I- BẦU CỬ ĐẠI BIỂU QUỐC HỘI KHÓA IX, QUỐC HỘI BẦU VÀ PHÊ CHUẨN NHÂN SỰ, TỔ CHỨC BỘ MÁY NHÀ NƯỚC CẤP CAO
Thực hiện đường lối đổi mới do Đại hội lần thứ VI của Đảng Cộng sản Việt Nam đề xướng, “Quốc hội khóa VIII đã thực hiện sứ mệnh cao cả mở đường cho công cuộc đổi mới toàn diện đời sống xã hội ở nước ta về mặt nhà nước”[1]. Điểm nổi bật trong hoạt động của Quốc hội khóa VIII là đã thông qua Hiến pháp mới của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam - Hiến pháp 1992 trên cơ sở quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, kế thừa và phát triển các Hiến pháp trước đây. Là văn kiện nhà nước có hiệu lực pháp lý cao nhất, Hiến pháp 1992 đã thể hiện ý chí và nguyện vọng của toàn dân, thể chế hóa Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội và Chiến lược ổn định, phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Để đáp ứng yêu cầu đổi mới tổ chức và hoạt động của cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 15-4-1992, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, trong đó quy định công dân có quyền tự ứng cử đại biểu Quốc hội và quy định cụ thể về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội.
Xác định cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội là đợt sinh hoạt chính trị rộng lớn trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, trong Nghị quyết của kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII quy định một số điểm về thi hành Hiến pháp 1992, Quốc hội đã giao cho Hội đồng Nhà nước “Trước mắt tổ chức tốt cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX; tiến hành chậm nhất trước ngày 31-7-1992”[2].
Như vậy, kể từ sau Đại hội lần thứ VII, nhất là từ khi có Hiến pháp 1992, Đảng yêu cầu rất cao đối với tổ chức và hoạt động của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Để có một Quốc hội đủ năng lực thực hiện quyền hạn theo quy định của Hiến pháp, khâu đột phá của tổ chức Quốc hội chính là đổi mới chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội, tức là thông qua chế độ bầu cử lựa chọn được những đại biểu thực sự có phẩm chất và năng lực, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân tham gia vào Quốc hội - cơ quan đại diện dân cử cao nhất và cũng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất.
Chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, ngay trong Báo cáo chính trị tại Đại hội lần thứ VII của Đảng, khi đề cập đến vấn đề đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của hệ thống chính trị, Đảng đã xác định: “Quốc hội cần được tiếp tục cải tiến về tổ chức và hoạt động để làm đúng trách nhiệm là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất..., đổi mới tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, chế độ bầu cử và hoạt động của đại biểu Quốc hội, tổ chức sinh hoạt của Quốc hội và hoạt động của các ủy ban thường trực của Quốc hội”[3].
Để cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, bảo đảm yêu cầu đổi mới hoạt động của Quốc hội theo đúng quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng, trong bài phát biểu tại Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa VII) tháng 11-1991, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã nhấn mạnh: “Để hoàn thành được nhiệm vụ của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, Quốc hội phải gồm những đại biểu có đủ năng lực và phẩm chất, được bầu một cách thực sự dân chủ, không vì cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn, không nên có nhiều người kiêm nhiệm công tác chủ chốt của ngành hành pháp và tư pháp”[4].
Ngày 6-1-1992, Bộ Chính trị ra quyết định về việc thành lập Tiểu ban chuẩn bị nhân sự Quốc hội khóa IX do Tổng Bí thư Đỗ Mười làm Trưởng tiểu ban để nghiên cứu tiêu chuẩn, cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội; quyết định đề cử các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham gia ứng cử vào Quốc hội khóa IX. Tiếp đó, ngày 31-3-1992, Bộ Chính trị ra Chỉ thị số 09-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX. Theo yêu cầu của Bộ Chính trị, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX phải thể hiện tinh thần đổi mới, phải bầu được một Quốc hội xứng đáng là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, có năng lực làm tròn nhiệm vụ đã được Hiến pháp quy định, góp phần tích cực vào việc tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, bảo đảm quyền làm chủ bằng nhà nước của nhân dân, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ VII của Đảng. Tiêu chuẩn người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội phải là người trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới làm cho dân giàu, nước mạnh, có trình độ hiểu biết và năng lực thực hiện nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, có phẩm chất đạo đức tốt, gương mẫu chấp hành pháp luật, được nhân dân tín nhiệm.
