Tọa đàm Tổ chức và hoạt động của Hội- Những kinh nghiệm của Nhật Bản

16/12/2015

Sáng 16/12, tại Nhà Quốc hội, Văn phòng Quốc hội phối hợp Cơ quan hợp tác Quốc tế Nhật Bản tại Việt Nam (JICA) tổ chức Tọa đàm “Tổ chức và hoạt động của Hội- Những kinh nghiệm của Nhật Bản” để tham vấn, trao đổi ý kiến với các chuyên gia trong nước và Nhật Bản về một số nội dung của dự thảo Luật về hội, chuẩn bị trình Quốc hội khóa XIV xem xét thông qua.

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông phát biểu khai mạc Tọa đàm                   Ảnh: Đình Nam

Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Lê Minh Thông, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng và Trưởng ban cố vấn dự án JICA- ONA Giáo sư Tsuboi Yoshiharu đồng chủ trì Tọa đàm. Tham dự Tọa đàm có các chuyên gia đến từ Nhật Bản và các chuyên gia Pháp luật Việt Nam, đại diện Bộ Nội Vụ, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường,… và đại diện các Vụ, đơn vị của Văn phòng Quốc hội.

Phát biểu khai mạc Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp Luật Lê Minh Thông cho biết, dự thảo Luật về hội là một trong những Luật thu hút được sự chú ý của đông đảo nhân dân, các đại biểu Quốc hội, cũng như các hội tại Việt Nam. Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII vừa qua. Qua thảo luận cho thấy, dự thảo Luật còn nhiều vấn đề cần phải nghiên cứu thêm. Mục tiêu đặt ra làm thế nào để Luật về hội có thể thể chế hóa về các điều về hội, là một bước tiến về mặt luật pháp tạo khung pháp lý cho các hội tại Việt Nam.

Sau kỳ họp tứ 10, Ủy ban Pháp luật đã tiến hành nhiều nghiên cứu và đánh giá về tác động của luật. Việc tổ chức Tọa đàm này nhằm mục đích ghi nhận sự tư vấn, lắng nghe ý kiến của các chuyên gia trong nước và quốc tế để hoàn thiện dự thảo Luật.

Phát biểu tại Tọa đàm, Trưởng ban cố vấn Dự án JICA- ONA, Giáo sư Tsuboi Yoshiharu cho rằng, Nhật Bản và Việt Nam đều có chung một điểm là Hiến pháp hai bên đều công nhận quyền tự do của công dân trong việc thành lập hội. Trong việc xây dựng pháp luật, Giáo sư Tsuboi cho rằng, điều quan trọng nhất là làm thế nào để phản ánh ý chí nguyện vọng của người dân. Đó cũng là những căn cứ cơ bản nhất để chúng tôi xây dựng Luật về hội.

Trưởng ban cố vấn Dự án JICA- ONA, Giáo sư Tsuboi Yoshiharu phát biểu tại Tọa đàm

Tại Tọa đàm, Phó chủ nhiệm Ủy ban Chứng nhận pháp nhân công ích, Văn phòng Nội các Amemiya Takako giới thiệu tổng quan hệ thống văn bản pháp luật Nhật Bản về hội. Theo đó, Quyền tự do lập hội là quyền tự do kết thành một tập thể mang tính lâu dài của nhiều người có cùng chung mục đích. Tại Nhật Bản, Hiến pháp bảo đảm quyền tự do lập hội, bao gồm cả công đoàn lao động và hội mang tính tôn giáo, các chính đảng. Việc thành lập hội được quy định rõ tại Bộ luật dân sự Nhật Bản, trong đó: Việc thành lập, tổ chức, hoạt động và quản lý của pháp nhân có mục đích học thuật, nghệ thuật, từ thiện, nghi thức, tôn giáo hoặc các mục đích công ích khác, pháp nhân có mục đích kinh doanh hoạt động có lợi nhuận và các pháp nhân khác sẽ căn cứ theo quy định của Luật này và các luật khác.

Chuyên gia Takamori Massaki đến từ Cục pháp chế Hạ nghị viện Nhật bản đã chia sẻ kinh nghiệm về kỹ thuật soạn thảo Luật về hội, các quy tắc về kỹ thuật lập pháp, cách viết các điều khoản, sử dụng từ ngữ, các quy tắc về thiết kế chế độ hợp lý…  

Phát biểu kết Tọa đàm, đại diện Lãnh đạo Ủy ban Pháp luật cho rằng, buổi tọa đàm đã diễn ra rất thành công, sôi nổi, qua hai bài giới thiệu tổng quan về hệ thống Luật pháp nhân của Nhật Bản, Ủy ban Pháp luật và Ban soạn thảo sẽ nghiên cứu một cách đầy đủ toàn diện và nghiêm túc nhất những ý kiến đóng góp của các chuyên gia Nhật Bản cũng như các đại biểu tham gia Tọa đàm, sớm hoàn thiện dự thảo Luật về hội trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Mai Trang