Tại phiên họp thứ ba của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Ðổi mới mô hình quản lý rừng

13/10/2011

Hôm qua, 11-10, tại Hà Nội, Ủy ban Thường vụ QH khóa XIII tiếp tục phiên họp thứ ba (từ ngày 3 đến 5-10 và từ ngày 11 đến 14-10-2011) với sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng. Ðến dự có đại diện các bộ, ngành liên quan.

Mở đầu phiên họp, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, các thành viên Ủy ban Thường vụ QH đã nghe đại diện Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện dự án trồng mới năm triệu ha rừng giai đoạn 1998 - 2010 và nghe đại diện Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH trình bày báo cáo thẩm tra sơ bộ việc thực hiện các Nghị quyết của QH về dự án nói trên.

Ðánh giá kết quả đạt được sau  13  năm  thực  hiện dự án trồng mới năm triệu ha rừng, trong thảo luận, các ý kiến phát biểu cho rằng, việc quyết định chủ trương đầu tư dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của QH khóa X với các mục tiêu và nhiệm vụ đề ra là một chủ trương đúng, được nhân dân và các cấp chính quyền đồng tình ủng hộ, đến nay đã đạt được hiệu quả tổng hợp về kinh tế - xã hội thể hiện trên nhiều mặt. Dự án đã tạo sự chuyển biến lớn trong nhận thức về hiệu quả kinh tế - xã hội, môi trường của rừng; ý thức trách nhiệm về bảo vệ, phát triển rừng của các địa phương và người dân đã có bước chuyển biến rõ rệt. Công tác quản lý, bảo vệ rừng đã đạt được những kết quả đáng kể, diện tích rừng được bảo vệ 2.454.480 ha; diện tích rừng bị cháy giảm từ 60.732,24 ha (giai đoạn 1998 - 2005) xuống 13.525,57 ha (giai đoạn 2006 - 2010). Số vụ vi phạm pháp luật về bảo vệ và phát triển rừng có xu hướng giảm, năm 2010 giảm 46% so với năm 1998. Ðộ che phủ rừng tăng dần qua các năm từ 32% (năm 1998) lên 37,1% (năm 2005) và 39,5% (năm 2010). Ðộ che phủ rừng của nước ta là tương đối cao, trong khi nhiều nước trên thế giới tỷ lệ này có phần giảm đi. Dự án bước đầu hình thành vùng nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản. Huy động được nguồn vốn của toàn xã hội cho công tác trồng mới và bảo vệ rừng. Dự án góp phần phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự thay đổi trong cơ cấu kinh tế nông nghiệp; góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân; góp phần xóa đói, giảm nghèo, phát triển sản xuất, ổn định đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực nông thôn, miền núi. Dự án có hiệu quả tích cực về môi trường, góp phần giảm nhẹ thiên tai, bảo vệ hệ sinh thái, đa dạng sinh học, và đã tạo chuyển biến trong việc xã hội hóa lâm nghiệp.

Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH, cũng như nhiều ý kiến phát biểu đã chỉ ra một số hạn chế chủ yếu trong quá trình thực hiện dự án này. Ðó là, việc triển khai thực hiện dự án trồng mới 5 triệu ha rừng chưa bám sát Nghị quyết 08/1997/QH10 của Quốc hội, từ đó có sự thay đổi lớn về chỉ tiêu, nhiệm vụ của dự án trồng mới 5 triệu ha rừng, điều chỉnh chỉ trồng mới 3 triệu ha rừng theo Quyết định 661/QÐ-TTg. Việc tổ chức thực hiện dự án còn lúng túng, hoạt động của Ban chỉ đạo, Ban điều hành, Ban quản lý dự án trong giai đoạn 1998 - 2005 chưa hiệu quả. Công tác lập quy hoạch và quản lý thực hiện quy hoạch đất lâm nghiệp và quy hoạch ba loại rừng còn chậm, bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Việc quy hoạch diện tích đất lâm nghiệp không ổn định; việc triển khai thực hiện quy hoạch chậm, quy hoạch chủ yếu trên hồ sơ địa chính, chưa chú trọng việc cắm mốc ranh giới trên thực địa; có sự chênh lệch khi chuyển đổi mới số lượng lớn diện tích rừng phòng hộ sang rừng sản xuất sau quy hoạch. Một số vấn đề sau khi chuyển đổi quy hoạch như tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống người dân chưa được quan tâm tháo gỡ kịp thời. Việc giao đất, giao rừng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp thực hiện chưa tốt, chậm tiến độ; người dân làm nghề rừng thu nhập còn thấp, đời sống còn khó khăn. Việc cấp vốn ngân sách cho dự án còn chậm, cơ chế, chính sách cho vay vốn tín dụng còn bất cập, đặc biệt là nguồn vốn tín dụng cho trồng rừng sản xuất. Việc cho thuê đất lâm nghiệp đối với nhà đầu tư nước ngoài còn có nhiều vấn đề bất cập, gây bức xúc trong dư luận. Một số địa phương còn có tình trạng cấp giấy chứng nhận đầu tư ở những địa bàn trọng điểm về quốc phòng, an ninh hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư trên cả những diện tích đất rừng đã giao cho hộ gia đình quản lý. Ðộ che phủ rừng không đồng đều, chất lượng, trữ lượng rừng chưa cao, khả năng cung cấp gỗ của rừng còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp chế biến gỗ. Tình trạng chặt phá rừng trái phép và cháy rừng vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi, công tác bảo vệ rừng còn khó khăn, phức tạp...

Về kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011 - 2020 với mục tiêu: Tiếp tục quản lý, bảo vệ, phát triển và sử dụng hiệu quả, bền vững diện tích rừng hiện có và quỹ đất được quy hoạch cho phát triển lâm nghiệp để tăng độ che phủ rừng lên 42 - 43% vào năm 2015 và 44 - 45% vào năm 2020, góp phần đáp ứng các yêu cầu về môi trường cho quá trình phát triển bền vững của đất nước. Tuy nhiên, nhiều ý kiến phát biểu và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH cũng kiến nghị với Chính phủ: Nghiêm túc rút kinh nghiệm công tác chỉ đạo, điều hành, thực hiện dự án, đặc biệt là công tác quy hoạch, giao đất giao rừng, phương thức huy động nguồn vốn thực hiện Dự án cũng như việc tiếp thu giải quyết kiến nghị giám sát của QH, các cơ quan của QH và cử tri cả nước. Bảo vệ tốt diện tích rừng hiện có; ổn định quy hoạch sử dụng đất lâm nghiệp; có giải pháp hợp lý đối với những diện tích rừng đã cho nhà đầu tư nước ngoài thuê trồng rừng sản xuất để bảo đảm quyền lợi người dân địa phương. Sớm ban hành chính sách khai thác đối với những diện tích rừng đến chu kỳ thu hoạch của dự án; phát triển thị trường lâm sản và công nghiệp chế biến gỗ; có chính sách ưu đãi về vay vốn tín dụng trồng rừng sản xuất. Ðổi mới mô hình quản lý rừng theo chức năng từng loại rừng để nâng cao chất lượng, trữ lượng rừng; bảo đảm chính sách cho cộng đồng dân cư, địa phương nơi có rừng được hưởng lợi trực tiếp từ rừng mang lại. Chú trọng khai thác giá trị phòng hộ, bảo vệ môi trường, cảnh quan do rừng mang lại (ngoài giá trị lâm sản) để đầu tư trở lại cho người trồng rừng, tăng giá trị lao động lâm nghiệp

(http://www.nhandan.com.vn/)