THẢO LUẬN TỔ 2: CẦN BỔ SUNG NHỮNG NỘI DUNG MANG TÍNH NGUYÊN TẮC VỀ HỢP ĐỒNG MUA BÁN CHUNG CƯ

05/06/2023

Chiều ngày 05/06, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận tại Tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi). Tổ 2 gồm các đại biểu của Đoàn ĐBQH thành phố Hồ Chí Minh.

THẢO LUẬN TẠI TỔ 2: CẦN CÓ CƠ CHẾ VƯỢT TRỘI ĐỂ TP. HỒ CHÍ MINH PHÁT TRIỂN ĐÚNG MỤC TIÊU NGHỊ QUYẾT 31

Toàn cảnh phiên họp

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự thảo Luật Luật Nhà ở (sửa đổi), sau 08 năm thực hiện, Luật Nhà ở năm 2014 bên cạnh các kết quả đã đạt được cũng đã phát sinh những tồn tại, hạn chế, nhất là tính thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở năm 2014 và các luật khác có liên quan (Kết quả đánh giá cụ thể chi tiết tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Nhà ở năm 2014 và được khái quát tại Tờ trình đầy đủ của Chính phủ).

Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) gồm 13 Chương với 196 Điều. So với Luật Nhà ở năm 2014 thì dự thảo Luật (sửa đổi) đã tăng hơn 13 Điều; trong đó bãi bỏ 07 Điều trong Luật hiện hành (Điều 98, Điều 124, Điều 130, Điều 142, Điều 143, Điều 157, Điều 172), giữ nguyên 47 Điều; sửa đổi, bổ sung 104 Điều; bổ sung mới 34 Điều; Luật hóa từ Nghị định 11 Điều. Các nội dung của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bám sát và cụ thể hóa 08 nhóm chính sách mà Chính phủ đã trình khi lập đề nghị xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi). Việc xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) nhằm kịp thời thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước trong việc phát triển nhà ở cho nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp và người nghèo, không có khả năng tạo lập nhà ở theo cơ chế thị trường. Sửa đổi, hoàn thiện các quy định của Luật Nhà ở năm 2014 cho phù hợp với tình hình thực tế, tháo gỡ các tồn tại, hạn chế, bảo đảm tính hợp hiến, sự thống nhất, đồng bộ giữa quy định của Luật Nhà ở (sửa đổi) với các luật khác có liên.

So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) có một số điểm mới như: Gộp một số Điều về chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở tại các chương khác nhau của Luật hiện hành và Luật hóa một số nội dung từ Nghị định số 99/2015/NĐ-CP và Nghị định số 30/2021/NĐ-CP; Sửa đổi, bổ sung một số nội dung như: Căn cứ xây dựng, nội dung Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Kỳ xây dựng Chiến lược và thẩm quyền phê duyệt Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia; Căn cứ, yêu cầu xây dựng, nội dung Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, điều chỉnh Chương trình phát triển nhà ở cấp tỉnh; Căn cứ xây dựng và kỳ kế hoạch, nội dung kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh; Xây dựng, phê duyệt, điều chỉnh kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, bãi bỏ kế hoạch phát triển nhà ở hằng năm.

Đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết 

Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở; cho rằng hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Góp ý về dự thảo Luật này, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết thống nhất với rất là nhiều nội dung thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Nhấn mạnh về sự cần thiết của dự thảo Luật này, đại biểu cho rằng việc sửa Luật là  phù hợp với đường lối, chủ trương của Đảng liên quan đến việc phát triển nhà ở và tạo điều kiện để người dân có nhà ở, điều này đã được quy định rất rõ trong các nghị quyết, các văn bản, các chủ trương của Đảng.

Bên cạnh đó, trong quá trình triển khai thực hiện Luật nhà ở hiện hành đang có rất nhiều vướng mắc, mâu thuẫn với các quy định của các luật khác, trong đó có một số quy định thì không còn phù hợp nữa. Do vậy, đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết nêu rõ, cần phải sớm  sửa đổi nội dung luật này.

Một số ý kiến cũng cho rằng, hiện nay có nhiều Luật khác cũng đã và đang được sửa đổi, ví dụ như Luật Xây dựng, Luật đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản… Do đó cần thiết phải rà soát lại các quy định của Luật Nhà ở để đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo để đảm bảo cho việc triển khai Luật nhà ở trong thời gian tới đạt được hiệu quả.

