CHƯƠNG IV

VĂN PHÒNG QUỐC HỘI TỪ NĂM 1992 ĐẾN NAY

 

Bước vào thập kỷ 90 của thế kỷ XX, công cuộc cải cách nền kinh tế của nước ta ngày càng đạt được nhiều thành tựu, cơ chế quản lý kinh tế mới được xác lập và từng bước được củng cố. Thực hiện Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng, ngày 15-4-1992, tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII đã thông qua Hiến pháp mới 1992, đặt cơ sở pháp lý cho việc tiếp tục đổi mới toàn diện đất nước, trong đó có đổi mới Quốc hội. Trong giai đoạn này, Văn phòng Quốc hội đã không ngừng kiện toàn tổ chức, phương thức hoạt động để cải tiến và nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các đại biểu Quốc hội.

 

I. TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

CỦA VĂN PHÒNG QUỐC HỘI (1992-2002)

 

1. Điều chỉnh tổ chức Văn phòng Quốc hội theo Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9

Hiến pháp 1992 được Quốc hội khóa VIII nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua ngày 15-4-1992 có những quy định quan trọng về đổi mới tổ chức bộ máy Nhà nước. Theo đó, chế định Hội đồng Nhà nước là “cơ quan cao nhất hoạt động thường xuyên của Quốc hội, Chủ tịch tập thể của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” bị bãi bỏ, thay vào đó là việc lập lại chế định Chủ tịch nước là “người đứng đầu Nhà nước, thay mặt nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về đối nội và đối ngoại” và Uỷ ban thường vụ Quốc hội là “cơ quan thường trực của Quốc hội”. Về các cơ quan của Quốc hội, theo Luật Tổ chức Quốc hội 1992 cũng có những quy định mới, đó là việc thành lập mới Ủy ban Quốc phòng và An ninh; thành lập mới Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng thay cho Ủy ban Văn hoá và Giáo dục, Ủy ban Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Điểm mới trong hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội được Hiến pháp quy định là Hội đồng Dân tộc và mỗi Ủy ban của Quốc hội có một số thành viên làm việc theo chế độ chuyên trách. Quy định này đã mở ra khả năng chuyên môn hóa hoạt động của các đại biểu Quốc hội.

Để đáp ứng kịp thời yêu cầu công việc, Văn phòng Chủ tịch nước được thành lập để giúp việc Chủ tịch nước, đảm nhiệm một phần công việc trước đó của Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước. Theo quy định của Hiến pháp 1992 và Điều 79, Luật Tổ chức Quốc hội[1], ngày 26-9-1992, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 01 NQ/UBTVQH9 về việc đổi tên Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước thành Văn phòng Quốc hội, đồng thời giao cho Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và Hội đồng Nhà nước chịu trách nhiệm dự thảo đề án tổ chức lại bộ máy giúp việc của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Ngày 17-10-1992, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 02NQ/UBTVQH9 quy định về tổ chức, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan giúp việc, đáp ứng yêu cầu đổi mới về tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.

Điều 1 của Nghị quyết 02 xác định: Văn phòng Quốc hội là cơ quan giúp việc của Quốc hội có trách nhiệm nghiên cứu, tham mưu tổng hợp và tổ chức phục vụ mọi hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.

Điều 2 của Nghị quyết 02 quy định Văn phòng Quốc hội có 16 nhiệm vụ, quyền hạn, như: phục vụ Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong công tác xây dựng pháp luật; phục vụ Quốc hội quyết định và ban hành những chính sách cơ bản liên quan đến các vấn đề kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, đối ngoại; tổ chức phục vụ Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao việc tuân theo Hiến pháp, Luật và Nghị quyết của Quốc hội; nghiên cứu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các vấn đề bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân, về giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, về đảm bảo điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội; tổ chức và quản lý công tác hành chính của Quốc hội[2]...

Đến tháng 7-1993, chức năng và nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội tiếp tục được khẳng định trong Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Điều 43 của Quy chế quy định, Văn phòng Quốc hội có nhiệm vụ giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc thực hiện quan hệ công tác với Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, với Đoàn đại biểu Quốc hội, thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; đảm bảo thể thức văn bản đối với các văn bản của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và bảo đảm các điều kiện hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Về lãnh đạo Văn phòng: Ông Vũ Mão, ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa IX tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội theo Nghị quyết số 01NQ/UBTVQH9 ngày 26-9-1992 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội là người chịu trách nhiệm trước Uỷ ban thường vụ Quốc hội về công tác của Văn phòng. Giúp việc cho Chủ nhiệm Văn phòng còn có các Phó Chủ nhiệm: ông Phạm Thanh Sơn, Vụ trưởng Vụ Dân nguyện, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ tháng 3-1993; ông Trần Ngọc Hùng, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ tháng 10-1994; ông Trần Quốc Thuận, Thư ký Hội đồng nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ tháng 11-1994; ông Nguyễn Duy Anh, đại biểu Quốc hội khóa IX, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lâm Đồng, được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội trực tiếp phụ trách Vụ Công tác phía Nam từ tháng 11-1994. Ngày 25-3-1998, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Quyết định số 46NQ/UBTVQH bổ nhiệm ông Trần Ngọc Đường, đại biểu Quốc hội khóa X, Chủ nhiệm khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trực tiếp giúp việc Chủ tịch Quốc hội từ tháng 4-1998[3].

Văn phòng Quốc hội được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, làm việc theo chế độ thủ trưởng. Trong khi thực hiện nhiệm vụ của mình, các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với nhau trong việc thực hiện các nhiệm vụ theo sự chỉ đạo của Chủ nhiệm Văn phòng. Đồng thời, giữ mối quan hệ thường xuyên với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan.

Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội: Do có những đổi mới về tổ chức của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, nên các đơn vị của Văn phòng Quốc hội đã được tổ chức lại. Theo Điều 4 của Nghị quyết 02 NQ/UBTVQH9, tổ chức Văn phòng Quốc hội có 17 vụ và đơn vị tương đương cấp vụ gồm:

·          Thứ nhất, các vụ do Thường trực Hội đồng Dân tộc hoặc Thường trực các Ủy ban của Quốc hội chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các mặt công tác khác, gồm 8 vụ: Vụ Dân tộc; Vụ Pháp luật; Vụ Kinh tế và Ngân sách; Vụ Quốc phòng và An ninh; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Vụ Các vấn đề xã hội; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Đối ngoại.

Cuối năm 1992, triển khai thực hiện Nghị quyết 02, Văn phòng đã khẩn trương sắp xếp đội ngũ cán bộ để bố trí vào các vụ chuyên môn phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Ngoài Vụ Pháp luật và Vụ Đối ngoại được thành lập từ nhiệm kỳ khóa VII, khóa VIII, theo đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, trên cơ sở Vụ Hội đồng và các Ủy ban, 6 vụ mới được thành lập gồm: Vụ Dân tộc; Vụ Kinh tế và Ngân sách; Vụ Quốc phòng và An ninh; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Vụ Các vấn đề xã hội; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Trong số 20 cán bộ của Vụ Hội đồng và các Ủy ban có nhiều người được đề bạt làm cán bộ lãnh đạo cấp vụ, số còn lại đều là những cán bộ nòng cốt của các vụ. Lúc mới thành lập, mỗi vụ chỉ có 2 - 3 người, sau mới được bổ sung, nhưng đến đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa X cũng chỉ có từ 9 đến 10 người.

­Vụ Dân tộc lúc mới thành lập có 6 người, do ông Nguyễn Đức Chấn, Phó Vụ trưởng Vụ Hội đồng và các Ủy ban phụ trách. Tháng 3-1994, ông Nguyễn Đức Chấn nghỉ hưu, ông Trịnh Hưng Thịnh, Phó Vụ trưởng được lãnh đạo Văn phòng giao quyền Vụ trưởng từ ngày 1-3-1996 và sau đó được bổ nhiệm làm Vụ trưởng (tháng 2-1998). Nhiệm vụ của Vụ Dân tộc là tham mưu, phục vụ Hội đồng Dân tộc trong các hoạt động chuyên môn và đề xuất nội dung, chương trình, kế hoạch công tác của Hội đồng Dân tộc, đồng thời tổ chức phục vụ triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch đó. Bước sang nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, tổng số cán bộ, nhân viên của Vụ tăng lên 8 người, đến giữa khóa XI có 15 người nhưng về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ của Vụ không thay đổi.

Vụ Kinh tế và Ngân sách lúc mới thành lập chỉ có 5 người, đều là cán bộ của Tổ Chuyên viên kinh tế thuộc Vụ Hội đồng và các Ủy ban[4]. Vụ trưởng là ông Lưu Quang Hoà, trợ lý Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước. Sau khi ông Lưu Quang Hoà nghỉ hưu, ông Nguyễn Văn Phúc được bổ nhiệm làm Vụ trưởng từ tháng 7-1998. Vụ có nhiệm vụ phục vụ Ủy ban Kinh tế và Ngân sách thẩm tra các dự án, kiến nghị về luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, về tổng quyết toán ngân sách nhà nước; chuẩn bị ý kiến về các dự thảo nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; tham mưu, phục vụ Ủy ban trong công tác giám sát việc thực hiện luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Uỷ ban thường vụ Quốc hội thuộc lĩnh vực quản lý kinh tế, hoạt động kinh doanh, ngân sách, tài chính, tiền tệ...

Vụ Quốc phòng và An ninh được thành lập theo Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội sau khi Ủy ban Quốc phòng và An ninh được thành lập để giúp Quốc hội thực hiện nhiệm vụ về lĩnh vực quốc phòng và an ninh[5]. Lúc mới thành lập, Vụ chỉ có 3 người do ông Trần Minh Việt làm Vụ trưởng. Tháng 5-1995, ông Trần Minh Việt nghỉ hưu, ông Phạm Văn Nhâm được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Vụ có chức năng nghiên cứu, tham mưu, tổ chức phục các hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh. Đầu năm 2002, biên chế của Vụ có 9 người. Tuy số cán bộ còn ít, khối lượng công việc nhiều nhưng phần lớn cán bộ của Vụ là những người đã tham gia lực lượng vũ trang nhân dân, có kinh nghiệm công tác nên đã phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội.

Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng được thành lập từ tháng 12-1992. Lúc mới thành lập, Vụ chỉ có 2 người do ông Nguyễn Viết Lểnh, chuyên viên phụ trách. Năm 1994, Vụ được bổ sung Vụ trưởng là ông Lê Xuân Đức từ Vụ Tổng hợp chuyển sang cùng 2 cán bộ, chuyên viên. Tháng 1-2001, khi ông Lê Xuân Đức nghỉ hưu, ông Nguyễn Viết Lểnh được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Về công tác chuyên môn, Vụ chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Thường trực Ủy ban và phối hợp với các đơn vị khác trong Văn phòng để bảo đảm mọi hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng. Nhiệm vụ của Vụ là tổ chức, phục vụ các hoạt động của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng trong công tác thẩm tra các dự án luật, giám sát việc thi hành pháp luật, tham gia quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước mà Ủy ban phụ trách.

Vụ Các vấn đề xã hội lúc mới thành lập biên chế có 7 người, Vụ trưởng đầu tiên là ông Nguyễn Hữu Dương, nguyên đại biểu Quốc hội khóa VIII. Ngoài việc chịu trách nhiệm trước Thường trực Ủy ban Về các Vấn đề xã hội về các công việc được giao, Vụ có nhiệm vụ: dự thảo báo cáo thẩm tra dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết thuộc lĩnh vực các vấn đề xã hội để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội; dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết sau khi đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến; dự kiến nội dung chương trình, kế hoạch giám sát và chủ trì tổ chức phục vụ các đoàn giám sát, đoàn công tác của Ủy ban; dự thảo báo cáo kết quả giám sát, khảo sát của đoàn…

Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường được thành lập để tổ chức các hoạt động phục vụ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. Từ lúc thành lập đến năm 1995, Vụ trưởng là ông Phạm Hữu Tuệ. Từ năm 1995, ông Nguyễn Vinh Hà được giao quyền Vụ trưởng, sau đó được bổ nhiệm làm Vụ trưởng (năm 1998). Biên chế của Vụ lúc đầu chỉ có 2 người và đến nhiệm kỳ Quốc hội khóa X đã có 9 người. Vụ có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, tổ chức phục vụ Ủy ban trong việc thẩm tra dự án luật, kiến nghị về luật, dự thảo pháp lệnh, dự thảo nghị quyết, báo cáo thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, Môi trường và tài nguyên; tham mưu, phục vụ Ủy ban thực hiện việc giám sát những vấn đề thuộc lĩnh vực khoa học, công nghệ, Môi trường và tài nguyên để đưa vào nghị quyết về nhiệm vụ hàng năm, nghị quyết về kế hoạch 5 năm của Quốc hội; tham mưu, đề xuất ý kiến với Ủy ban về các vấn đề liên quan đến tổ chức, hoạt động của các cơ quan hữu quan và các vấn đề về chính sách đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ, Môi trường và tài nguyên…

·          Thứ hai, các Vụ do ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội được Uỷ ban thường vụ Quốc hội phân công chỉ đạo về công tác chuyên môn, nghiệp vụ; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo các mặt công tác khác gồm hai Vụ: Vụ Hoạt động đại biểu dân cử và Vụ Dân nguyện.

