Đề nghị Chính phủ báo cáo Quốc hội thêm nhiều vấn đề "nóng"

06/05/2012

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo thêm trước Quốc hội về: Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng, vấn đề đập thủy điện…

Bước sang ngày làm việc thứ 2 phiên họp thứ 8, sáng 5/5, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa 13.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các đại biểu Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, Văn phòng Quốc hội đề nghị Thường vụ Quốc hội xem xét đề nghị Chính phủ báo cáo thêm một số vấn đề tại kỳ họp thứ 3.

Tập trung trí tuệ cho Đề án tái cơ cấu nền kinh tế

Về Đề án tái cơ cấu nền kinh tế, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng đây là vấn đề rất lớn nên phải đưa ra Quốc hội cho ý kiến. Tuy nhiên, Quốc hội chỉ nên có ý kiến kết luận chứ không ra Nghị quyết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, trong Nghị quyết 5 năm phát triển kinh tế- xã hội 2011-2015 đã đề cập rất rõ về cơ cấu nền kinh tế. Do đó, tại kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ chỉ thảo luận, đóng góp ý kiến về Đề án cụ thể để Chính phủ tiếp thu, thực hiện.

“Điều quan trọng là làm sao phải tập hợp được trí tuệ của 500 đại biểu, có những ý kiến sâu sắc, xác đáng đóng góp vào Đề án tái cơ cấu nền kinh tế”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Ủy ban Tư Pháp Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho rằng, Đề án tái cơ cấu nền kinh tế là “trọng tâm trong các vấn đề trọng tâm của phát triển KT-XH” nên cần dành thời gian để Quốc hội thảo luận, đóp góp ý kiến để Chính phủ chỉnh sửa và đánh giá toàn diện tác động.

Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý nhấn mạnh, một đề án rất lớn như ái cơ cấu nền kinh tế nên Quốc hội không chỉ cứ nghe, thảo luận rồi để Chính phủ thực hiện mà phải có ý kiến kết luận rõ ràng.

Đề nghị Chính phủ báo cáo thêm nhiều vấn đề “nóng”

Về ý kiến đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình triển khai thực hiện các đạo luật đã được thông qua trong các năm 2009, 2010 và tác động của các đạo luật đó từ khi có hiệu lực thi hành đối với sự phát triển kinh tế- xã hội, Văn phòng Quốc hội cho rằng đây là những thông tin quan trọng, tạo cơ sở cần thiết cho việc xem xét, quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hang năm và thông qua các luật khác.

Tuy nhiên, ý kiến Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong 3 năm qua, hàng chục đạo luật đã được thông qua, có những đạo luật mới có hiệu lực, nên việc đề nghị Chính phủ báo cáo tất cả là không phù hợp, mà chỉ đề nghị báo cáo về một số đạo luật quan trọng, tác động lớn.

Thường vụ Quốc hội cũng sẽ đề nghị Chính phủ báo cáo về các vấn đề liên quan đến các đập thủy điện; quản lý, sử dụng đất năm 2011 và những tháng dầu năm 2012, vì đây đều là những nội dung có tác động lớn về mặt kinh tế- xã hội và môi trường, được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm.

Ngoài ra, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo về một số vấn đề khác như: Vụ cưỡng chế ở Tiên Lãng- Hải Phòng; thực hành tiết kiệm chống lãng phí…

Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước có ý kiến cho rằng, ngoài kinh tế thì vấn đề trật tự xã hội cũng đã và đang diễn biến phức tạp, cử tri rất quan tâm và bức xúc. Do đó, tại kỳ họp tới, cần định hướng để đại biểu cho ý kiến, thảo luận và đóng góp những giải pháp hay.

Cũng trong buổi sáng, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của Quốc hội./.

 

Ngọc Thành/VOV online

(http://vov.vn/)