HĐND giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo

27/03/2008

Năm 2007, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tây đã thành lập 3 Đoàn giám sát về tình hình, kết quả giải quyết KNTC tại cơ quan Thanh tra, VKSND tỉnh và 3 huyện, thành phố.

 Các ban của HĐND tỉnh cũng đã thực hiện hàng trăm cuộc giám sát, trong đó có nội dung thi hành pháp luật về KNTC và thực hiện Quy chế Dân chủ... Kết quả giám sát đã góp phần ổn định tình hình an ninh chính trị, củng cố niềm tin của nhân dân đối với chính quyền địa phương.

Theo quy định, tại các kỳ họp HĐND tỉnh có quyền kiểm tra, xem xét báo cáo về giải quyết KNTC của: UBND, TAND VKSND cùng cấp; Khi thấy cần thiết, HĐND cử Đoàn giám sát, yêu cầu người có thẩm quyền áp dụng các biện pháp xử lý đối với người vi phạm... Thường trực HĐND thay mặt HĐND có trách nhiệm kiểm tra và xem xét tình hình giải quyết KNTC, khi nhận được đơn KNTC có trách nhiệm nghiên cứu, xem xét chuyển đến các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền giải quyết; Đồng thời, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết kiến nghị, yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết phải trả lời trong thời hạn 7 ngày, kể từ ngày có quyết định giải quyết. Trong trường hợp cần thiết, Thường trực HĐND tổ chức Đoàn giám sát hoặc giao cho các ban HĐND giám sát việc thi hành pháp luật về KNTC.

Thực hiện Luật Khiếu nại tố cáo và nghị quyết của HĐND tỉnh, năm 2007, Thường trực HĐND đã thành lập 3 đoàn giám sát về tình hình, kết quả giải quyết KNTC tại cơ quan Thanh tra, VKSND tỉnh và 3 huyện, thành phố. Theo sự điều hòa của Thường trực, các ban HĐND tỉnh cũng thực hiện nhiều cuộc giám sát về thi hành Luật Khiếu nại tố cáo và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và một số cơ quan, đơn vị cấp huyện. Các cuộc giám sát thường có đại diện MTTQ, các cơ quan chuyên ngành tham gia để nắm sâu vấn đề cần giải quyết. Quá trình giám sát, thẩm quyền, thời hạn giải quyết và việc áp dụng các quy định của pháp luật vào những vấn đề công dân, tổ chức KNTC được Thường trực, các ban đặc biệt quan tâm. Sau mỗi đợt giám sát, các Đoàn kịp thời có kết luận, đánh giá ưu khuyết điểm và đưa ra những kiến nghị chính xác, yêu cầu các cơ quan, đơn vị thực hiện.

      Thực tế giám sát cho thấy, nội dung đơn KNTC chủ yếu tập trung vào lĩnh vực đất đai (64%). Nhìn chung, các cơ quan, tổ chức đều thực hiện đúng thẩm quyền, tỷ lệ đơn được giải quyết đạt từ 95 – 100%, các quyết định đã giải tỏa được nhiều mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư, nâng cao được vai trò, uy tín của cơ quan công quyền, tạo được niềm tin đối với nhân dân. Tuy nhiên, một số cơ quan giải quyết những việc cụ thể còn chậm so với thời hạn quy định; Có việc do không xem xét, điều tra thực tế nên khi ban hành quyết định áp dụng, viện dẫn các văn bản, các quy định của pháp luật không phù hợp; Khi đã có quyết định, việc triển khai thực hiện lại chậm trễ, không dứt điểm. Về phía công dân, vẫn còn nhiều trường hợp gửi đơn vượt cấp; KNTC không đúng; Một số do trình độ hiểu biết pháp luật còn hạn chế, bị rủ rê, lôi kéo kiện tụng gây mâu thuẫn... Tuy nhiên, các cơ quan chức năng chưa chú trọng áp dụng chế tài đối với người tố cáo sai sự thật, gây mất đoàn kết để răn đe.

Năm 2007, Thường trực HĐND tỉnh Hà Tây nhận được 68 lượt đơn thư KNTC của công dân; 12 lượt đơn của doanh nghiệp, tổ chức. Trong số đơn thư KNTC của công dân, có 56 đơn về lĩnh vực đất đai, 7 đơn về thủ tục hành chính...; Đơn KNTC của doanh nghiệp chủ yếu liên quan đến lĩnh vực thủ tục hành chính. Sau khi xem xét đơn, Thường trực HĐND đã chuyển tới cơ quan, người có thẩm quyền giải quyết theo quy định. Nhìn chung, sau khi Thường trực HĐND tỉnh đã chuyển đơn và yêu cầu, đôn đốc, hầu hết các đơn thư KNTC của công dân, doanh nghiệp đều được giải quyết kịp thời và thông báo kết quả cụ thể. Việc giải quyết rốt ráo những bức xúc của công dân đã củng cố niềm tin cho người dân đối với chính quyền, đặc biệt là cơ quan dân cử. Tuy nhiên, cũng còn một số cơ quan, tổ chức thực hiện chưa đầy đủ việc trả lời hoặc không thông báo kết quả giải quyết theo yêu cầu của Thường trực HĐND, gây khó khăn cho Thường trực HĐND trong việc tiếp và trả lời công dân, doanh nghiệp...

Kinh nghiệm cho thấy, để thực hiện tốt Luật Khiếu nại tố cáo, trước hết, Thường trực HĐND phải chỉ đạo, yêu cầu các cấp, các ngành đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đặc biệt là Luật Khiếu nại tố cáo; Đồng thời, tăng cường công tác giám sát, tái giám sát đối với UBND tỉnh, các cơ quan chức năng và một số UBND cấp huyện trong việc thụ lý và giải quyết đơn KNTC của công dân, tổ chức; Chú trọng việc thực thi các quyết định đối với từng trường hợp và quan tâm giải quyết các kiến nghị của HĐND về thực hiện Luật Khiếu nại tố cáo. Hai là, nâng cao trách nhiệm của các đại biểu HĐND, tổ đại biểu HĐND và các ban HĐND trong việc tiếp nhận các đề nghị, KNTC của công dân, tổ chức; Xây dựng đội ngũ chuyên viên giúp việc có phẩm chất đạo đức và trình độ chuyên môn để trực tiếp giúp Thường trực HĐND tỉnh nghiên cứu, đề xuất các biện pháp và theo dõi, đôn đốc quá trình giải quyết đơn KNTC. Ba là, phải nhận thức được các KNTC của công dân cũng chính là ý kiến của cử tri. Vì vậy, Thường trực HĐND cần chọn lọc, tổng hợp để nêu tại các kỳ họp hoặc làm căn cứ để chất vấn, yêu cầu các cơ quan liên quan phải trả lời trực tiếp; Bên cạnh đó, cần xem xét và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý nghiêm những sai phạm trong quá trình giải quyết KNTC và việc tố cáo không đúng sự thật.

 

 

Nguyễn Xuân

(http://www.nguoidaibieu.com.vn/)