Vụ Hoạt động đại biểu dân cử được thành lập từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VII. Về cơ bản, chức năng, nhiệm vụ của Vụ không thay đổi. Ngoài Vụ trưởng là ông Lý Trần Hưng, Vụ còn có 9 cán bộ, nhân viên phụ trách các công việc theo dõi, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội trong việc thực hiện nhiệm vụ tiếp xúc cử tri, tham gia xây dựng pháp luật, giám sát, chất vấn và trả lời chất vấn... Năm 1995, ông Lý Trần Hưng nghỉ hưu, ông Phan Trung Lý, Phó Vụ trưởng được bổ nhiệm làm Vụ trưởng đến tháng 11-2002. Ông Vũ Mão, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được phân công phụ trách công tác hoạt động đại biểu trong hai nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX và X.

Vụ Dân nguyện do ông Phạm Thanh Sơn làm Vụ trưởng. Tháng 3-1993, ông Phạm Thanh Sơn được bổ nhiệm làm Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Nguyễn Đăng Đại, Phó Vụ trưởng được bổ nhiệm làm quyền Vụ trưởng, sau đó là Vụ trưởng. Biên chế của Vụ có 11 người, chủ yếu làm các công việc tiếp dân và xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo. Nhiệm kỳ Quốc hội khoá IX (1992-1997), ông Phan Minh Tánh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội được phân công phụ trách công tác dân nguyện. Nhiệm kỳ khoá X (1997-2002), bà Nguyễn Thị Hoài Thu, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội, được phân công phụ trách công tác dân nguyện.

·          Thứ ba, các vụ và đơn vị tương đương cấp Vụ do Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chỉ đạo về mặt công tác gồm 7 Vụ, đơn vị tương đương cấp Vụ: Vụ Tổng hợp; Vụ Hành chính; Vụ Quản trị - Tài vụ; Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Công tác phía Nam; Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học; Tạp chí Người đại biểu nhân dân.

Vụ Tổng hợp thành lập trên cơ sở Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Với biên chế 22 cán bộ, Vụ tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Văn phòng xây dựng và phục vụ việc chỉ đạo thực hiện các chương trình công tác, kế hoạch hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, hoạt động của Chủ tịch Quốc hội. Đầu năm 1993, bộ phận Thông tin; Thư viện - Tư liệu; Máy tính và Tổ biên soạn lịch sử tách khỏi Vụ. Sau khi ông Lê Thế Chữ, Vụ trưởng chuyển sang làm Thư ký, sau là Trợ lý cho Chủ tịch Quốc hội, ông Nguyễn Như Du, Vụ trưởng Vụ Hành chính sang làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp. Giữa năm 1997, ông Nguyễn Như Du nghỉ hưu, ông Nguyễn Đức Hiền, Phó Vụ trưởng được bổ nhiệm làm Vụ trưởng.

Vụ Hành chính tiền thân là Vụ Hành chính - Tổng hợp. Tháng 1-1993, ông Nguyễn Như Du được điều động làm Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, ông Phùng Trí Nhuận, Phó Bí thư Đảng ủy được điều động về làm Vụ trưởng. Tháng 5-1997, ông Phùng Trí Nhuận nghỉ hưu, ông Nguyễn Trọng Thư, Phó Vụ trưởng được giao quyền Vụ trưởng. Tháng 7-1997 ông Nguyễn Khang, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Biên chế của Vụ gồm 22 cán bộ, ngoài ra còn có một số cán bộ biệt phái của Bưu điện Trung ương. Do Quốc hội khóa IX hoạt động theo Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội mới nên chức năng, nhiệm vụ của Vụ Hành chính có một số thay đổi: công tác khen thưởng được chuyển giao cho Văn phòng Chủ tịch nước; công tác xuất bản, thu thập hiện vật và bảo vệ cũng được tách khỏi Vụ. Để giúp lãnh đạo Văn phòng Quốc hội thực hiện công tác hành chính nhà nước, ngày 4-7-1994 theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ban hành Quyết định số 869/QĐ-CN về việc thành lập Phòng Hành chính trực thuộc Vụ Hành chính.

Vụ Quản trị - Tài vụ được thành lập từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa VIII. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ về cơ bản không thay đổi, vừa quản lý lĩnh vực kế hoạch tài chính, vừa bảo đảm cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội. Vụ gồm 5 phòng, 1 đội xe, 1 nhà khách với 125 cán bộ, nhân viên do ông Nguyễn Văn Nghĩa làm Vụ trưởng. Năm 1997, ông Nguyễn Văn Nghĩa nghỉ hưu, ông Trần Bá Lộc, Trưởng ban Quản lý Hội trường Ba Đình được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Năm 1998, do kinh phí hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội ngày càng tăng, yêu cầu công việc ngày càng nhiều, cần có Vụ chức năng để tham mưu cho Chủ nhiệm Văn phòng trong việc giúp Chủ tịch Quốc hội quản lý, điều hành ngân sách của Quốc hội, quản lý kinh phí hành chính sự nghiệp và các nguồn kinh phí khác, ngày 15-4-1998, Chủ nhiệm Văn phòng đã có Tờ trình số 587VP/CN đề nghị Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho tách Vụ Quản trị - Tài vụ thành hai Vụ mới. Căn cứ vào Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 và Nghị quyết số 48NQ/UBTVQH10 ngày 2-5-1998 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa X về việc tách Vụ Quản trị - Tài vụ thành Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Quản trị, ngày 18-7-1998, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ban hành Quyết định số 1015 QĐ/CNVP về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức biên chế của Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Quản trị.

- Vụ Kế hoạch - Tài chính do ông Nguyễn Quang Y làm quyền Vụ trưởng, sau được bổ nhiệm làm Vụ trưởng. Vụ có nhiệm vụ tham mưu giúp Chủ nhiệm Văn phòng dự toán ngân sách của Quốc hội hàng năm và phân bổ ngân sách cho các đơn vị; nghiên cứu, đề xuất ban hành các văn bản hướng dẫn áp dụng thống nhất các chế độ, quy định về tài chính, kế toán của nhà nước trong các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; hướng dẫn chỉ đạo các đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí thực hiện công tác quản lý tài chính và kế toán; tổ chức kiểm tra định kỳ, kiểm tra đột xuất việc chấp hành chế độ chính sách, chế độ quản lý tài sản, chế độ kế toán thống kê đối với các đơn vị trực tiếp sử dụng kinh phí; tổ chức xét duyệt quyết toán của các đơn vị dự toán...

- Vụ Quản trị do ông Trần Bá Lộc, nguyên Vụ trưởng Vụ Quản trị - Tài vụ làm Vụ trưởng. Vụ có nhiệm vụ giúp lãnh đạo Văn phòng Quốc hội trong việc bảo đảm các điều kiện vật chất, phương tiện kỹ thuật và kinh phí phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các hoạt động thường xuyên của Chủ tịch, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; thực hiện nhiệm vụ của đơn vị quản lý dự toán cấp 3, bảo đảm kinh phí chi tiêu thường xuyên của Văn phòng Quốc hội; chăm lo bảo vệ sức khỏe và góp phần cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và cán bộ công chức Văn phòng Quốc hội; hướng dẫn và kiểm tra các đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội trong vịêc dự toán, thanh quyết toán kinh phí, bảo quản, kiểm kê và sử dụng tài sản... Vụ Quản trị có các đơn vị trực thuộc, đó là: Phòng Quản trị, Phòng Tài vụ, Phòng Y tế, Phòng Tiếp tân, Nhà khách 27A Trần Hưng Đạo, Đội xe. Do tính chất đặc thù công việc nên biên chế của Vụ có khoảng 100 người.

Vụ Tổ chức - Cán bộ vẫn do ông Tạ Xuân Đường làm Vụ trưởng. Chức năng, nhiệm vụ của Vụ vẫn giữ như nhiệm kỳ trước. Đầu năm 1997, ông Tạ Xuân Đường nghỉ hưu, ông Lê Quang Vũ, Phó Vụ trưởng được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng.

Vụ công tác phía Nam được thành lập thay cho Phòng Liên lạc theo Nghị quyết số 02NQ/UBTVQH9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Dưới sự chỉ đạo chặt chẽ của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội, Vụ Công tác phía Nam đã không ngừng lớn mạnh. Về nhân sự, có sự thay đổi, ông Lê Viết Hùng được bổ nhiệm làm Vụ trưởng theo Quyết định số 120/QĐ/CN ngày 29-1-1993 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Lúc mới thành lập, Vụ chỉ có 11 người, dần dần được tuyển dụng thêm. Cuối năm 1997, cán bộ, nhân viên của Vụ lên tới 40 người. Lãnh đạo Văn phòng được phân công phụ trách Vụ là ông Nguyễn Duy Anh. Sau khi trụ sở 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh được cải tạo theo hình thức Nhà khách để phục vụ hoạt động của các đại biểu Quốc hội và cán bộ Văn phòng vào công tác tại các tỉnh phía Nam, lãnh đạo Văn phòng đã quyết định cải tạo nhà số 54 - 56 đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận, thành phố Hồ Chí Minh thành trụ sở làm việc của Vụ. Căn cứ vào tính chất và đặc điểm công việc của Vụ, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành các quyết định về việc thành lập Phòng Quản trị, Phòng Hành chính, Đội xe, Nhà khách 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Phòng Dân nguyện thuộc Vụ Công tác phía Nam. Việc kiện toàn cơ cấu tổ chức của Vụ về cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu phục vụ các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. ­Do yêu cầu công việc, từ năm 1992 đến năm 2002, một số Ủy ban của Quốc hội đã bố trí thành viên của Ủy ban làm việc thường xuyên tại thành phố Hồ Chí Minh để theo dõi hoạt động của các địa phương phía Nam theo lĩnh vực mà Ủy ban mình phụ trách[6]. Vì vậy, khối lượng công việc phục vụ lại tăng lên.­

Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học là đơn vị mới được thành lập theo Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 ngày 17-10-1992 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở sắp xếp lại tổ chức của Vụ Tổng hợp. Ngày 21-7-1993, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ban hành Quyết định số 768VP/CN quy định chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm là tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học và thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Căn cứ vào nhiệm vụ đã quy định, tổ chức bộ máy của Trung tâm gồm có 5 bộ phận chuyên môn: Bộ phận nghiên cứu khoa học; Bộ phận xử lý và biên tập tin; Bộ phận tuyên truyền báo chí - xuất bản; Bộ phận thư viện và Bộ phận máy vi tính. Ông Đỗ Đức Hảo, Phó Vụ trưởng Vụ Tổng hợp được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm. Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học chịu sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và sự quản lý nhà nước của Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường. Lúc mới thành lập, Trung tâm có 11 người đảm nhận nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu các đề tài có liên quan đến việc thực hiện chức năng lập pháp và giám sát của Quốc hội. Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997 - 2002), cùng với việc đổi mới hoạt động của Quốc hội, công tác thông tin, thư viện có bước cải tiến, tổ chức của Trung tâm được kiện toàn, hai phòng chuyên môn mới được thành lập là Phòng Nghiên cứu lập pháp và Phòng Bảo tàng - Lịch sử. Chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm cũng được xác định cụ thể hơn, ngoài chức năng thông tin phục vụ cho việc ban hành các quyết định của Quốc hội, Trung tâm đã và đang triển khai nhiều hoạt động dịch vụ nhằm đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội…

Tạp chí Người đại biểu nhân dân được đổi tên thành Báo Người đại biểu nhân dân từ ngày 1-1-2002 theo Nghị quyết số 277NQ/UBTVQH10 ngày 20-12-2001 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Ông Hồ Anh Tài, Phó Tổng Biên tập Tạp chí được giao quyền Tổng Biên tập, sau đó là Tổng Biên tập. Báo Người đại biểu nhân dân là tiếng nói của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, hoạt động theo Luật Báo chí, có chức năng thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, về các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp.

Ban Quản lý Hội trường Ba Đình trước năm 1992 trực thuộc Văn phòng Hội đồng Bộ trưởng. Từ ngày 1-8-1992, Hội trường được chuyển giao cho Văn phòng Quốc hội quản lý để phục vụ các hoạt động của Quốc hội theo Quyết định số 281-CT của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Để giúp lãnh đạo Văn phòng quản lý và phục vụ các hoạt động tại Hội trường Ba Đình, ngày 5-10-1993 Chủ nhiệm Văn phòng đã ra Quyết định số 1095QĐ/CN về việc thành lập Ban Quản lý Hội trường Ba Đình. Ban Quản lý là đơn vị cấp phòng, trực thuộc Chủ nhiệm Văn phòng, do ông Chu Văn Coi làm Trưởng ban.

Phòng Bảo vệ trước đây là Phòng Thường trực bảo vệ, trực thuộc Vụ Hành chính. Để giúp Chủ nhiệm Văn phòng tổ chức thực hiện công tác bảo vệ an toàn cơ quan, ngày 4-7-1994 Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 868QĐ/CN về việc đổi tên Phòng Thường trực bảo vệ thành Phòng Bảo vệ và tách khỏi Vụ Hành chính. Phòng Bảo vệ là đơn vị trực thuộc sự lãnh đạo của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Ông Nguyễn Ngọc Tiên tiếp tục được bổ nhiệm làm Trưởng phòng.

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp được thành lập ngày 14-12-2000, theo Nghị quyết số 242NQ/UBTVQH10 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trên cơ sở kiện toàn hoạt động của bản tin Nghiên cứu lập pháp (phát hành nội bộ) của Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học. Lúc mới thành lập, Tạp chí có 3 người do ông Nguyễn Chí Dũng, Phó Vụ trưởng Vụ Đối ngoại làm Tổng Biên tập. Tạp chí có nhiệm vụ tổ chức nghiên cứu và đăng tải một số kết quả nghiên cứu lý luận và thực tiễn về Nhà nước và pháp luật; nghiên cứu những vấn đề có liên quan tới tổ chức, hoạt động của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp...

