Tiếp tục tuyên truyền sâu, rộng về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội

23/01/2016

Ban tổ chức kỷ niệm 70 Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên vừa có Báo cáo tổng kết các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946- 06/01/2016). Báo cáo nêu rõ: các hoạt động kỷ niệm đã giúp ôn lại những chặng đường lịch sử đã đi qua, rút ra những bài học kinh nghiệm, kế thừa, phát triển những giá trị của lịch sử, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước và sự mong đợi của Nhân dân.

Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam                                    Ảnh: Đình Nam

Báo cáo đánh giá, về cơ bản, tất cả nội dung đặt ra trong Kế hoạch số 619/KH- UBTVQH13 ngày 31/3/2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (06/01/1946- 06/01/2016) đã được thực hiện theo đúng tiến độ, bảo đảm mục tiêu đặt ra. Đồng thời, Ban tổ chức cũng đã bổ sung thêm nhiều hoạt động so với Kế hoạch ban đầu để bảo đảm Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên được tổ chức trang trọng, ở cấp quốc gia theo đúng ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị. Trong đó, các hoạt động thông tin, tuyên truyền đã được thực hiện với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, có tác động sâu rộng, có sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân; thu thập thêm được nhiều hiện vật, tư liệu về kỳ Tổng tuyển cử đầu tiên và những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội.

Thông qua các hoạt động kỷ niệm đã giúp ôn lại những chặng đường lịch sử đã đi qua, rút ra những bài học kinh nghiệm, kế thừa, phát triển những giá trị của lịch sử, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của công cuộc phát triển đất nước và sự mong đợi của Nhân dân. Đặc biệt, các hoạt động kỷ niệm cũng đã góp phần nâng cao nhận thức của người dân về việc thực hành dân chủ trực tiếp, về thiết chế đại diện và nâng cao vị thế, hình ảnh của Quốc hội.

Những kết quả đạt được

Về công tác thông tin, tuyên truyền, Văn phòng Quốc hội đã biên soạn và xuất bản cuốn sách tuyên truyền: “70 năm Quốc hội Việt Nam” gửi đến các cơ quan thông tấn, báo chí và các địa phương để làm cơ sở cho công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; phối hợp với Thông tấn xã Việt Nam tiến hành biên soạn, xuất bản sách ảnh song ngữ. Đây là ấn phẩm có giá trị tuyên truyền cao đối với cả trong và ngoài nước về lịch sử hình thành và phát triển của Quốc hội và những dấu ấn kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam qua các hình ảnh mang tính lịch sử.

Lễ cắt băng khai trương Triển lãm sách, tư liệu “70 năm Quốc hội Việt Nam” tại Thư viện Quốc gia

Văn phòng Quốc hội cũng đã phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức báo cáo chuyên đề về công tác thông tin, tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên tại cuộc giao ban báo chí ngày 1/12/2015; phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức các cuộc hội nghị, họp báo, tổ chức Trung tâm báo chí và xây dựng chuyên trang trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội để cung cấp thông tin tới các phóng viên báo chí phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Cùng với đó, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức cuộc thi sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên. Các tranh cổ động đã được sử dụng để phục vụ hiệu quả công tác tuyên truyền trực quan về lễ kỷ niệm; Văn phòng Quốc hội có các hình thức tuyên truyền trực quan kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên ở tất cả các trụ sở làm việc của Quốc hội trên cả nước; tổ chức triển lãm sách, tư liệu kỷ niệm 70 năm Quốc hội Việt Nam tại Thư viện Quốc gia. Tại triển lãm này đã có hơn 1.000 tư liệu, ấn phẩm về Quốc hội đã được trưng bày, là nguồn tham khảo quan trọng phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu về Quốc hội.

Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì, phối hợp với Văn phòng Quốc hội xây dựng 3 tập phim tài liệu: “70 năm Quốc hội Việt Nam” phát trên sóng VTV1 từ ngày 23/12/2015 đến 26/12/2015; tổ chức Cầu truyền hình “Người đại diện” vào tối ngày 4/1/2016, qua đó đã thông tin, tuyên truyền một cách chuyên sâu đến người dân về những giá trị của cuộc Tổng tuyển cử lần đầu tiên và những bài học kinh nghiệm trong tổ chức và hoạt động của Quốc hội; Các Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trên cả nước cũng đã phối hợp với các cơ quan, đoàn thể ở địa phương có nhiều hoạt động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; Các cơ quan thông tấn, báo chí ở trung ương và địa phương đã tích cực mở các chuyên trang, chuyên mục, đăng tải nhiều bài viết, bài nghiên cứu, phóng sự, chuyên đề, phim tài liệu về cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên… thông qua đó đã cung cấp nhiều thông tin, tư liệu mới được khai thác về lịch sử Quốc hội; đề xuất nhiều sáng kiến về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Phó Chủ tịch QH Tòng Thị Phóng và các đại biểu tham quan Nhà lưu niệm trong Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội

Về tổ chức các hoạt động, sự kiện lớn trong dịp kỷ niệm, Văn phòng Quốc hội phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Quốc dân Đại hội Tân Trào trong đó có việc tổ chức Lễ bàn giao Khu di tích Ban Thường trực Quốc hội tại Tân Trào, Tuyên Quang; phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức thành công cuộc vận động sáng tác ca khúc về Quốc hội Việt Nam; Tổ chức thành công Liên hoan văn nghệ quần chúng ở 5 khu vực với sự tham gia của 52 đoàn văn nghệ, với 218 tiết mục và trên 1.400 diễn viên là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Văn phòng Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước, Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Văn phòng Quốc hội cũng đã phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức giải báo chí “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Đây là lần đầu tiên một giải báo chí có quy mô lớn viết về Quốc hội được tổ chức với sự tham gia của 396 tác phẩm, của 44 cơ quan báo chí trong cả nước thuộc cả 4 loại hình báo chí (báo in, báo hình, báo nói và báo điện tử); Tổ chức thành công Hội thảo khoa học cấp quốc gia: “Quốc hội Việt Nam: 70 năm hình thành và phát triển”; phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Chương trình nghệ thuật “Vinh quang Quốc hội Việt Nam”…

Chương trình nghệ thuật “Vinh quang Quốc hội Việt Nam”

Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Quốc hội đã tổ chức mời và đón tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Quốc hội Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào, Quốc hội Vương quốc Campuchia tham dự Lễ kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên; tổ chức cuộc gặp mặt giữa các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII với đại diện các thế hệ đại biểu Quốc hội các nhiệm kỳ trên cả nước.

Đặc biệt, Lễ cấp quốc gia kỷ niệm 70 năm ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu Quốc hội Việt Nam vào ngày 06/01/2016 tại Nhà Quốc hội đã được tổ chức một cách thành công tốt đẹp, được các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng Nhân dân cả nước ghi nhận và đánh giá cao cả về nội dung và công tác tiếp đón, phục vụ.

Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu, rộng về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội

Trong thời gian tới, để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được trong quá trình tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên và thiết thực kỷ niệm những sự kiện lớn của Quốc hội trong năm 2016, Báo cáo tổng kết của Ban tổ chức kỷ niệm 70 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên đã đề ra một số kiến nghị như: Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền sâu, rộng về quá trình hình thành và phát triển của Quốc hội, trong đó có những dấu mốc quan trọng trong năm 2016 như kỷ niệm 70 năm kỳ họp đầu tiên của Quốc hội và 70 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội (02/03/1946- 02/03/2016); 40 năm Ngày tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/04/1976- 25/04/2016); 70 năm Ngày thông qua bản Hiến pháp đầu tiên (9/11/1946- 9/11/2016); thông tin, tuyên truyền sâu, rộng về các hoạt động của Quốc hội trong năm 2016 như Tổng kết nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, bầu cử Quốc hội khóa XIV và những kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa XIV;

Thứ hai, tiếp tục đầu tư nguồn lực để sưu tầm, bổ sung các hiện vật, tư liệu lịch sử về tổ chức và hoạt động của Quốc hội; mở rộng không gian trưng bày các hiện vật lịch sử tại Nhà Quốc hội để tăng cường hoạt động giáo dục về Quốc hội đối với các khách thăm quan Nhà Quốc hội;

Thứ ba, tiếp tục thực hiện việc tổng hợp dữ liệu và giữ mối liên hệ chặt chẽ với đại biểu Quốc hội các thế hệ hiện đang về nghỉ chế độ ở các địa phương để kịp thời có các hoạt động tri ân về các đóng góp đối với Quốc hội./.

Quang Minh