Về nhân sự cấp cao của Đảng và Nhà nước ra ứng cử đại biểu Quốc hội khóa IX, Bộ Chính trị đã quyết định và gửi danh sách ứng cử viên về Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để chuẩn bị cho công tác hiệp thương[5].
1. Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, ngày 19-7-1992
Căn cứ Điều 91 của Hiến pháp 1992 và Điều 12 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, ngày 17-4-1992, thực hiện quyền hạn của mình, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Nghị quyết số 558 NQ/HĐNN8 về việc tổ chức cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX vào ngày Chủ nhật 19-7-1992 và thành lập Hội đồng bầu cử gồm 19 người do Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Võ Chí Công làm Chủ tịch để phụ trách tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX trong cả nước.
Theo luật định, Hội đồng bầu cử có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:
1. Lãnh đạo việc tổ chức bầu cử trong cả nước, kiểm tra, đôn đốc việc thi hành các quy định của pháp luật về bầu cử đại biểu Quốc hội;
2. Công bố danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội theo từng đơn vị bầu cử trong cả nước;
3. Xét và giải quyết khiếu nại về công tác của các Ủy ban bầu cử, Ban bầu cử và Tổ bầu cử. Xét và giải quyết khiếu nại về công tác bầu cử do Ủy ban bầu cử hoặc Ban bầu cử chuyển đến;
4. Tiếp nhận và kiểm tra biên bản do Ủy ban bầu cử hoặc Ban bầu cử gửi đến, làm biên bản tổng kết cuộc bầu cử trong cả nước;
5. Xét và quyết định việc bầu lại, bầu thêm hoặc hủy kết quả bầu cử ở các đơn vị bầu cử;
6. Tuyên bố kết quả bầu cử trong cả nước;
7. Cấp giấy chứng nhận cho đại biểu trúng cử;
8. Trình Quốc hội biên bản tổng kết bầu cử và những hồ sơ, tài liệu về bầu cử.
Căn cứ vào Điều 7, Điều 8 và Điều 9 của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, ngày 2-5-1992, Hội đồng Nhà nước ban hành Nghị quyết số 566 NQ/HĐNN8 về việc phê chuẩn tổng số đại biểu Quốc hội khóa IX là 395 người[6]. Tổng số đơn vị bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX trong cả nước là 158 đơn vị; đồng thời phê chuẩn danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu của mỗi đơn vị bầu cử ở từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX tiến hành trong điều kiện tình hình thế giới và trong nước có những diễn biến phức tạp. Do đó, Bộ Chính trị đã chỉ đạo các cấp ủy Đảng và các cơ quan có liên quan cần phải tăng cường lãnh đạo chặt chẽ quá trình chuẩn bị và tiến hành bầu cử. Tổ chức tuyên truyền và phổ biến sâu rộng trong nhân dân về ý nghĩa và tầm quan trọng của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, về Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của cử tri, động viên các tầng lớp nhân dân hăng hái tham gia bầu cử; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.
Để bảo đảm cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX thành công tốt đẹp; đồng thời tạo cơ sở pháp lý cần thiết bảo đảm phát huy quyền dân chủ của công dân; theo quy định tại Điều 36 Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và hướng dẫn của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận các tỉnh, thành trong cả nước đã tổ chức cho những người ứng cử đại biểu Quốc hội thực hiện quyền vận động bầu cử thông qua việc gặp gỡ, tiếp xúc cử tri và báo cáo với cử tri dự kiến việc thực hiện trách nhiệm của người đại biểu nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội. Đây là điểm mới trong công tác tổ chức bầu cử, lôi cuốn đông đảo cử tri tham gia với tinh thần dân chủ, cởi mở và xây dựng. Trong cả nước có 601 người được giới thiệu ra ứng cử và tự ứng cử. Những người ứng cử được tổ chức thành 158 đoàn với trên 1.500 cuộc tiếp xúc ở thị xã, thị trấn, liên xã, liên phường, các trung tâm công nghiệp, trường đại học... Hơn 300.000 cử tri đã tham gia các cuộc tiếp xúc[7], tạo không khí thuận lợi cho ngày bầu cử. Các cuộc tiếp xúc với cử tri không mang tính chất vận động tranh cử, chủ yếu là tạo diễn đàn để những người ứng cử gặp gỡ và lắng nghe ý kiến của cử tri.