Qua thực tiễn phục vụ các hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, trong những năm 1992 - 2002 cho thấy, đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng đã từng bước phát triển cả về số lượng và chất lượng. Năm 1992, tổng số cán bộ, công nhân viên chức trong biên chế và hợp đồng dài hạn của Văn phòng là 230 người, đến năm 2000 đã lên tới 421 người. Thời gian này, số cán bộ có kinh nghiệm từ các đơn vị khác chuyển đến và số cán bộ trẻ được đào tạo cơ bản về các chuyên ngành được bổ sung về Văn phòng đã tạo nên tập thể có đủ năng lực để triển khai thực hiện các nhiệm vụ với chất lượng ngày càng cao. Trong đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng, phần đông đều có trình độ đại học, số người có trình độ trên đại học ngày càng tăng. Năm 1993 có 128 người có trình độ đại học và 8 người trình độ trên đại học; năm 1995 có 165 người có trình độ đại học và 13 người trình độ trên đại học; năm 1996 có 180 người có trình độ đại học và 21 người trình độ trên đại học; năm 2000 có 230 người có trình độ đại học và 43 người trình độ trên đại học[7]. Nhìn chung, cán bộ, công chức của Văn phòng thời kỳ này được đào tạo, bồi dưỡng cơ bản cả về trình độ lý luận, chính trị và kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ, góp phần tạo nên đội ngũ cán bộ có trình độ hiểu biết chuyên sâu và có kinh nghiệm trong công tác tham mưu, phục vụ hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

 

SƠ ĐỒ 3: TỔ CHỨC VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

(Theo Luật Tổ chức Quốc hội 1992 và Nghị quyết số 02NQ/UBTVQH9 ngày 17-10-1992)

 

 

 

2. Hoạt động của Văn phòng Quốc hội giai đoạn 1992 - 2002

2.1. Phục vụ công tác xây dựng pháp luật

Thực hiện nghị quyết hàng năm của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Văn phòng Quốc hội đã tích cực triển khai công tác phục vụ hoạt động lập pháp, hướng trọng tâm vào việc thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng trên các lĩnh vực kinh tế, tổ chức bộ máy nhà nước và một số lĩnh vực quan trọng khác. Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan xây dựng nội dung và hoàn thiện các báo cáo dự án, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, Văn phòng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất cách xử lý đối với những vấn đề nổi lên trong một số dự án trên cơ sở quán triệt các quan điểm chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội và ý kiến của Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Việc phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội thảo luận, xem xét thông qua các dự án luật, pháp lệnh tại các kỳ họp, phiên họp; việc tập hợp, tổng hợp các ý kiến, tiếp thu và giải trình; việc chuẩn bị các dự thảo Tờ trình của Đảng đoàn Quốc hội xin ý kiến Bộ Chính trị về các dự án luật, pháp lệnh đã có cải tiến về cách làm, nâng cao chất lượng, bảo đảm chính xác, kịp thời; việc hoàn thiện kỹ thuật văn bản được quan tâm, có những bước đổi mới, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án. Kết quả là nhiệm kỳ khóa IX, Văn phòng đã tích cực phục vụ Quốc hội thông qua 36 dự án luật, bộ luật. Trong đó, có nhiều đạo luật tạo cơ sở pháp lý, hình thành Môi trường ổn định và thuận lợi cho sự phát triển của các thành phần kinh tế như Luật Đất đai, Luật Doanh nghiệp nhà nước, Luật Hợp tác xã, Luật Phá sản doanh nghiệp, Luật Công ty (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp tư nhân (sửa đổi), Luật Khuyến khích đầu tư, các luật về thuế và hai bộ luật lớn là Bộ luật Lao động, Bộ luật Dân sự quy định các quyền cơ bản của người dân như quyền lao động, quyền sở hữu tài sản, các giao dịch dân sự... Văn phòng còn tham mưu, tổ chức phục vụ Quốc hội ban hành Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân, Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi)… Đây là những đạo luật quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan Nhà nước, phù hợp với quy định của Hiến pháp 1992.

Ngoài ra, Văn phòng còn phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 43 pháp lệnh, trong đó đáng chú ý là Pháp lệnh Quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” và Pháp lệnh Ưu đãi người hoạt động cách mạng, liệt sĩ và gia đình liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến, người có công giúp đỡ cách mạng… Bên cạnh đó, Văn phòng cũng đã quan tâm và chủ động phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các cơ quan hữu quan theo dõi, đôn đốc, đóng góp ý kiến về việc xây dựng và ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật.

Năm 1997, năm cuối của nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, Văn phòng được giao chủ trì soạn thảo một số dự án luật như: Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi), Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi), Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội. Văn phòng đã chủ động tổ chức triển khai thực hiện, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan, xin ý kiến chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội để sớm hoàn chỉnh các dự án. Đặc biệt, Văn phòng đã khẩn trương chuẩn bị Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi) trình Quốc hội khóa IX xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 11 để phục vụ kịp thời cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa X (1997-2002) trong điều kiện có những thuận lợi, song cũng nhiều khó khăn, thử thách, đã tập trung công sức, trí tuệ và thời gian để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác lập pháp. Văn phòng Quốc hội đã triển khai và đẩy mạnh việc phục vụ các hoạt động trên lĩnh vực quan trọng này, từ chuẩn bị dự thảo các văn bản và tham mưu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra đến quy định các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện theo tiến độ. Trong quá trình đó, các vụ được phân công làm tham mưu, theo dõi, phục vụ thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh đã tập trung thời gian, công sức chuẩn bị các dự thảo báo cáo và phối hợp chặt chẽ với các cơ quan soạn thảo, cơ quan hữu quan trong việc xây dựng kế hoạch để bảo đảm các yêu cầu về chất lượng, nội dung, tiến độ thời gian và hình thức văn bản. Văn phòng đã từng bước phục vụ việc nâng cao chất lượng các báo cáo thẩm tra, tổng hợp, tiếp thu, giải trình đối với các dự án luật, pháp lệnh.

Để góp phần đổi mới quy trình thông qua luật, pháp lệnh, Văn phòng đã tăng cường việc nghiên cứu lý luận, thực tiễn công tác lập pháp của các nước để vận dụng vào điều kiện, hoàn cảnh của nước ta; tổ chức các hội nghị, hội thảo để trao đổi và tìm ra các biện pháp nâng cao hiệu quả phục vụ công tác lập pháp. Kết quả là trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội thông qua được 32 dự án luật, bộ luật, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua 39 pháp lệnh. Các văn bản luật và pháp lệnh được ban hành đã quán triệt quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đề ra, tạo cơ sở pháp lý cho việc giải quyết các vấn đề cấp thiết của cuộc sống và công cuộc phát triển đất nước.

Điểm nổi bật trong công tác lập pháp là năm 2001, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội thông qua được Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25-12-2001 về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992 nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng. Triển khai nhiệm vụ này, Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan phục vụ Ủy ban dự thảo tổ chức các hội nghị, các cuộc khảo sát, lấy ý kiến, tập hợp, tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan, ban ngành và nhân dân về dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp 1992.

Tuy nhiên, trong việc phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị và trình Quốc hội thông qua chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Văn phòng chưa thực sự đầu tư nhiều thời gian, công sức để nghiên cứu, rà soát từng dự án, xem xét mức độ cấp thiết, khả năng chuẩn bị… để bảo đảm mỗi dự án đưa vào chương trình có khả năng được thông qua cao hơn. Văn phòng cũng chưa nghiên cứu và đề xuất được các giải pháp đổi mới quy trình và cách thức thông qua luật[8]. Do vậy, chất lượng của công tác phục vụ xây dựng pháp luật đạt hiệu quả chưa cao.

2.2. Phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

Trong công tác phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng đã có nhiều cố gắng đổi mới phương thức phục vụ, đặc biệt là đổi mới nội dung và hình thức giám sát, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động trong lĩnh vực này. Văn phòng đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội xây dựng chương trình, kế hoạch giám sát và tổ chức các hội thảo chuyên đề, đưa ra những kiến nghị về các vấn đề cần giám sát, bảo đảm để các nội dung giám sát gắn với việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, các quyết định, kết luận của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Đồng thời, quan tâm phục vụ việc theo dõi, đôn đốc giải quyết các kiến nghị sau các đợt giám sát, đề xuất biện pháp xử lý và báo cáo kết quả với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và báo cáo trước Quốc hội, góp phần từng bước nâng cao hiệu quả của hoạt động giám sát.

Tuy điều kiện còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất và đội ngũ cán bộ, nhưng Văn phòng đã cố gắng bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động giám sát, từ việc chuẩn bị nội dung, sắp xếp cán bộ, chuyên viên phục vụ đoàn giám sát đến việc chủ động liên hệ trước với địa phương, cơ sở nơi đoàn đến. Yêu cầu đặt ra cho công tác phục vụ giám sát rất lớn, thời gian chuẩn bị có hạn, với tinh thần trách nhiệm cao, thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, Văn phòng đã tổ chức phục vụ một số lượng lớn các đoàn giám sát tại các Bộ, ngành và địa phương trong cả nước trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, dân tộc, miền núi, đối ngoại. Về số lượng, năm 2002, Văn phòng đã phục vụ 43 cuộc giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ở địa phương, cơ sở; phục vụ 37 lượt các cơ quan của Quốc hội nghe báo cáo của các cơ quan hữu quan…

Việc nghiên cứu đổi mới phương thức phục vụ hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội đã được Văn phòng quan tâm. Lãnh đạo Văn phòng chỉ đạo các vụ chuyên môn tập hợp, tổng hợp đầy đủ các ý kiến chất vấn của đại biểu trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét. Căn cứ vào nội dung và số lượng chất vấn, Văn phòng phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan chọn lọc những vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội và cử tri quan tâm để trả lời trước Quốc hội. Nhằm góp phần tăng cường tính công khai và dân chủ trong sinh hoạt của Quốc hội, đồng thời đề cao trách nhiệm của các thành viên Chính phủ và những người bị chất vấn trước Quốc hội, Văn phòng đã mạnh dạn đề xuất việc tổ chức truyền hình, phát thanh trực tiếp các phiên chất vấn tại kỳ họp. Đề xuất của Văn phòng đã được Uỷ ban thường vụ Quốc hội chấp thuận, kết quả là từ năm 1994, các phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp đã được phát thanh, truyền hình trực tiếp. Hoạt động này đã được đông đảo cử tri và nhân dân cả nước quan tâm theo dõi và hoan nghênh.

Từ kết quả phục vụ hoạt động giám sát, Văn phòng đã phát hiện những yếu kém trong công tác điều hành và quản lý nhà nước, từ đó, tham mưu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội có những giải pháp cụ thể đối với Chính phủ. Nhiều kiến nghị do Văn phòng đề xuất đã được cơ quan giám sát đưa vào báo cáo trình Quốc hội. Một số nội dung đã được chuyển thành chất vấn, trong đó có nhiều kiến nghị về việc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật.

2.3. Phục vụ Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Văn phòng cũng chuẩn bị chu đáo các công việc phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng thuộc thẩm quyền như: xem xét, quyết định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; các chương trình, mục tiêu quốc gia; tổ chức bộ máy và nhân sự của các cơ quan Nhà nước do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn; các vấn đề về bảo đảm an ninh - quốc phòng… Điểm đáng chú ý là lần đầu tiên sau 10 năm tiến hành đổi mới, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về nhiệm vụ, kế hoạch 5 năm (1996 - 2000) và thông qua Nghị quyết về kế hoạch 5 năm tiếp theo (2001 - 2005); xem xét tiến độ triển khai các công trình quan trọng của quốc gia, thể hiện vai trò và trách nhiệm của Quốc hội trước định hướng phát triển lâu dài của đất nước.

Việc phục vụ quyết định nhân sự trong bộ máy nhà nước là công việc rất hệ trọng, đòi hỏi sự chuẩn bị công phu, chu đáo. Với tinh thần chủ động, tích cực trong phạm vi trách nhiệm của mình, Văn phòng đã xây dựng quy trình cụ thể, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, cơ quan hữu quan chuẩn bị dự kiến danh sách thành viên Ban kiểm phiếu, chuẩn bị các loại phiếu, dự thảo các nghị quyết, góp phần bảo đảm việc tiến hành bầu cử được tập trung, dân chủ và đúng luật, lựa chọn được những người xứng đáng đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và Đoàn Thư ký kỳ họp Quốc hội.

Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa X, để có cơ sở cho Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội ra Nghị quyết về “Tiêu chuẩn các công trình quan trọng quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định chủ đầu tư”; phục vụ Quốc hội thảo luận và quyết định triển khai 3 dự án quan trọng là Dự án Trồng mới 5 triệu hécta rừng, Dự án khí - điện - đạm ở Bà Rịa - Vũng Tàu và Dự án Nhà máy lọc dầu số 1 Dung Quất; phục vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” nhằm xây dựng đường biên giới giữa Việt Nam - Trung Quốc thành đường biên giới hòa bình, ổn định và bền vững mãi mãi. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa X, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về việc phê chuẩn “Hiệp định giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Hợp chúng quốc Hoa Kỳ về quan hệ thương mại” đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước, mở ra một giai đoạn mới trong quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ.