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân 

Đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân cũng cho rằng, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII của Đảng ta cũng đã xác định là cần phát triển và mở rộng các loại hình nhà ở, đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho thuê, nhà ở giá rẻ, nhà cho công nhân các khu công nghiệp… Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay, công tác về nhà ở ở nước ta còn rất nhiều khó khăn. Do vậy, việc sửa đổi Luật là rất cần thiết.

Quan tâm đến vấn đề nhà chung cư, nhiều ý kiến thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật. Tuy nhiên về quy định về thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư đối với dự án cải tạo xây dựng nhà chung cư, các đại biểu cho biết, qua thực tế tại thành phố Hồ Chí Minh, quy định về thủ tục này có thể làm mất thêm thời gian và gây ra một số khó khăn cho các chủ đầu tư. Do đó cần phải xem xét để tiết giảm các thủ tục này để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án.

Đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng

Cũng góp ý kiến liên quan đến quy định về nhà chung cư, đại biểu Quốc hội Hà Phước Thắng cho rằng, dự thảo Luật lần này cần quan tâm bảo vệ quyền lợi của khách hàng và các bên khi tham gia hợp đồng mua bán chung cư. Phản ánh về thực tế vừa qua có những cái phát sinh, tranh chấp, khiếu kiện, tố cáo của khách hàng đối với các nhà đầu tư liên quan đến việc đóng góp liên quan đến lãi suất, việc chậm giao nhà, việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng… Đại biểu Hà Phước Thắng đề xuất trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) lần này cần bổ sung rõ thêm những nội dung mang tính nguyên tắc, cốt lõi về hợp đồng mua bán chung cư, đặc biệt về nghĩa vụ của các bên: nhà đầu tư có nghĩa vụ gì, khách hàng có nghĩa vụ gì? Bên cạnh đó, quy định rõ về những thỏa thuận và những chế tài đối với nhà đầu tư, đối với người phát hành sản phẩm cũng như đối với khách hàng.

Theo đại biểu, dự thảo Luật sửa đổi cũng cần quy định việc phân chia quyền sở hữu chung, sở hữu riêng của các chủ đầu tư, các nhà đầu tư, của các khách hàng sở hữu căn hộ trong chung cư, sở hữu chung như thế nào? Người thuê lại sử dụng thì có quyền gì trong chung cư đó?... Đại biểu Thắng cho rằng, chúng ta cần phải phân biệt các quy định và có chế tài để làm căn cứ xác định quyền và nghĩa vụ của chủ đầu tư, của người sở hữu, của người sử dụng các căn hộ chung cư hết sức rõ ràng.

Ngoài ra, để hoàn thiện dự thảo Luật, các đại biểu cũng đề nghị dự thảo quy định theo hướng công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập để đảm bảo đảm mỗi công nhân và người lao động trong các loại hình doanh nghiệp đều được hưởng chính sách này. Đồng thời, quy định việc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải có trách nhiệm quy hoạch bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn và có trách nhiệm báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp dành một tỷ lệ nhất định nguồn tiền thu được từ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất của các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị trên địa bàn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội…

Một số hình ảnh tại phiên họp:

Qua thảo luận tại Tổ, các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở

Các đại biểu Quốc hội cho rằng hồ sơ dự án Luật cơ bản đáp ứng yêu cầu của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Một số ý kiến cũng cho rằng, cần thiết phải rà soát lại các quy định của Luật Nhà ở để đảm bảo sự đồng bộ với các luật khác, xử lý các mâu thuẫn, chồng chéo để đảm bảo cho việc triển khai Luật nhà ở trong thời gian tới đạt được hiệu quả

Quan tâm đến vấn đề nhà chung cư, nhiều ý kiến thống nhất với ý kiến thẩm tra của Ủy ban Pháp luật

Các đại biểu đề nghị cần phải xem xét để tiết giảm các thủ tục nhằm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các chủ đầu tư trong việc triển khai thực hiện các dự án

Các đại biểu Quốc hội tại phiên họp

Thu Phương – Nghĩa Đức

Các bài viết khác