Giữa tháng 8-1945, cao trào kháng Nhật, cứu nước phát triển đến đỉnh cao, thời cơ cho cuộc Tổng Khởi nghĩa giành chính quyền của dân tộc ta đã chín muồi. Dưới sự lãnh đạo của Đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh đứng đầu và sự chủ trì của Tổng bộ Việt Minh, trong hai ngày 16 và 17-8-1945, tại xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang, Quốc dân Đại hội đại biểu đã được khai mạc. Đại hội nhất trí tán thành chủ trương của Đảng Cộng sản Đông Dương về việc phát động cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên phạm vi toàn quốc và thông qua 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh. Đại hội cũng nhất trí cử ra Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch, ông Trần Huy Liệu làm Phó Chủ tịch. Đây là Chính phủ nhân dân lâm thời được lập ra để thực thi nghị quyết của Đại hội là giành chính quyền, xây dựng nước Việt Nam dân chủ cộng hòa trên nền tảng hoàn toàn độc lập.
Ngay sau Đại hội, Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam đã phát lệnh Tổng khởi nghĩa, hiệu triệu quốc dân đồng bào “vùng dậy tuốt gươm, lắp súng để định đoạt lấy số phận của mình”[1]. Trong giờ phút quyết liệt đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước vùng lên khởi nghĩa: “Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy, đem sức ta mà tự giải phóng cho ta… Chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên!”[2]. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổng bộ Việt Minh và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta đã nhất tề vùng lên lật đổ chính phủ bù nhìn, tay sai của phát xít Nhật, lập nên chính quyền cách mạng… Chỉ trong khoảng hai tuần lễ, cuộc Tổng khởi nghĩa giành chính quyền của nhân dân ta đã thắng lợi trên phạm vi toàn quốc, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử tiến hóa của dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do.
Sau thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, Ủy ban Dân tộc giải phóng đã tự cải tổ thành Chính phủ lâm thời của nước Việt Nam mới. Trong tuyên cáo với quốc dân, Chính phủ nêu rõ: “Chính phủ lâm thời không phải là Chính phủ riêng của Mặt trận Việt Nam Độc lập Đồng minh (Việt Minh) như có người lầm tưởng. Cũng không phải là một Chính phủ chỉ bao gồm đại biểu của các chính đảng. Thật là một Chính phủ quốc gia thống nhất, giữ trọng trách là chỉ đạo cho toàn quốc, đợi ngày triệu tập được Quốc hội để cử ra một Chính phủ dân chủ cộng hoà chính thức”[3].
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố trước quốc dân và thế giới nước Việt Nam dân chủ cộng hòa đã ra đời. Tuyên ngôn khẳng định: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập, và sự thật đã thành một nước tự do và độc lập”[4].
Việc chính quyền cách mạng được thiết lập trong cả nước là một thuận lợi cơ bản của cách mạng nước ta trong bối cảnh lịch sử lúc đó. Nhưng, ngay sau khi thành lập, chính quyền cách mạng đã lâm vào tình thế “ngàn cân treo sợi tóc”. Vận mệnh của Tổ quốc, nền độc lập của dân tộc vừa mới giành được đang đứng trước nguy cơ mất còn. Giữ vững và bảo vệ chủ quyền của dân tộc là nhiệm vụ hết sức cấp bách của nhân dân Việt Nam. Do vậy, phải tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, hòa hợp dân tộc, xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng về mọi mặt.
Để củng cố chính quyền cách mạng, một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu đặt ra cho Đảng và nhân dân ta là phải thực hiện quyền dân chủ cho nhân dân, phải xúc tiến bầu Quốc hội, cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất để quy định Hiến pháp, bầu Chính phủ chính thức. Ngày 3-9-1945, một ngày sau khi tuyên bố độc lập, trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu rõ: “Trước chúng ta đã bị chế độ quân chủ chuyên chế cai trị, rồi đến chế độ thực dân không kém phần chuyên chế, nên nước ta không có hiến pháp. Nhân dân ta không được hưởng quyền tự do dân chủ. Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ. Tôi đề nghị Chính phủ tổ chức càng sớm càng hay cuộc Tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu. Tất cả công dân trai gái mười tám tuổi đều có quyền ứng cử và bầu cử, không phân biệt giàu nghèo, tôn giáo, dòng giống, v.v..”[5].
Chưa đầy một tuần sau ngày tuyên bố độc lập, ngày 8-9-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 14-SL quy định về Tổng tuyển cử bầu Quốc hội[6].
Cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946 bầu đại biểu Quốc hội khóa I đã diễn ra đúng kế hoạch và thắng lợi trên phạm vi cả nước. Thắng lợi của cuộc Tổng Tuyển cử, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói là: “kết quả của sự hy sinh, tranh đấu của tổ tiên ta, nó là kết quả của sự đoàn kết anh dũng phấn đấu của toàn thể đồng bào Việt Nam ta đoàn kết của toàn thể đồng bào, không kể già, trẻ, lớn, bé, gồm tất cả các tôn giáo, tất cả các dân tộc trên bờ cõi Việt Nam đoàn kết chặt chẽ thành một khối hy sinh không sợ nguy hiểm tranh lấy nền độc lập cho Tổ quốc”[7].
Sau thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử, tình hình chính trị ở nước ta có những diễn biến phức tạp mới. Cuộc kháng chiến của quân và dân ta đang gặp nhiều khó khăn. Ở miền Nam, cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đã lan rộng đến cả Tây Nguyên và miền Nam Trung bộ. Ở miền Bắc, quân Pháp đã từ Vân Nam trở lại chiếm Lai Châu, Tuần Giáo, Điện Biên.
Lợi dụng tình hình đó, bọn “Việt Quốc” và “Việt Cách”[8] đã gây sức ép với chính quyền cách mạng nhằm thủ tiêu kết quả Tổng tuyển cử. Trên thực tế, thực dân Pháp còn tìm mọi cách dàn xếp với Tưởng Giới Thạch để được đưa quân ra miền Bắc dưới danh nghĩa Đồng minh thay thế quân Tưởng tiếp nhận sự đầu hàng của Nhật.
Trong bối cảnh đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ quyết định triệu tập họp Quốc hội. Ngày 2-3-1946, kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa I đã khai mạc tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thông qua danh sách và công nhận Chính phủ Liên hiệp kháng chiến do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu và quyết định bầu Ban Thường trực Quốc hội gồm 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên Dự khuyết để thay mặt Quốc hội thực hiện nhiệm vụ của Quốc hội và bầu ra Ban Dự thảo Hiến pháp để soạn thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta. Đây là một bước hoàn thiện và củng cố bộ máy Nhà nước ở Trung ương, bảo đảm cho Nhà nước ta có đầy đủ uy tín, hiệu lực để tổ chức nhân dân kháng chiến, kiến quốc, thực hiện mọi chức năng, nhiệm vụ đối nội và đối ngoại. Vì tình thế cấp bách, nạn ngoại xâm đang đe dọa nền độc lập quốc gia, nên Quốc hội không thể họp lâu được và phải bế mạc ngay trong ngày 2-3-1946. Quốc hội đã nhất trí xác định quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội như sau:
1. Góp ý kiến với Chính phủ;
2. Phê bình Chính phủ và khi Chính phủ đi ngược lại quyền lợi quốc dân thì có quyền hiệu triệu quốc dân;
3. Triệu tập Quốc hội trong những trường hợp sau đây:
a. Khi Chính phủ yêu cầu,
b. Khi quá nửa số đại biểu yêu cầu,
c. Khi quá nửa ủy viên Thường trực xét thấy cần phải triệu tập.
4. Khi tuyên chiến hay đình chiến, bắt buộc phải được hỏi ý kiến;
5. Khi ký hiệp ước với nước ngoài phải triệu tập Quốc hội để chuẩn y.
Trong những ngày đầu sau khi thành lập, trụ sở làm việc của Ban Thường trực Quốc hội đặt tại số nhà 71 (nay là số nhà 79) phố Hàng Trống, Hà Nội, trụ sở của Hội Khai trí Tiến Đức. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, Ban Thường trực Quốc hội đã nhanh chóng củng cố và kiện toàn tổ chức. Trong phiên họp ngày 4-3-1946, Ban Thường trực đã bầu ra một Ban Thường vụ gồm 5 người do ông Nguyễn Văn Tố[9] làm Trưởng ban và soạn thảo bản Nội quy về cách làm việc của Ban Thường trực Quốc hội. Do công việc cần phải xúc tiến ngay nên Ban Thường trực Quốc hội đã thành lập 3 Tiểu ban là: Tiểu ban Pháp chính; Tiểu ban Kinh tế và Tài chính; Tiểu ban Xã hội[10]. Các ủy viên của Ban Thường trực được bố trí theo 3 Tiểu ban để vừa hoàn thành nhiệm vụ là thành viên của Ban Thường trực, vừa phục vụ tốt cho việc chỉ đạo, xây dựng tổ chức của Ban.
Để giúp Ban Thường trực Quốc hội thực thi nhiệm vụ, Chính phủ đã điều động một số cán bộ, nhân viên sang phục vụ Ban Thường trực, trước hết là phục vụ Trưởng ban trong mọi hoạt động liên lạc với Chính phủ và làm những công việc do Văn phòng đảm nhiệm như: in, phát tài liệu, giao thông liên lạc, tổ chức công tác tài chính, sắp xếp nơi ăn ở cho các đại biểu Quốc hội, tổ chức hội nghị cho Ban Thường trực Quốc hội[11]… Đây là những cán bộ được tuyển chọn từ các cơ quan Trung ương và đều là những người có phẩm chất cách mạng, tư cách đạo đức tốt, tận tâm, tận lực thực hiện nhiệm vụ được giao, phục vụ Ban Thường trực giải quyết các công việc theo nhiệm vụ, quyền hạn.
Mặc dù lúc này chưa có một văn bản pháp quy nào quyết định về việc thành lập Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, số lượng cán bộ còn rất ít, chỉ có từ 4 đến 5 người và một số nhân viên phụ trách các công việc hành chính và quản trị, nhưng hoạt động của Văn phòng thời kỳ này đều thiết thực, góp phần vào việc bảo đảm các điều kiện hoạt động cho Ban Thường trực Quốc hội ngay từ khi mới ra đời. Vì thế, ngày 2-3-1946 có giá trị lịch sử là ngày mở đầu truyền thống hoạt động của Văn phòng Quốc hội (lúc đó là Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội)[12].
II. GIAI ĐOẠN TỪ THÁNG 3-1946 ĐẾN GIỮA NĂM 1950
Tại kỳ họp đầu tiên ngày 2-3-1946, Tuyên ngôn gửi quốc dân đồng bào nêu rõ: “Quốc hội Việt Nam ra lệnh cho toàn thể quốc dân tận lực chống giữ giang sơn và xây dựng lại Tổ quốc để dân tộc Việt Nam tiến nhanh tới vinh quang, cường thịnh”[13]. Nhân danh một cơ quan đại diện cho toàn thể đồng bào, trong phạm vi quyền hạn do Quốc hội ấn định, Ban Thường trực Quốc hội đã luôn đi bên cạnh Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và làm việc theo chế độ dân chủ, nhanh chóng thống nhất và giải quyết những vấn đề quan trọng liên quan đến lợi ích của quốc gia, dân tộc.
Đầu tháng 3-1946, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Trung ương Đảng về “giảng hòa với Pháp nhằm giành được giây phút nghỉ ngơi để sửa soạn cuộc chiến đấu mới”, Chính phủ dự định sẽ ký với đại diện của Chính phủ Pháp một hiệp định để thực hiện sự hòa hoãn nhằm tranh thủ thêm thời gian hòa bình, củng cố và phát triển lực lượng. Chiểu theo Nghị quyết của Quốc hội, sáng ngày 6-3-1946, tại Dinh Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã cùng với Hội đồng Chính phủ họp bàn về nội dung của hiệp định.
Sau khi nghe Chủ tịch Hồ Chí Minh báo cáo về chính sách ngoại giao và nội dung của hiệp định, Hội đồng đã thảo luận và nhất trí tán thành việc ký Hiệp định Sơ bộ với Pháp theo những điều kiện mà hai bên đã thỏa thuận, bao gồm những điều khoản có quan hệ đến vận mệnh độc lập của dân tộc và chủ quyền của quốc gia. Trưởng ban Thường trực Nguyễn Văn Tố thay mặt Ban Thường trực Quốc hội đã tán thành đường lối chính trị của Chính phủ. Kết quả là một bản Hiệp định Sơ bộ Việt - Pháp đã được ký kết, mở đầu cho một giai đoạn mới trong việc giao thiệp Việt - Pháp.
