ĐBQH NGUYỄN THỊ TUYẾT NGA: CẦN QUY ĐỊNH RÕ TRÁCH NHIỆM CỦA CƠ QUAN NHÀ NƯỚC KHI CHẤP THUẬN CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ DỰ ÁN

07/01/2022

Đóng góp ý kiến cho dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 8 luật, Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình nêu quan điểm: Cần quy định rõ trách nhiệm của UBND, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư dự án.


Theo chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, vào ngày 10/01 tới, Quốc hội sẽ thảo luận trực tuyến tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của của 8 luật gồm: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình bày tỏ nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 Luật như trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, đề nghị cần tuân thủ quan điểm đã nêu trong Tờ trình của Chính phủ cũng như những vấn đề nhấn mạnh trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế là chỉ sửa đổi, bổ sung những nội dung có tính cấp bách, đang thực sự gây khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ ngay nhằm hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh tác động tiêu cực của dịch COVID-19. Việc trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp bất thường những nội dung đã rõ, đã được thực tế kiểm nghiệm, được đánh giá tác động đầy đủ; có sự thống nhất cao.


Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình.

Nghiên cứu Tờ trình, dự thảo luật cũng như các báo cáo của các Ủy ban, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhận thấy vẫn còn những vẫn đề chưa có sự thống nhất cao; phạm vi sửa đổi luật vẫn còn mở so với quan điểm mục tiêu đã nêu trong Tờ trình. Nếu quy định như dự thảo thì đề nghị cần rà soát, tháo gỡ vấn đề về tự chủ đại học đã được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học được thông qua 2018, cho đến nay vẫn không thực hiện được. Đặc biệt là vấn đề tự chủ tài chính, vướng các quy định trong Luật Đầu tư công, đầu tư, đấu thầu, các luật thuế, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư...

Về nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công (Điều 1 dự thảo Luật), đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga cơ bản nhất trí việc sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư công như Tờ trình của Chính phủ vì để đẩy mạnh phân cấp cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý (trừ dự án thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ) nhằm tăng tính chủ động, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu và giảm thiểu các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị cần có quy định cụ thể về trách nhiệm các chủ thể này trong việc bảo đảm tính hiệu quả sử dụng nguồn lực, tính tuân thủ, công khai, minh bạch khi tổ chức thực hiện.

Về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, đối với các dự án nhóm B, nhóm C, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đồng ý với quy định tại dự thảo Luật nhằm tăng cường phân cấp và bảo đảm tính thống nhất với việc sửa đổi Luật Đầu tư công.  Đối với dự án nhóm A của địa phương sử dụng nguồn vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, Chính phủ không đề xuất chuyển thẩm quyền (vẫn thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ). Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga nhất trí với ý kiến đa số của  Ủy ban Tài chính-Ngân sách đề nghị chuyển thẩm quyền cho Hội đồng nhân dân cấp tỉnh tương tự như các dự án nhóm B, C và Uỷ ban Pháp luật như lý lẽ đã nêu trong các báo cáo thẩm tra  

Đối với nội dung sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư (Điều 3 dự thảo Luật) đề cập thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án xây dựng nhà ở, khu đô thị; về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (sửa đổi, bổ sung điểm g khoản 1 Điều 31, điểm b khoản 1 Điều 32 và bổ sung điểm g vào khoản 3 Điều 33), đa số ý kiến Ủy ban Kinh tế  nhất trí việc sửa đổi, bổ sung tại dự thảo Luật nhằm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền cho các địa phương.

Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội không nhất trí với việc Dự án Luật đề nghị sửa đổi Luật Đầu tư theo hướng phân cấp thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ cho Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh đối với các “dự án đầu tư không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi bảo vệ của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt” vì không phù hợp với pháp luật về di sản văn hóa.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị quy định rõ trong nội dung dự thảo sửa đổi Luật Đầu tư tại các điều khoản liên quan theo hướng thể hiện rõ đây chỉ là các “dự án đầu tư được cho phép theo Luật Di sản văn hóa”. Vì theo quy định pháp luật về di sản văn hóa và Hướng dẫn Công ước 1972 của UNESCO, đối với những công trình xây dựng, dự án bảo vệ, phát huy giá trị di sản, di tích đặc biệt quốc gia và dự án phát triển có khả năng gây ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản thiên nhiên được quốc tế công nhận, trước khi các công trình được bắt đầu hoặc mọi quyết định không thể thay đổi được đưa ra, phải được Thủ tướng Chính phủ tham vấn các tổ chức quốc tế. Do đó, việc phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư là không hợp lý và không phù hợp với quy định pháp luật và thông lệ về quản lý di sản. Đối với những công trình xây dựng, dự án di tích quốc gia thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thì có thể phân cấp cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Để phân cấp cho địa phương, tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư và rút ngắn thời gian thực hiện dự án, nhưng không mâu thuẫn với Luật Di sản văn hóa và tránh các cách hiểu khác nhau trong quá trình thực hiện, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị chỉnh sửa dự thảo Luật đối với nội dung liên quan đến các dự án đầu tư trong khu vực bảo vệ I và II của các di sản theo hướng tách thành tiểu mục riêng. Cụ thể, tại điểm g khoản 1 Điều 31 “dự án đầu tư được cho phép theo quy định pháp luật về di sản không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ I của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt, khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia đặc biệt thuộc Danh mục di sản thế giới”; tại điểm b khoản 1 Điều 32 “dự án đầu tư được cho phép theo quy định pháp luật về di sản không phân biệt quy mô diện tích đất, dân số thuộc phạm vi khu vực bảo vệ II của di tích được cấp có thẩm quyền công nhận là di tích quốc gia, di tích quốc gia đặc biệt (trừ trường hợp quy định tại mục g khoản 1 Điều này); dự án thuộc khu vực hạn chế phát triển hoặc nội đô lịch sử (được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị) của đô thị loại đặc biệt”. Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga đề nghị bổ sung quy định cụ thể hơn về công tác giám sát và trách nhiệm của Ủy ban nhân dân, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm định và chấp thuận chủ trương đầu tư tại Điều 33 Luật Đầu tư./.

Bích Lan