ĐOÀN ĐBQH TỈNH BẮC NINH GÓP Ý VÀO DỰ THẢO LUẬT SỬA ĐỔI BỔ SUNG MỘT SỐ ĐIỀU CỦA LUẬT THỐNG KÊ

25/10/2021

Chiều 25/10, Quốc hội tiến hành thảo luận toàn thể theo hình thức trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê. Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham dự tại điểm cầu tỉnh Bắc Ninh, do Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐQBH tỉnh Bắc Ninh Đào Hồng Lan chủ trì.

 

  

Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh tham dự Phiên thảo luận Quốc hội trực tuyến tại điểm cầu Bắc Ninh

Góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê, đại biểu Nguyễn Như So bày tỏ quan điểm tán thành với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật. Để dự thảo Luật sớm hoàn thiện và nhanh chóng được áp dụng trên thực tế, đại biểu Nguyễn Như So đề nghị, tại “nhóm chỉ tiêu 02 lao động, việc làm và bình đẳng giới” cần rà soát đảm bảo hệ thống chỉ tiêu quốc gia có tính bao quát, toàn diện hơn; phù hợp Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030, đồng thời phải hài hòa với các thông lệ quốc tế, công ước quốc tế mà chúng ta đã ký kết liên quan đến bình đẳng giới.

Theo đại biểu Nguyễn Như So, dự thảo Luật đưa ra có 4 tiêu chí về bình đẳng giới, tuy nhiên, 4 chỉ tiêu này mới phản ánh bình đẳng giới trong vấn đề chính trị, chưa có các chỉ tiêu bình đẳng giới liên quan đến các lĩnh vực thiết thực của cuộc sống như: giáo dục, việc làm, lao động, y tế,….

Về thẩm quyền, trách nhiệm điều chỉnh GDP tại “nhóm 05 tài sản quốc gia”, đại biểu Nguyễn Như So cho biết, hiện nay, việc điều chỉnh và công bố GDP đang được Bộ Kế hoạch và Đầu tư thực hiện (cụ thể là Tổng Cục Thống kê). Tuy nhiên, việc điều chỉnh GDP có tác động đến nhiều chỉ tiêu thống kê kinh tế - xã hội khác như: Thu nhập bình quân đầu người, năng suất lao động, các cân đối lớn của nền kinh tế, tỷ lệ thu ngân sách so với GDP, quy mô gói hỗ trợ nền kinh tế so với GDP khi xảy ra khủng hoảng... Chính vì vậy, việc điều chỉnh GDP có tác động lan toả mạnh đối với đánh giá và hoạch định chủ trương, chính sách và pháp luật phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước; đối với nhận thức, tâm lý của xã hội.

Để đảm bảo lòng tin của xã hội và yếu tố pháp lý ở mức cao, theo đại biểu Nguyễn Như So, việc điều chỉnh GDP và các chỉ tiêu thống kê kinh tế vĩ mô quan trọng khác như tỷ lệ thất nghiệp, lạm phát, bội chi (thu ngân sách) là thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của Quốc hội.

Liên quan tới chỉ tiêu tỷ lệ dân số bị bạo lực (nhóm 19 - Trật tự, an toàn xã hội và tư pháp), đại biểu Nguyễn Như So cho rằng cần phải rà soát và có đánh giá tính hiệu quả và chính xác của phương pháp thống kê này. Ngay từ việc đưa ra khái niệm “Bạo lực là hành vi cố ý gây tổn hại hoặc có khả năng gây tổn hại về thể chất, tinh thần và tình dục của một người khác” đã khiến cho mức độ tin cậy của con số thống kê giảm đi rất nhiều, không mang tính khách quan mà phụ thuộc vào ý định chủ quan của người đi thu thập, tổng hợp. Vì vậy, đề nghị cần nghiên cứu quy định lại khái niệm thế nào là bạo lực để khi triển khai trên thực tế không gây lúng túng cho người thực hiện, đồng thời không bị chồng chéo với các luật hiện hành như: Bộ luật hình sự, Luật Phòng chống bạo lực gia đình,… Bên cạnh đó, phải rút ngắn kỳ công bố chỉ tiêu dân số bị bạo lực thay vì để 10 năm như Phụ lục. Đây là một chỉ tiêu quan trọng giúp ta đánh giá được trình độ dân trí, tỉ lệ tội phạm, bình đẳng giới, an toàn học đường,….. Vì vậy, việc rút ngắn kỳ công bố chi tiêu này sẽ giúp các cơ quan quản lý có đánh giá khách quan và đưa ra các giải pháp phù hợp nhằm giảm thiểu tỉ lệ dân số bị bạo hành qua các năm.

Đại biểu Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Ninh cũng đề nghị, trong số 8 chỉ tiêu bảo vệ môi trường trong hệ thống Chỉ tiêu quốc gia theo Luật Thống kê quốc gia năm 2015, chỉ có 3 chi tiêu được ban hành tại hệ thống chỉ tiêu thống kê ngành tài nguyên môi trường theo Thông tư 73/2017/TT-BTNMT; các chỉ tiêu môi trường cũng không có sự nhất quán giữa bộ chỉ tiêu thống kê ngành Tài nguyên môi trường (Thông tư 73/2017/TT-BTNMT) và bộ chỉ tiêu phát triển bền vững ngành Tài nguyên môi trường. Do vậy, để Bộ Chỉ tiêu môi trường là công cụ hiệu quả trong công tác thống kê nói chung và trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường nói riêng, cần thiết phải rà soát và ban hành một Bộ Chỉ tiêu môi trường đầy đủ, toàn diện, phù hợp với thực tiễn và cam kết quốc tế.

Dương Dung