Ban Dân nguyện lấy ý kiến đóng góp dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII

21/04/2012

Ngày 20.4, tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền, Ban Dân nguyện của UBTVQH đã tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp của các cơ quan của QH, các bộ, ngành vào dự thảo Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII.

Theo dự thảo Báo cáo giám sát của Ban Dân nguyện, tại Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, Ban Dân nguyện đã chuyển đến Chính phủ, các bộ, ngành 1.474 kiến nghị của cử tri. Đến nay, Ban Dân nguyện đã nhận được văn bản trả lời đối với 1.259 kiến nghị. Trong đó có 521 kiến nghị đã được các cơ quan có thẩm quyền nghiên cứu, tiếp thu, giải quyết. Do có nhiều kiến nghị dù đã được cơ quan có thẩm quyền trả lời nhưng cử tri vẫn tiếp tục kiến nghị nên Ban Dân nguyện đã lựa chọn một số nội dung để giám sát, tập trung vào việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách khác; việc giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Kết quả giám sát cho thấy, việc ban hành và tổ chức triển khai thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác đã được thực hiện với các thủ tục thuận tiện, ngay tại cơ sở, giúp cho các đối tượng thụ hưởng chính sách dễ dàng tiếp cận với nguồn vốn vay thông qua phương thức cho vay trực tiếp cà ủy thác từng phần qua các tổ chứác chính trị xã hội, tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa ngân hàng với người vay, chính quyền và các đoàn thể chính trị xã hội cấp cơ sở. Tuy nhiên, do nhu cầu vốn vay của người nghèo và các đối tượng chính sách khác ngày càng lớn trong khi nguồn vốn cho vay rất hạn hẹp, lại thiếu ổn định nên chưa đáp ứng được nguyện vọng của cử tri. Bên cạnh đó cũng còn tình trạng, nhiều đối tượng có nhu cầu vay vốn ưu đãi thực sự lại không thuộc diện được hưởng chính sách này như: hộ cận nghèo, hộ gia đình có thu nhập bình quân thấp đang có con theo học đại học... Hiện đang có 7 bộ, ngành trực tiếp đề xuất Thủ tướng ban hành quyết định về chính sách tín dụng ưu đãi nhưng mỗi chính sách lại có đối tượng và điều kiện cho vay khác nhau dẫn đến tình trạng chồng chéo, trùng lặp, phân tán trong quản lý nhà nước, có khi một hộ gia đình cùng lúc được vay theo nhiều chương trình, dự án nên dư nợ cao, khó có khả năng hoàn trả, phát sinh tư tưởng ỷ lại ngay khi có vay. Nguyên nhân chủ yếu, theo ghi nhận của Ban Dân nguyện là do tình trạng chậm nghiên cứu, soạn thảo, ban hành các chiến lược phát triển của ngân hàng chính sách xã hội, nghị định của Chính phủ về tổ chức, hoạt động.

Về giải quyết khó khăn trong sản xuất và đời sống của người dân tại các khu tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất, kết quả giám sát cho thấy: Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều chính sách liên quan đến việc bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân và tổ chức thực hiện khá tốt. Mặc dù vậy, công tác quy hoạch và tổ chức đầu tư xây dựng các khu tái định cư còn chậm, chưa đồng bộ; các hộ gia đình tiếp tục sản xuất nông nghiệp còn gặp nhiều khó khăn trong canh tác do nơi tái định cư ở xa nơi sản xuất; việc chuyển đổi nghề, bố trí việc làm cho người còn độ tuổi lao động chủ yếu được thực hiện theo phương thức chi trả bằng tiền nên đã dẫn đến tình trạng người dân không có việc làm chiếm tỷ lệ cao, cuộc sống tái định cư còn gặp nhiều khó khăn...

Tại cuộc họp, đại diện các bộ, ban, ngành đã giải trình thêm một số vấn đề liên quan đến hai nội dung giám sát nêu trên; khẳng định đã rất nghiêm túc giải quyết các kiến nghị của cử tri, song, có những kiến nghị của cử tri, dù thỏa đáng nhưng cũng chưa thể giải quyết ngay được vì nguồn lực có hạn. Ghi nhận những khó khăn mang tính khách quan của các bộ, ngành trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri, song đại diện các cơ quan của QH tại cuộc họp cũng cho rằng, cần nghiêm túc đánh giá những nguyên nhân mang tính chủ quan, nhất là sự phối hợp còn lỏng lẻo, thậm chí là chồng chéo, mâu thuẫn giữa các bộ, ngành trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước. Đại diện các cơ quan của QH cũng đề nghị, khi báo cáo với QH kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, cần tập trung trả lời trực diện các câu hỏi: trong số các kiến nghị của cử tri thì kiến nghị nào hợp lý và có thể giải quyết được? Kiến nghị nào hợp lý nhưng hiện tại, chưa thể giải quyết được? Và những kiến nghị chưa giải quyết được thì nguyên nhân là do cơ chế, chính sách do nguồn lực hay do các cơ quan chức năng? Nếu là do cơ quan chức năng thì cần báo cáo rõ với QH và cử tri là cơ quan nào và trách nhiệm ra sao?...

 

 

P. Thúy

(http://www.daibieunhandan.vn/)