Tuy có nhiều cố gắng, nhưng nhìn chung công tác phục vụ hoạt động giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra. Một số vấn đề bức xúc mà cử tri quan tâm như tham nhũng, lãng phí, cải cách hành chính… cần tiếp tục nghiên cứu kỹ hơn để đề xuất những giải pháp hiệu quả cho các cơ quan của Quốc hội.

2.4. Phục vụ công tác dân nguyện

Trên cơ sở các quy định của pháp luật và chương trình công tác của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng đã chủ động lập kế hoạch về công tác tiếp dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo. Số lượng đơn, thư gửi đến Văn phòng Quốc hội ngày càng nhiều, đặc biệt là số công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo tại trụ sở tiếp dân ngày càng tăng. Năm 1997, Văn phòng đã nhận được 16.091 đơn, thư với 12.554 vụ việc khiếu nại, tố cáo, tiếp 2.087 lượt người. So với năm 1996, số lượng công dân trực tiếp đến trụ sở tiếp dân khiếu nại tăng 636 lượt người. Năm 2001, Văn phòng đã tiếp 11.810 lượt người, nhận 24.320 đơn, thư khiếu nại, tố cáo. So với năm 2000, số lượng đơn, thư và công dân trực tiếp đến khiếu nại, tố cáo tăng trên 5.000 lượt người[9].

Ngoài việc phân loại, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo, chuyển đến các đồng chí lãnh đạo và cơ quan có thẩm quyền, Văn phòng còn cử cán bộ tới các bộ, ngành, địa phương để tìm hiểu tình hình giải quyết đơn, thư và phối hợp nghiên cứu giải quyết một số vụ việc quan trọng.

Tháng 12-1998, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X đã thông qua Luật Khiếu nại, tố cáo, tạo cơ sở pháp lý cho việc nâng cao hiệu quả xem xét, giải quyết các vấn đề bức xúc, khiếu kiện kéo dài của người dân. Các vụ, đơn vị hữu quan trong Văn phòng đã tích cực phục vụ các đoàn giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về các địa phương, cơ sở trực tiếp gặp người dân để xác minh, làm rõ một số vụ việc nổi cộm; đôn đốc, giám sát các cơ quan có thẩm quyền giải quyết dứt điểm các khiếu nại, tố cáo của công dân. Đồng thời, Văn phòng còn tổ chức các cuộc làm việc giữa lãnh đạo Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan để bàn về việc nâng cao hiệu quả công tác tiếp và giải quyết các kiến nghị của công dân. Văn phòng đã bố trí cán bộ tiếp dân thường xuyên và trong các kỳ họp Quốc hội, bảo đảm xử lý các đơn, thư của công dân gửi Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội theo đúng quy định; tham mưu, đề xuất các phương án giải quyết. Văn phòng luôn quan tâm nghiên cứu cải tiến quy trình tiếp nhận và xử lý đơn, thư của công dân, kiến nghị các phương án xây dựng các quy định tạo điều kiện để nhân dân tham gia giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước.

2.5. Phục vụ công tác bầu cử, hướng dẫn hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, giám sát và hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

Từ năm 1992 đến năm 2002, Văn phòng đã phục vụ cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa IX được tổ chức vào ngày 19-7-1992 theo Nghị quyết số 558/HĐNN8 ngày 17-4-1992 của Hội đồng Nhà nước và cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X được tổ chức ngày 20-7-1997 theo Nghị quyết số 02/1997/QH9 ngày 10-5-1997. Sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội công bố ngày bầu cử, Văn phòng đã khẩn trương triển khai việc thực hiện kế hoạch bầu cử. Chỉ tính riêng việc giám sát, kiểm tra công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử tổ chức được 3 đợt với trên 50 đoàn đi kiểm tra, giám sát ở 60/61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kể cả nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa[10].

 Để góp phần tăng cường việc phục vụ các Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng đã trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định một số vấn đề về việc bảo đảm các điều kiện hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội; giữ mối quan hệ thường xuyên với Thường trực Hội đồng nhân dân và Đoàn đại biểu Quốc hội để tham gia phục vụ tốt các cuộc tiếp xúc cử tri, giám sát của đại biểu Quốc hội tại địa phương.

Công tác phục vụ việc giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được duy trì thường xuyên. Văn phòng đã cử cán bộ tham gia phục vụ thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội tham dự các kỳ họp của Hội đồng nhân dân; theo dõi hoạt động của các kỳ họp Hội đồng nhân dân, hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân giữa hai kỳ họp để giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội có cơ sở xem xét, đánh giá hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân. Văn phòng đã phối hợp với Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ xây dựng kế hoạch hướng dẫn Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố tổng kết tình hình tổ chức và hoạt động nhiệm kỳ 1994 - 1999 để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trên cơ sở đó, Uỷ ban thường vụ Quốc hội có căn cứ để xem xét và quyết định ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 1999 - 2004. Văn phòng còn phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn, giám sát việc thực hiện kế hoạch chuẩn bị bầu cử của các địa phương, hướng dẫn giải quyết kịp thời các vấn đề liên quan và chưa thống nhất trong các quy định của pháp luật về tổ chức bầu cử, phát hiện và giúp các địa phương xử lý các sai phạm trong quá trình tiến hành bầu cử, bảo đảm cuộc bầu cử được an toàn, dân chủ và đúng pháp luật…

Công tác này cũng có một số hạn chế, đó là Văn phòng chưa khai thác đầy đủ các tài liệu, hồ sơ kỳ họp mà địa phương đã gửi về, chưa kịp thời tham mưu, xử lý những vấn đề mà địa phương đặt ra. Việc tổ chức nghiên cứu thực tiễn hoạt động của Hội đồng nhân dân ở cơ sở chưa tiến hành được nhiều.

2.6. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội

Thời kỳ này, quan hệ đối ngoại của Nhà nước ta được mở rộng, chính sách bao vây, cấm vận của một số nước đối với Việt Nam được bãi bỏ, tạo cơ hội cho Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào quá trình hội nhập quốc tế. Văn phòng đã phục vụ các hoạt động đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội trên cơ sở quán triệt đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế theo tinh thần "Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển". Nhờ đó, hoạt động đối ngoại của Quốc hội Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ thể hiện qua việc Quốc hội nước ta gia nhập nhiều tổ chức liên Nghị viện khu vực và thế giới.

Tuy khối lượng công việc lớn, nhưng nhờ sự chủ động trong việc xây dựng chương trình, kế hoạch hoạt động cụ thể, Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan hữu quan bảo đảm thực hiện nội dung yêu cầu đặt ra như: phối hợp với Ban Đối ngoại Trung ương Đảng, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và các cơ quan hữu quan tổ chức đón tiếp trọng thị, an toàn, chu đáo nhiều đoàn Nghị viện các nước sang thăm và làm việc với Quốc hội Việt Nam. Từ năm 1997 đến năm 2001, Văn phòng đã phục vụ đón tiếp hơn 100 Đoàn đại biểu Quốc hội các nước đến thăm nước ta, trong đó có nhiều đoàn cấp cao do Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu; tổ chức và phục vụ gần 100 Đoàn đại biểu do lãnh đạo Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và lãnh đạo Văn phòng Quốc hội dẫn đầu đi thăm và làm việc ở các nước. Đặc biệt, Văn phòng đã phục vụ chu đáo đoàn của Chủ tịch Quốc hội đi thăm hữu nghị các nước láng giềng như Trung Quốc, Lào, Campuchia, tham dự hội nghị do Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPO), Liên minh Nghị viện Cộng đồng Pháp ngữ (APF), Diễn đàn Nghị sĩ châu Á - Thái Bình Dương (APPF)… tổ chức nhằm tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ, giúp đỡ của Nghị viện các nước đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để tranh thủ sự giúp đỡ của Nghị viện các nước và tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ về kỹ thuật, đào tạo cán bộ nhằm nâng cao chất lượng công tác phục vụ Quốc hội, Văn phòng đã tiến hành các chương trình hợp tác, trao đổi kinh nghiệm với Văn phòng Quốc hội một số nước. Đáng chú ý là lần đầu tiên, Văn phòng đã tiếp nhận Dự án hỗ trợ nâng cao năng lực pháp luật do Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Canađa đồng tài trợ (UNDP); Dự án của Chính phủ Thụy Điển tài trợ (SIDA) và triển khai trao đổi, ký kết thực hiện một số dự án khác hỗ trợ kỹ thuật cho Văn phòng Quốc hội.

Để củng cố và phát triển quan hệ hữu nghị với Quốc hội các nước, nhất là các nước trong khu vực Đông Nam Á, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động trên các diễn đàn nghị viện đa phương, Văn phòng đã đăng cai tổ chức một số hội thảo, hội nghị quốc tế với sự tham gia của nhiều đại biểu Quốc hội và Tổng Thư ký Quốc hội các nước để trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau về cách thức tổ chức và điều hành công việc của Quốc hội, về cách thức tổ chức bộ máy cơ quan giúp việc của Quốc hội[11]. Năm 2002, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội tổ chức thành công kỳ họp Đại hội đồng AIPO lần thứ 23 diễn ra từ ngày 8 đến ngày 13-9-2002 tại Hà Nội, để lại dấu ấn sâu đậm, tốt đẹp về đất nước Việt Nam trong bạn bè và quan khách AIPO đến dự hội nghị.

 2.7. Thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ trong việc phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội

Xác định rõ vị trí quan trọng của công tác phục vụ kỳ họp Quốc hội và các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã chủ động nghiên cứu, xây dựng dự kiến chương trình. Với sự tham gia, phối hợp của các cơ quan hữu quan, các vấn đề cơ bản về nội dung của từng kỳ họp, phiên họp đã nhanh chóng được thống nhất để Văn phòng trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Trên cơ sở đó, Văn phòng đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định tiến độ thực hiện và phân công, phân nhiệm cụ thể việc theo dõi, chỉ đạo, phục vụ chuẩn bị từng nội dung của kỳ họp, phiên họp. Trước mỗi kỳ họp Quốc hội, căn cứ vào dự kiến chương trình, Văn phòng đã chuẩn bị tài liệu, chủ yếu là các dự án luật gửi đến các đại biểu Quốc hội để nghiên cứu và triển khai việc thu thập ý kiến đóng góp của cử tri. Trong thời gian Quốc hội họp, Văn phòng đã tham mưu giúp Đoàn Thư ký kỳ họp chuẩn bị các văn bản hướng dẫn, gợi ý thảo luận tại Đoàn, tại Tổ đại biểu; tổ chức việc xin ý kiến đại biểu Quốc hội bằng phiếu để rút ngắn thời gian thảo luận tại Hội trường. Văn phòng đã đề xuất một số ý kiến về cải tiến cách thức tổ chức và tiến hành kỳ họp, phiên họp, đặc biệt là quy trình thảo luận, thông qua dự án luật, nghị quyết hoặc cách thức xem xét, cho ý kiến các dự án luật, pháp lệnh; cách thức thảo luận báo cáo của Chính phủ về nhiệm vụ kinh tế - xã hội tại Tổ và Hội trường. Các giải pháp do Văn phòng đề xuất đã góp phần rút ngắn được thời gian họp nhưng vẫn bảo đảm chất lượng văn bản và theo đúng quy định của pháp luật.

Tuy công tác phục vụ việc chuẩn bị và tổ chức các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội có nhiều tiến bộ, song có lúc vẫn còn bị động; việc phối hợp chuẩn bị nội dung phiên họp, kỳ họp có lúc chưa kỹ lưỡng nên việc đưa ra xem xét, thông qua còn gặp nhiều khó khăn. Mối quan hệ phối hợp giữa Văn phòng Quốc hội với các cơ quan hữu quan trong việc phục vụ kỳ họp, phiên họp, nhất là với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ có lúc chưa thật nhịp nhàng.

Với khối lượng công việc ngày càng lớn, yêu cầu ngày càng cao, đòi hỏi công tác tổng hợp và phục vụ điều hành phải có những cải tiến nhất định. Dưới sự điều hành của lãnh đạo Văn phòng, các đơn vị được giao nhiệm vụ chuẩn bị các báo cáo tổng hợp ý kiến, đóng góp, kiến nghị của các Đoàn đại biểu Quốc hội; các báo cáo kết quả công tác của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các tờ trình, báo cáo của Bộ Chính trị và các văn bản dự thảo khác… đều được hoàn thành theo đúng quy định, đáp ứng được yêu cầu về nội dung, chất lượng và thời gian.

Năm 1997 và năm 2001, Văn phòng đã tập trung phục vụ việc tổng kết công tác của các nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX và khóa X, phục vụ tổng kết hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, tổng kết hoạt động của các Đoàn đại biểu Quốc hội. Văn phòng tiến hành tập hợp, tổng hợp tư liệu, ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội… để hoàn thành báo cáo công tác nhiệm kỳ, qua đó, đánh giá những kết quả đạt được và rút ra những bài học kinh nghiệm phục vụ cho việc tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội.