Cử tri phường Điện Biên, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội bỏ phiếu bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, ngày 19-7-1992
Ngày 19-7-1992, trong không khí của ngày hội lớn, cử tri cả nước đã đến các điểm bầu cử để chọn lựa 395 đại biểu trong số 601 người được đề cử thay mặt mình ở cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Có 37.195.592/ 37.524.435 cử tri đã tham gia bầu cử, chiếm tỷ lệ 99,12% (bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII là 98,75%). Việc cử tri tham gia bầu cử chiến tỷ lệ cao đã phản ánh trình độ giác ngộ chính trị cao của cử tri khi thực hiện quyền dân chủ của mình. Mặt khác, cũng phản ánh công tác bầu cử đã được chuẩn bị chu đáo. Đồng bào, chiến sĩ và cán bộ phụ trách bầu cử đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm, bảo đảm cho cuộc bầu cử thành công tốt đẹp. Trong cuộc bầu cử ngày 19-7-1992, nơi cử tri đi bầu đạt tỷ lệ cao nhất là 99,83%, nơi đạt tỷ lệ thấp nhất là 97,06%. Ở thành phố Hà Nội, tỷ lệ đi bầu là 99,23%; Thành phố Hồ Chí Minh là 99,49%. Địa phương nào cũng có một số xã, phường, có nơi cả huyện đạt tỷ lệ đi bầu 100%[8].
Trong tổng số 601 người được đề cử, có 393 đại biểu đã trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 19-7-1992. Riêng đơn vị bầu cử số 2 của tỉnh Hòa Bình và đơn vị bầu cử số 6 của tỉnh Thanh Hóa mỗi đơn vị bầu thiếu 1 đại biểu và đã tổ chức bầu bổ sung ngày 9-8-1992. Cuộc bầu bổ sung được các đơn vị tổ chức nghiêm túc, đã bầu đủ 2 đại biểu còn thiếu so với quy định.
Từ ngày 21 đến ngày 28-7-1992, Hội đồng bầu cử Trung ương đã công bố kết quả bầu cử ngày 19-7-1992 và kết quả bầu cử bổ sung ngày 9-8-1992, có đủ 395 đại biểu trúng cử theo luật định. Trong 395 đại biểu trúng cử có: đại biểu Quốc hội khóa VIII tái đắc cử là 103 người (26,07%), đại biểu là phụ nữ 73 người (18,84%), đại biểu là người dân tộc thiểu số 66 người (16,79%), đại biểu tôn giáo 7 người (1,77%), đại biểu lực lượng vũ trang nhân dân 38 người (9,62%), đại biểu là đảng viên 362 người (91,65%), đại biểu công tác trong các cơ quan Đảng, đoàn thể nhân dân ở Trung ương và địa phương 272 người (68,87%), đại biểu trong lĩnh vực quản lý nhà nước 123 người (31,13%), đại biểu ở Trung ương (do Trung ương giới thiệu ra ứng cử) 96 người (24,3%), đại biểu là cán bộ quản lý ở cơ quan sản xuất, kinh doanh 17 người (4,3%), đại biểu chuyên trách công tác của Quốc hội 21 người (5,31%), đại biểu có trình độ đại học và trên đại học 222 người (56,20%), đại biểu có trình độ cao đẳng trở xuống 161 người (40,75%), đại biểu cơ quan hành pháp 45 người (11,39%), đại biểu là thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố 18 người (4,6%), đại biểu là luật gia 22 người (5,66%), đại biểu hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp 19 người (4,81%), đại biểu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp 58 người (14,68%), đại biểu là cán bộ chính trị 43 người (10,94%), đại biểu hoạt động trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật 20 người (5,08%), đại biểu hoạt động trong ngành giáo dục 24 người (6,07%), đại biểu hoạt động trong ngành y tế 16 người (4,06%).
Trong phiên họp toàn thể ngày 12-8-1992, Hội đồng bầu cử đã kiểm điểm tình hình bầu cử ở tất cả các địa phương và nhất trí đánh giá: cuộc bầu cử ngày 19-7-1992 và cuộc bầu cử bổ sung ngày 9-8-1992 ở hai đơn vị bầu cử (Hòa Bình và Thanh Hóa) được tiến hành dân chủ, đúng pháp luật, theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín. Hội đồng Nhà nước, Hội đồng bầu cử đã có nhiều cố gắng, tuy nhiên do “thời gian để tiến hành cuộc bầu cử có hạn, việc hướng dẫn cơ cấu, thành phần đại biểu ở một số nơi còn biểu hiện gò ép; việc phân bố người ứng cử ở một số đơn vị bầu cử chưa thật hợp lý gây ấn tượng áp đặt, thiếu dân chủ; việc công dân tự ứng cử là việc mới nhưng làm chưa chu đáo từ trên xuống nên chưa đạt được kết quả như mong muốn”[9].
