Luật tiếp cận thông tin cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin

23/11/2015

Nhằm cung cấp thêm thông tin tham khảo phục vụ các đại biểu Quốc hội trong việc thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật tiếp cận thông tin vào cuối Kỳ họp thứ 10, ngày 21/11, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Khoa Luật- Đại học Quốc gia Hà Nội và Nhóm làm việc vì sự tham gia của người dân (PPWG) tổ chức Hội thảo “Góp ý về dự thảo Luật tiếp cận thông tin”. Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sĩ Dũng chủ trì Hội thảo.

Hội thảo còn có sự tham gia của: Phó chủ nhiệm Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh; đại điện PPWG Lê Quang Bình, các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà quản lý trong lĩnh vực nghiên cứu pháp luật.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, TS.Nguyễn Sĩ Dũng khẳng định quyền tiếp cận thông tin là quyền của các quyền, gắn liền với việc mưu cầu hạnh phúc của người dân, là điều kiện để người dân thực hiện các quyền chính đáng của mình. Việc đưa Luật tiếp cận thông tin vào chương trình làm luật tại kỳ họp thứ 10 nhằm thế chể quy định về quyền con người quyền công dân trong Hiến pháp 2013, là một điểm sáng trong hoạt động lập pháp của Quốc hội. Tuy nhiên, quá trình xây dựng luật cần đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật lập pháp để luật không trở thành một bản tuyên ngôn, nhồi nhét các chính sách không khả thi.

Do đó, Hội thảo là cơ hội để các học giả, tổ chức xã hội dân sự trao đổi, cung cấp thông tin thực tiễn và kinh nghiệm quốc tế đến các đại biểu Quốc hội- những người quyến định vận mệnh của dự luật.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe trình bày tham luận của các chuyên gia về các vấn đề xây dựng Luật tiếp cận thông tin vì mục tiêu dân chủ, minh bạch; Dự thảo Luật tiếp cận thông tin của Việt Nam: Phân tích so sánh với các tiêu chuẩn phổ biến về Luật tiếp cận thông tin trên thế giới; Ý kiến của công chúng; thách thức trong bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin…

Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, GD, TN, TN và NĐ, GS.TS Nguyễn Minh Thuyết đánh giá dự thảo Luật tiếp cận thông tin đã thể hiện được những quan điểm mới và đúng đắn về quyền tiếp cận thông tin, cơ bản phù hợp với các quy định của Hiến pháp 2013 và các giá trị phổ quát về quyền con người, quyền công dân của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, đáp ứng phần lớn các yêu cầu đặt ra cuộc sống. Bên cạnh đó, theo GS.TS Nguyễn Minh Thuyết, dự thảo Luật vẫn còn một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện như vị trí của Luật tiếp cận thông tin trong hệ thống pháp luật; nội dung quyền tiếp cận thông tin; chủ thể tiếp cận thông tin; chủ thể cung cấp thông tin; thông tin hạn chế tiếp cận; cơ quan giám sát thi hành luật tiếp cận thông tin.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng Luật tiếp cận thông tin cần mở rộng chủ thể cung cấp thông tin là toàn bộ các cơ quan, tổ chức sử dụng ngân sách nhà nước, tài nguyên quốc gia và các đơn vị cung cấp dịch vụ công. Luật cũng cần quy định trong trường hợp thông tin có ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân như thông tin về tiến độ thực hiện dự án, công trình; thông tin về mức độ khí thải, chất thải hàng năm của doanh nghiệp.

Tán thành với ý kiến này, PGS.TS Vũ Công Giao cho rằng cách quy định của dự thảo về cơ quan nhà nước có trách nhiệm cung cấp thông tin chưa bao gồm hết những chủ thể có trách nhiệm, đặc biệt là những tổ chức chính trị, chính trị xã hội như Mặt trận tổ quốc, Hội nông dân, Hội liên hiệp phụ nữ… bởi một số hoạt động của các tổ chức này liên quan đến thực hiện chức năng công của nhà nước như tham gia quản lý nhà nước về những lĩnh vực có liên quan (cho ý kiến xét nâng lương, bổ nhiệm, bãi nhiệm); thực hiện đối ngoại nhân dân; tham gia xây dựng nhà nước và pháp luật.

Báo cáo kết quả tham vấn ý kiến công chúng về đảm bảo luật tiếp cận thông tin tương thích với pháp luật hiện hành của Việt Nam và pháp luật quốc tế, bà Ngô Thị Thu Hà cho biết các thông tin được cung cấp đến người dân thường không đầy đủ, không rõ ràng; cán bộ, công chức tỏ thái độ thiếu thân thiện, né tránh trách nhiệm cung cấp thông tin nên người dân thường phải đi lại nhiều lần, gặp nhiều bên khác nhau; thông tin thường được thể hiện bằng ngôn ngữ không phù hợp (đối với người dân tộc); chi phí cao hơn khả năng chi trả.

Trong khi đó, Phó chủ nhiệm Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, TS. Nguyễn Thị Quế Anh cho rằng việc thực thi Luật tiếp cận thông tin trên thực tiễn cần phải xem xét giải quyết những thách thức đặt ra từ bối cảnh thực tiễn với việc bảo đảm thực thi quyền tiếp cận thông tin như phân hóa giàu nghèo trong tiếp cận thông tin, đặc điểm văn hóa, truyền tải thông tin không chính xác qua những ứng dụng công nghệ thông tin. Đồng thời, cân bằng quyền tiếp cận thông tin của công dân với quyền được bảo vệ đời tư, quyền tác giả và bảo đảm các lợi ích công chúng.

Cũng tại hội thảo các đại biểu, các chuyên gia cho rằng để bảo đảm thực thi Luật trên thực tế cần nghiên cứu quy định rõ ràng về cơ chế giám sát, bảo vệ quyền thông tin. Hiện nay, trên thế giới có 3 cơ chế bảo vệ quyền thông tin chính gồm: cơ chế khiếu nại hành chính nội bộ; cơ chế khiếu nại lên cơ quan giám sát độc lập và cơ chế khởi kiện tại tòa án. Theo đó, Ban soạn thảo Luật tiếp cận thông tin cần nghiên cứu để đề xuất giao nhiệm vụ đảm bảo thực hiện quyền tiếp cận thông tin của công dân cho một cơ quan khác ngoài Chính phủ. Đó có thể là một cơ quan chuyên trách hoặc giao cho một cơ quan thuộc Quốc hội như Ủy ban Dân nguyên hoặc tòa án.

Tin và ảnh: Bảo Yến