Ngày làm việc thứ 23, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII: Thảo luận hai dự án luật

22/11/2011

Ngày 21-11, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII vào ngày làm việc thứ 23, các đại biểu nghe trình và thảo luận ở tổ dự án Luật Biển Việt Nam; thảo luận ở hội trường dự án Luật Giám định Tư pháp.

Mở đầu phiên họp buổi sáng tại hội trường, QH đã nghe Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Biển Việt Nam. Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về dự án luật này. Thời gian làm việc còn lại của phiên họp buổi sáng, các đại biểu QH đã thảo luận dự án Luật Giám định Tư pháp (GÐTP).

 

Hầu hết các ý kiến phát biểu đều tán thành sự cần thiết ban hành Luật GÐTP nhằm tháo gỡ những hạn chế, bất cập về thể chế, tạo cơ sở pháp lý cho bước phát triển mới mang tính đột phá, bền vững cho hoạt động GÐTP ở nước ta, góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng mà trọng tâm là bảo đảm việc phán quyết của tòa án được kịp thời, khách quan, đúng pháp luật.

 

Về phạm vi điều chỉnh, nhiều ý kiến cho rằng, GÐTP là hoạt động bổ trợ trực tiếp cho hoạt động tố tụng hình sự, dân sự, hành chính. Các lĩnh vực này được điều chỉnh bằng nhiều đạo luật khác nhau, theo các nguyên tắc, thẩm quyền, thủ tục khác nhau. Do đó, các nội dung cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật GÐTP như trình tự, thủ tục trưng cầu, yêu cầu giám định; hội đồng giám định; đánh giá, sử dụng kết luận GÐTP,... cần bảo đảm sự thống nhất với các quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự và Luật Tố tụng hành chính. Ðề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát tổng thể các quy định của dự thảo luật, tránh sự chồng chéo với các văn bản nói trên.

 

Về nội dung của dự thảo luật, qua thảo luận có hai vấn đề nổi lên, thu hút nhiều đại biểu cho ý kiến. Một là, quyền yêu cầu giám định của đương sự trong vụ, việc dân sự và vụ án hành chính. Theo quy định tại Ðiều 1 và Ðiều 24 dự thảo luật, ngoài trường hợp thực hiện GÐTP theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng như quy định hiện hành thì đương sự trong vụ án dân sự, việc dân sự (sau đây gọi chung là vụ việc dân sự), vụ án hành chính cũng có quyền được trực tiếp yêu cầu tổ chức, cá nhân thực hiện việc GÐTP.

 

Ða số ý kiến tán thành cần mở rộng quyền của đương sự được tự mình yêu cầu GÐTP để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình trong hoạt động tố tụng, bảo đảm quyền cung cấp chứng cứ chứng minh của đương sự trong các vụ việc dân sự và vụ án hành chính như dự thảo. Quy định này cũng phù hợp với tinh thần cải cách tư pháp theo Nghị quyết số 49/NQ-T.Ư. Tuy nhiên, việc quy định cụ thể nội dung này vào đạo luật nào và phạm vi mở rộng quyền này đến đâu, hiện còn có ý kiến khác nhau. Một số ý kiến tán thành như dự thảo luật, quy định quyền của đương sự trong vụ việc dân sự vào Luật GÐTP. Một số ý kiến khác không đồng ý như vậy và đề nghị, việc mở rộng quyền yêu cầu của đương sự cần đưa vào Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

 

Liên quan việc mở rộng quyền yêu cầu của đương sự, nhiều ý kiến cho rằng, ngoài đương sự là người bị hại thuộc trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng cần phải trưng cầu giám định, xác định mức độ thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội gây ra đối với họ để làm căn cứ xác định tội danh và quyết định hình phạt thì các nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan khác trong vụ án hình sự cũng có quyền yêu cầu giám định để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến không đồng tình vì cho rằng sẽ kéo dài thời hạn tố tụng.

 

Hai là, vấn đề giám định pháp y ở tổ chức GÐTP kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh. Theo quy định tại Ðiều 13 dự thảo luật, tổ chức GÐTP công lập về pháp y bao gồm: Viện Pháp y quốc gia thuộc Bộ Y tế; Trung tâm giám định pháp y tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (thuộc ngành y tế); Viện Pháp y quân đội thuộc Bộ Quốc phòng; Trung tâm giám định pháp y thuộc Viện Khoa học hình sự, Bộ Công an. Theo đó, hệ thống tổ chức GÐTP về pháp y không còn Giám định viên pháp y thuộc Phòng kỹ thuật hình sự công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (công an cấp tỉnh) như quy định hiện hành.

 

Vấn đề này, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất, tán thành với Tờ trình của Chính phủ và quy định của dự thảo luật. Ngoài những lý do như đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ, các ý kiến này cho rằng, pháp y là một trong những chuyên ngành thuộc lĩnh vực y học, nên cùng với việc thu gọn các tổ chức giám định pháp y tâm thần, việc tập trung hoạt động giám định pháp y ở cấp tỉnh vào Trung tâm giám định pháp y thuộc ngành y tế sẽ đáp ứng một bước yêu cầu cải cách hành chính, cải cách tư pháp theo hướng thu gọn đầu mối và khắc phục được tình trạng bất cập hiện nay. Do đó, ở phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, hoạt động giám định pháp y được giao cho Trung tâm giám định pháp y thuộc ngành y tế là phù hợp.

 

Loại ý kiến thứ hai cho rằng, việc quy định về mô hình các tổ chức GÐTP cần căn cứ vào kết quả tổng kết thực tiễn. Nhiều năm qua, hoạt động giám định pháp y của đội ngũ giám định viên pháp y thuộc công an cấp tỉnh đang phát huy hiệu quả, phục vụ đắc lực và kịp thời cho hoạt động tố tụng, nhất là đối với các vụ án phức tạp, nghiêm trọng và không có vướng mắc lớn về tổ chức thực hiện cũng như quản lý nhà nước. Hơn nữa, theo quy định của dự thảo luật, tại Bộ Công an và Bộ Quốc phòng vẫn có tổ chức giám định pháp y. Do đó, loại ý kiến này đề nghị dự thảo luật giữ quy định giám định viên pháp y tại tổ chức giám định kỹ thuật hình sự thuộc công an cấp tỉnh như hiện hành.

 

Nhiều ý kiến phát biểu cũng đề cập vấn đề xã hội hóa hoạt động GÐTP và chế độ, chính sách đối với hoạt động này.

PV

(http://www.nhandan.com.vn)