Tại kỳ họp thứ nhất vào ngày 02 tháng 3 năm 1946, Nghị viện nhân dân đã thảo luận và nhất trí về việc lập Ban Thường trực với những nhiệm vụ và quyền hạn cụ thể như:
1. Góp ý kiến với Chính phủ;
2. Phê bình Chính phủ và khi Chính phủ đi ngược lại quyền lợi quốc dân thì có quyền hiệu triệu quốc dân;
3.Triệu tập Quốc hội trong những trường hợp sau đây:
a) Khi Chính phủ yêu cầu;
b) Khi quá nửa số đại biểu yêu cầu;
c) Khi quá nửa uỷ viên thường trực xét thấy cần phải triệu tập;
4. Khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải được hỏi ý kiến;
5. Khi ký hiệp ước với nước ngoài phải triệu tập Quốc hội để chuẩn y.
Căn cứ nhiệm vụ quyền hạn đó, Quốc hội đã bầu ra Ban Thường trực gồm 15 uỷ viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết do ông Nguyễn Văn Tố làm Trưởng ban. Về sau, Ban thường trực được bổ sung thêm 4 đại biểu Nam Bộ, trong đó có hai ủy viên chính thức và hai ủy viên dự khuyết.
Sau khiHiến pháp năm 1946 được ban hành thì Ban thường trực được đổi tên gọi thành Ban thường vụ của Nghị viện nhân dân. Hiến pháp năm 1946 quy định Nghị viện nhân dân bầu một Nghị trưởng, hai Phó nghị trưởng, 12 ủy viên chính thức, 3 ủy viên dự khuyết để lập thành Ban thường vụ. Hiến pháp cũng quy định Ban thường vụ có những quyền hạn cụ thể như sau:
1. triệu tập cuộc họp thường kỳ của Nghị viện, mỗi năm hai lần vào tháng 5 và tháng 11 dương lịch; triệu tập cuộc họp bất thường khi Ban Thường vụ xét thấy cần thiết hoặc nếu một phần ba tổng số nghị viên hoặc Chính phủ yêu cầu (Điều 28);
2. thay mặt Nghị viện tuyên bố tự giải tán khi có hai phần ba tổng số nghị viên đồng ý (Điều 33); Ban thường vụ tiếp tục thực thi các nhiệm vụ của mình khi Nghị viện nhân dân đã hết hạn hoặc chưa hết hạn mà tự giải tán (Điều 34);
3. tuyên bố cuộc bầu cử lại Nghị viện hai tháng trước khi cơ quan này hết hạn. Chậm nhất một tháng sau khi bầu cử, Ban thường vụ phải triệu tập Nghị viện nhân dân mới. Trong khi có chiến tranh mà Nghị viện nhân dân hết hạn thì Nghị viện hoặc Ban thường vụ có quyền gia hạn thêm một thời gian nhất định. Nhưng chậm nhất là sáu tháng sau khi chiến tranh kết liễu thì phải bầu lại Nghị viện (Điều 35).
4. Khi Nghị viện không họp, Ban Thường vụ có quyền biểu quyết những dự án sắc luật của Chính phủ. Những sắc luật đó phải đem trình Nghị viện vào phiên họp gần nhất để Nghị viện ưng chuẩn hoặc phế bỏ;
5. Kiểm soát và phê bình Chính phủ (Điều 36); cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến (Điều 38).
Do hoàn cảnh chiến tranh nên Ban Thường vụ Nghị viện theo quy định của Hiến pháp năm 1946 chưa được thành lập trên thực tế.Thay vào đó Ban thường trực Quốc hộiđược thành lập vào ngày 2 tháng 3 năm 1946 vẫn tiếp tục được duy trì và thực thi những nhiệm vụ và quyền hạn được Hiến pháp quy định.