Công tác thông tin, thư viện, nghiên cứu khoa học và quản lý, điều hành dự án luôn được Văn phòng chú trọng để phục vụ hoạt động của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Nhờ việc thành lập Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học (năm 1993), công tác này đã có những chuyển biến đáng kể, bước đầu hình thành nhóm làm việc để tập hợp và hệ thống hoá các văn bản pháp luật do Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành; các thông tin về kỳ họp được tập hợp và lưu giữ để phục vụ công tác nghiên cứu, điều hành. Từ kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa X (tháng 10-1998), Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học được giao nhiệm vụ ghi âm, gỡ băng các ý kiến phát biểu tại hội trường để phục vụ cho việc xây dựng hệ thống tra cứu thông tin tư liệu. Năm 1999, Văn phòng đã triển khai cài đặt cơ sở dữ liệu cho 61 Đoàn đại biểu Quốc hội và trên 60 đơn vị hữu quan trong cả nước[12], tạo điều kiện cho việc liên hệ thông tin nhanh chóng, thuận tiện giữa các cơ quan của Quốc hội với Đoàn đại biểu Quốc hội và các cơ quan hữu quan. Đặc biệt, năm 2000, Văn phòng đã cơ bản hoàn thành việc xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin cho Quốc hội; xây dựng mạng vi tính ở Hội trường Ba Đình, mạng nội bộ (Intranet) của Văn phòng Quốc hội; mở website của Quốc hội trên mạng Internet. Bộ phận tin học đã duy trì cập nhật thường xuyên các thông tin về Quốc hội trên mạng Intranet và bổ sung kịp thời các văn bản pháp luật hiện hành để phục vụ công tác tra cứu, sưu tầm. Công việc này đã giúp cho việc phối hợp công việc giữa các vụ, đơn vị trong Văn phòng nhanh chóng, tiện lợi, đồng thời giúp cho việc liên hệ, trao đổi thông tin với các Đoàn đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố được duy trì đều đặn.

Tại các kỳ họp Quốc hội, Văn phòng đã chủ động lập kế hoạch, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thông tấn, báo chí bảo đảm việc thông tin phục vụ kỳ họp được kịp thời và chính xác.

 Hoạt động thư viện cũng từng bước được cải tiến, số lượng sách, báo nghiên cứu, tham khảo được bổ sung kịp thời. Nhờ việc mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế mà thư viện của Văn phòng Quốc hội có điều kiện tiếp nhận nhiều đầu sách, tạp chí về pháp luật, tổ chức và hoạt động của nghị viện các nước do các tổ chức quốc tế tài trợ. Cuối năm 1992, thư viện đã triển khai việc tin học hoá công tác thư viện như phát triển hệ thống tra cứu nguồn tư liệu qua máy tính và cập nhật lên trang Intranet của Văn phòng Quốc hội nhằm phục vụ các yêu cầu nghiên cứu, tra cứu của đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức trong Văn phòng Quốc hội.

 Từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX, các kỷ yếu về kỳ họp Quốc hội được Văn phòng xuất bản đều đặn; việc xuất bản kỷ yếu về các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội cũng được bắt đầu từ tháng 7-1995. Ngoài ra, Văn phòng còn tổ chức biên soạn và phát hành kỷ yếu hội thảo, bản tin hàng tháng, bản tin chuyên đề, báo cáo tuần… phục vụ công tác nghiên cứu, chỉ đạo và điều hành của Văn phòng.

Để góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, cách mạng và rút ra những bài học kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội Việt Nam qua các thời kỳ, công tác nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Quốc hội đã được thực hiện nghiêm túc. Năm 2000, Văn phòng đã xuất bản cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam giai đoạn 1945 - 1960; năm 2002 hoàn thành bản thảo cuối cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam giai đoạn 1960 - 1976. Việc sưu tầm tư liệu, tài liệu, hiện vật để xây dựng phim tư liệu về Quốc hội; xây dựng phòng truyền thống của Quốc hội được triển khai với nhiều kết quả đáng kể. Nhân kỷ niệm 50 năm ngày Tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên (6-1-1946 - 6-1-1996), Văn phòng đã phối hợp với Bảo tàng Cách mạng, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Quân đội tổ chức 4 cuộc triển lãm lớn; phát trên sóng truyền hình Trung ương và địa phương nhiều tập phim tư liệu về Quốc hội Việt Nam, đặc biệt là tập phim tư liệu Nhân chứng và Sự kiện.

Công tác quản lý nghiên cứu khoa học được quan tâm đúng mức. Năm 1997, Văn phòng đã triển khai 19 đề tài nghiên cứu khoa học cấp bộ, 2 cuộc điều tra dư luận xã hội phục vụ tổng kết công tác nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX và bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X. Để nâng cao năng lực hoạt động của đại biểu Quốc hội, bộ phận cung cấp thông tin nghiên cứu phục vụ yêu cầu của đại biểu ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu cung cấp thông tin đa dạng về tất cả các nhiều lĩnh vực trong đời sống, xã hội.

Công tác quản lý và điều hành dự án tiếp tục được thực hiện để khai thác mọi nguồn hỗ trợ từ bên ngoài. Năm 1997, Văn phòng đã hoàn thành việc triển khai các hạng mục của Dự án IPU/SIDA về công nghệ thông tin giai đoạn 1998 - 2000; triển khai thực hiện Dự án VIE/96/016. Qua các hoạt động của dự án, Văn phòng đã phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội trong việc cử đoàn đi nghiên cứu kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động của Quốc hội một số nước trên thế giới; tổ chức hội thảo, trao đổi kinh nghiệm về một số lĩnh vực quan trọng; xây dựng và phát triển hệ thống thông tin của Quốc hội, phục vụ các đại biểu Quốc hội và công chúng. Các dự án quốc tế đã góp phần đào tạo, nâng cao năng lực về chuyên môn, ngoại ngữ cho cán bộ của Văn phòng Quốc hội. Hoạt động dự án không chỉ dành cho các cơ quan của Quốc hội mà còn tạo điều kiện cho một số cán bộ Hội đồng nhân dân địa phương tham gia. Các kết quả thu được đã được các nhà tài trợ, Hội đồng nhân dân, các cơ quan hữu quan của Chính phủ đánh giá cao. Nhiều nhà tài trợ đã coi dự án hợp tác với Văn phòng Quốc hội là một trong những dự án thành công nhất ở Việt Nam. Vì vậy, một số nhà tài trợ đã cam kết sẽ tiếp tục giúp đỡ Văn phòng Quốc hội trong những dự án hợp tác sắp tới.

Báo Người đại biểu nhân dân đã phấn đấu để hoàn thành tốt nhiệm vụ phản ánh tiếng nói của đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân. Đây là tờ báo duy nhất của cơ quan dân cử trong cả nước. Các số báo đầu tiên được xuất bản với số lượng trên 20.000 tờ/kỳ, chất lượng, nội dung và hình thức của báo luôn được cải tiến nhằm đáp ứng yêu cầu của độc giả.

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp tuy là đơn vị mới thành lập nhưng đã có nhiều bài viết về những vấn đề mà Quốc hội quan tâm, như chính sách pháp luật, tổ chức và hoạt động Quốc hội, đổi mới quy trình lập pháp... Trong năm 2001, Tạp chí đã xuất bản được 14 ấn phẩm với 194 tin bài, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan dân cử.

Về công tác tổ chức - cán bộ, nhằm phục vụ tốt hơn hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, căn cứ vào Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 ngày 17-10-1992 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội khóa IX, Văn phòng đã từng bước hoàn thiện tổ chức bộ máy ngày càng vững mạnh để phát huy tối đa hiệu quả công tác của các vụ, đơn vị. Việc tuyển dụng, đề bạt cán bộ đã có bước chuyển biến tích cực. Năm 1997, Văn phòng đã tiếp nhận 30 cán bộ, trong đó có 12 biên chế và 18 hợp đồng, chuyển biên chế chính thức cho 9 người. Đầu năm 2002, Văn phòng tiếp nhận thêm 80 trường hợp từ các cơ quan khác chuyển về, trong đó có 11 biên chế và 47 nhân viên Nhà khách Chính phủ từ 37 Hùng Vương chuyển sang. Cũng năm 1997, Văn phòng đã đề bạt được 22 cán bộ quản lý cấp vụ và 7 cán bộ quản lý cấp phòng... Việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị và chuyên môn cho cán bộ, nhân viên trong Văn phòng được tiến hành thường xuyên. Riêng năm 1997, Văn phòng đã tổ chức cho 210 lượt cán bộ theo học các lớp đào tạo chuyên ngành, trong đó có 67 người theo học Đại học Luật; 65 người theo học các chương trình ngoại ngữ, 58 người tham gia học tập, nghiên cứu ở nước ngoài, 100 người tham gia các lớp tin học cơ bản và nâng cao.

Năm 2001, theo sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã dành nhiều thời gian tiến hành tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 02 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội để đánh giá một cách toàn diện tình hình tổ chức và hiệu quả hoạt động của Văn phòng. Trên cơ sở đó, đề xuất những sửa đổi, bổ sung cần thiết nhằm tạo điều kiện cho Văn phòng phục vụ tốt hơn các hoạt động của Quốc hội.

Công tác hành chính, văn thư đã đáp ứng được yêu cầu chính xác, kịp thời các công việc thường xuyên và đột xuất theo yêu cầu. Việc tiếp nhận, xử lý công văn đi, đến bảo đảm nhanh chóng. Mặc dù khối lượng công văn đến nhiều, khoảng 15.000 bì/năm và công văn gửi đi khoảng trên 12.000 bì/năm, nhưng bộ phận phụ trách văn thư không để xảy ra sai sót và thất lạc. Công việc đánh máy, in tài liệu được lãnh đạo quan tâm, bố trí trang, thiết bị hiện đại, đáp ứng kịp thời yêu cầu với chất lượng cao, bảo đảm văn bản sạch, đẹp, rõ ràng, đúng thể thức quy định. Việc phối hợp, quản lý, sử dụng hệ thống điện thoại, fax, thư điện tử và cung cấp các loại báo chí, tài liệu, bản tin được thực hiện chu đáo.

Công tác lưu trữ từng bước đi vào nền nếp, việc tổ chức thu thập và lập hồ sơ tài liệu của kỳ họp, phiên họp, chuyển giao sang Cục Lưu trữ Quốc gia được Văn phòng thực hiện đúng thời hạn. Cán bộ, công chức Văn phòng đã cố gắng cải tiến cách thức làm việc, khai thác các ứng dụng tin học trong công tác hành chính, phục vụ tài liệu để hiệu quả công tác ngày càng cao.

Công tác kế hoạch, tài chính, quản trị có nhiều tiến bộ, nhất là từ khi Vụ Kế hoạch - Tài chính được thành lập (năm 1998). Việc xây dựng dự toán, phân bổ dự toán và giao dự toán cho Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội đã được tiến hành theo trình tự nhất định. Để công tác quản lý tài chính đi vào nền nếp, Văn phòng đã tham mưu cho Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành văn bản số 251/UBTVQH10 ngày 17-3-2000 về việc hướng dẫn thực hiện chế độ chi tiêu tài chính và xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn lập dự toán kinh phí hoạt động hàng năm, hướng dẫn thực hiện các chế độ định mức chi tiêu để thực hiện thống nhất trong Văn phòng Quốc hội. Hàng năm, Văn phòng đều tổ chức các đoàn kiểm tra, thẩm tra quyết toán kinh phí của các đơn vị sử dụng ngân sách của Quốc hội.

Công tác quản trị của Văn phòng luôn được thực hiện theo đúng quy định. Với khối lượng công việc đa dạng, phức tạp, luôn đòi hỏi tính khẩn trương, nhưng Văn phòng vẫn thực hiện tốt, bảo đảm kịp thời yêu cầu về kinh phí, cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ hoạt động thường xuyên cũng như đột xuất của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội. Việc phục vụ đại biểu tại các kỳ họp Quốc hội có nhiều cải tiến, từ phục vụ ăn, nghỉ, làm việc đến bố trí phương tiện đi lại.

Tuy cơ sở vật chất hiện có so với yêu cầu hoạt động còn thiếu và chật hẹp, nhưng Văn phòng đã cố gắng tìm cách khắc phục, vừa tu sửa, mở rộng, vừa bố trí, sắp xếp cho hợp lý. Năm 1997, Văn phòng tổ chức thi công ba dự án sửa chữa, mở rộng và nâng cấp nhà công vụ 27A Trần Hưng Đạo, Hà Nội; sửa chữa, mở rộng diện tích nhà làm việc 35 Ngô Quyền, Hà Nội; sửa chữa, nâng cấp phòng tiếp khách quốc tế, cải tạo nền, mở rộng mặt trước sảnh và cải tạo hệ thống âm thanh, camera, điện nước… ở Hội trường Ba Đình. Nhìn chung, các dự án từ lúc chuẩn bị cho đến lúc bước vào thi công đều tiến hành theo đúng trình tự và thủ tục quy định của nhà nước.

