Bế mạc Phiên họp thứ Tám của Uỷ ban thường vụ Quốc hội

07/05/2012

Ngày 5.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã họp phiên bế mạc.

* Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII: Đã cơ bản được chuẩn bị công phu, chu đáo * Dự thảo Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH: Làm rõ cơ sở pháp lý của việc tổ chức hội nghị trực tuyến * Thông qua Nghị quyết về kết quả giám việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng: Bổ sung dự phòng ngân sách để thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng

 

Ngày 5.5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng, UBTVQH đã họp phiên bế mạc.

 

Trước đó, UBTVQH đã cho ý kiến về một số vấn đề chuẩn bị Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII.

 

Theo dự thảo Báo cáo một số vấn đề về việc chuẩn bị Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm VPQH Nguyễn Hạnh Phúc trình bày, ngày 20.4.2012, VPQH đã gửi xin ý kiến các Đoàn ĐBQH, ĐBQH và các cơ quan hữu quan về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của các Đoàn ĐBQH, ĐBQH, Chính phủ và các cơ quan hữu quan, VPQH đề nghị Chính phủ báo cáo thêm về: tình hình triển khai thực hiện các đạo luật đã được QH Khóa XII ban hành trong năm 2009 và 2010 cũng như tác động của các đạo luật đó từ khi có hiệu lực thi hành đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; các giải pháp tập trung tháo gỡ khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân ổn định phát triển sản xuất; các vấn đề liên quan đến các đập thủy điện, quản lý sử dụng đất năm 2012 và những tháng đầu năm 2012...

 

Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo Báo cáo nêu trên, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu cho rằng, dự kiến việc chuẩn bị chương trình Kỳ họp thứ Ba, QH Khóa XIII đến nay cơ bản đã tương đối công phu, chu đáo. Tuy nhiên, đối với khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, thời gian qua, Chính phủ đã có chủ trương thực hiện gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp, trong đó có vấn đề miễn, giảm, giãn thuế. Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đề nghị Ủy ban Tài chính - Ngân sách, Ủy ban Kinh tế cần phối hợp với Bộ Tài chính rà soát, xem lại những quy định nào liên quan đến các luật về thuế, trong đó có quy định về việc miễn thuế thuộc thẩm quyền của QH thì phải phối hợp để trình QH xem xét tại Kỳ họp thứ Ba tới. Đồng tình với quan điểm nêu trên, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, gói cứu trợ, giải cứu doanh nghiệp là rất lớn, do vậy Chính phủ cần trình QH tại Kỳ họp thứ Ba để QH cho ý kiến.

 

Liên quan đến việc có nên bố trí thời gian thảo luận thích hợp đối với một số nội dung quan trọng như: Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế hay không, đa số các đại biểu cho rằng, cần phải dành thờâi gian thích hợp để thảo luận về đề án này, bởi đây là vấn đề trọng tâm trong các vấn đề trọng tâm về phát triển kinh tế - xã hội. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý đề xuất, QH cần nghiên cứu xem xét việc ban hành Nghị quyết về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế. Trong Nghị quyết này, cần lưu ý cách thể hiện là QH ủng hộ đề án tổng thể, nhưng đối với những đề án thành phần và những nội dung cụ thể trong đề án thuộc diện nào thì mức độ tán thành, thông qua của QH phải khác, chứ không nên thông qua một đề án tổng thể. Không cùng quan điểm này, Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cho rằng, QH không nên ra Nghị quyết về đề án tái cơ cấu nền kinh tế, vì QH đã có Nghị quyết 5 năm về phát triển kinh tế - xã hội. Mặt khác, hiện đề án tái cơ cấu nền kinh tế chưa đủ điều kiện để QH thảo luận để có thể xem xét ra một nghị quyết.

 

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, UBTVQH đã cho ý kiến về Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của QH.

Theo dự thảo đề án, mục tiêu của đề án nhằm tiếp tục đổi mới nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của QH, đáp ứng yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, bảo đảm QH thực sự là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân, đóng góp xứng đáng vào công cuộc đổi mới toàn diện đất nước.