Tại kỳ họp thứ hai, Nghị viện nhân dân đã bầu lại Ban thường trực gồm 18 người do ông Bùi Bằng Đoàn làm Trưởng ban. Ngày 11 tháng 11 năm 1946, Ban thường trực đã thành lập ra các tiểu ban là Ban pháp chế gồm 8 người; Ban tài chính kinh tế gồm 6 người và Ban Kiến nghị gồm 4 người.
Tại kỳ họp thứ sáu, hoạt động giám sát việc thi hành pháp luật và tổ chức của Ban thường trực Quốc hội được tăng cường hơn. Việc cho ý kiến về các sắc luật của Chính phủ trở thành một công việc thường xuyên của Ban thường trực Quốc hội. Hầu hết các quyết định quan trọng, các chính sách trong giai đoạn 1946 đến 1960 đều có sự phê chuẩn của Quốc hội, hoặc ý kiến tham vấn của Ban thường trực Quốc hội cho Chính phủ trước khi thi hành.
Ban thường trực Quốc hộiđã quyết định tăng thêm số lượng các uỷ viên chuyên trách, tăng cường các bộ phận giúp việc về hành chính và nghiên cứu của Ban Thường trực. Ba tiểu ban của Ban thường trực Quốc hội đãđược cơ cấu lại gồm có Tiểu ban pháp luật phụ trách nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến pháp luật; Tiểu ban tuyển cử bổ sung phụ trách nghiên cứu việc chuẩn bị thực hiện nghị quyết tuyển cử bổ sung[1] và Tiểu ban dân nguyện phụ trách việc nghiên cứu đơn từ nguyện vọng, các ý kiến của nhân dân đề đạt lên Quốc hội. Mỗi tiểu ban đều có Uỷ viên thường trực phụ trách và một số cán bộ giúp việc.
Về bộ máy giúp việc của Quốc hội, trong quá trình hoạt động, đã hình thành bộ phận cán bộ giúp việc cho Quốc hội và Ban thường trực. Từ tháng 3 năm 1946 đến tháng 12 năm 1946, Ban thường trực Quốc hội đã làm việc thường xuyên tại số nhà 71 phố Hàng Trống – Hà Nội. Từ những căn cứ và điều kiện lịch sử cụ thể của việc chính thức thành lập Ban thường trực Quốc hội vào ngày 2 tháng 3 năm 1946, nên ngày 2 tháng 3 được lấy làm ngày truyền thống của Văn phòng Quốc hội.
Đầu năm 1947, chiến tranh ngày càng ác liệt, Ban thường trực Quốc hội đã cùng Chính phủ rời Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc. Từ tháng 4 năm 1947 đến cuối tháng 7 năm 1954, Văn phòng Ban thường trực Quốc hội ở và làm việc tại các thôn thuộc huyện Sơn Dương tỉnh Tuyên Quang. Đến đầu năm 1950 thì tổ chức Văn phòng Ban thường trực Quốc hội được hình thành rõ nét hơn. Theo đề nghị của Ban thường trực Quốc hội, ngày 19 tháng 3 năm 1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 38/SL cử bác sỹ Nguyễn Tấn Gi Trọng giữ chức Chánh văn phòng Ban thường trực Quốc hội.
Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, hòa bình được lập lại, Văn phòng Ban thường trực trở về Thủ đô và tiếp tục được kiện toàn. Đầu năm 1957, Văn phòng Ban thường trực Quốc hội được tổ chức thành 2 phòng chuyên môn: Phòng Hành chính-Quản trị và Phòng Nghiên cứu, có nhiệm vụ thực hiện các công việc hành chính, quản trị, làm biên bản các phiên họp của Ban thường trực Quốc hội, nghiên cứu các dự án luật, tiếp nhận hồ sơ và giữ mối quan hệ thường xuyên với các đại biểu Quốc hội…
[1] Sau hơn 10 năm hoạt động trong hoàn cảnh đấu tranh cách mạng và kháng chiến của dân tộc diễn ra quyết liệt, tính đến ngày 23-1-1957, số đại biểu khuyết đã lên đến gần 1/3 tổng số đại biểu di quốc dân bầu ngày 06-1-1946.