻ ở nước ta cả về lý luận và thực tiễn; các khái niệm, thuật ngữ liên quan đến vấn đề này cũng chưa được phổ biến rộng rãi, thậm chí, một số cơ quan công quyền cũng chưa hiểu rõ. Trong khi đó, hệ thống công nghệ thông tin của phần lớn các tổ chức báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền. Việc rà soát khách hàng của nhiều tổ chức tín dụng còn thủ công, chưa tự động hóa nên hiệu quả chưa cao.

 

Thẩm tra sơ bộ dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, đa số ý kiến tại Phiên họp của Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với quan điểm của cơ quan soạn thảo. Theo đó, Luật Phòng, chống rửa tiền phải được xây dựng đồng bộ với các luật khác có liên quan, đặc biệt là Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Tương trợ tư pháp... Một số ý kiến đề nghị, cần quy định về các cơ chế, biện pháp phòng, chống rửa tiền áp dụng đối với tất cả các tổ chức tài chính, các cá nhân tổ chức kinh doanh ngành nghề phi tài chính có liên quan, nhất là trong lĩnh vực ngân hàng, chứng khoán, bất động sản để bảo đảm cơ chế đồng bộ, có hiệu quả trong việc phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các hành vi rửa tiền. Riêng về yêu cầu  đáp ứng các chuẩn mực và thông lệ quốc tế, các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã ký – đa số ý kiến nhất trí và cho rằng đây là yêu cầu quan trọng nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế của nước ta nhưng cũng đặc biệt đề nghị, cần xác định rõ nội luật hóa các cam kết này ở mức độ nào để vừa đáp ứng yêu cầu, chuẩn mực quốc tế vừa bảo đảm an ninh quốc gia, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ với hệ thống pháp luật và phù hợp với tình hình thực tiễn của nước ta. Theo các đại biểu, đây là yêu cầu quan trọng nhất khi xây dựng dự án Luật này. Về phạm vi điều chỉnh, đa số ý kiến đề nghị dự thảo Luật chỉ nên quy định về các biện pháp phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi rửa tiền và trách nhiệm của tổ chức, cơ quan, cá nhân trong phòng, chống rửa tiền, hợp tác quốc tế trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền – không nên điều chỉnh cả lĩnh vực phòng, chống tài trợ khủng bố...

P. Thúy

(http://daibieunhandan.vn)