Để gây tình giao hảo giữa Quốc hội Việt Nam và Quốc hội Pháp, giữa dân chúng Việt Nam và dân chúng Pháp, đặc biệt để sửa soạn cuộc đàm phán chính thức giữa hai Chính phủ Việt - Pháp, thể theo đề nghị của Chính phủ, ngày 16-4-1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội tổ chức một phái đoàn của Quốc hội gồm 10 đại biểu do ông Phạm Văn Đồng, Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội dẫn đầu sang thăm Pháp. Trong những ngày ở thăm Pháp, phái đoàn Quốc hội ta đã luôn luôn cố gắng để gây mối thiện cảm giữa hai dân tộc Việt - Pháp, làm cho số đông chính khách Pháp, nhất là nhân dân Pháp hiểu rõ cuộc đấu tranh vì độc lập của Việt Nam và mong muốn quan hệ giữa hai dân tộc Việt - Pháp được thân thiện trên nền tảng thừa nhận ý nguyện về quyền độc lập và thống nhất của Việt Nam.
Trong khi đó, ở trong nước, nhất là ở Nam bộ và Nam Trung bộ, quân Pháp vẫn luôn luôn có hành động khiêu khích nhằm phá hoại Hiệp định Sơ bộ. Ban Thường trực Quốc hội đã lên tiếng phản kháng và tố cáo những hành vi bội tín của bọn phản động Pháp trước dư luận thế giới và hô hào quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ, sẵn sàng đối phó. Để có cơ sở pháp lý làm căn cứ đấu tranh, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã phục vụ Ban Thường trực ra Lời hiệu triệu quốc dân đồng bào phải “chuẩn bị”, “đoàn kết”, “bình tĩnh”, “tránh khiêu khích” nhằm chống lại những hành vi của thực dân Pháp vi phạm Hiệp định Sơ bộ. Lời kêu gọi của Ban Thường trực Quốc hội đã được quốc dân đồng bào hưởng ứng, tin tưởng và tôn trọng.
Sau khi bản Hiệp định Sơ bộ được ký kết, tình thế cách mạng có nhiều thay đổi, bộ máy Nhà nước, đặc biệt là bộ máy chính quyền ở các cấp đã dần dần được củng cố. Ban Thường trực Quốc hội đã tích cực tham gia vào công cuộc kiến thiết đất nước. Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã chủ động trong việc phục vụ các Tiểu ban Pháp chính, Tiểu ban Kinh tế và Tài chính, Tiểu ban Xã hội xem xét và cho ý kiến 98 dự án sắc lệnh do Chính phủ gửi sang. Ý kiến của Ban Thường trực Quốc hội về các dự án sắc lệnh đã được Chính phủ tiếp thu và cho sửa đổi như Sắc lệnh về việc hội họp, việc ấn loát; Sắc lệnh về lao động và giáo dục…
Ngoài ra, Văn phòng còn phục vụ Ban Thường trực Quốc hội tiếp nhận, xem xét kỹ lưỡng các đề nghị của nhân dân về xây dựng đời sống ở nông thôn rồi chuyển giao cho các cơ quan phụ trách của Chính phủ. Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội còn phối hợp với các bộ, ngành trong việc hoàn thành các nhiệm vụ như cứu đói, phòng, chống thiên tai, bình dân học vụ, giám sát, lập lại kỷ cương văn hóa - xã hội…, đồng thời tích cực phối hợp với Văn phòng Phủ Thủ tướng trong việc thi hành những phương sách thích hợp để chăm lo đời sống cho nhân dân, tăng cường đoàn kết dân tộc, xây dựng mặt trận quốc gia liên hiệp thống nhất để chống xâm lược, giữ vững chính quyền và kiến thiết đất nước.
Ngày 3-5-1946, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một phái đoàn Quốc hội đi cùng với đại diện của Chính phủ vào Trung bộ để giải thích cho đồng bào hiểu rõ chính sách quốc gia liên hiệp của Chính phủ Hồ Chí Minh. Tiếp đó, ngày 14-8-1948 Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một phái đoàn Quốc hội vào Nam Trung bộ để úy lạo các chiến sĩ đang anh dũng chiến đấu trên các mặt trận. Văn phòng còn giúp Ban Thường trực Quốc hội trong việc chỉ đạo soạn thảo Tuyên ngôn để hiệu triệu quốc dân đồng bào đoàn kết chặt chẽ, đập tan mọi âm mưu chia rẽ dân tộc của kẻ địch.
Ngoài các hoạt động kể trên, Văn phòng còn thường xuyên tiếp nhận đơn, thư khiếu nại của nhân dân gửi tới Ban Thường trực Quốc hội[14]. Văn phòng đã xem xét, phân loại và chuyển các đơn khiếu nại của nhân dân cho các cơ quan chức năng giải quyết.
Như vậy, từ đầu tháng 3 đến đầu tháng 11-1946, dưới sự chỉ đạo sáng suốt của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ban Thường trực Quốc hội đã cùng với Chính phủ đưa nước nhà vượt qua muôn vàn thử thách để bảo vệ chính quyền cách mạng, xây dựng thực lực của dân tộc về mọi mặt. Mặc dù số lượng cán bộ làm công tác Văn phòng giúp việc Ban Thường trực Quốc hội còn ít, nhưng mọi công việc từ văn thư, đánh máy, ấn loát, giao thông liên lạc… đến các công việc theo dõi tình hình hoạt động của các địa phương để giúp Ban Thường trực nắm bắt và phối hợp chỉ đạo kịp thời, giữ gìn và bảo đảm thông suốt các đường dây liên lạc giữa Ban Thường trực với các Đoàn đại biểu Quốc hội; tham gia các đoàn công tác trực tiếp đi tìm hiểu tình hình ở từng địa phương trong những trường hợp cần thiết vẫn được cán bộ Văn phòng thực hiện đầy đủ và chu đáo. Ngoài ra, Văn phòng còn phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ đối nội và ngoại giao của chính quyền cách mạng, góp phần đưa nước nhà vượt qua tình thế hiểm nghèo.
Cuối năm 1946, tình hình đất nước hết sức căng thẳng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “chúng ta muốn hòa bình, chúng ta phải nhân nhượng. Song, chúng ta càng nhân nhượng thực dân Pháp càng lấn tới…”. Trên thực tế, thực dân Pháp đã liên tục mở các cuộc hành quân lấn chiếm ở Nam bộ, Nam Trung bộ và lập ra cái gọi là “Chính phủ Nam Kỳ tự trị” nhằm thực hiện âm mưu tách Nam bộ ra khỏi Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, theo yêu cầu của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã triệu tập kỳ họp thứ 2 của Quốc hội tại Nhà hát Lớn, Hà Nội từ ngày 28-10 đến 9-11-1946 để thảo luận và thông qua các Nghị quyết về nội trị, ngoại giao, về việc lập Chính phủ mới, việc phát hành giấy bạc và thông qua các đạo luật quan trọng. Để kỳ họp Quốc hội thu được kết quả, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ phục vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội và phục vụ ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban Thường trực Quốc hội chuẩn bị báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực.
Tại kỳ họp này, ngoài việc thảo luận dự án Luật lao động, Quốc hội đã thảo luận và thông qua Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Để có bản Hiến pháp được Quốc hội thông qua ngày 9-11-1946, cán bộ, nhân viên Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã nỗ lực làm việc, phục vụ Ban Thường trực Quốc hội, đặc biệt là phục vụ Tiểu ban Hiến pháp trong việc tập hợp các ý kiến, kiến nghị của dân chúng và thu thập các kinh nghiệm về Hiến pháp của các nước làm tài liệu tham khảo, giúp Tiểu ban Hiến pháp xây dựng dự án Hiến pháp trình Quốc hội.
Bản Hiến pháp đã được Quốc hội thông qua, nhưng do chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp đang lan rộng, nên Quốc hội đã biểu quyết chưa ban hành Hiến pháp bằng một sắc lệnh và chưa thi hành Hiến pháp ngay. Vì vậy, việc bầu Nghị viện nhân dân theo quy định của Hiến pháp chưa thể tổ chức được, Quốc hội chưa hết nhiệm vụ mà phải tiếp tục hoạt động cho đến khi bầu được Nghị viện nhân dân. Một lần nữa, Quốc hội lại thảo luận sôi nổi về nhiệm vụ của Ban Thường trực Quốc hội và cuối cùng đã nhất trí biểu quyết giao cho Ban Thường trực những nhiệm vụ mới như:
1. Liên lạc với Chính phủ để góp ý kiến và phê bình Chính phủ;
2. Cùng với Chính phủ quyết định sự ban bố và thi hành Hiến pháp;
3. Liên lạc với các đại biểu Quốc hội và triệu tập Quốc hội khi cần thiết;
4. Cùng với Chính phủ quyết định tuyên chiến, đình chiến hoặc ký hiệp ước với nước ngoài.
Ban Thường trực Quốc hội được bầu tại kỳ họp thứ 2 gồm có 18 vị (trong đó có 15 ủy viên chính thức và 3 ủy viên dự khuyết) do cụ Bùi Bằng Đoàn[15] làm Trưởng ban.
Kỳ họp thứ 2 đã kết thúc thắng lợi trong ngày 9-11-1946. Văn phòng đã phục vụ Đoàn Chủ tịch kỳ họp dự thảo “Lời Quốc hội gửi đồng bào toàn quốc” để kịp thông báo với đồng bào về việc Quốc hội đã làm xong nhiệm vụ nặng nề nhất mà quốc dân giao phó là thảo bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và quyết định những vấn đề về chính trị, kinh tế, tài chính của đất nước. Trong Lời Quốc hội gửi đồng bào có đoạn viết: “Cuộc giải phóng dân tộc chúng ta đang bước vào một giai đoạn mới. Chúng ta đã nỗ lực phấn đấu, chúng ta phải nỗ lực thêm lên, chúng ta đã đoàn kết, chúng ta phải đoàn kết hơn nữa. Nước Việt Nam nhất định độc lập, Trung Nam Bắc nhất định thống nhất. Toàn dân đoàn kết phấn đấu nỗ lực, công cuộc kiến thiết quốc gia mạnh mẽ thành công sẽ đưa nước Việt Nam hoàn toàn độc lập mạnh mẽ tiến bước trên con đường vinh quang, hạnh phúc”[16].
Căn cứ vào quyền hạn và nhiệm vụ do Quốc hội giao phó, Ban Thường trực Quốc hội đã lập ra 3 Ban chuyên môn: Ban Pháp chính; Ban Kinh tài; Ban Kiến nghị để nghiên cứu và theo dõi chính sách của Chính phủ, góp ý kiến với Chính phủ.
Đầu tháng 12-1946, bất chấp những thỏa thuận đã ký với Chính phủ Việt Nam, thực dân Pháp đã không ngừng tăng thêm lực lượng cả về quân số và vũ khí ngang nhiên đánh chiếm Hải Phòng, Lạng Sơn, gây hấn ở Hà Nội. Tình thế rất khẩn trương đòi hỏi phải có một quyết định chiến lược, một quốc sách có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Tổ quốc, đến tự do của nhân dân và chiều hướng phát triển của cách mạng Việt Nam. Chiểu theo Điều 38 của Hiến pháp 1946 “Khi Nghị viện không họp được, Ban Thường vụ cùng với Chính phủ có quyền quyết định tuyên chiến hay đình chiến”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã báo cáo với Hội đồng Chính phủ và Ban Thường trực Quốc hội để thống nhất quyết định phát động cuộc kháng chiến chống xâm lược trong cả nước.
Đêm 19-12-1946, cuộc kháng chiến toàn quốc chính thức bắt đầu. Để sự lãnh đạo và điều hành chiến tranh được tập trung, thống nhất, Quốc hội đã giao quyền bính tập trung vào Chính phủ. Ban Thường trực Quốc hội đã luôn ở bên cạnh Chính phủ để bàn bạc, tham gia ý kiến về các chủ trương, chính sách lớn. Do chiến tranh diễn ra ác liệt nên việc triệu tập toàn Ban Thường trực Quốc hội sẽ rất khó khăn. Vì thế, cuối tháng 12-1946, Ban Thường trực Quốc hội đã họp tại làng Vạn Phúc, tỉnh Hà Đông để quyết định:
1. Trong thời kỳ kháng chiến, vì tình thế khó khăn nên chỉ có Trưởng ban Thường trực Quốc hội ở cùng với Chính phủ để giúp và theo dõi đường lối chính trị, cùng với Chính phủ chỉ đạo cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện;
2. Các đại biểu Quốc hội sẽ tùy năng lực và địa vị mà tham gia vào mọi công tác kháng chiến;
3. Ban Thường trực thay mặt toàn thể Quốc hội hiệu triệu và nhận các ý nguyện của nhân dân, sửa soạn triệu tập Quốc hội.
Theo quyết định trên, Trưởng ban Thường trực Quốc hội Bùi Bằng Đoàn đã luôn luôn ở bên cạnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và tham dự các cuộc họp của Hội đồng Chính phủ để góp ý kiến với Chính phủ và giám sát các hoạt động của Chính phủ trong mọi công tác kháng chiến. Từ giai đoạn này, công việc của cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được xác định cụ thể hơn. Nhiệm vụ thì nhiều, nhưng do số lượng cán bộ giúp việc có hạn, nên Chính phủ đã phải trưng dụng thêm cán bộ, nhân viên của một số Văn phòng như: Văn phòng Bộ Nội vụ; Văn phòng Bộ Ngoại giao; Văn phòng Phủ Thủ tướng… để cùng cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội thực hiện các nhiệm vụ do Quốc hội giao phó.
Cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ trong điều kiện có nhiều khó khăn về nhân tài, vật lực, Trung ương Đảng và Chính phủ đã quan tâm chỉ đạo các cơ quan Đảng, Chính phủ và các tổ chức đoàn thể phải chuyển sang nếp sinh hoạt và công tác theo lối quân sự hóa. Vì vậy, ngay khi quân Pháp liên tục khiêu khích, gây hấn thì công tác chuẩn bị di chuyển chiến lược để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài đã được các cơ quan Đảng, Chính phủ quan tâm chỉ đạo. Phương án và kế hoạch di chuyển các cơ quan Trung ương của Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã được xác định cụ thể. Bộ Quốc phòng và Bộ Nội vụ được giao nhiệm vụ chuẩn bị toàn bộ lộ trình di chuyển, bao gồm việc lên kế hoạch, chuẩn bị cơ sở sơ tán theo các chặng, tổ chức di chuyển và chỉ đạo việc ổn định cơ quan làm việc ở những nơi sơ tán. Theo kế hoạch này thì khi kháng chiến bùng nổ, Chính phủ và các cơ quan Trung ương sẽ rút về Hà Đông - Sơn Tây, di chuyển về phía Tây Nam rồi hướng lên Việt Bắc.
Triển khai kế hoạch đó, ngay trước khi phát lệnh toàn quốc kháng chiến, Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội đã rút về Vạn Phúc, thị xã Hà Đông rồi di chuyển về hai huyện Quốc Oai và Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (nay là tỉnh Hà Tây). Sau khoảng hơn 3 tháng, các cơ quan Trung ương và Chính phủ đã di chuyển dần lên Việt Bắc. Lúc mới tới Tuyên Quang, để bảo đảm an toàn, bí mật, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được bố trí ở và làm việc tại thôn Niếng, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương. Thời kỳ này, cơ quan có gần 20 người, ngoài Trưởng ban là cụ Bùi Bằng Đoàn, Phó Trưởng ban là cụ Tôn Đức Thắng còn có các ủy viên trong Ban Thường trực và một số cán bộ, nhân viên giúp việc cho Văn phòng.
Được nhân dân địa phương giúp đỡ, Ban Thường trực Quốc hội ở và làm việc trong ba căn nhà (nhà của Ban Thường trực Quốc hội, nhà của cán bộ Văn phòng và nhà của bộ phận phục vụ). Mỗi nhà có ba gian, cột gỗ, thưng vách nứa, mái lợp lá cọ.
Tháng 5-1947, cụ Tôn Đức Thắng được Chính phủ mời sang giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ[17]. Toàn Ban Thường trực Quốc hội đã bỏ phiếu bằng cách gửi thư bầu linh mục Phạm Bá Trực làm Phó Trưởng ban cùng cụ Bùi Bằng Đoàn điều hành công việc của Ban. Thời gian ở và làm việc tại xã Minh Thanh, Ban Thường trực Quốc hội đã thường xuyên tham gia các phiên họp của Hội đồng Chính phủ, đề ra các chủ trương, chính sách để thực hiện nhiệm vụ kháng chiến trên tất cả các mặt trận quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Vì hoàn cảnh kháng chiến chưa thể họp toàn thể Quốc hội, cán bộ Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thường xuyên giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội. Trong điều kiện không thể gặp gỡ trực tiếp, cán bộ Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực giữ vững liên lạc bằng thư từ với các đại biểu và báo cáo đều kỳ cho các đại biểu biết công việc của Ban Thường trực, đồng thời đặt vấn đề trưng cầu ý kiến các đại biểu bằng thư thay cho những cuộc thảo luận và đặt ra các yêu cầu để đại biểu Quốc hội ở địa phương báo cáo Ban Thường trực về tình hình chung và nguyện vọng của nhân dân để Ban Thường trực có thể góp ý kiến cho Chính phủ một cách hiệu quả. Đối với các vị đại biểu ở Việt Bắc, cán bộ Văn phòng đã liên lạc trực tiếp và chủ động tổ chức các hội nghị để các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội phổ biến đường lối chung của cuộc kháng chiến và bàn định công tác của các đại biểu Quốc hội. Để chuẩn bị cho kỳ họp thứ 3 của Quốc hội (tháng 12-1953), cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội phải bắt đầu ngay vào việc chuẩn bị tài liệu phục vụ Ban Thường trực dự thảo những phần chính của Bộ luật Dân chủ[18].
Mặc dù điều kiện vật chất khó khăn, thiếu thốn, cơ quan không có điện thoại, không có rađiô, chỉ có duy nhất Bản tin của Việt Nam Thông tấn xã, công việc phục vụ các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội, phục vụ lãnh đạo Ban Thường trực nghiên cứu các văn bản của Chính phủ lại hết sức bề bộn, vất vả, nhưng cán bộ, nhân viên Văn phòng vẫn chủ động, sáng tạo tổ chức các công việc hành chính, quản trị, duy trì quan hệ với các đại biểu Quốc hội và các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Thực hiện Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh về việc tham gia vào cuộc “kinh tế kháng chiến”, cán bộ, nhân viên Văn phòng đã động viên nhau ngoài việc tập trung giải quyết các công việc được giao còn tích cực trồng các loại rau, sắn, Ngô, khoai để giải quyết khó khăn về kinh tế của cán bộ, nhân viên trong hoàn cảnh kháng chiến[19]. Giữa năm 1948, Trưởng ban Thường trực Quốc hội - cụ Bùi Bằng Đoàn ốm phải đi chữa bệnh, cụ Tôn Đức Thắng trực tiếp điều hành công việc của Ban Thường trực Quốc hội. Với trọng trách là cơ quan đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, Ban Thường trực Quốc hội đã nhất trí để Hội đồng Chính phủ ra nhiều sắc lệnh quan trọng về việc bổ nhiệm cán bộ cấp cao và thành lập các cơ quan của Chính phủ.
Căn cứ vào Hiến pháp 1946 và thực tiễn kháng chiến, Chính phủ đã ban hành hàng trăm sắc lệnh quan trọng để điều hành kháng chiến. Các sắc lệnh của Chính phủ đều được sự thỏa thuận của Ban Thường trực Quốc hội, như Sắc lệnh số 110/SL ngày 20-1-1948 về việc thụ phong cấp Đại tướng cho ông Võ Nguyên Giáp, Sắc lệnh số 206/SL ngày 19-8-1948 về việc thành lập Hội đồng Quốc phòng tối cao[20]…
Để hoàn thiện các chính sách, pháp luật của Nhà nước, ngày 18-6-1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra Sắc lệnh số 72/SL lập Hội đồng Tu luật gồm có đại biểu Chính phủ, đại biểu đoàn thể nhân dân và đại diện Ban Thường trực Quốc hội do Bộ Tư pháp chủ trì nhằm giúp Quốc hội soạn thảo một số luật và tiến hành công tác nghiên cứu, sửa đổi Hiến pháp. Các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội tham gia vào Hội đồng Tu luật có linh mục Phạm Bá Trực, bà Lê Thị Xuyến và ông Dương Đức Hiền.
Trong điều kiện kháng chiến, giao thông liên lạc gặp nhiều khó khăn nhưng cán bộ Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội duy trì đều đặn mối quan hệ với Trung ương Đảng, Chính phủ, các đoàn thể, chính quyền và nhân dân địa phương. Để kịp thời nắm bắt tình hình kinh tế - xã hội ở các địa phương và phổ biến cho nhân dân về các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, trong năm 1949, cán bộ Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập nhiều phái đoàn phối hợp với Chính phủ đi thị sát thực tế vừa để chấn chỉnh những sai phạm ở các địa phương, vừa khen ngợi những cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc trong sản xuất và chiến đấu. Cuối năm 1949, để bảo đảm an toàn, bí mật và thuận tiện cho việc liên lạc với Trung ương, Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã rời thôn Niếng, xã Minh Thanh đến ở và làm việc tại thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương. Đây là một khu đất cao ráo, khá bằng phẳng, các loại tre, nứa mọc um tùm. Nhà ở và làm việc của Ban Thường trực do Ban An toàn khu xây dựng, gồm 5 Ngôi nhà nhỏ vách nứa, mái tranh lưng dựa sườn đồi, mặt trông ra sông Phó Đáy, bên trái dãy nhà có một con ngòi nhỏ gọi là Ngòi Khoác[21].
Lúc này, ngoài số cán bộ Văn phòng từ Hà Nội lên, Ban Thường trực Quốc hội đã tuyển dụng thêm một số nhân viên vào làm việc tại Văn phòng để giúp Ban Thường trực Quốc hội trong các công việc văn thư, liên lạc và sinh hoạt[22].
Trưởng ban Thường trực Quốc hội vẫn được phân công cùng Chính phủ tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, các ủy viên khác tuỳ theo khả năng và yêu cầu mà chỉ đạo các mặt công tác của Ban và tham gia hoạt động kháng chiến ở các địa phương. Việc liên lạc giữa Trưởng ban và các ủy viên chủ yếu được thực hiện bằng điện và thư do số cán bộ và nhân viên giúp việc ít ỏi của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đảm trách.
Tháng 2-1950, do nhu cầu công việc, Ban Thường trực Quốc hội đã tổ chức Hội nghị để chấn chỉnh lại công tác tổ chức. Hội nghị đã bầu ra một Ban Thường vụ mới gồm 6 người: cụ Bùi Bằng Đoàn, cụ Tôn Đức Thắng, ông Tôn Quang Phiệt, linh mục Phạm Bá Trực, ông Dương Đức Hiền và ông Trần Huy Liệu để thay mặt Ban Thường trực giải quyết công việc hàng ngày và liên lạc với Chính phủ, với các đại biểu Quốc hội ở các địa phương. Cũng tại Hội nghị này, Ban Thường trực đã ấn định chương trình hoạt động của Ban trong năm 1950, đó là: tiếp tục cộng tác mật thiết với Chính phủ và động viên nhân dân dốc toàn lực để kháng chiến đến thắng lợi hoàn toàn; kiện toàn liên lạc với các đại biểu Quốc hội và chuẩn bị kỳ họp thứ 3 của Quốc hội; phát triển liên lạc với quốc tế; tiếp tục nhiệm vụ lập hiến, thúc đẩy việc làm dự án Bộ luật Dân chủ.
Theo báo cáo của Ban Thường trực, tuy Chính phủ đã ban bố luật pháp mới thay thế những luật pháp của chế độ cũ để lại, nhưng do những luật pháp mới còn tản mạn, chưa được tổng hợp thành một bộ luật mới nên nhiều vấn đề còn chưa được giải quyết. Vì vậy, căn cứ vào điều kiện thực tế, Ban Thường trực Quốc hội đã đề nghị với Chính phủ chuyển trách nhiệm phụ trách Hội đồng Tu luật cho Ban Thường trực Quốc hội và quyết định việc làm dự án Bộ luật Dân chủ Việt Nam. Tháng 7-1950, căn cứ vào ý kiến kết luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại trụ sở làm việc của Ban Thường trực Quốc hội, Hội đồng Tu luật được đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Thường trực Quốc hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh thì “hiện tại cơ quan đại diện cho nhân dân thì không gì bằng Quốc hội, mà vì lúc kháng chiến Quốc hội không họp được thì Ban Thường trực là cơ quan thay mặt nó; cho nên việc lập luật Ban Thường trực Quốc hội phải đảm nhận”[23].