 

Về các nội dung cụ thể của Đề án, các định hướng và giải pháp đổi mới trong thẩm tra dự án luật là cơ quan thẩm tra dành phần lớn thời gian cho việc thẩm tra dự án thuộc lĩnh vực phụ trách; chủ động nghiên cứu, thu thập thông tin, tư liệu liên quan đến dự án, phối hợp ngay từ đầu với Ban soạn thảo để nắm bắt nội dung, cùng trao đổi, xử lý các vấn đề phát sinh, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị dự án, tổ chức hội nghị chuyên gia hoặc nghe đại diện cơ quan trình, cơ quan soạn thảo, các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của dự án và các đối tượng có liên quan giải trình cung cấp thông tin hoặc trình bày ý kiến về những vấn đề liên quan đến dự án. Trong thời gian giữa hai kỳ họp QH, việc xin ý kiến QH về dự án luật tiến hành dưới hình thức họp trực tuyến từ trụ sở QH đến 63 tỉnh, thành phố; nếu dự án luật có nội dung phức tạp, ý kiến còn khác nhau thì có thể tiếp tục tổ chức Hội nghị trực tuyến hoặc Hội nghị đại biểu chuyên trách để xin ý kiến...

 

Cho ý kiến về việc tổ chức hội nghị trực tuyến, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề xuất, cần làm rõ cơ sở pháp lý của việc tổ chức hội nghị trực tuyến để thảo luận cho ý kiến về các dự án Luật. Việc tổ chức hội nghị trực tuyến có đồng nghĩa với việc chúng ta sẽ không có tổ chức thảo luận tại hội trường trong các kỳ họp về các dự án luật nữa không? Hoặc có thể hiểu, QH vừa tổ chức thảo luận tại hội trường, đồng thời có thảo luận trực tuyến. Và nếu các đại biểu thảo luận trực tuyến thì yếu tố pháp lý của thảo luận trực tuyến là như thế nào? Theo Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai, hội nghị trực tuyến hiện nay mới chỉ là những ý kiến đóng góp để QH nghiên cứu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật. Còn việc cho ý kiến chính thức phải là qua các kỳ họp và phát biểu của ĐBQH tại hội trường. Hiện nay, UBTVQH tổ chức Hội nghị trực tuyến với nhiều thành phần, kể cả những đối tượng chịu tác động của dự án luật, chuyên gia, các nhà khoa học, do vậy, dự thảo đề án cần phải làm rõ: hội nghị trực tuyến là hội nghị tham khảo các ý kiến của nhiều bên liên quan, trong đó có ĐBQH để tiến hành chuẩn bị dự thảo thật chu đáo và lấy được nhiều ý kiến rộng rãi hơn.

 

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng, UBTVQH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về người có công với cách mạng. Theo đó, UBTVQH yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục điều chỉnh nâng mức trợ cấp, phụ cấp đối với người có công với cách mạng đồng bộ với lộ trình điều chỉnh tiền lương của cán bộ, công chức. Đồng thời, ban hành chính sách cụ thể hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với người có công với cách mạng đang thực sự có khó khăn về nhà ở từ nguồn ngân sách nhà nước và huy động sự tham gia của xã hội, gia đình người có công với cách mạng. Chính phủ rà soát các đối tượng người có công cần hỗ trợ xây dựng mới hoặc nâng cấp nhà ở; rà soát, cân đối ngân sách để thực hiện, bảo đảm đến cuối năm 2013 cơ bản hoàn thành. Trước mắt, bổ sung dự phòng ngân sách để thực hiện chính sách xây dựng nhà ở cho người có công với cách mạng. Phê duyệt và triển khai thực hiện Đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ và Đề án xác định danh tính hài cốt liệt sỹ còn thiếu thông tin trong năm 2012. Và hướng dẫn giải quyết vướng mắc, tồn đọng đối với hồ sơ đề nghị công nhận người có công với cách mạng; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính bảo đảm chặt chẽ trong việc xem xét, xác nhận để người có công với cách mạng được thụ hưởng chính sách thuận lợi, kịp thời, đúng quy định.

 

Cũng tại Phiên họp lần này, UBTVQH đã cho ý kiến về công tác nhân sự.

 

 

P.Thủy – H.Ngọc

(http://daibieunhandan.vn)