Ủy ban Tư pháp họp phiên toàn thể lần thứ Tư

25/04/2012

Chiều 24.4, tại TP Huế, dưới sự chủ trì của Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện, Ủy ban Tư pháp đã họp phiên toàn thể lần thứ Tư, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư.

Theo tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Luật sư, việc sửa đổi Luật Luật sư nhằm tiếp tục thể chế hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về hoàn thiện thể chế tổ chức và hoạt động luật sư theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 33 của Ban Bí thư theo hướng chú trọng việc nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, chất lượng hành nghề luật sư cả về chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường trách nhiệm xã hội của luật sư qua đó góp phần nâng cao vị thế vai trò của luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế. Dự thảo Luật cũng quy định chặt chẽ hơn một số điều kiện đối với tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam, phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập tổ chức Thương mại thế giới; tạo cơ sở pháp lý cho việc kiện toàn tổ chức, tăng cường tính thống nhất của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư từ Trung ương đến địa phương, nâng cao trách nhiệm tự quản của tổ chức xã hội nghề nghiệp của luật sư; đồng thời cũng tăng cường hợp lý trách nhiệm quản lý nhà nước về luật sư và hành nghề luật sư, tạo điều kiện đưa nghề luật sư ở nước ta tiếp cận với thông lệ hành nghề luật sư quốc tế.

 

Cơ bản tán thành với quan điểm chỉ đạo sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư, song các thành viên Ủy ban Tư pháp cũng đề nghị rà soát kỹ các quy định của dự thảo Luật có quan hệ chặt chẽ với pháp luật tố tụng để bảo đảm tính thống nhất giữa nội dung của dự án Luật với các quy định có liên quan của pháp luật tố tụng. Các thành viên Ủy ban Tư pháp cho rằng, về lâu dài, cần nghiên cứu bỏ quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa cho luật sư nhằm bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo và người bị tạm giữ. Đây cũng là đòi hỏi tất yếu của quá trình cải cách tư pháp và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì quy định cấp giấy chứng nhận bào chữa trong Luật Tố tụng hình sự vẫn cần thiết, đặc biệt là đối với các vụ án về xâm phạm an ninh quốc gia, tội phạm có tổ chức, các tội phạm về ma túy. Do vậy, các thành viên Ủy ban Tư pháp nhất trí quy định như dự thảo Luật và đề nghị, cần quy định rõ các căn cứ để cơ quan tiến hành tố tụng từ chối cấp Giấy chứng nhận bào chữa, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động của luật sư cũng như bảo đảm tốt hơn quyền của bị can, bị cáo, người bị tạm giữ.

 

Hoàng Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)