Ngoài những nội dung trên, trong chương trình hoạt động của Ban Thường trực còn đề cập công tác kiện toàn nội bộ, sửa đổi nội quy và chấn chỉnh lại Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội nhằm tăng cường bộ máy và phương tiện làm việc để giúp Ban Thường trực Quốc hội và các Tiểu ban hoạt động. Phụ trách việc tổ chức lại Văn phòng được giao cho Ban Thường vụ mới đảm nhiệm. Để kiện toàn công tác tổ chức Văn phòng, Ban Thường trực đề nghị phải bổ nhiệm một Chánh Văn phòng đủ năng lực để điều hành công việc như: chuẩn bị cơ sở vật chất, soạn và in tài liệu về hoạt động của Quốc hội trong kháng chiến, sưu tầm những tài liệu của Quốc hội còn thất lạc, in Hiến pháp bằng nhiều thứ tiếng, soạn và in văn bản các khóa họp Quốc hội năm 1946[24]…
Thực hiện Nghị quyết của Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội, căn cứ vào nhu cầu công việc của Văn phòng, ngày 19-3-1950, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 38/SL cử bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, nguyên Tổng Giám đốc Nha Thông tin giữ chức Chánh Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội[25].
Từ sau Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội, tháng 2-1950, hoạt động của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã đi vào nền nếp. Mặc dù trong điều kiện sơ tán, nhưng từ lãnh đạo Văn phòng đến các cán bộ, nhân viên giúp việc luôn quan tâm sắp xếp công việc vừa khoa học, hiệu quả, nghiêm túc, giữ vững kỷ luật, vừa đầm ấm trong sinh hoạt. Sự chia sẻ kinh nghiệm công tác và tinh thần đoàn kết nội bộ, tương thân, tương ái chính là một trong những bí quyết giúp cho cán bộ, nhân viên Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội vượt qua mọi gian lao, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đóng góp xứng đáng vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc của toàn dân tộc.
Với nhận thức nhân dân các bản nơi Văn phòng đóng trụ sở chính là những người giúp đỡ, bảo vệ, giữ gìn bí mật tốt nhất cho mình, nên tất cả cán bộ, nhân viên Văn phòng luôn làm tốt công tác dân vận. Việc giao thiệp với chính quyền và nhân dân sở tại được phân công cho những cán bộ có năng lực phụ trách. Ngoài ra, các cán bộ, nhân viên khác cũng thường xuyên giữ mối quan hệ tốt với dân, trong những ngày nghỉ thường đến thăm nhà dân, vừa để tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc, vừa để giúp đỡ đồng bào tổ chức cuộc sống mới. Trong quan hệ với dân, cán bộ Văn phòng luôn bảo đảm nguyên tắc cởi mở, chân tình nhưng nghiêm túc, đứng đắn, giữ đúng chữ tín. Chính vì vậy, cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội luôn được nhân dân thực sự yêu mến và quý trọng.
Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã vượt qua mọi khó khăn thử thách để thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình. Trong công việc, giữa lãnh đạo Ban Thường trực với cán bộ, nhân viên Văn phòng luôn gắn bó, mật thiết, đồng cam, cộng khổ. Từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên phục vụ đều sát cánh bên nhau cùng làm việc, cùng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác. Tình đoàn kết nội bộ, tinh thần tương thân tương ái chính là những điều kiện thuận lợi giúp cán bộ Văn phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ giúp việc cho Ban Thường trực Quốc hội.
III. GIAI ĐOẠN TỪ GIỮA NĂM 1950 ĐẾN CUỐI NĂM 1954
Bước sang năm 1950, tình hình chiến sự ngày càng ác liệt, do yêu cầu công tác, theo chỉ đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội liên tục phải di chuyển địa điểm làm việc. Từ năm 1950 đến giữa năm 1952, Ban Thường trực Quốc hội đã rời thôn Yên Thượng, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương đến ở và làm việc tại các thôn Nà Lá, xã Xuân Quang; thôn Đèo Gà, xã Yên Nguyên; thôn Đồng Lũng, xã Phúc Thịnh; thôn Khuôn Mạ, xã Kiên Đài thuộc huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Mỗi lần di chuyển địa điểm lại là một thử thách không nhỏ đối với cán bộ, nhân viên của Văn phòng. Thực hiện tác phong công tác thời chiến, các cuộc di chuyển địa điểm đều được tiến hành rất cẩn mật, thận trọng, chủ yếu đi vào ban đêm, theo đường rừng, không có phương tiện vận chuyển, tất cả đồ đạc, kể cả vật dụng cơ quan, tài liệu cho tới đồ dùng cá nhân đều nằm trên đôi vai của mỗi cán bộ, nhân viên Văn phòng. Mặc dù phải mang vác vất vả, nhưng khi đến nơi ở mới, cán bộ, nhân viên Văn phòng lại phải bắt tay vào việc tu sửa nhà cửa, ổn định nơi ăn, ở và làm việc. Lương thực, thực phẩm tuy đã có Ban tiếp tế ATK[26] cung cấp theo tiêu chuẩn, định lượng nhưng để bảo đảm sinh hoạt hàng ngày, cán bộ, nhân viên Văn phòng lại lo vỡ đất làm vườn để trồng rau, làm chuồng nuôi gà, có nơi phải đào giếng để lấy nước sinh hoạt, phải vào rừng lấy củi về đun nấu và sưởi ấm[27].
Tuy cuộc sống vô cùng gian khổ và thiếu thốn, nhiều cán bộ, nhân viên bị sốt rét, bị suy nhược cơ thể, cơ quan không có y, bác sĩ phải nhờ cơ quan bạn, nhưng cán bộ, nhân viên Văn phòng vẫn cố gắng khắc phục khó khăn duy trì nền nếp làm việc nghiêm túc, bảo đảm công tác liên tục và thông suốt. Thời kỳ này, Văn phòng vừa phải đảm nhiệm công việc chung, vừa phục vụ cụ Tôn Đức Thắng, quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội và một số ủy viên Ban Thường trực tham dự các Hội nghị quan trọng như: Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng; Đại hội thống nhất Mặt trận Việt Minh - Liên Việt; Đại hội Việt - Miên - Lào… Văn phòng còn cố gắng duy trì mối quan hệ công tác giữa Ban Thường trực Quốc hội với Chính phủ được chặt chẽ, thường xuyên, tạo điều kiện cho Ban Thường trực Quốc hội theo dõi được công việc của Chính phủ và tham gia ý kiến với Chính phủ.
Căn cứ vào Nghị quyết của Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1950, Văn phòng đã chủ động sắp xếp tổ chức và bố trí cán bộ phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh mới. Giữa năm 1952, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội rời Chiêm Hóa về ở và làm việc tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương cho đến tháng 7-1954 trước khi chuyển về Hà Nội[28]. Trong thời gian làm việc tại Chi Liền, hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội được mở rộng hơn. Trưởng ban và Phó Ban Thường trực đã thường xuyên tham gia các phiên họp của Hội đồng Chính phủ để cho ý kiến về những vấn đề quan trọng, trong đó có ý kiến về các Sắc luật của Chính phủ trước khi ban bố.
1. Giai đoạn từ giữa năm 1950 đến tháng 12-1953
Theo tinh thần của Hội nghị tháng 2-1950, Ban Thường trực Quốc hội đã có Chánh Văn phòng để điều hành công việc của Văn phòng. Đây là bước phát triển mới về công tác tổ chức của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Để bảo đảm cho bộ máy giúp việc hoạt động có hiệu quả, Ban Thường vụ được phân công phụ trách công tác tổ chức đã tích cực, chủ động trong việc tuyển dụng, bổ sung cán bộ để tăng cường cho bộ máy giúp việc của Ban Thường trực. Số cán bộ được tuyển dụng chủ yếu là những người có năng lực và trình độ hiểu biết công việc từ các cơ quan Đảng và Chính phủ[29]. Tính đến giữa năm 1950, số cán bộ được hưởng lương từ ngân sách Nhà nước gồm 15 ủy viên Ban Thường trực Quốc hội và 10 nhân viên Văn phòng phụ trách các công việc hành chính và quản trị[30]. Ngoài ra còn có 7 công nhân và một số ít người làm công việc quản gia. Từ đây, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội có điều kiện tập trung hơn vào công tác tham mưu, giúp việc Ban Thường trực trong các công việc và phục vụ các thành viên Ban Thường trực tham dự các phiên họp với Hội đồng Chính phủ.
Tháng 9-1951, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng, Chánh Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được Chính phủ điều động sang làm công tác khác. Lúc này, điều hành công tác Văn phòng được giao cho ông Trần Văn Cung[31], Uỷ viên Thường vụ kiêm Thư ký Ban Thường trực Quốc hội phụ trách. Cơ cấu tổ chức và lề lối làm việc của Văn phòng không thay đổi. Mặc dù số lượng cán bộ, nhân viên Văn phòng còn thiếu so với yêu cầu thực tế của công việc, nhưng cán bộ Văn phòng đều rất cố gắng nâng cao trình độ chuyên môn và nhận thức về chính trị để đảm đương công việc.
Tháng 12-1951, Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội được tổ chức để đặt vấn đề nghiên cứu và dự thảo những điều bổ sung vào bản Hiến pháp để khi có điều kiện đệ trình Quốc hội xem xét và cho ý kiến. Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội được giao nhiệm vụ tổng hợp tình hình kinh tế, chính trị, xã hội ở các địa phương, trên cơ sở báo cáo của các Đoàn đại biểu Quốc hội và của các bộ, ngành Trung ương; soạn thảo tài liệu, văn bản và quyết định của Ban Thường trực Quốc hội; thực hiện các công việc về hành chính, quản trị. Việc tổng hợp báo cáo và thu thập những đề nghị về việc tu chỉnh Hiến pháp của các đại biểu Quốc hội, của nhân dân gửi đến được giao cho bộ phận giúp việc trong Văn phòng phụ trách.
Như vậy, từ sau Hội nghị Ban Thường trực tháng 2-1950, cơ cấu tổ chức của Văn phòng đã từng bước được kiện toàn để đáp ứng yêu cầu công việc ngày càng nhiều của Ban Thường trực Quốc hội. Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được Quốc hội giao, như tham gia ý kiến về các chính sách lớn của Chính phủ như chính sách sản xuất và tiết kiệm, chính sách thuế nông nghiệp… Đặc biệt, để kịp thời phổ biến cho nhân dân về chính sách thuế nông nghiệp vừa được ban hành, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội thành lập một phái đoàn của Quốc hội phối hợp cùng Chính phủ đi về các địa phương giải thích cho nhân dân về các chủ trương, chính sách mới của Nhà nước. Đồng thời, động viên nhân dân tích cực tham gia sản xuất để góp phần thúc đẩy kháng chiến đi đến thắng lợi. Văn phòng còn phục vụ Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo công văn đề nghị Hội đồng Chính phủ xét công trạng khen thưởng các đơn vị, chiến sĩ và cán bộ lập được chiến công xuất sắc; phục vụ việc tổ chức Đoàn đại biểu Quốc hội đi thăm một số nước xã hội chủ nghĩa anh em như Cộng hòa nhân dân Trung Hoa, Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên…, nhằm tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị giữa Quốc hội Việt Nam với Quốc hội các nước bạn.
Từ giữa năm 1950, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã theo dõi sát tình hình ở các địa phương, thông qua những báo cáo của các ngành, các cấp, nên đã cung cấp được nhiều thông tin cần thiết và kịp thời cho Ban Thường trực Quốc hội. Đây là một trong những điều kiện thuận lợi giúp cho Ban Thường trực duy trì công tác thường xuyên với Chính phủ và kịp thời động viên nhân dân dốc toàn lực cho cuộc kháng chiến. Căn cứ vào chương trình công tác hàng tháng, hàng quý của Ban Thường trực Quốc hội, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực tổ chức các cuộc họp để kiểm điểm công tác của Ban; phục vụ Trưởng ban và Phó ban Thường trực soạn thảo các văn bản gửi các cơ quan bộ và soạn thảo các văn bản khác theo chức năng, quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội.
Công tác nghiệp vụ cũng được Văn phòng thực hiện nghiêm túc và có nhiều tiến bộ. Các loại công văn đi, đến đều được đăng ký, tiếp nhận, chuyển giao đáp ứng yêu cầu kịp thời và bảo đảm bí mật.
Tuy nhiên, trong quá trình soạn thảo văn bản không tránh khỏi những sai sót, khuyết điểm. Một số văn bản còn đơn giản về hình thức, thiếu một số yếu tố về thành phần cần thiết của văn bản (như thiếu ký hiệu, ngày, tháng, dấu, đôi khi còn không có chữ ký). Điều đó đã ảnh hưởng đến chất lượng của tài liệu và tính pháp lý của văn bản, nhất là tính chính xác, độ tin cậy của tài liệu khi đưa vào lưu trữ và phục vụ khai thác sau này.
Điểm đáng lưu ý là tại Hội nghị Ban Thường trực Quốc hội tháng 2-1950, trong chương trình hoạt động của Ban có quy định cụ thể công việc mà Văn phòng sẽ phải phụ trách là: soạn và in tài liệu về hoạt động của Quốc hội trong kháng chiến, tìm kiếm những tài liệu của Quốc hội còn thất lạc do quá trình di chuyển địa điểm; soạn và in văn bản về các kỳ họp Quốc hội năm 1946. Đây là một trong những công việc thuộc chức năng của Văn phòng, trên thực tế vấn đề này đã được triển khai, song kết quả thu được không cao. Sự tìm kiếm, thu lượm những tài liệu thất lạc của Quốc hội làm được rất ít. Vì cụ Bùi Bằng Đoàn, Trưởng ban Thường trực Quốc hội ốm phải đi điều trị ở xa nên việc sưu tầm những tài liệu cũ khó thực hiện. Sau mấy năm tìm kiếm cũng chỉ có được một vài số báo Cứu quốc xuất bản trong thời điểm Quốc hội họp kỳ họp thứ 2 và một quyển sổ ghi chép sơ sài của một đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Với số tài liệu thu được chưa đầy đủ nên không thể biên soạn một văn kiện về Quốc hội Việt Nam[32].
Công tác quản trị đã được cán bộ Văn phòng thực hiện đầy đủ và chu đáo từ việc chăm lo đời sống ăn ở, đi lại, đến việc bảo vệ lãnh đạo Ban Thường trực cũng như các ủy viên trong Ban Thường trực Quốc hội. Mỗi lần cơ quan di chuyển địa điểm làm việc, bộ phận phụ trách công tác quản trị đã làm tốt công tác bảo đảm đời sống cho lãnh đạo Ban Thường trực cũng như cho tập thể cán bộ, nhân viên toàn cơ quan.
Đầu năm 1953, theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội và Ủy ban Liên Việt toàn quốc đã triệu tập cuộc họp liên tịch để thảo luận về bản đề án “phóng tay phát động quần chúng triệt để giảm tô, thực hiện giảm tức” của Đảng Lao động Việt Nam. Hội nghị đã nhất trí với bản đề án của Đảng và kêu gọi nhân dân cả nước tích cực thực hiện chính sách ruộng đất của Đảng và Chính phủ.
Để kêu gọi toàn thể quốc dân tích cực thực hiện chính sách ruộng đất do Đảng phát động, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo bản Hiệu triệu gửi đồng bào toàn quốc về việc phát động quần chúng thực hiện chính sách ruộng đất và ra Thông tri giúp cho các đại biểu Quốc hội tham gia công tác phát động ở các địa phương. Trong Thông tri ngày 20-3-1953 của Ban Thường trực Quốc hội có ghi: “Nhiệm vụ của các đại biểu Quốc hội chúng ta trong phong trào phát động này là tuỳ điều kiện mà tham gia hành động với các địa phương bằng cách góp ý kiến với các cán bộ chính quyền hay các đoàn thể, bằng cách giải thích chủ trương chính sách của Chính phủ cho nhân dân, vì các sắc lệnh của Chính phủ về chính sách ruộng đất cũng như về các chính sách lớn khác đều có sự thỏa thuận của Ban Thường trực Quốc hội”[33].
Tháng 12-1953, trước sự chuyển biến của cách mạng Việt Nam, thể theo đề nghị của Chính phủ, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định triệu tập kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I từ ngày 1 đến ngày 4-12-1953 tại thôn Lập Binh, xã Bình Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Công việc liên lạc với các đại biểu Quốc hội và chuẩn bị các văn kiện báo cáo trước Quốc hội, chuẩn bị cơ sở vật chất để phục vụ kỳ họp đều do Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội phụ trách. Đây là kỳ họp có ý nghĩa lịch sử trọng đại, Quốc hội đã quyết định một quốc sách quan hệ đến thắng lợi của cuộc kháng chiến, đến hạnh phúc của toàn dân, đó là thông qua Luật Cải cách ruộng đất nhằm bảo đảm cho người cày có ruộng, thúc đẩy sản xuất phát triển và đem lại quyền lợi cho đại đa số thành phần trong xã hội là nông dân. Chính vì vậy, khi kỳ họp kết thúc, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã nhận được 1.106 bức thư và điện gửi đến chào mừng thành công của kỳ họp và hứa với Quốc hội sẽ tích cực thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết về việc thi hành Luật Cải cách ruộng đất.
Với việc tổ chức phục vụ thành công kỳ họp thứ 3 của Quốc hội, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã góp phần quan trọng vào việc thực hiện chủ trương cải cách ruộng đất của Đảng và Chính phủ, đưa cuộc cách mạng dân tộc, dân chủ ở nước ta đi đến thắng lợi. Trong diễn văn bế mạc kỳ họp thứ 3, cụ Tôn Đức Thắng, quyền Trưởng ban Thường trực Quốc hội đã khẳng định: “Khóa họp này sẽ ghi một dấu mới trên con đường độc lập dân chủ, đưa cuộc cách mạng của chúng ta đến thắng lợi hoàn toàn”[34].
2. Giai đoạn từ tháng 12-1953 đến tháng 10-1954
Sau khi Quốc hội thông qua Luật Cải cách ruộng đất, ngày 4-12-1953, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội dự thảo Lời kêu gọi đồng bào toàn quốc ra sức thực hiện cải cách ruộng đất để đẩy mạnh cuộc kháng chiến và tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Hưởng ứng Lời kêu gọi của Ban Thường trực, cuộc vận động quần chúng nhân dân thực hiện cải cách ruộng đất đã diễn ra ở các địa phương miền Bắc. Quần chúng nông dân được phát động đã hăng hái đóng góp sức người, sức của cho cuộc kháng chiến. Để giúp lãnh đạo Ban Thường trực Quốc hội có đầy đủ thông tin kịp thời và chính xác về diễn biến của công cuộc cải cách ruộng đất, cán bộ Văn phòng đã tập trung nghiên cứu tài liệu do các nơi gửi đến, chủ động tìm hiểu tình hình, tìm kiếm tài liệu bổ sung để báo cáo Ban Thường trực.
Từ sau kỳ họp thứ 3 của Quốc hội khóa I, việc liên lạc giữa Ban Thường trực Quốc hội với các đại biểu Quốc hội đã thường xuyên hơn. Nhiều đại biểu đã gửi báo cáo cho Ban Thường trực Quốc hội phản ánh về tình hình địa phương và công tác đại biểu của mình. Văn phòng đã nghiên cứu các báo cáo, rồi đề xuất ý kiến với Ban Thường trực Quốc hội, đồng thời, truyền đạt ý kiến của Ban Thường trực đến các đại biểu Quốc hội, cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội. Văn phòng là đầu mối giúp Ban Thường trực Quốc hội kịp thời nắm bắt tình hình thực tế ở các địa phương, và duy trì mối quan hệ giữa Ban Thường trực Quốc hội với Phòng liên lạc của các đại biểu Quốc hội ở các Liên khu..
Cùng với các công việc hành chính, nghiệp vụ nói trên, bộ phận lưu trữ của Văn phòng cũng bắt đầu làm nhiệm vụ quản lý, sắp xếp tài liệu để phục vụ cho công tác nghiên cứu. Đặc biệt, tập tài liệu về kỳ họp thứ 3 đã được in thành sách để gửi cho các đại biểu Quốc hội, các vị Bộ trưởng, Thứ trưởng trong Chính phủ, các cơ quan chính quyền và làm sách biếu các nước bạn hoặc khách nước ngoài khi sang thăm và làm việc tại nước ta.
Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, cán bộ Văn phòng vẫn chủ động làm tốt công tác bảo vệ, chăm lo đến việc ăn, ở và đi lại của các đại biểu Quốc hội, các đoàn khách đến làm việc tại Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội.
Ngày 7-5-1954, chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ kết thúc thắng lợi. Ngày 21-7-1954, Hiệp định Giơnevơ được ký kết, hòa bình được lập lại trên toàn miền Bắc. Ban Thường trực Quốc hội đã tổ chức Hội nghị mở rộng để tỏ thái độ với Hiệp định đình chiến mà Đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam đã ký với Đoàn đại biểu Chính phủ Pháp tại Hội nghị Giơnevơ. Ngày 28-7-1954, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo ba văn kiện, đó là Nghị quyết của Hội nghị; Điện văn gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh để tỏ lòng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Người và ra Lời kêu gọi của Ban Thường trực Quốc hội gửi các đại biểu Quốc hội và nhân dân cả nước thực hiện đúng những điều ta đã ký kết[35].
Tháng 8-1954, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội rời huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang về ở làng Xuân Huy, xã Hồng Sơn, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên; đến giữa tháng 10-1954 thì về Thủ đô Hà Nội, kết thúc chặng đường 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Từ thời gian này, công tác Văn phòng đòi hỏi phải có những thay đổi để đáp ứng với những yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới.
Có thể nói, trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách để đảm đương các công việc trong phạm vi trách nhiệm, giúp Ban Thường trực Quốc hội hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ mà Quốc hội giao.
IV. GIAI ĐOẠN TỪ CUỐI NĂM 1954 ĐẾN THÁNG 7-1960
Sau năm 1954, cách mạng nước ta bước vào giai đoạn mới với đặc điểm lớn nhất là đất nước bị chia cắt làm hai miền với hai chế độ chính trị - xã hội khác nhau, nhân dân Việt Nam phải cùng một lúc thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược cách mạng: cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc và cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân ở miền Nam. Vấn đề đặt ra cho toàn Đảng, toàn dân là phải nhanh chóng xây dựng, củng cố Nhà nước vững mạnh để tổ chức, quản lý công cuộc xây dựng đất nước.
Sau khi rời chiến khu Việt Bắc trở về Hà Nội, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội làm việc tại số nhà 12 phố Ngô Quyền, Hà Nội (cùng trụ sở làm việc với Bộ Nội vụ). Vì ít người nên Ban Thường trực Quốc hội được bố trí làm việc ở tầng 3 của tòa nhà, đầu năm 1955 thì chuyển về số nhà 22 phố Lý Thường Kiệt, Hà Nội. Để hoàn thành nhiệm vụ trong tình hình mới, Văn phòng đã kiện toàn lại cơ cấu tổ chức và lề lối làm việc, nhằm phục vụ Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội thực hiện tốt chức năng và nhiệm vụ theo luật định.
1. Từng bước kiện toàn tổ chức, phục vụ Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội trong những năm đầu hòa bình ở miền Bắc
Để xây dựng và củng cố miền Bắc, một nhiệm vụ hết sức to lớn và nặng nề được Quốc hội đặc biệt quan tâm là việc khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định và cải thiện đời sống của các tầng lớp nhân dân lao động ở thành thị và nông thôn. Vì vậy, tại kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I diễn ra từ ngày 29-12-1956 đến ngày 25-1-1957, Quốc hội đã quyết định sửa đổi Hiến pháp; thảo luận và đi đến thống nhất quy định Quốc hội sẽ họp thường lệ mỗi năm hai kỳ và bầu lại Ban Thường trực mới gồm 15 Ủy viên chính thức và 3 uỷ viên dự khuyết do cụ Tôn Đức Thắng làm Trưởng ban[36]. Đồng thời, Quốc hội đã thống nhất mở rộng quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội[37]. Căn cứ vào quyền hạn và nhiệm vụ của Ban Thường trực Quốc hội, Văn phòng lại được bổ sung thêm nhiều nhiệm vụ mới. Vì vậy, việc kiện toàn tổ chức bộ máy phục vụ đã được lãnh đạo Văn phòng quan tâm trực tiếp chỉ đạo. Thi hành Thông tư số 5/CB ngày 27-8-1954 của Bộ Nội vụ về ổn định cấp bậc công chức, Văn phòng đã thành lập một Ban phụ trách ổn định cấp bậc để rà soát lại tổng số cán bộ và nhân viên Văn phòng theo cấp bậc và thời gian công tác tại Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội[38]. Theo bản danh sách tổng hợp gửi Bộ Nội vụ ngày 23-12-1955, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội có 7 cán bộ làm công tác Văn phòng gồm các ông: Đặng Thư, Vương Đình Châu, Hoàng Văn Vịnh, Vũ Ngọc Châu, Trần Quang Xuyến, Ma Văn Ái và bà Hoàng Oanh; Văn phòng còn có 14 nhân viên làm các công việc phục vụ gồm các ông: Nguyễn Đình Học, Trương Văn Thụ, Lê Văn Việt, Nguyễn Đức, Phạm Văn Tâm, Trần Huy Nghiêm, Nguyễn Văn Hát, Hồ Văn Bằng, Trần Văn Tái, Trần Văn Luân, Nguyễn Văn Quang và các bà Nguyễn Thị Sở, Nguyễn Thị Thắng, Nguyễn Thị Hợi[39].