Mặc dù vậy, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX đã thành công tốt đẹp. Thành phần của 395 đại biểu được bầu vào Quốc hội khóa IX đã phản ánh khối đại đoàn kết toàn dân, tiêu biểu cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân cả nước, là kết quả của sự lựa chọn dân chủ của cử tri. Điều đó chứng tỏ nhân dân đã thể hiện lòng tin vào sự lãnh đạo của Đảng, có ý thức cao về quyền và nghĩa vụ của mình trong cuộc bầu cử, tích cực lựa chọn những đại biểu xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất. Đánh giá về đại biểu Quốc hội khóa IX, trong bài phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, Tổng Bí thư Đỗ Mười đã khẳng định: “Chúng ta vui mừng nhận thấy rằng, Quốc hội lần này bao gồm những đại biểu ưu tú, tiêu biểu cho trí tuệ của toàn dân, phản ánh trung thành khối đại đoàn kết toàn dân Việt Nam trong thời kỳ tiến hành sâu sắc và toàn diện công cuộc đổi mới đất nước”[10].
2. Quốc hội khóa IX bầu và phê chuẩn các cơ quan và các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước
Theo luật định, ngày 19-9-1992, kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX đã khai mạc tại Hội trường Ba Đình, Thủ đô Hà Nội. Trọng tâm của kỳ họp mở đầu nhiệm kỳ và cũng là công việc hệ trọng của Quốc hội là bầu ra các cơ quan tối cao và các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước. Phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp, Chủ tịch Quốc hội khóa VIII Lê Quang Đạo đã ghi nhận: đóng góp to lớn của Quốc hội khóa VIII là đã thông qua Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992, tạo cơ sở pháp lý cho công cuộc xây dựng chính quyền của dân, do dân, vì dân; bảo đảm quyền dân chủ và công bằng xã hội, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, giữ vững trật tự kỷ cương, bảo đảm cho sự nghiệp xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh, cho mọi người dân có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc và có điều kiện phát triển toàn diện. Với tư cách là Chủ tịch Quốc hội khóa VIII, Chủ tịch Lê Quang Đạo đã nhấn mạnh: Kỳ họp mở đầu nhiệm kỳ khóa IX “có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt đối với việc đổi mới hoạt động của Quốc hội và của đại biểu Quốc hội trong suốt nhiệm kỳ”. Do đó, Chủ tịch đề nghị các vị đại biểu “dân chủ thảo luận, sáng suốt quyết định các vấn đề trong chương trình làm việc, góp phần tích cực làm cho kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa IX thành công”.
Thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, trong diễn văn phát biểu tại phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX, Tổng Bí thư Đỗ Mười khẳng định: Trong điều kiện đổi mới nói chung và đổi mới hệ thống chính trị hiện nay “Điều quan trọng nhất là mỗi đại biểu Quốc hội đều ý thức sâu sắc mình là người được nhân dân ủy nhiệm tham gia quyết định những việc trọng đại của đất nước; mọi việc mình làm đều phải thể hiện ý chí, nguyện vọng và lợi ích của nhân dân. Phải phấn đấu để xứng đáng với danh hiệu cao quý là đại biểu nhân dân, vì nhân dân mà hết lòng phục vụ”[11].
Với nhận thức sâu sắc, việc của đất nước là việc của nhân dân, Tổng Bí thư mong muốn các vị đại biểu Quốc hội phải luôn đề cao ý thức trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ, phấn đấu luôn luôn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân. Để phát huy vai trò của cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam thực sự của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, Tổng Bí thư khẳng định: kỳ họp đầu tiên lần này có tầm quan trọng đặc biệt, đó là việc Quốc hội có nhiệm vụ “cử ra những người đứng đầu Nhà nước và Quốc hội, các hội đồng và các ủy ban của Quốc hội, những người đứng đầu các cơ quan hành pháp và tư pháp...”. Do vậy, rất cần các vị đại biểu Quốc hội đề cao trách nhiệm trước nhân dân, sáng suốt lựa chọn và quyết định những người đứng đầu các cơ quan cấp cao của Nhà nước để “đảm đương sứ mệnh cao cả ở thời điểm mà dân tộc ta cùng cả loài người chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI”.
Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng bầu cử Võ Chí Công đã báo cáo trước Quốc hội kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX. Báo cáo nêu rõ, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX đã được nhân dân khắp mọi miền đất nước tích cực tham gia. Mặc dù, ở các vùng núi, hải đảo còn gặp nhiều khó khăn, nhưng đồng bào, chiến sĩ và cán bộ phụ trách bầu cử đã tỏ rõ tinh thần trách nhiệm cao, bảo đảm an toàn cho cuộc bầu cử.
Kết quả của cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước, góp phần quan trọng đổi mới cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, đổi mới hệ thống chính trị ở nước ta. Các đại biểu Quốc hội khóa IX trúng cử gồm những đại biểu ưu tú, đại diện cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, xứng đáng là người thay mặt nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước trong Quốc hội. Điều đó khẳng định, nhân dân đã nhận thức rõ trách nhiệm và vinh dự của mình trong việc cầm lá phiếu bầu cử những người xứng đáng thay mặt nhân dân để quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước và có quan hệ mật thiết đến lợi ích của toàn dân.
Đoàn thiếu nhi Thủ đô đến chào mừng các vị đại biểu Quốc hội khóa IX trong phiên khai mạc kỳ họp thứ nhất, ngày 20-9-1992
Ngày 19-9-1992, sau khi nghe báo cáo của Hội đồng bầu cử về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX, theo đề nghị của Ủy ban thẩm tra tư cách đại biểu, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã thông qua Nghị quyết “Xác nhận tư cách đại biểu của 395 đại biểu Quốc hội khóa IX đã được Hội đồng bầu cử công bố trúng cử trong cuộc bầu cử ngày 19-7-1992 và trong cuộc bầu cử bổ sung ngày 9-8-1992”[12].
Căn cứ vào các Điều 94, 95 của Hiến pháp 1992, các Điều 72, 73 của Luật tổ chức Quốc hội, Quốc hội khóa IX đã tiến hành bầu các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước và thành lập các cơ quan trong bộ máy nhà nước.
Sáng ngày 23-9-1992, Quốc hội bầu Ban kiểm phiếu gồm 7 thành viên, do ông Hà Quang Dự (đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang) làm Trưởng ban. Tiếp đó, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước khóa VIII Võ Chí Công đã trình Quốc hội danh sách để Quốc hội bầu Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Quốc hội tiến hành bầu cử bằng cách bỏ phiếu kín, kết quả:
Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội
Chủ tịch
|
Nông Đức Mạnh
|
Phó Chủ tịch
|
Nguyễn Hà Phan
Đặng Quân Thụy
Phùng Văn Tửu
|
Các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội:
|
Vũ Đình Cự
Trần Thị Tâm Đan
Yngông Niê K’đăm
Mai Thúc Lân
Hoàng Bích Sơn
Vũ Mão
Nguyễn Thị Thân
Hà Mạnh Trí
Phan Minh Tánh
|
Chiều ngày 23-9-1992, Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới thiệu danh sách để Quốc hội bầu chức danh Chủ tịch nước. Kết quả, Đại tướng Lê Đức Anh đã trúng cử chức Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngay sau khi nhậm chức và cám ơn Quốc hội, theo thẩm quyền, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã trình để Quốc hội xem xét bầu các chức danh Phó Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Kết quả:
Chủ tịch, Phó Chủ tịch nước
Chủ tịch
Phó Chủ tịch
Chánh án Tòa án nhân dân tối cao
Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao
|
Lê Đức Anh
Nguyễn Thị Bình
Phạm Hưng
Lê Thanh Đạo
|
Sáng ngày 24-9-1992, sau khi nghe Chủ tịch Quốc hội đọc bản tổng hợp ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội về dự kiến danh sách Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc; chủ nhiệm, các phó chủ nhiệm, thành viên các ủy ban của Quốc hội. Quốc hội tiến hành bầu cử bằng hình thức bỏ phiếu kín, kết quả:
1. Hội đồng Dân tộc do ông Yngông Niê K’đăm làm Chủ tịch. Phó Chủ tịch gồm các ông Cư Hòa Vần, Nguyễn Nhiêu Cốc, Ksor Kron (tức Nguyễn Văn Sỹ), Huỳnh Cương, Phạm Văn Kiết (tức Năm Vận) và 26 ủy viên;
2. Ủy ban Pháp luật do ông Hà Mạnh Trí làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Nguyễn Văn Yểu, Lê Khắc Bình và 20 ủy viên;
3. Ủy ban Kinh tế và Ngân sách do ông Mai Thúc Lân làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Lý Tài Luận, Nguyễn Thanh Phong và 31 ủy viên;
4. Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường do ông Vũ Đình Cự làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Phan Thu, Võ Tòng Xuân và 23 ủy viên;
5. Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng do bà Trần Thị Tâm Đan làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Lương Ngọc Toản, Đặng Thị Thanh Hương, Ca Lê Thuần, Hồ Đức Việt và 24 ủy viên;
6. Ủy ban về Các vấn đề xã hội do bà Nguyễn Thị Thân làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Bùi Ngọc Thanh, Lê Quốc Khánh, Nguyễn Thị Hoài Thu, Lê Văn Truyền và 22 ủy viên;
7. Ủy ban Quốc phòng và An ninh do ông Đặng Quân Thụy làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông Trương Công Phò, Phạm Lợi, Trịnh Trân và 17 ủy viên;
8. Ủy ban Đối ngoại do ông Hoàng Bích Sơn làm Chủ nhiệm. Phó Chủ nhiệm gồm các ông, bà Trần Văn Phác, Nguyễn Thị Ngọc Phượng, Phan Quang và 9 ủy viên;
9. Đoàn Thư ký kỳ họp do ông Vũ Mão làm Trưởng đoàn và 6 ủy viên[13].
Trong phiên họp ngày 28-9-1992, Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt đọc tờ trình đề nghị Quốc hội quyết định danh sách các bộ, các cơ quan ngang bộ và phê chuẩn việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ[14].
Cùng ngày, Chủ tịch nước Lê Đức Anh đọc tờ trình đề nghị Quốc hội phê chuẩn danh sách Hội đồng Quốc phòng và An ninh. Quốc hội đã phê chuẩn bằng cách bỏ phiếu kín đề nghị của Thủ tướng Chính phủ và của Chủ tịch nước. Kết quả:
Thủ tướng, Phó Thủ tướng Chính phủ
Thủ tướng
Phó Thủ tướng
|
Võ Văn Kiệt
Phan Văn Khải
Nguyễn Khánh
Trần Đức Lương
|
Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng
Bộ trưởng Bộ Nội vụ
Bộ trưởng Bộ Ngoại giao
Bộ trưởng Bộ Tư pháp
Bộ trưởng Bộ Tài chính
Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường
Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bộ trưởng Bộ Y tế
Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin
Bộ trưởng Bộ Xây dựng
Bộ trưởng Bộ Thủy lợi
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Công nghiệp thực phẩm
Bộ trưởng Bộ Thủy sản
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng
Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ
Bộ trưởng Bộ Năng lượng
Bộ trưởng Bộ Thương mại
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước
Tổng Thanh tra Nhà nước
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc và miền núi
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về hợp tác đầu tư
Bộ trưởng, Trưởng ban Tổ chức - Cán bộ của Chính phủ
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ
Bộ trưởng, phụ trách công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình
Bộ trưởng, phụ trách công tác bảo vệ và chăm sóc trẻ em
Bộ trưởng, phụ trách một số công tác của Chính phủ
|
Đoàn Khuê
Bùi Thiện Ngộ[15]
Nguyễn Mạnh Cầm
Nguyễn Đình Lộc
Hồ Tế [16]
Đặng Hữu[17]
Trần Đình Hoan
Trần Hồng Quân
Nguyễn Trọng Nhân
Trần Hoàn
Ngô Xuân Lộc
Nguyễn Cảnh Dinh
Bùi Danh Lưu[18]
Nguyễn Công Tạn
Nguyễn Tấn Trịnh
Trần Lum
Đặng Vũ Chư
Thái Phụng Nê
Lê Văn Triết
Đỗ Quốc Sam
Nguyễn Kỳ Cẩm
Cao Sĩ Kiêm
Hoàng Đức Nghi
Đậu Ngọc Xuân[19]
Phan Ngọc Tường[20]
Lê Xuân Trinh[21]
Mai Kỷ
Trần Thị Thanh Thanh
Phan Văn Tiệm
Hà Quang Dự
|
Hội đồng Quốc phòng và An ninh[22]
Chủ tịch
Phó Chủ tịch
Uỷ viên
|
Lê Đức Anh
Võ Văn Kiệt
Nông Đức Mạnh
Đoàn Khuê
Bùi Thiện Ngộ
Nguyễn Mạnh Cầm
|
Thành công của kỳ họp thứ nhất là sự mở đầu tốt đẹp cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội khóa IX theo quy định của Hiến pháp 1992, bảo đảm cho Quốc hội hoạt động ngày càng hiệu quả, thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, đáp ứng lòng mong đợi của đông đảo cử tri và nhân dân cả nước. Đặc biệt, việc Quốc hội ra Nghị quyết quy định danh sách các bộ, các cơ quan ngang bộ trên cơ sở tờ trình của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tiến hành thủ tục bầu các cơ quan và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước là dấu ấn quan trọng, góp phần nâng cao vị trí, vai trò của Quốc hội trong giai đoạn đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước.
Theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, việc Quốc hội bầu các cơ quan và phê chuẩn các chức danh lãnh đạo bộ máy nhà nước đã tiến hành đúng luật, thể hiện sự nghiêm túc, đoàn kết, thống nhất và đạt kết quả cao. Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng: việc đề cử nhân sự tham gia Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhất là chủ nhiệm các ủy ban có một số trường hợp chưa tiêu biểu. Quy trình bầu các ủy ban chưa được chuẩn bị tốt về số lượng và bố trí nhân sự cụ thể, dẫn đến có nhiều xáo trộn, thay đổi. Cơ cấu của Chính phủ được dự kiến dựa trên căn cứ quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Chính phủ, trên cơ sở bộ máy hiện tại, có điều chỉnh một số tổ chức để vừa thực hiện được một bước đổi mới, vừa giữ được sự ổn định và bảo đảm tính liên tục trong hoạt động của Chính phủ. Mặc dù Quốc hội đã phê chuẩn bộ máy của Chính phủ theo sự chỉ đạo của Đảng, song bộ máy ấy còn cồng kềnh, nhân sự có phần gò bó, cho nên kết quả phiếu bầu không cao. Trong danh sách các thành viên Chính phủ có bộ trưởng đặc trách nhưng lại chưa rõ nhiệm vụ, có 2 bộ trưởng phụ trách 2 cơ quan không ngang bộ cũng đưa vào danh sách các thành viên Chính phủ, mặc dù các đại biểu Quốc hội không nhất trí. Một số đoàn đại biểu Quốc hội phê phán cách thức chuẩn bị nhân sự của Bộ Nông nghiệp và Lâm nghiệp... Đó cũng chính là lý do nhiều lần Quốc hội đã phải ra Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm, bổ nhiệm cùng một lúc nhiều thành viên của Chính phủ. Cụ thể:
- Ngày 21-10-1995, tại kỳ họp thứ tám, Quốc hội đã ra Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm, miễn nhiệm 12 thành viên của Chính phủ, nhằm điều chỉnh tổ chức một số cơ quan của Chính phủ, trong đó miễn nhiệm 10 bộ trưởng để nhận nhiệm vụ mới và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Đỗ Nguyên Phương và chức vụ Tổng Thanh tra Nhà nước đối với ông Tạ Hữu Thanh. Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Bộ Chính trị, Đảng đoàn Quốc hội đã tiến hành lãnh đạo Quốc hội một cách cụ thể, có lý, có tình và cuối cùng đã đạt được yêu cầu mà Bộ Chính trị đề ra[23].
- Tháng 11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội lại một lần nữa ra Nghị quyết phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ bộ trưởng đối với 12 thành viên của Chính phủ do điều kiện tuổi tác, sức khỏe và nhu cầu công tác mới; đồng thời phê chuẩn việc bổ nhiệm giữ chức vụ bộ trưởng một số bộ đối với 8 thành viên khác. Sau khi có ý kiến của Bộ Chính trị về nhân sự cấp cao của Nhà nước, Đảng đoàn Quốc hội cùng với Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp với các trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và tổ trưởng Đảng để nghe dự kiến của Chính phủ. Nhiều đại biểu không tán thành với dự kiến của Chính phủ về một số nhân sự giữ chức vụ bộ trưởng một số bộ, như chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Thường vụ Bộ Chính trị chỉ đạo vẫn giữ nguyên danh sách nhân sự do Bộ Chính trị giới thiệu để Quốc hội quyết định. Kết quả là Quốc hội không phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự được đề cử giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải[24].
Trong toàn khóa, Quốc hội còn nhiều lần ra Nghị quyết phê chuẩn việc miễn nhiệm, bổ nhiệm, bãi miễn nhân sự cấp cao của các cơ quan nhà nước.