Công tác bảo vệ được tiến hành tốt, bảo đảm an toàn các kỳ họp Quốc hội; các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội; các cuộc hội nghị do Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội tổ chức; các buổi tiếp khách quốc tế và trong nước của Chủ tịch Quốc hội; các hoạt động thường xuyên của Văn phòng Quốc hội…

Hoạt động của Vụ Công tác phía Nam

Là đơn vị của Văn phòng Quốc hội tại phía Nam, khối lượng công việc của Vụ đa dạng, phức tạp nhưng Vụ Công tác phía Nam đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao như: tổ chức phục vụ chu đáo hoạt động bầu cử đại biểu Quốc hội ở phía Nam, phục vụ các đoàn giám sát, tiếp xúc cử tri; tổ chức các hội nghị, hội thảo; phục vụ các chuyến công tác của lãnh đạo Quốc hội và Văn phòng Quốc hội tại các tỉnh phía Nam. Vụ cũng đã phục vụ tốt, chu đáo, an toàn việc đón tiếp các đoàn khách của Quốc hội từ nhiều nước đến thăm và làm việc cũng như các đoàn của Quốc hội nước ta đi công tác nước ngoài. Bình quân mỗi năm, Vụ Công tác phía Nam đã đón khoảng hơn 20 đoàn khách quốc tế, gần 100 đoàn công tác của các cơ quan Quốc hội và Văn phòng Quốc hội vào làm việc. Vụ còn phân công cán bộ tiếp dân và phối hợp với các cơ quan hữu quan xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân. Năm 1997, số lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo gửi đến Vụ (chủ yếu qua đường bưu điện) là 495 đơn; cán bộ của Vụ đã tiếp gần 300 lượt công dân đến trụ sở tiếp dân tại số 53 Trần Quốc Thảo và số 54 - 56 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Hồ Chí Minh để đưa đơn, trình bày nguyện vọng. Vụ còn cử cán bộ theo dõi và tham dự các kỳ họp Hội đồng nhân dân ở một số tỉnh, thành phố phía Nam; đồng thời thực hiện chế độ báo cáo thường kỳ và báo cáo theo yêu cầu của lãnh đạo Văn phòng. Công tác hành chính, lễ tân, quản trị - tài vụ, đội xe cũng được triển khai thực hiện tốt. Việc sửa chữa, nâng cấp Nhà khách 165, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và nhà làm việc tại số 54-56 Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Hồ Chí Minh cũng được tiến hành góp phần bảo đảm điều kiện làm việc và ăn nghỉ của đại biểu Quốc hội và cán bộ Văn phòng trong các đợt công tác.

3. Hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể

 Đảng bộ Văn phòng Quốc hội là Đảng bộ cơ sở trực thuộc Đảng bộ Khối I các cơ quan Trung ương. Đảng bộ có vai trò, vị trí quan trọng trong việc góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan Văn phòng Quốc hội, đóng góp xứng đáng vào kết quả hoạt động của Quốc hội. Nhận thức được tầm quan trọng đó, Đảng ủy và các Chi ủy đã luôn chăm lo đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, động viên cán bộ đảng viên gương mẫu thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan. Đảng ủy đã cùng lãnh đạo Văn phòng quyết định về công tác tổ chức cán bộ Văn phòng Quốc hội. Đảng bộ đã tổ chức đại hội đúng nhiệm kỳ để đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của Đảng bộ và bầu ra Ban Chấp hành mới để lãnh đạo công tác Đảng. Nhiệm kỳ khóa VII (1991-1994), Đại hội đã bầu ông Phùng Trí Nhuận, Phó Vụ trưởng Vụ Hội đồng và các Ủy ban làm Bí thư Đảng ủy, sau chuyển sang làm Bí thư chuyên trách. Các Đại hội nhiệm kỳ tiếp theo đã bầu ông Phạm Thanh Sơn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng làm Bí thư Đảng ủy từ năm 1995 đến năm 2001 và ông Lê Quang Vũ, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội được bầu làm Bí thư Đảng ủy từ tháng 7-2001 đến nay.

Đặc điểm nổi bật của Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội là có nhiều cán bộ cao cấp, trong đó có các ủy viên Bộ Chính trị, ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và nhiều đại biểu Quốc hội chuyên trách cùng sinh hoạt. Điều đó tạo thuận lợi cho công tác lãnh đạo của Đảng bộ. Trong sinh hoạt Đảng, từ Chi bộ đến Đảng bộ đều quán triệt và thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Trong hoạt động chuyên môn, tuyệt đại đa số cán bộ, đảng viên đều thể hiện rõ tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của mình, nhất là việc tham mưu các vấn đề về xây dựng pháp luật, giám sát và quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước trên cơ sở nắm vững và quán triệt sâu sắc đường lối của Đảng. Để nâng cao vai trò lãnh đạo của tổ chức Đảng, năm 1996, Đảng bộ đã tiến hành nghiên cứu đề tài khoa học “Đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác Đảng của Văn phòng Quốc hội”. Đề tài đã được Hội đồng khoa học đánh giá cao và được ứng dụng trong công tác xây dựng Đảng bộ.

Hoạt động của Công đoàn cơ quan thời kỳ này có nhiều đổi mới. Năm 1995, Đại hội đại biểu Công đoàn cơ quan lần thứ III được tổ chức, bầu ra Ban Chấp hành gồm 7 người do ông Lê Quang Vũ, Phó Bí thư Đảng bộ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ làm Chủ tịch. Năm 1998, tại Đại hội Công đoàn cơ quan lần thứ IV, bà Nguyễn Thị Đắc Hương, Vụ phó Vụ Tổ chức - Cán bộ được bầu làm Chủ tịch. Tháng 8 - 2001, Đại hội Công đoàn cơ quan lần thứ V đã bầu ông Nghiêm Vũ Khải, Vụ phó Vụ Đối ngoại làm Chủ tịch.

Theo Điều lệ sửa đổi, bổ sung của Công đoàn Việt Nam thì Công đoàn Văn phòng Quốc hội là tổ chức thành viên của Công đoàn viên chức Việt Nam. Công đoàn đã phấn đấu là nòng cốt trong phong trào thi đua lao động giỏi của cơ quan. Với trách nhiệm là thành viên Ban phân phối nhà ở và Hội đồng lương của cơ quan, Công đoàn đã có tiếng nói thỏa đáng để bảo đảm quyền lợi của người lao động. Các chế độ, chính sách khác đối với người lao động như nghỉ ốm, nghỉ phép, trợ cấp khó khăn được Công đoàn quan tâm và kiến nghị cơ quan giải quyết chu đáo. Ban Chấp hành Công đoàn đã triển khai kịp thời các hoạt động từ thiện, phối hợp với Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, tham quan, du lịch... tạo không khí vui tươi, lành mạnh trong cơ quan.

Hoạt động của Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội thời kỳ này được củng cố, phát triển và thu được những kết quả tốt. Ban Chấp hành Chi đoàn Thanh niên đã luôn chú trọng tới công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho các đoàn viên và coi đây là nhiệm vụ chủ yếu của hoạt động Đoàn, nhằm nâng cao nhận thức về Đảng, về lý tưởng cách mạng, từ đó nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, phấn đấu hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Tại các nhiệm kỳ Đại hội từ năm 1992 đến năm 2002, Chi đoàn đã bầu các đồng chí Nguyễn Thúy Anh, chuyên viên Vụ Tổng hợp giữ chức Bí thư từ năm 1992 đến giữa năm 1995; đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, chuyên viên Vụ Tổ chức - Cán bộ giữ chức Bí thư từ giữa năm 1995 đến tháng 8-2003.

Thực hiện chương trình hoạt động của Đoàn cấp trên, Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội đã tổ chức các hoạt động bổ ích như tham gia các phong trào do Công đoàn cơ quan phát động; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về truyền thống cách mạng và phục vụ tuyên truyền cổ động cho các ngày lễ lớn… Thời kỳ này, tuy số lượng đoàn viên không đông (chỉ có khoảng 40 người), nhưng Chi đoàn thanh niên đã đóng vai trò nòng cốt trong việc tổ chức lớp đào tạo tại chức Luật thu hút được đông đảo đoàn viên thanh niên và cán bộ trong Văn phòng tham gia. Năm 2000, do số lượng đoàn viên tăng nhanh (khoảng 80 người), Chi đoàn thanh niên Văn phòng đã được nâng cấp thành tổ chức Đoàn cơ sở. Ngày 26-11-2001, Đoàn Khối I cơ quan Trung ương được thành lập, Đoàn cơ sở Văn phòng Quốc hội chính thức trở thành một trong 12 cơ sở Đoàn trực thuộc Đoàn Khối I.

 

*
*        *

 

Nhìn chung, qua hai nhiệm kỳ phục vụ Quốc hội (khóa IX và khóa X), Văn phòng Quốc hội đã có sự phát triển đáng kể, cơ cấu tổ chức bộ máy của Văn phòng được kiện toàn, có đầy đủ các vụ chuyên môn để giúp việc các cơ quan của Quốc hội. Ngoài Chủ nhiệm Văn phòng còn có các Phó Chủ nhiệm đảm trách từng mảng công tác, góp phần nâng cao hiệu quả lãnh đạo của Văn phòng đối với công tác tham mưu phục vụ. Bộ phận Công tác phía Nam đã được củng cố và kiện toàn trở thành đơn vị cấp vụ để tổ chức các công việc phục vụ Quốc hội ở các tỉnh phía Nam. Đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng ngày càng phát triển cả về số lượng và chất lượng, nhiều người có trình độ cơ bản về pháp lý, quản lý kinh tế, quản lý nhà nước… được bổ sung để đáp ứng yêu cầu công việc của Quốc hội, đặc biệt trong giai đoạn đổi mới Quốc hội.

Do tổ chức bộ máy được kiện toàn và đội ngũ cán bộ, công chức có bước đổi mới, cơ sở vật chất kỹ thuật được tăng cường, nên các mặt công tác của Văn phòng đã có sự chuyển biến đáng kể, từ việc tham mưu phục vụ hoạt động lập pháp, giám sát đến việc bảo đảm các điều kiện làm việc của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Quy trình làm việc của Văn phòng được cải tiến rõ rệt trên cơ sở phát huy vai trò của các vụ chuyên môn giúp việc; hiệu quả công tác nghiên cứu, biên tập và chỉnh lý văn bản được nâng cao, hình thành các kỹ năng cần thiết của đội ngũ cán bộ chuyên môn của Văn phòng. Mối quan hệ công tác giữa Văn phòng Quốc hội với các cơ quan hữu quan, nhất là với các Văn phòng Trung ương được củng cố và phát triển. Nhờ đó, Văn phòng Quốc hội đã kịp thời tham mưu giúp lãnh đạo Quốc hội điều hành các hoạt động của Quốc hội đạt hiệu quả cao.

Có được những kết quả trên là do Văn phòng Quốc hội đã quán triệt đường lối đổi mới của Đảng, bám sát sự chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội. Trong hoạt động chuyên môn, giữa tập thể lãnh đạo Văn phòng và cán bộ công chức luôn có sự đoàn kết, nhất trí cao; giữa cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể luôn có sự phối, kết hợp chặt chẽ. Ý thức trách nhiệm với công việc, tinh thần học hỏi, khiêm tốn của từng cá nhân trong cơ quan cũng là một trong những yếu tố giúp Văn phòng Quốc hội thực hiện tốt chức năng nhiệm vụ của mình, từng bước khẳng định hơn nữa vị trí, vai trò của Văn phòng Quốc hội.

 

II. GIAI ĐOẠN TỪ NĂM 2002 ĐẾN NAY

 

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI (2002-2007) là nhiệm kỳ đầu của thế kỷ XXI, diễn ra trong bối cảnh cả nước tiếp tục thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Theo Điều 45 của Luật tổ chức Quốc hội được Quốc hội khóa X thông qua ngày 25-12-2001, số đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách khóa XI ở các cơ quan của Quốc hội và ở 61 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã tăng lên đáng kể, với 120 trong số 498 đại biểu (chiếm gần 25% tổng số đại biểu Quốc hội). Căn cứ vào đề nghị của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã quyết định thành lập thêm ba cơ quan chuyên môn trực thuộc là Ban Công tác lập pháp[13], Ban Công tác đại biểu[14] và Ban Dân nguyện[15].

Xuất phát từ yêu cầu thực tiễn của công tác phục vụ, ngày 1-10-2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 quy định chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội.