Thời kỳ này, nhiệm vụ của Văn phòng đã được cụ thể hóa và phân công theo các mảng công việc. Công tác hành chính gồm các việc vào sổ, đệ trình, gửi và nhận công văn; giao dịch công việc với các cơ quan và khách đến làm việc; phụ trách các công việc bảo mật và liên lạc với các đại biểu Quốc hội; giới thiệu để cán bộ, nhân viên đến liên hệ công tác với các cơ quan khác khi có công tác; duy trì các cuộc sinh hoạt chuyên môn cho các cơ quan của Quốc hội.
Công tác quản trị phụ trách các việc dự toán ngân sách, dự trù chi tiêu hàng tháng, thanh toán các khoản chi tiêu của cơ quan, thực hiện những tiêu chuẩn cung cấp cho cán bộ, công nhân viên; sắm sửa trang, thiết bị Văn phòng và cơ sở vật chất nói chung, tổ chức khánh tiết, in sách, tài liệu, giao dịch về tài chính…
Công tác tổ chức phụ trách công việc tuyển dụng, lưu giữ hồ sơ cán bộ, theo dõi thi đua, khen thưởng và kỷ luật đối với cán bộ, nhân viên…
Công tác lưu trữ thời kỳ này cũng được quan tâm hơn. Trong Văn phòng đã hình thành tổ công tác làm các nhiệm vụ thu thập, sắp xếp và cho mượn các hồ sơ, tài liệu lưu trữ liên quan đến hoạt động của Quốc hội; tổ chức quản lý, xây dựng tủ tư liệu, sách, báo chí hoặc các bản tin nhằm đáp ứng yêu cầu khai thác tư liệu và nắm bắt thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác nghiên cứu của cán bộ trong cơ quan.
Ngoài ra, Văn phòng còn thực hiện các công việc khác như phục vụ và bảo vệ các ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, phục vụ các đồng chí thư ký của Ban Thường trực Quốc hội, làm các công việc tạp vụ, lái xe, cấp dưỡng, quản lý[40].
Sau khi trở về Thủ đô, mặc dù Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã được tuyển dụng thêm cán bộ để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của cơ quan giúp việc Ban Thường trực Quốc hội, nhưng Văn phòng vẫn chưa có Chi bộ Đảng riêng mà chỉ là một tổ Đảng trực thuộc Chi bộ của Bộ Nội vụ và một tổ Công đoàn của Công đoàn Bộ Nội vụ[41].
Đầu năm 1957, do yêu cầu nhiệm vụ công tác, Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã thực hiện một số việc để kiện toàn tổ chức và sắp xếp lại cơ cấu bộ máy của Văn phòng.
Về lãnh đạo Văn phòng: Tháng 1-1957, căn cứ theo nhu cầu công tác, ông Trần Đình Tri, ủy viên Thư ký Ban Thường trực Quốc hội được giao kiêm nhiệm Chánh Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Ông Nguyễn Xuân Kỳ được cử làm Phó Văn phòng[42].
Về cơ cấu tổ chức: Văn phòng được tổ chức gồm hai phòng chuyên môn là Phòng Hành chính - Quản trị, Phòng Nghiên cứu và bộ phận Tổ chức - cán bộ. Xuất phát từ nhiệm vụ công tác mà Văn phòng đã thực hiện, đồng thời căn cứ vào các công việc của Ban Thường trực Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng đã xây dựng một bản quy định tạm thời về nhiệm vụ, tổ chức và lề lối làm việc của cơ quan do ông Trần Đình Tri, ủy viên Thư ký, Chánh Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội ký ngày 2-1-1958.
Phòng Hành chính - Quản trị do ông Đặng Thư làm Trưởng phòng. Phòng có nhiệm vụ thực hiện các công tác hành chính, quản trị dưới sự chỉ đạo của Chánh Văn phòng như: tiếp phát công văn, đánh máy, in ronéo, thường trực, liên lạc, điện thoại; quản lý tủ sách, lưu trữ công văn, tài liệu; phụ trách nhân sự cơ quan; dự toán và quyết toán ngân sách cơ quan, thi hành các chế độ lương, phụ cấp, các thể lệ kế toán; quản lý tài sản cơ quan và tổ chức hội nghị, khánh tiết, lễ tân.
Phòng Hành chính - Quản trị được chia thành các tổ công tác: Tổ công văn đi và đến; Tổ quản lý tủ sách, lưu trữ công văn, tài liệu; Tổ quản trị, kế toán; Tổ phục vụ Ban Thường trực Quốc hội và nhân viên cơ quan; Tổ phụ trách các hội nghị, khánh tiết, tiếp tân.
Phòng Nghiên cứu do ông Nguyễn Xuân Kỳ, Phó Văn phòng kiêm nhiệm Trưởng phòng. Phòng có nhiệm vụ nghiên cứu các vấn đề về tổ chức và cách làm việc của Quốc hội; nghiên cứu các dự án luật, các dự án sắc luật, theo dõi việc ban bố luật và sắc luật, chuẩn bị phiên họp Tiểu ban Pháp luật; tiếp nhận, vào sổ các đơn từ, liên lạc với các cơ quan hữu quan; nắm tình hình và giữ mối quan hệ thường xuyên với đại biểu Quốc hội; lập hồ sơ các văn kiện kỳ họp của Quốc hội, theo dõi việc đăng ký công báo, lập hồ sơ các văn kiện của Ban Thường trực Quốc hội và tổ chức văn thư Quốc hội.
Phòng Nghiên cứu có 5 tổ: Tổ nghiên cứu chung; Tổ luật pháp; Tổ dân nguyện; Tổ đại biểu Quốc hội; Tổ văn kiện Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội.
Bộ phận Tổ chức - cán bộ làm công tác quản lý cán bộ, theo dõi việc học tập, bồi dưỡng cán bộ và bảo đảm việc thực hiện các chế độ tuyển dụng, điều động, khen thưởng, kỷ luật, đề bạt và nghỉ phép cho cán bộ, nhân viên Văn phòng. Phụ trách bộ phận này là ông Vương Đình Châu.
Trong công tác giúp việc Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội, các phòng luôn có sự phối hợp điều hòa trong công việc, bảo đảm sinh hoạt tập thể của các bộ phận, hàng tháng đều có báo cáo kết quả công tác với Ban Thường trực Quốc hội. Căn cứ vào Quy định tạm thời do lãnh đạo Văn phòng ban hành, các phòng chuyên môn và bộ phận Tổ chức - cán bộ đã xây dựng và ban hành nội quy làm việc riêng của đơn vị mình. Trong nội quy đã quy định cụ thể nhiệm vụ, tổ chức và phân công phân nhiệm cho từng cán bộ nhân viên[43].
Năm 1957, Ban Thường trực Quốc hội đã quyết định tăng thêm số lượng các ủy viên chuyên trách và thành lập ba tiểu ban: Tiểu ban Luật pháp; Tiểu ban Tuyển cử; Tiểu ban Dân nguyện. Mỗi tiểu ban đều có Ủy viên Thường trực phụ trách và một số cán bộ giúp việc. Sự gia tăng về nhiệm vụ đặt ra yêu cầu phát triển về quy mô tổ chức. Thực hiện Nghị định số 168/TTg ngày 31-3-1958 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức hoạt động của Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương[44], Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã triển khai công tác kiện toàn tổ chức của cơ quan và đã kịp thời phát hiện các hiện tượng bất hợp lý trong công tác tổ chức về các mặt nhiệm vụ, phân công trách nhiệm, lề lối làm việc, sử dụng cán bộ và biên chế tổ chức… Từ đó, có sự điều chỉnh trên cơ sở xây dựng điều lệ, quy định nguyên tắc về bộ máy biên chế thực hiện quản lý theo luật.
Dựa trên nghị quyết của phiên họp Ban Thường trực Quốc hội, đầu năm 1959 Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội đã liên hệ chặt chẽ với Ủy ban kiện toàn tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ để báo cáo công tác và nhận chủ trương của Ủy ban về việc chấn chỉnh sinh hoạt, hội họp trong cơ quan góp phần kiện toàn công tác tổ chức. Cơ quan nhỏ, ít người, nhiệm vụ lại rõ ràng nên trong quá trình sắp xếp nhân sự không có vấn đề phức tạp nảy sinh. Sau nhiều lần bổ sung cán bộ, tính đến tháng 12-1958, tổng biên chế của Văn phòng lên tới 41 người, trong đó có 13 ủy viên Ban Thường trực Quốc hội và 28 cán bộ, nhân viên. Việc kiện toàn tổ chức đã được lãnh đạo Văn phòng quan tâm sắp xếp, bố trí hợp lý theo yêu cầu công việc. Thực hiện quy chế làm việc theo hướng tinh gọn và chính quy, lãnh đạo Văn phòng đã xây dựng bản Điều lệ công tác của Văn phòng dựa trên nội dung công việc cụ thể.
|
|
|
Chủ tịch Hồ Chí Minh và các thành viên Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp với các cháu thiếu nhi ở tập thể Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội (ảnh chụp ngày 15-12-1959) tại trụ sở Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội, 22 Lý Thường Kiệt, Hà Nội |
|
Thủ tướng Phạm Văn Đồng chụp ảnh với cán bộ, nhân viên Văn phòng tại trụ sở Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội, 22 Lý Thường Kiệt, Hà Nội (ngày 22-4-1966) |
|
|
|
|
|
|
Chủ tịch Tôn Đức Thắng với cán bộ, nhân viên Văn phòng Uỷ ban thường vụ Quốc hội phục vụ Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá III (tháng 3-1971) |
|
Chủ tịch Uỷ ban thường vụ Quốc hội Trường Chinh chụp ảnh với cán bộ, nhân viên Văn phòng phụ vụ kỳ họp thứ nhấtm Quốc hội khoá IV (tháng 6-1971) |
|
Nhà bia lưu niệm - Di tích lịch sử Ban thường trực Quốc hội
tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang |
Điều đáng chú ý là trong các nhiệm vụ của cơ quan có hai nhiệm vụ vừa không thường xuyên, vừa đòi hỏi nhiều người phục vụ, đó là công tác tổ chức kỳ họp Quốc hội và công tác lễ tân, khánh tiết trong các dịp đón tiếp các phái đoàn đến thăm và làm việc với Quốc hội. Do cơ quan ít người, nên Văn phòng phải chủ động phối hợp với các cơ quan của Chính phủ để điều hành công việc. Nhiều lần Văn phòng đã có công văn đề nghị Văn phòng Bộ Ngoại giao, Văn phòng Bộ Nội vụ và Văn phòng Bộ Tư pháp điều động cán bộ, giúp Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội thực thi công việc. Để bảo đảm cho các nhiệm vụ không chồng lấn lên nhau, đỡ tốn kém trong công tác sử dụng cán bộ, và đề cao được trách nhiệm của mỗi cơ quan, lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo bộ phận Tổ chức - cán bộ nghiên cứu để tìm cơ chế phối hợp có hiệu quả. Nhờ đó, Văn phòng đã làm tốt việc phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các phiên họp Ban Thường trực Quốc hội và kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa II[45].
2. Hoạt động của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội từ tháng 3-1955 đến tháng 7-1960
Cùng với công tác kiện toàn về mặt tổ chức, lề lối làm việc của Văn phòng cũng đã có những chuyển biến, phát triển dần theo hướng chương trình hóa, kế hoạch hóa. Ngoài các công việc hành chính, quản trị, Văn phòng vẫn có chức năng chủ yếu là chuẩn bị nội dung tài liệu và cơ sở vật chất cho các kỳ họp Quốc hội; phục vụ Ban Thường trực Quốc hội trong các công việc liên lạc với Chính phủ, góp ý kiến với Chính phủ về các chủ trương, chính sách quan hệ đến quốc kế dân sinh.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa I, kỳ họp đầu tiên trong hòa bình được tổ chức ở Hà Nội từ ngày 20 đến ngày 26-3-1955, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội soạn thảo Lời kêu gọi nhân dân toàn quốc đoàn kết chặt chẽ và rộng rãi xung quanh Chủ tịch Hồ Chí Minh, kiên quyết đấu tranh thi hành triệt để Hiệp định Giơnevơ, củng cố hòa bình và tiến tới thực hiện thống nhất Tổ quốc.
Thời kỳ này, hoạt động đối ngoại của Quốc hội cũng được tăng cường, Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội tổ chức các phái đoàn Quốc hội của nước ta đi thăm và làm việc với Quốc hội Trung Quốc, Môg Cổ, Liên Xô và phục vụ Ban Thường trực Quốc hội tổ chức nghi lễ đón tiếp các phái đoàn Quốc hội các nước sang thăm chính thức nước ta, nhằm thiết lập và phát triển mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân các nước trên thế giới.
