Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân dự Phiên họp toàn thể lần thứ ba của Ủy ban Kinh tế

27/10/2011

Tối 26.10, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, Ủy ban Kinh tế đã tiến hành Phiên họp toàn thể lần thứ ba để thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền.

Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân tới dự.

 

Theo Tờ trình của Chính phủ, cùng với Nghị định 74 về phòng, chống rửa tiền, 6 năm qua, nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định này đã được ban hành, bước đầu tạo lập khuôn khổ pháp lý cơ bản về phòng, chống rửa tiền tại nước ta. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật về vấn đề này cho thấy, Nghị định 74 chưa phải là văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao nhất nên chưa giải quyết được một số quy định không đồng bộ giữa Nghị định này với các văn bản pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn. Nghị định cũng chưa nội luật hóa các chuẩn hóa về phòng chống rửa tiền được thể hiện trong các công ước, thỏa ước quốc tế mà Việt Nam tham gia. Đại diện Ngân hàng Nhà nước – cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật - cho rằng, vấn đề chống rửa tiền rất nhạy cảm, phức tạp với nhiều quy trình và cách thức, biện pháp đặc biệt. Bên cạnh đó, đây là lĩnh vực khá mới, với nhiều khái niệm, thuật ngữ chưa được người dân, cơ quan quản lý hiểu rõ. Hệ thống công nghệ thông tin của phần lớn các tổ chức báo cáo chưa đáp ứng được yêu cầu của công tác phòng, chống rửa tiền.

 

Thẩm tra dự án Luật Phòng, chống rửa tiền, các thành viên Ủy ban Kinh tế cơ bản tán thành với việc xây dựng và ban hành Luật Phòng, chống rửa tiền. Tuy nhiên, Luật này có phạm vi điều chỉnh rộng, nhiều nội dung liên quan đến các văn bản luật khác như Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật Ngân hàng Nhà nước, Luật Tổ chức tín dụng... Vì vậy, các thành viên Ủy ban Kinh tế đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo cần rà soát lại để bảo đảm sự thống nhất của hệ thống pháp luật về vấn đề này. Tiếp tục nghiên cứu, rà soát để bổ sung các khái niệm về tiền bẩn, tiền sạch, rửa tiền, hành vi tội phạm khủng bố... để tránh lúng túng trong quá trình áp dụng.

 

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn)