Hội thảo khoa học Hiến pháp năm 1992 - những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung

13/12/2011

Ngày 10.12, dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, Ban chủ nhiệm Đề tài độc lập cấp Nhà nước Cơ sở lý luận và thực tiễn sửa đổi, bổ sung hiến pháp năm 1992 phù hợp với tình hình mới đã tổ chức Hội thảo khoa học Hiến pháp năm 1992 – những vấn đề lý luận và thực tiễn đặt ra trong quá trình sửa đổi, bổ sung.

Tới dự có nguyên Chủ tịch QH Nguyễn Văn An, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Vũ Đức Khiển, đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và bộ ngành.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận về các vấn đề gồm: nguyên tắc tổ chức quyền lực Nhà nước; những nội dung cần sửa đổi, bổ sung về chế độ kinh tế; chế định văn hóa, giáo dục; chế định về khoa học, công nghệ. Các đại biểu nhất trí cho rằng, Hiến pháp là văn bản có giá trị pháp lý cao nhất xác lập quyền lực nhà nước, quy định nguyên tắc tổ chức thực hiện quyền lực nhà nước; thẩm quyền của các cơ quan nhà nước; quy định mối quan hệ phối hợp trong hoạt động thực tế của các cơ quan. Tuy nhiên, dù được thừa nhận nhưng nội hàm nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp còn bị bỏ ngỏ. Hiến pháp sửa đổi, bổ sung lần này cần khẳng định: chỉ có một Nhà nước duy nhất chứ không thể có nhà nước Trung ương và nhà nước địa phương. Một số ý kiến cho rằng, quyền lực nhà nước có nguồn gốc từ nhân dân, được nhân dân thành lập và ủy quyền cho nhà nước thực hiện. Tính duy nhất và thống nhất của phạm trù nhân dân cũng bảo đảm tính thống nhất của các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Vì vậy, vấn đề cần được tập trung nghiên cứu trong quá trình sửa đổi, bổ sung là xây dựng cơ chế bảo đảm cho nhân dân thực hiện quyền lập hiến của mình, được tham gia quyết định một cách thực chất những vấn đề quan trọng của đất nước. Cụ thể là tiếp tục xây dựng và hoàn thiện phương thức tổ chức, hình thức thực hiện các hoạt động bầu cử, trưng cầu ý dân, phân công, phối hợp thực hiện quyền lực, hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội, xây dựng thiết chế bảo vệ Hiến pháp.

Thảo luận về chế độ kinh tế, chế định văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, nhiều ý kiến cho rằng, Hiến pháp là đạo luật cơ bản của một nước, quy định những vấn đề cơ bản, quan trọng và quyết định đời sống của xã hội, nên khi sửa đổi cần được viết súc tích, lược bỏ những nội dung không có tính quy phạm pháp luật hoặc quá cụ thể. Đồng thời, Hiến pháp sửa đổi, bổ sung cần bảo lưu những quan điểm tiến bộ đã được thực hiện nhất quán từ Hiến pháp năm 1946 đến nay; bổ sung những quy định mới phù hợp với thực tế.

P.Thủy

(http://daibieunhandan.vn/)