Kỳ họp thứ 6, từ ngày 29-12-1956 đến 25-1-1957, là kỳ họp dài ngày nhất của Quốc hội khóa I. Quốc hội đã kiểm điểm công tác nội trị và ngoại giao của Chính phủ, nhận định tình hình trong nước và thế giới để quyết định đường lối và chủ trương mới[46]. Văn phòng, đã triển khai công tác nghiên cứu, theo dõi tình hình mọi mặt ở các địa phương, phục vụ Ban Thường trực Quốc hội nắm bắt được thông tin kịp thời, chính xác để phản ánh trước Quốc hội và góp phần cùng Chính phủ phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ khôi phục, xây dựng và phát triển kinh tế - văn hóa, ổn định và cải thiện đời sống của mọi tầng lớp nhân dân.
Thực hiện Nghị quyết ngày 23-1-1957 của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I về vấn đề sửa đổi Hiến pháp, Văn phòng đã phục vụ trên 20 cuộc họp của Ban sửa đổi Hiến pháp và dự thảo 9 bản thuyết trình lớn về những vấn đề chủ yếu của Hiến pháp. Sau khi bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi hoàn thành, từ ngày 1-7 đến ngày 30-9-1958 đã được đưa ra trưng cầu ý kiến các đại biểu Quốc hội, các cán bộ trung, cao cấp, các chính đảng, đoàn thể, các cơ quan chính quyền. Văn phòng có nhiệm vụ tập hợp, phân loại và tổng hợp các ý kiến báo cáo để Ban sửa đổi Hiến pháp chỉnh lý đưa ra công bố để toàn dân tham gia xây dựng.Việc nghiên cứu và thảo luận dự thảo Hiến pháp đã trở thành phong trào quần chúng rộng rãi. Văn phòng đã phục vụ Ban sửa đổi Hiến pháp trong việc tiếp thu, chỉnh lý để hoàn chỉnh bản dự thảo lần cuối trước khi trình Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khóa I, ngày 18-12-1959 Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trưởng ban Sửa đổi Hiến pháp đã thuyết trình trước Quốc hội bản dự thảo Hiến pháp sửa đổi. Ngày 31-12-1959, trong phiên họp toàn thể, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Hiến pháp mới với sự tán thành tuyệt đối của 206/206 đại biểu dự họp[47].
Từ cuối năm 1959, công tác phục vụ Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội được cải tiến theo hướng chuyên môn hóa. Công tác nghiên cứu đã có nhiều tiến bộ và có những đóng góp cụ thể vào hoạt động của Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội. Phòng Nghiên cứu đã dần dần bảo đảm chế độ báo cáo hàng tuần và kịp thời phản ánh những vấn đề lớn liên quan đến hoạt động của Quốc hội như các vấn đề thuộc về kỳ họp Quốc hội; về các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội; về chỉnh lý văn kiện; về việc đăng công báo các văn bản của Quốc hội và của Ban Thường trực Quốc hội; về tổ chức và cách làm việc của Quốc hội; về dự án sắc luật; về công tác pháp chế nói chung. Cụ thể:
· Về các kỳ họp Quốc hội: Sau khi hòa bình được lập lại (tháng 7-1954), Quốc hội có điều kiện họp thường xuyên hơn. Nội dung hoạt động của Quốc hội được triển khai sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, chính trị - xã hội. Với tư cách là cơ quan giúp việc Ban Thường trực Quốc hội, Văn phòng đã chủ động liên hệ với Văn phòng Phủ Thủ tướng để thảo luận về nội dung và thời gian tiến hành của mỗi kỳ họp. Để giúp Ban Thường trực Quốc hội có điều kiện đóng góp ý kiến vào những vấn đề liên quan đến quốc kế dân sinh của đất nước, Văn phòng đã thu thập tài liệu, xây dựng dự thảo các thông cáo hoặc các văn bản để Ban Thường trực Quốc hội làm cơ sở báo cáo trước Quốc hội hoặc tham gia ý kiến với Chính phủ. Trên cơ sở theo dõi các cuộc thảo luận tại kỳ họp Quốc hội, Văn phòng đã tổng hợp, chỉnh lý và xuất bản thành các tập tài liệu để đưa vào lưu trữ phục vụ cho công tác nghiên cứu.
· Về các phiên họp của Ban Thường trực Quốc hội: Để phục vụ Ban Thường trực Quốc hội theo dõi tình hình chung, nắm tình hình hoạt động của Chính phủ và cũng để Chính phủ biết được hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội và các đại biểu Quốc hội, Văn phòng đã thường xuyên trao đổi tài liệu, tin tức và chương trình công tác với Văn phòng Phủ Thủ tướng. Văn phòng đã chủ động nghiên cứu và dự thảo chương trình hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội, ra thông báo về các phiên họp để Chính phủ cử đại diện đến dự hoặc báo cáo khi có những quyết định quan trọng.
· Về tổ chức và cách thức làm việc của Quốc hội: Do nội dung của mỗi kỳ họp Quốc hội ngày càng phong phú, nhiều vấn đề cần được quan tâm đúng mức để đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ cách mạng, Văn phòng đã tích cực sưu tầm, nghiên cứu các tài liệu về tổ chức và cách thức làm việc của Quốc hội các nước. Kết quả sưu tầm, nghiên cứu đã được cán bộ Văn phòng tổng hợp, từ đó, đề xuất với Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội những vấn đề có liên quan nhằm cải tiến cách thức tổ chức và lề lối làm việc của Quốc hội. Văn phòng còn nghiên cứu chế độ bầu cử đại biểu Quốc hội của các nước để Ban Thường trực Quốc hội tham khảo, vận dụng, triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội của nước ta.
· Về công tác luật pháp: Văn phòng đã phục vụ Ban Thường trực Quốc hội và Tiểu ban Luật pháp nghiên cứu các dự án sắc luật mà Chính phủ gửi sang, đề xuất vấn đề liên quan đến nội dung dự án; chuẩn bị nội dung cho các cuộc hội ý, hội nghị của Tiểu ban Luật pháp và làm thư ký cho các phiên họp; xây dựng các bản thuyết trình về các dự án sắc luật, đồng thời tiến hành các thủ tục để chuyển các dự án sắc luật đã được Ban Thường trực Quốc hội biểu quyết đến Văn phòng Phủ Thủ tướng.
· Về công tác phục vụ đại biểu Quốc hội: Đây là một trong những công tác nghiệp vụ được cán bộ Văn phòng thực hiện đầy đủ và chu đáo, từ việc giữ mối quan hệ với các đại biểu đến việc tiến hành các thủ tục triệu tập đại biểu Quốc hội; thu thập tài liệu, lập hồ sơ về cuộc Tổng tuyển cử để phục vụ cho việc thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội; theo dõi việc thực hiện quy chế đại biểu Quốc hội và các trường hợp khen thưởng, kỷ luật có liên quan đến đại biểu Quốc hội.
Nhằm tăng cường mối liên hệ thường xuyên giữa Ban Thường trực Quốc hội với các đại biểu Quốc hội, Văn phòng đã chú ý cung cấp thông tin để các đại biểu hiểu rõ tình hình hoạt động của các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, tổng hợp báo cáo của các địa phương để phục vụ Ban Thường trực Quốc hội nắm vững tình hình và nguyện vọng của cử tri về việc chấp hành các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Nhờ cải tiến công tác, bộ phận Dân nguyện trực thuộc Phòng Nghiên cứu đã chủ động giải quyết tốt các đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Vì vậy, số lượng đơn, thư khiếu tố đã giảm đáng kể, nhất là các loại đơn khiếu kiện về thành phần, về đền bù tài sản.
Để phục vụ Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, Văn phòng đã bố trí cán bộ làm công việc thu thập tình hình trong nước, nhất là diễn biến của cuộc đấu tranh đòi thi hành triệt để hiệp định đình chiến, củng cố hòa bình, tiến tới thực hiện thống nhất Tổ quốc và tình hình chung trên thế giới. Văn phòng chủ động liên hệ với Bộ Ngoại giao, Ban Thống nhất Trung ương để sưu tầm tài liệu, tổng kết về những vấn đề mới nảy sinh phục vụ Quốc hội trong việc tổ chức tiếp đón các đoàn khách quốc tế vào thăm nước ta và chuẩn bị cho các đoàn Quốc hội nước ta đi thăm và làm việc ở nước ngoài.
Công tác hành chính, quản trị của Văn phòng cũng được xác định đúng tầm quan trọng. Từ năm 1959 bắt đầu có những chuyển biến, khắc phục được một phần hạn chế của những năm trước, công việc đã từng bước đi vào chuyên môn hóa. Để tạo điều kiện cho công tác này phát triển tốt hơn, lãnh đạo Văn phòng quan tâm chỉ đạo việc xây dựng các chế độ làm việc và tăng cường công tác quản lý đối với các bộ phận văn thư; bộ phận quản trị - kế toán; bộ phận khánh tiết, lễ tân nên hiệu suất công tác được tăng lên.
Một mảng công tác không kém phần quan trọng được Văn phòng quan tâm thực hiện là tổ chức - cán bộ. Theo bản Quy định tạm thời (tháng 1-1958), bộ phận Tổ chức - cán bộ trực thuộc Phòng Hành chính - Quản trị. Sau khi thực hiện nghị định của Chính phủ về việc triển khai công tác kiện toàn tổ chức, bộ phận Tổ chức - cán bộ được tách khỏi Phòng Hành chính - Quản trị thành một bộ phận độc lập, làm nhiệm vụ giúp lãnh đạo Văn phòng quản lý cán bộ, nhân viên cơ quan, kiện toàn tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc, cải tiến công tác chuyên môn; giúp đỡ cán bộ, nhân viên giải quyết những khó khăn vướng mắc trong cuộc sống; nắm bắt tình hình tư tưởng, nhu cầu, nguyện vọng của cán bộ, nhân viên để phản ánh cho lãnh đạo Văn phòng; nghiên cứu và đề nghị việc bố trí, sắp xếp công tác theo chức năng, nhiệm vụ…
Trong công tác tổ chức - cán bộ, Văn phòng chú trọng đến việc bồi dưỡng về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cho cán bộ, công nhân viên; thường xuyên cử cán bộ đi học tập các lớp tập trung về chính trị, bổ túc văn hóa; sắp xếp công việc, tạo điều kiện thuận lợi cho một số cán bộ, nhân viên theo học các lớp tại chức. Đối với cán bộ nghiên cứu, Văn phòng thường xuyên tổ chức các cuộc họp để phổ biến các vấn đề về thời sự, chủ trương, đường lối, chính sách mới của Đảng và Nhà nước.
Từ sau năm 1957, tổ Đảng của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội hoạt động thường xuyên. Mặc dù chỉ có 10 đảng viên, nhưng việc chăm lo giáo dục ý thức chính trị, tư tưởng cho cán bộ, nhân viên Văn phòng vẫn được duy trì đều đặn, nhất là việc giáo dục về tinh thần phục vụ, ý thức trách nhiệm với công việc và tinh thần cảnh giác, giữ gìn bí mật. Do những cố gắng đó, các đảng viên của Văn phòng đã giúp Ban Thường trực xây dựng nên một tập thể cán bộ, nhân viên có lập trường, quan điểm đúng đắn, có trách nhiệm cao trong công tác phục vụ.
Thời kỳ này, hoạt động của tổ Công đoàn cơ quan còn hạn chế, nhiệm vụ và quyền hạn không được quy định rõ, nên chưa có tác dụng thiết thực đối với đời sống của cán bộ, công nhân viên.
*
* *
Những năm 1946-1960 là chặng đường phát triển đầu tiên của Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Công tác Văn phòng ngày càng nhiều với quy mô và yêu cầu chất lượng công việc ngày càng cao. Bộ máy tổ chức cũng tiến triển không ngừng, từ một bộ phận giúp việc Ban Thường trực Quốc hội trong kháng chiến chống thực dân Pháp, Văn phòng đã phát triển với 2 Phòng chuyên môn và một bộ phận phụ trách công tác tổ chức - cán bộ. Nội bộ Văn phòng luôn đoàn kết, giữ vững kỷ luật; trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ của cán bộ, nhân viên không ngừng được nâng cao. Văn phòng đã hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong việc phục vụ Quốc hội và Ban Thường trực Quốc hội. Có được những thành tích đó, ngoài sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên trong cơ quan, Văn phòng còn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, giúp đỡ của Ban Thường vụ, Ban Thường trực Quốc hội và sự phối hợp, giúp đỡ của một số cơ quan, đơn vị bạn.
[1] Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1, (1945-1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr.30.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, t. 3, tr. 554.
[3] Báo Cứu quốc, số 36, ngày 5-9-1945.
[4] Việt Nam Dân quốc công báo, số ra ngày 29-9-1945.
[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t.4, tr. 8.
[6] Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, tr.31.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Sđd, t. 4, tr. 189.
[8] Việt Quốc: tên gọi tắt của Việt Nam Quốc dân đảng.