1. Tổ chức bộ máy Văn phòng Quốc hội theo Nghị quyết 417/2003/NQ-UBTVQH11

Nghị quyết 417/2003/NQ-UBTVQH11 được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 năm 1992 có kế thừa, chọn lọc và phát triển một bước theo yêu cầu, nhiệm vụ mới. Về cơ bản, chức năng của Văn phòng Quốc hội được giữ như Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9 nhưng có bổ sung đối tượng phục vụ là các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Do vậy, nhiệm vụ của Văn phòng cũng được bổ sung, sửa đổi cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Theo Nghị quyết 417/2003/NQ-UBTVQH11, Văn phòng Quốc hội có 17 nhiệm vụ, quyền hạn. Ngoài các nhiệm vụ liên quan đến công tác tham mưu, tổng hợp, tổ chức phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng còn có nhiệm vụ phối hợp phục vụ các hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh; phối hợp phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; phối hợp thực hiện việc tiếp dân, tiếp nhận, xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo và đề đạt nguyện vọng của công dân; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Quốc hội; điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội, bảo đảm điều kiện hoạt động của các đại biểu Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội nghiên cứu và tổ chức thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, giúp Chủ tịch Quốc hội giữ mối liên hệ với các đại biểu Quốc hội; phối hợp phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định biên chế và quy định chính sách, chế độ đối với Tòa án nhân dân, Viện Kiểm sát nhân dân và Văn phòng Quốc hội…[16]

Về lãnh đạo Văn phòng, nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Uỷ ban thường vụ Quốc hội vẫn quyết định giữ mô hình tổ chức bộ máy lãnh đạo Văn phòng gồm có Chủ nhiệm và các Phó Chủ nhiệm. Ngày 14-8-2002, Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 05NQ/UBTVQH11 về việc bổ nhiệm ông Bùi Ngọc Thanh, Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội giữ chức Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội[17], giúp việc cho Chủ nhiệm có các Phó Chủ nhiệm: Ông Trần Quốc Thuận tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng. Theo sự phân công của Chủ nhiệm, ông Trần Quốc Thuận là Phó Chủ nhiệm Thường trực phụ trách lĩnh vực xây dựng pháp luật, tài chính và ngân sách, trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các mặt công tác của Vụ Kế hoạch - Tài chính và Vụ Công tác phía Nam. Ông Trần Ngọc Đường tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng, thực hiện nhiệm vụ trợ lý Chủ tịch Quốc hội và giúp Chủ nhiệm Văn phòng giữ mối quan hệ công tác thường xuyên với Ban Công tác lập pháp và Ban Dân nguyện, trực tiếp làm Tổng biên tập và theo dõi, chỉ đạo công tác của Tạp chí Nghiên cứu lập pháp. Ông Lê Quang Vũ, uỷ viên chuyên trách Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá X được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội từ tháng 7-2002, phụ trách các lĩnh vực bảo vệ chính trị nội bộ, bảo vệ cơ quan, cơ sở vật chất kỹ thuật của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các mặt công tác của Cục Quản trị, Phòng Bảo vệ và bộ phận bảo vệ chính trị nội bộ của cơ quan; giữ mối quan hệ thường xuyên với Đảng uỷ, Ban Chấp hành Công đoàn, Đoàn Thanh niên và các tổ chức quần chúng khác trong Văn phòng. Ông Nguyễn Sĩ Dũng, Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng từ tháng 10-2003, phụ trách các lĩnh vực thông tin, thư viện, nghiên cứu khoa học, báo chí, xuất bản, tuyên truyền, công nghệ thông tin, hợp tác quốc tế; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo công tác của Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học, Trung tâm Tin học và Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử. Ông Nguyễn Đức Hiền, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp được bổ nhiệm giữ chức Phó Chủ nhiệm Văn phòng từ tháng 10-2003, thực hiện nhiệm vụ trợ lý Chủ tịch Quốc hội; giúp Chủ nhiệm Văn phòng phụ trách lĩnh vực công tác tổng hợp, hành chính; giữ mối quan hệ với Văn phòng Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, bộ phận thường trực Ban chỉ đạo Trung ương để tổ chức thực hiện các quy ước về phối hợp công tác giữa các cơ quan; trực tiếp theo dõi, chỉ đạo các mặt công tác của Vụ Tổng hợp, Vụ Hành chính và Báo Người đại biểu nhân dân[18].

Về cơ cấu tổ chức của Văn phòng, Nghị quyết 417/2003/NQ-UBTVQH11 xác định Văn phòng Quốc hội gồm có các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; các vụ trực tiếp giúp việc ba Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các vụ, đơn vị phục vụ chung.

Các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội gồm có 8 vụ: Vụ Dân tộc; Vụ Pháp luật; Vụ Kinh tế và Ngân sách; Vụ Quốc phòng và An ninh; Vụ Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Vụ Các vấn đề xã hội; Vụ Khoa học, Công nghệ và Môi trường; Vụ Đối ngoại.

Sau khi trao đổi thống nhất với Thường trực Hội đồng Dân tộc và Thường trực các Ủy ban, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ban hành các quyết định quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của các Vụ nói trên[19].

Các vụ trực tiếp giúp việc ba Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội gồm có: Vụ Công tác đại biểu; Vụ Công tác lập pháp; Vụ Dân nguyện.

Vụ Công tác đại biểu được đổi tên từ Vụ Hoạt động đại biểu. Sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 về việc thành lập Ban Công tác đại biểu, ngày 28-4-2005, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 845/QĐ-VPQH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức của Vụ Công tác đại biểu. Theo đó, Vụ Công tác đại biểu là đơn vị trực thuộc Văn phòng Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu, phục vụ Ban Công tác đại biểu trong việc giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội về các công việc cụ thể như chủ trì việc bầu cử đại biểu Quốc hội, bầu bổ sung đại biểu Quốc hội, thẩm tra tư cách đại biểu Quốc hội, bầu, phê chuẩn các chức danh lãnh đạo cấp cao của Nhà nước, phê chuẩn kết quả bầu Trưởng Đoàn, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội; xem xét tư cách đại biểu Quốc hội, bãi nhiệm, cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội, xem xét, xử lý khiếu nại, tố cáo liên quan đến đại biểu Quốc hội, nghiên cứu thủ tục trình Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm, miễn nhiệm, bãi nhiệm những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn; quản lý hồ sơ của các đại biểu Quốc hội chuyên trách và hồ sơ của đại biểu Quốc hội khi ứng cử; tham mưu, phục vụ việc theo dõi, hướng dẫn tổ chức hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, bổ nhiệm lãnh đạo Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; tham mưu, phục vụ việc giám sát, hướng dẫn tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân, công bố ngày bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân và giám sát bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; tham gia với các đơn vị hữu quan phục vụ hoạt động của Quốc hội... Quyền Vụ trưởng Vụ Công tác đại biểu là ông Nguyễn Văn Nhận (sau được bổ nhiệm làm Vụ trưởng). Khi ông Nguyễn Văn Nhận nghỉ hưu (năm 2006), ông Trần Văn Tám, Phó Vụ trưởng được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng.

Vụ Công tác lập pháp là đơn vị mới thành lập, thuộc Văn phòng Quốc hội, có chức năng nghiên cứu, tham mưu, tổ chức phục vụ Ban Công tác lập pháp trong việc giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội về công tác xây dựng pháp luật. Vụ được thành lập theo Nghị quyết số 369/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Lúc mới thành lập, Vụ có 10 người, Vụ trưởng là ông Nguyễn Thanh Sơn, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật. Qua hơn 3 năm hoạt động, số lượng cán bộ, công chức của Vụ đã tăng lên đáng kể, tính đến năm 2006, Vụ có 24 người. Theo Quyết định số 846/QĐ-VPQH ngày 18-4-2005 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Vụ có nhiệm vụ chủ trì phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan dự thảo nghị quyết của Quốc hội về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ và hàng năm; tham mưu, chủ trì phục vụ việc triển khai thực hiện chương trình luật, pháp lệnh; phục vụ Ban Công tác lập pháp, các cơ quan, tổ chức hữu quan hoàn thiện về mặt kỹ thuật văn bản đối với các dự thảo luật, dự thảo pháp lệnh, dự thảo nghị quyết sau khi các văn bản này đã được Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến; chủ trì phối hợp với các đơn vị hữu quan chuẩn bị dự thảo tờ trình Bộ Chính trị về một số dự án luật, dự án pháp lệnh, dự thảo nghị quyết; nghiên cứu, tham mưu với Ban Công tác lập pháp trong việc phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải thích Hiến pháp, luật, pháp lệnh…

Vụ Dân nguyện trước đây có nhiệm vụ tham mưu, giúp việc công tác dân nguyện của Văn phòng, phục vụ Ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội phụ trách mảng công tác dân nguyện. Sau khi có Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về việc thành lập Ban Dân nguyện, Vụ được giao nhiệm vụ phục vụ Ban Dân nguyện. Ngày 28-4-2005, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã ban hành Quyết định số 848/QĐ-VPQH quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Vụ Dân nguyện là tổ chức phục vụ Ban Dân nguyện trong việc tiếp công dân đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội trình bày kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; phục vụ các đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân trong các kỳ họp Quốc hội; phối hợp với các vụ giúp việc Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội tiếp công dân đến kiến nghị, khiếu nại, tố cáo; giúp Ban Dân nguyện tiếp nhận, đề xuất hướng xử lý, theo dõi, đôn đốc việc giải quyết kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Ban Dân nguyện; giúp Ban Dân nguyện trong việc tổ chức phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc thi hành pháp luật về khiếu nại, tố cáo… Ông Nguyễn Đăng Đại tiếp tục được bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Dân nguyện. Ngày 28-8-2003, ông Nguyễn Đăng Đại được bổ nhiệm giữ chức Phó Trưởng Ban Dân nguyện, bà Nguyễn Thị Kim Thoa, Phó Vụ trưởng được lãnh đạo Văn phòng bổ nhiệm giữ chức Vụ trưởng Vụ Dân nguyện cho đến nay.

Các vụ, đơn vị phục vụ chung gồm có: Vụ Tổng hợp; Vụ Hành chính; Vụ Tổ chức - Cán bộ; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học; Trung tâm Tin học; Cục Quản trị[20]; Vụ Công tác phía Nam; Báo Người đại biểu nhân dân; Tạp chí Nghiên cứu lập pháp; Phòng Bảo vệ và Trung tâm bồi dưỡng đại biểu dân cử.

Trung tâm Tin học được thành lập trên cơ sở Phòng Máy tính thuộc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học theo Nghị quyết số 421NQ/UBTVQH11 ngày 28-10-2003 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trung tâm Tin học có con dấu riêng theo quy định của pháp luật, ông Ngô Minh Châu, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Trung tâm. Theo Quyết định số 853/QĐ-VPQH ngày 28-4-2005 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, nhiệm vụ của Trung tâm Tin học là tham mưu cho lãnh đạo Văn phòng Quốc hội về chiến lược ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin trong các cơ quan của Quốc hội; duy trì, phát hiện và cập nhật thông tin trên mạng nội bộ (Intranet) của Quốc hội để phục vụ nhu cầu tra cứu thông tin; tổ chức xây dựng, quản lý, duy trì và phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu và các phần mềm ứng dụng phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội…

Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử là đơn vị cấp phòng, trực thuộc Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Trung tâm được thành lập theo Quyết định số 514/QĐ-VPQH ngày 10-11-2004 của Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội. Giám đốc Trung tâm là bà Nguyễn Thị Kỳ, nguyên Vụ phó Vụ Các vấn đề xã hội. Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử ra đời để đáp ứng yêu cầu nâng cao trình độ và khả năng hoạt động của đại biểu dân cử. Trung tâm có chức năng, nhiệm vụ giúp Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội tham mưu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc tổ chức và điều phối các hoạt động bồi dưỡng, tập huấn đại biểu dân cử. Từ khi thành lập đến nay, Trung tâm đã có nhiều hoạt động, giúp các đại biểu Quốc hội hiểu rõ hơn vị trí, nhiệm vụ, trọng trách của mình để làm tốt vai trò đại diện của nhân dân.

Về đội ngũ cán bộ, công chức: Trên cơ sở kết quả của việc tổng kết thực hiện Nghị quyết 02 NQ/UBTVQH9 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo cho các vụ, đơn vị rà soát lại đội ngũ cán bộ, chuyên viên, nhân viên để có kế hoạch điều chỉnh, bổ sung phù hợp với công việc của từng đơn vị. Đồng thời, khuyến khích tinh thần tự nghiên cứu, học hỏi của cán bộ, công chức kết hợp với việc mở các lớp nâng cao, chuyển loại, thi nâng ngạch công chức, v.v., từng bước nghiên cứu và quy định thành văn bản về việc tiêu chuẩn hóa cán bộ, tạo cơ sở cho việc phân công, phân nhiệm cán bộ thuận tiện và phù hợp với từng đối tượng. Thời kỳ này, đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức của Văn phòng Quốc hội đã tăng nhanh cả về số lượng và chất lượng. Tính đến tháng 8-2006, tổng số cán bộ, chuyên viên, nhân viên trong biên chế và hợp đồng dài hạn của Văn phòng là 640 người[21], trong đó có 337 người có trình độ đại học và 100 người trình độ trên đại học…

Trong dịp tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9, nhiều ý kiến về công tác cán bộ đã được đề cập, tập trung chủ yếu vào các vấn đề liên quan đến số lượng, chất lượng và cơ cấu tổ chức, cán bộ của Văn phòng. Theo Báo cáo tổng kết việc thực hiện Nghị quyết 02NQ/UBTVQH9, Văn phòng đã có một đội ngũ cán bộ có chất lượng tốt, nhiều cán bộ am hiểu về pháp luật, có kỹ năng lập pháp, nghiên cứu kinh tế, thành thạo về kỹ thuật thông tin và có kinh nghiệm trong các lĩnh vực quan trọng như công tác dân nguyện, công tác quản trị, hành chính… Chính đội ngũ cán bộ này đã góp phần tạo nên những thành tích của Văn phòng Quốc hội. Tuy nhiên, khi xem xét đội ngũ cán bộ của Văn phòng so với nhu cầu công việc cho thấy, hiện tại Văn phòng vẫn còn thiếu nhiều cán bộ và chuyên gia giỏi để đáp ứng yêu cầu công việc phục vụ Quốc hội[22]

 

SƠ ĐỒ 4: TỔ CHỨC VĂN PHÒNG QUỐC HỘI

(Theo Nghị quyết số 417/2003-NQ/QHTVQH11 ngày 1-10-2003)

 

 

2. Hoạt động của Văn phòng Quốc hội từ năm 2002 đến nay

2.1 Phục vụ công tác xây dựng pháp luật

Mục đích mà hoạt động lập pháp hướng tới là kịp thời ban hành các văn bản luật, pháp lệnh một cách đồng bộ, thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, ý chí và nguyện vọng của nhân dân, nhằm tạo cơ sở pháp lý cho các hoạt động quản lý nhà nước về mọi mặt của đời sống xã hội. Để nâng cao hiệu quả hoạt động xem xét, thông qua dự án luật của Quốc hội, tháng 12-2002, Văn phòng đã tham mưu, trình Quốc hội ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Nhờ đó, quy trình xây dựng pháp luật đã được tiến hành theo kế hoạch và đã trở thành một trong những nhiệm vụ cụ thể của Quốc hội. Căn cứ vào dự kiến của Chính phủ về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị dự thảo các văn bản, phân công cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra, quy định các biện pháp bảo đảm triển khai thực hiện đúng tiến độ. Việc phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong công tác thẩm tra, cho ý kiến và hoàn chỉnh văn bản được Văn phòng tổ chức phục vụ chu đáo. Do vậy, đa số các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội thông qua đều bảo đảm quy trình, số lượng và chất lượng được nâng lên, tạo cơ sở cho việc đẩy nhanh tiến độ ban hành luật của Quốc hội.