Chủ tịch nước
Lê Đức Anh
|
Chủ tịch Quốc hội
Nông Đức Mạnh
|
Thủ tướng Chính phủ
Võ Văn Kiệt
|
[1]. Đỗ Mười: Phát huy vai trò của Quốc hội xây dựng nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1992, tr.16.
1. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 7 (1987-1992), Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.1158.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, t.50, tr.498.
1. Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, t.51, tr.464.
[5]. Công văn số 104 đề ngày 15-5-1992 “Gửi Mặt trận Tổ quốc Việt Nam danh sách các đồng chí được Bộ Chính trị giới thiệu ra ứng cử Quốc hội khóa IX”, trong đó có các đồng chí Đỗ Mười, Lê Đức Anh, Võ Văn Kiệt, Nông Đức Mạnh,...
[6]. Theo quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội được thông qua ngày 15-4-1992 tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII: Tổng số đại biểu Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam không quá 400 người (Điều 7). Số đơn vị bầu cử, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu của mỗi đơn vị được tính căn cứ theo số dân do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ấn định và được công bố chậm nhất là bảy mươi ngày trước ngày bầu cử (Điều 8).
[7]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Kỷ yếu của Quốc hội khóa IX - kỳ họp thứ nhất, Văn phòng Quốc hội xuất bản, Hà Nội, 1995, tr.169.
[8]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Báo cáo công tác của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa IX (1992-1997), Văn phòng Quốc hội xuất bản, Hà Nội, 1997.
[9]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Báo cáo của Hội đồng bầu cử về kết quả cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, tập 8 (1992-1997), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.28-29.
[10]. Đỗ Mười: Phát huy vai trò của Quốc hội xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Sđd, tr.16.
1. Đỗ Mười: Phát huy vai trò của Quốc hội xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, Sđd, tr.16.
[12]. Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: Báo cáo công tác của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nhiệm kỳ khóa IX (1992-1997), Văn phòng Quốc hội xuất bản, Hà Nội, 1997, tr. 177-178.
[13]. Sau này, ở một số kỳ họp, Quốc hội đã ra nghị quyết về việc thay đổi và bổ sung nhân sự các cơ quan của Quốc hội.
[14]. Trong Tờ trình này có 20 bộ và 5 cơ quan ngang bộ. Quốc hội đã ra Nghị quyết quy định danh sách các bộ và các cơ quan ngang bộ trên cơ sở tờ trình của Thủ tướng. Nghị quyết này xác định Chính phủ có 20 bộ và 7 cơ quan ngang bộ, không đồng ý đề nghị của Thủ tướng thành lập Bộ Tổ chức - Hành chính mà vẫn giữ Ban Tổ chức - cán bộ Chính phủ. Đến kỳ họp thứ tám, tháng 10-1995, Quốc hội lại ra Nghị quyết về việc điều chỉnh tổ chức một số cơ quan của Chính phủ.
[15]. Từ tháng 11-1996, ông Lê Minh Hương được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ thay ông Bùi Thiện Ngộ.
[16]. Từ tháng 11-1996, ông Nguyễn Sinh Hùng được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Tài chính thay ông Hồ Tế.
[17]. Từ tháng 11-1996, ông Phạm Gia Khiêm được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường thay ông Đặng Hữu.
[18]. Từ tháng 11-1996, ông Lê Ngọc Hoàn được bổ nhiệm giữ chức Quyền Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thay ông Bùi Danh Lưu.
[19]. Từ tháng 11-1996, là ông Đỗ Quốc Sam.
[20]. Từ tháng 11-1996, là ông Đỗ Quang Trung.
[21]. Từ tháng 11-1996, là ông Lại Văn Cử.
[22]. Theo quy định của Hiến pháp 1992, Chủ tịch nước là Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Thủ tướng Chính phủ là Phó Chủ tịch, các ủy viên là Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Bộ trưởng Bộ Công an.
[23]. Đảng đoàn Quốc hội: Báo cáo Bộ Chính trị về kết quả kỳ họp thứ tám Quốc hội khóa IX, ngày 27-11-1995, lưu tại Cục Lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng.
[24]. Trong danh sách đề nghị của Chính phủ, ông Đào Đình Bình, Ủy viên Trung ương Đảng được đề cử bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải. Tuy nhiên, kết quả theo Nghị quyết của kỳ họp thứ 10, ngày 6-11-1996 chức danh Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải không được Quốc hội phê duyệt.