Việt Cách: tên gọi tắt của Việt Nam Cách mạng đồng minh hội.
[9] Ông Nguyễn Văn Tố (1889 - 1947), quê ở làng Đông Thành, tổng Tiến Túc, huyện Thọ Xương cũ (nay là phố Bát Sứ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Ông là một nhà trí thức Nho học và Tây học. Trong cuộc Tổng tuyển cử đầu tiên ngày 6-1-1946, ông ra ứng cử tại thành phố Nam Định và đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I. Tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, ông được bầu làm Trưởng Ban Thường trực Quốc hội. Ông bị thực dân Pháp sát hại ở Bắc Kạn ngày 7-10-1947. (Xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t. 1 (1945 - 1960), Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 1531).
[10] Báo cáo về hoạt động của Ban Thường trực Quốc hội do ông Nguyễn Văn Tố, Trưởng ban trình bày tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I ngày 30-10-1946 - Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t. 1 (1945 - 1960). Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2006, tr. 70.
[11] Theo giấy khai lý lịch của nhân viên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội ngày 20-6-1947, số cán bộ, công chức đầu tiên phục vụ Ban Thường trực Quốc hội gồm các ông Trần Văn Xoang (tức Trần Thanh Tú); Hoàng Việt Sinh (tức Trịnh Hoàng); Phạm Văn Tâm và bà Trịnh Thị Phúc - Hồ sơ số 276, phông Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[12] Để đánh dấu sự kiện có ý nghĩa lịch sử trọng đại của Văn phòng Quốc hội, căn cứ vào các chứng cứ lịch sử và kết quả của các cuộc hội thảo về xác định Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội, theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ngày 2-3-2005 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết số 751/2005/NQ-UBTVQH11 lấy ngày 2-3 hàng năm làm Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội.
[13] Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, kỳ họp thứ nhất, Hồ sơ số 1. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội
[14] Phần đông dân chúng đều tưởng Quốc hội cũng như một cơ quan hành chính, nên thường gửi đơn hoặc trực tiếp đến trụ sở Ban Thường trực Quốc hội để khiếu nại về các việc thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Theo Báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội ngày 30-10-1946. Lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[15] Cụ Bùi Bằng Đoàn (1886-1955), quê làng Liên Bạt, huyện Ứng Hòa, tỉnh Hà Tây. Cụ là một nhân sĩ yêu nước, nguyên là Thượng thư Cơ mật viện đại thần của triều Nguyễn. Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, cụ Bùi Bằng Đoàn đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I của tỉnh Hà Đông (cũ) rồi được bầu làm ủy viên chính thức Ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa I (tháng 11-1946), cụ được bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Giữa năm 1948, cụ Bùi Bằng Đoàn lâm bệnh không thể làm việc được. Cụ Tôn Đức Thắng, Phó Trưởng ban được Ban Thường trực Quốc hội cử làm quyền Trưởng ban. Theo Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Bùi Bằng Đoàn được đưa từ chiến khu Việt Bắc vào vùng tự do Liên khu III (huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình), rồi vào Liên khu IV (tỉnh Thanh Hóa) để chữa bệnh. Cụ từ trần ngày 13-4-1955. Xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1 (1945-1960), Sđd, tr.1524 và Lâm Quang Thự, Người con đất Quảng, Nxb. Đà Nẵng, 2005, tr.211.
[16] Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1 (1945 - 1960), Sđd, 2006, tr.101.
[17] Tại phiên họp ngày 30-4-1947, Hội đồng Chính phủ đã thông qua đề nghị của Chủ tịch Hồ Chí Minh cử cụ Tôn Đức Thắng, một cán bộ đảng lão thành có uy tín lớn giữ chức Bộ trưởng Bộ Nội vụ từ tháng 5-1947 đến tháng 11-1947.
[18] Báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội năm 1950 - xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t. 1 (1945-1960), Sđd, tr. 282 - 283.
[19] Ghi theo lời kể của ông Đặng Thư, cán bộ Văn phòng Quốc hội đã có 38 năm công tác liên tục từ tháng 5-1948 đến tháng 3-1986, giữ các chức vụ: Trưởng phòng Hành chính - Quản trị; Trưởng phòng Tổng hợp - Tư liệu; Chuyên viên cao cấp của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước.
[20] Từ ngày 1-1-1946 đến ngày 31-12-1950 Chính phủ đã ban hành 705 Sắc lệnh, theo Cơ sở dữ liệu luật, Văn phòng Quốc hội.
[21] Theo Ngô Quốc Lập, Tham luận tại Hội thảo “Xác định địa điểm làm việc của Ban Thường trực Quốc hội trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp”, Tuyên Quang, ngày 22-7-2005.
[22] Ghi theo lời kể của ông Đặng Thư và ông Ma Văn Ái, cán bộ Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Số cán bộ, nhân viên được tuyển dụng gồm các ông Đặng Thư, nguyên Chánh Văn phòng Ủy ban kháng chiến tỉnh Hà Nam đến nhận công tác từ ngày 28-4-1948; ông Ma Văn Ái đến nhận công tác từ tháng 3-1948; ông Ma Văn Thang đến nhận công tác từ tháng 10-1948.
[23] Báo cáo về công tác của Ban Thường trực Quốc hội từ Hội nghị tháng 2-1950 đến tháng 2-1951. Xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t. I (1945-1960), Sđd, tr. 334.
[25] Bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng (1913-2006), quê huyện Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), đảng viên Đảng Dân chủ Việt Nam, sau là đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định và tỉnh Hà Nam Ninh từ khóa I đến khóa VII, đã từng giữ các chức vụ Phó Chủ nhiệm Quân y, Giám đốc báo Tin mới rồi Tổng Giám đốc Nha Thông tin, Chánh văn phòng Ban Thường trực Quốc hội từ tháng 3-1950 đến tháng 7-1951.
[26] Ban tiếp tế ATK (An toàn khu) do Văn phòng Phủ Thủ tướng quản lý, có nhiệm vụ bố trí nơi ở và cung cấp nhu yếu phẩm cho các cơ quan Trung ương trong thời gian ở chiến khu Việt Bắc.
[27] Ghi theo lời kể của ông Đặng Thư, nguyên cán bộ Văn phòng Quốc hội.
[28] Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 913/NQ-UBTVQH11 ngày 24-8-2005 về việc xây dựng Nhà bia lưu niệm của Quốc hội tại thôn Chi Liền, xã Trung Yên, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Nhà bia di tích được khởi công xây dựng ngày 23-10-2005 và khánh thành ngày 22-12-2005.
[29] Ngày 26-4-1950, Ban Thường trực Quốc hội đã có công văn số 24-KT/LB gửi Bộ Nội vụ và Bộ Tài chính về việc xin tuyển thêm 4 nhân viên giúp việc. Đó là các ông: Nguyễn Hữu Toàn, Lê Văn Việt, Phạm Ngọc Cường (tức Dần) và Lê Văn Bổng. Đồng thời, để tạo điều kiện cho Ban Thường vụ hoàn thành công tác tổ chức, Văn phòng Bộ Nội vụ cũng có công văn số 226-NV/2 ngày 27-5-1950 về việc thuyên chuyển 4 nhân viên thuộc Nha Thông tin sang làm việc tại Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội gồm các ông: Phạm Hữu Trung, cán sự bậc 6/B; Trần Quang Xuyến, tá sự bậc 1/A; Trần Văn Liêm, công nhân và bà Đặng Thị Thuỷ, tá sự bậc 2/A.
Tháng 6-1950, do nhu cầu công việc cần phải tuyển dụng thêm nhân viên, Ban Thường trực Quốc hội có công văn gửi Thủ tướng Phủ và Bộ Nội vụ về việc xin tuyển thêm một cán sự tạm thời bậc 7/B là ông Tưởng Bích Trúc, nguyên là nhân viên Ban Thi đua ái quốc Trung ương và xin thuyên chuyển ông Ma Văn Ái, liên lạc viên của Bộ Nội vụ sang giúp việc cho Văn phòng Ban Thường trực Quốc hội. Sau khi được Thủ tướng Phủ và Bộ Nội vụ thỏa thuận, Ban Thường trực Quốc hội đã có công văn số 326-KT/LB ngày 24-6-1950 gửi Bộ Tài chính để thông báo, vì số nhân viên xin tuyển thêm này đã được dự trù trong ngân sách của năm 1950. Hồ sơ số 279, phông Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[30] Từ tháng 9-1951 đến tháng 12-1954, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng được điều động sang phụ trách công tác y tế các trường Sư phạm theo Công văn số 135ZYO/NĐ/2 ngày 08-9-1951 của Bộ Y tế. Lưu Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[31] Ông Trần Văn Cung (1906 - 1977), quê xã Nghi Hoa, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An, tham gia cách mạng từ năm 1925, tháng 3-1929 ông tham gia thành lập Chi bộ Cộng sản đầu tiên trong nước (tại 5D Hàm Long, Hà Nội). Từ năm 1946 đến năm 1954, ông lên Việt Bắc nhận chức ủy viên Ban Thường trực Quốc hội. Sau ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), ông về Hà Nội giữ chức ủy viên Ban Thường trực Quốc hội cho tới năm 1957, là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, sau này làm Phó Giám đốc Trường Kinh tế - Tài chính Trung ương. Theo Từ điển nhân vật lịch sử Việt Nam, Nxb. Giáo dục, Hà Nội, 2000, tr. 72, 73.
[32] Báo cáo của Ban Thường trực Quốc hội - xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1 (1945 - 1960), Sđd, tr. 339.
[33] Thông tư ngày 20-3-1945 của Ban Thường trực Quốc hội. Xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t.1 (1945-1960), Sđd, tr. 463.
[34] Hồ sơ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa I. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[35] Xem Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Văn kiện Quốc hội toàn tập, t. 1 (1945-1960), Sđd, tr. 493-499.
[36] Cụ Tôn Đức Thắng (1888 - 1980), quê làng An Hòa, tổng Đại Thành, tỉnh Long Xuyên (nay là xã Mỹ Hòa Hưng, thành phố Long Xuyên, tỉnh An Giang). Trong cuộc Tổng tuyển cử ngày 6-1-1946, cụ đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa I của Thành phố Sài Gòn - Chợ Lớn. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (tháng 11-1946), cụ được bầu làm Phó Trưởng ban Thường trực Quốc hội. Tại kỳ họp thứ 5 của Quốc hội (ngày 20-9-1955), cụ được Quốc hội bầu làm Trưởng ban Thường trực Quốc hội, thay cụ Bùi Bằng Đoàn đã từ trần ngày 13-4-1955. Cụ được bầu làm ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng liên tục từ khóa II đến khóa IV, là đại biểu Quốc hội các khóa I, II, III, IV, V, VI. Từ năm 1955 đến năm 1969, cụ giữ nhiều chức vụ quan trọng của Đảng, Nhà nước và Mặt trận. Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời (1969), cụ được cử làm Chủ tịch nước và giữ chức đó tới ngày qua đời.
[37] Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường trực Quốc hội bao gồm:
- Biểu quyết các sắc luật. Những dự thảo sắc luật của Chính phủ đưa trình bày trước Ban Thường trực Quốc hội và Quốc hội phải do một Bộ trưởng hay Thứ trưởng thuyết trình. Những sắc luật Ban Thường trực Quốc hội đã biểu quyết phải đem trình Quốc hội và khóa họp gần nhất để Quốc hội ưng chuẩn hay bác bỏ. Những sắc luật được Quốc hội ưng chuẩn sẽ trở thành những đạo luật của Nhà nước;
- Liên lạc với các đại biểu Quốc hội và triệu tập Quốc hội;
- Biểu quyết những đề nghị của Chính phủ về việc lựa chọn và thay đổi các vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng và Thứ trưởng;
- Cùng với Chính phủ quyết định việc ký hiệp ước với nước ngoài.
[38] Ban Phụ trách ổn định cấp bậc gồm có: Trưởng ban là ông Tôn Quang Phiệt, ủy viên Ban Thường trực Quốc hội, hội viên là các cán bộ, nhân viên Văn phòng gồm các ông: Vương Đình Châu, Trương Văn Thụ, Ma Văn Ái - Hồ sơ số 292, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[39] Hồ sơ số 292, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[40] Hồ sơ số 329, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[42] Theo Lâm Quang Thự, Người con đất Quảng, Sđd, tr. 94.
[43] Hồ sơ số 330, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[44] Công báo số 12, 1958, tr. 168 - 169, phông Bộ Nội vụ, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[45] Hồ sơ số 100, phông Văn phòng Quốc hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.
[46] Xem Hồ sơ kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa I. Lưu trữ Văn phòng Quốc hội.
[47] Xem Lịch sử Quốc hội Việt Nam 1946 - 1960, Sđd, tr. 203-204.