Trong quá trình phục vụ công tác xây dựng pháp luật, các vụ phục vụ Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đã phối hợp chặt chẽ với Ban soạn thảo, góp phần nâng cao chất lượng của các văn bản luật, pháp lệnh. Đồng thời, tổ chức phục vụ các cuộc khảo sát thực tế, xin ý kiến, tập hợp, tổng hợp ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan hữu quan và cử tri về một số dự án luật quan trọng và đề xuất hướng tiếp thu. Việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp phục vụ Quốc hội thông qua các dự án luật giữa các đơn vị chức năng trong Văn phòng đã cụ thể hơn. Để từng bước góp phần đổi mới quy trình thông qua luật, pháp lệnh, Văn phòng đã tổ chức nghiên cứu các đề án, dự án khoa học liên quan và tiến hành các cuộc hội thảo về vấn đề này để kiến nghị với Uỷ ban thường vụ Quốc hội.

Thực hiện sự chỉ đạo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng đã tổ chức phục vụ Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội trong việc chủ trì soạn thảo một số dự án như: Quy chế hoạt động của đại biểu Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội, Quy chế hoạt động của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Quy chế hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Nội quy kỳ họp Quốc hội. Đáng chú ý là năm 2005, căn cứ vào Điều 22, khoản 2 của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật hiện hành, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội soạn thảo và trình Quốc hội thông qua dự án Luật Giao dịch điện tử; phục vụ Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội soạn thảo dự án Luật Chống bạo lực trong gia đình… Kết quả là Văn phòng đã phục vụ Quốc hội nhiệm kỳ khóa XI thông qua được 84 luật và bộ luật, 31 pháp lệnh và nhiều nghị quyết, quyết định quan trọng khác.

Tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XI, lần đầu tiên Quốc hội thông qua Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2004 thay thế cho 5 Pháp lệnh về thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, công nhận và thi hành tại Việt Nam bản án, quyết định dân sự của Tòa án nước ngoài, thủ tục giải quyết các vụ án kinh tế, việc công nhận và thi hành tại Việt Nam quyết định của trọng tài nước ngoài, thủ tục giải quyết các tranh chấp lao động nhằm góp phần bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu lực trong việc giải quyết các vụ việc về dân sự, kinh tế, lao động, hôn nhân và gia đình. Đây là sự nỗ lực của Văn phòng trong việc tham mưu, phục vụ cơ quan chủ trì thẩm tra đối với nội dung của dự án luật.

Nhìn chung, công tác tham mưu, giúp việc Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong lĩnh vực xây dựng pháp luật đã được tổ chức có nền nếp, đem lại kết quả rõ rệt, từng bước đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tuy nhiên, trong công tác phục vụ xây dựng pháp luật vẫn còn một số yếu kém. Việc đôn đốc, chuẩn bị các dự thảo luật chưa quyết liệt nên còn ảnh hưởng đến tiến độ của công tác chuẩn bị và thông qua; việc phân công trách nhiệm chủ trì, phối hợp phục vụ Quốc hội thông qua dự án luật giữa các đơn vị chức năng trong Văn phòng còn chồng chéo, chưa cụ thể… Đổi mới quy trình làm luật và cách thức thông qua luật là vấn đề được lãnh đạo Quốc hội và đại biểu Quốc hội quan tâm, đòi hỏi Văn phòng cần phải tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp mang lại hiệu quả cao hơn để đáp ứng được yêu cầu đặt ra trong thời gian tới.

2.2. Phục vụ công tác giám sát của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội

Nhận thức rõ giám sát là một trong những chức năng cơ bản của Quốc hội, Văn phòng đã luôn quan tâm nghiên cứu, tham mưu, đề xuất và từng bước cải tiến công tác phục vụ, góp phần quan trọng để Quốc hội thực hiện tốt nhiệm vụ theo quy định của pháp luật. Tháng 6-2003, Văn phòng đã phối hợp phục vụ việc xây dựng và trình Quốc hội thông qua Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội tạo cơ sở pháp lý quan trọng để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát của mình một cách đầy đủ và có hiệu quả. Trong quá trình triển khai thực hiện luật này, Văn phòng đã có nhiều cố gắng đổi mới công tác phục vụ như tổ chức hội nghị triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và phục vụ Quốc hội thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát hàng năm; tổ chức các đoàn giám sát của Quốc hội tại các bộ, ngành và nhiều địa phương trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ, quốc phòng, an ninh, dân tộc, miền núi[23]; phục vụ Quốc hội thực hiện giám sát tối cao tại kỳ họp đối với các chuyên đề quan trọng như tình hình giải quyết khiếu nại, tố cáo; đầu tư xây dựng cơ bản; chất lượng giáo dục…

Từ năm 2004, Văn phòng đã thực hiện việc tổng hợp chương trình và tình hình hoạt động giám sát hàng tháng, hàng quý để giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các đại biểu Quốc hội có cơ sở tiến hành giám sát một cách tích cực và chủ động. Trong các năm 2004, 2005, 2006, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát nhiều chuyên đề lớn liên quan đến các vấn đề phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục; công tác tư pháp và ban hành văn bản quy phạm pháp luật… Thông qua hoạt động giám sát, Văn phòng đã tham mưu cho các cơ quan của Quốc hội kiến nghị với Chính phủ và các cơ quan hữu quan sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với tình hình thực tế. Văn phòng còn phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành liên quan trong việc phục vụ thực hiện quyền chất vấn của đại biểu Quốc hội đối với các Bộ trưởng và người đứng đầu các cơ quan Nhà nước tại các kỳ họp Quốc hội. Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10 của Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ đã trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội tại Hội trường. Đây là nét đổi mới trong hoạt động giám sát của Quốc hội góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động chất vấn, được đông đảo cử tri cả nước hoan nghênh.

2.3. Phục vụ Quốc hội quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước

Sau khi phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội chủ trì cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI thành công, tại kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XI, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội trong việc thẩm tra tư cách đại biểu và quyết định cơ cấu tổ chức, bầu và phê chuẩn nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước. Đây là nhiệm vụ đòi hỏi tính chính xác, khẩn trương, cán bộ Văn phòng Quốc hội đã tận tâm, tận lực làm việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ. Tại kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XI, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội ra Nghị quyết về phương án xây dựng Công trình thuỷ điện Sơn La. Đây là công trình quan trọng quốc gia và là công trình lớn nhất của nước ta từ trước đến nay với 70% vốn đầu tư trong nước. Để phục vụ Quốc hội quyết định đối với công trình này, Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đi khảo sát thực địa ở các tỉnh Sơn La, Lai Châu nhiều lần và tổ chức các buổi làm việc với các cơ quan hữu quan tìm hiểu các vấn đề liên quan đến việc triển khai dự án để có ý kiến thẩm tra về các lĩnh vực khác nhau trong việc quyết định đầu tư xây dựng.

Ngoài ra, Văn phòng đã chuẩn bị chu đáo các công việc để phục vụ Quốc hội quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước như kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm; quyết định dự toán ngân sách nhà nước, phê chuẩn tổng quyết toán ngân sách nhà nước; quyết định chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia; phục vụ Quốc hội và Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định việc phân bổ ngân sách Trung ương cho các tỉnh, thành phố... Đồng thời Văn phòng đã tích cực, chủ động nghiên cứu, tổ chức phục vụ Quốc hội xem xét quyết định các chương trình mục tiêu quốc gia, các công trình quan trọng quốc gia; xem xét việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh; các vấn đề về tổ chức bộ máy nhà nước và xem xét phương án xây dựng Nhà Quốc hội và Hội trường Ba Đình mới; cho ý kiến về Đề án cải cách tiền lương, một số chính sách thuế, vấn đề cải cách giáo dục, cải cách tư pháp và một số vấn đề quan trọng khác…

2.4. Phục vụ công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI

Thực hiện quy định của Hiến pháp và Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, sau một thời gian chuẩn bị khẩn trương, cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI tiến hành vào ngày 19-5-2002 đã đạt được thắng lợi to lớn, bảo đảm yêu cầu dân chủ, đúng pháp luật, an toàn và tiết kiệm.

Triển khai công tác bầu cử, Văn phòng đã tham mưu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 284/2002/NQ-UBTVQH10 ngày 26-11-2002, công bố ngày bầu cử và thành lập Hội đồng bầu cử; đồng thời từ ngày 31-1 đến ngày 1-2-2002, Văn phòng còn phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức, phục vụ Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khoá XI, do Bộ Chính trị triệu tập để phổ biến Chỉ thị số 07 CT/TW ngày 25-1-2002 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 02/2002/TC-TTg ngày 30-1-2002 của Thủ tướng Chính phủ. Căn cứ vào Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội (sửa đổi), Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 296/2002/NQ-UBTVQH10 ngày 7-3-2003 công bố số đơn vị bầu cử, số đại biểu Quốc hội được bầu, danh sách các đơn vị bầu cử và số đại biểu Quốc hội được bầu ở mỗi đơn vị bầu cử thuộc các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử tổ chức 31 đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác chuẩn bị bầu cử ở 57/61[24] tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, kể cả nơi biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa. Qua các đợt kiểm tra, giám sát, Văn phòng đã tham mưu, giúp các đoàn trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn địa phương kịp thời giải quyết các vấn đề liên quan đến công tác bầu cử. Để tạo điều kiện cho các địa phương thực hiện tốt quy định của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội, Văn phòng đã tham mưu, đề xuất với Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử ban hành các văn bản hướng dẫn như quy định về quyền bầu cử, ứng cử của công dân; việc lập danh sách cử tri; quy trình vận động bầu cử…

Sau khi tiến hành thành công cuộc bầu cử, ngày 25-5-2002 Văn phòng đã giúp Hội đồng bầu cử ban hành Nghị quyết số 217NQ/HĐBC để công bố kết quả 498 đại biểu ở 188 đơn vị bầu cử đã trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XI. Nhìn chung, những người trúng cử đại biểu Quốc hội đều bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định[25].

2.5. Phục vụ công tác dân nguyện

Trong những năm gần đây, số lượt công dân đi khiếu nại, tố cáo và lượng đơn, thư của công dân vẫn không giảm và còn diễn biến phức tạp. Trung bình hàng năm, Văn phòng đã tiếp hàng nghìn lượt công dân; tiếp nhận, phân loại hàng vạn đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân về nhiều lĩnh vực; chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền và đôn đốc giải quyết được hàng nghìn vụ việc. Năm 2003, Văn phòng đã tiếp nhận, phân loại 17.163 đơn khiếu nại tố cáo của công dân về nhiều lĩnh vực. Trong đó, riêng Vụ Dân nguyện đã giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội xử lý 6.574 vụ việc; chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền đôn đốc giải quyết 2.357 vụ việc; nhận 865 công văn trả lời của các cơ quan, đạt 36,7%. Năm 2004, Văn phòng Quốc hội đã phối hợp với các cơ quan hữu quan tiếp 2.086 lượt công dân, phục vụ 6 Đoàn đại biểu Quốc hội tiếp công dân tại các kỳ họp; tiếp nhận 18.117 đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân, trong đó chuyển 8.664 đơn, thư đến Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Ban Công tác đại biểu của Uỷ ban thường vụ Quốc hội; xử lý 9.453 đơn, thư thuộc thẩm quyền (trong số này đã chuyển 1.284 đơn, thư đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, nhận được 604 văn bản trả lời, đạt 47%)[26].

 Đối với các đơn, thư gửi đến lãnh đạo Quốc hội đã được Văn phòng nghiên cứu, đề xuất ý kiến trả lời. Đặc biệt, Văn phòng đã phối hợp với các cơ quan chức năng tập trung xử lý, giải quyết được nhiều vụ việc nhạy cảm liên quan đến đất đai, nhà cửa, các trường hợp khiếu kiện đông người, phức tạp, kéo dài; đề xuất và phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát việc khiếu nại tồn đọng lâu ngày, phối hợp chặt chẽ với các Đoàn đại biểu Quốc hội và Văn phòng Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cử tri làm tài liệu để các đại biểu Quốc hội nghiên cứu, tham khảo; đôn đốc, theo dõi các bộ, ngành giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri và phục vụ Ban Dân nguyện theo dõi việc thực hiện lời hứa của người bị chất vấn… Văn phòng còn tổ chức phục vụ chu đáo các đoàn công tác của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Ban Dân nguyện của Uỷ ban thường vụ Quốc hội làm việc tại các địa phương về tình hình thi hành pháp luật và công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo.

2.6. Phục vụ hoạt động của đại biểu Quốc hội và giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân

Văn phòng đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội trong việc theo dõi, hướng dẫn hoạt động của đại biểu Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội chuyên trách; theo dõi sự biến động của đại biểu và thực hiện chế độ, chính sách đối với đại biểu Quốc hội, như chế độ tiền lương và hoạt động phí, chế độ phục vụ giúp việc cho đại biểu Quốc hội, chế độ bảo đảm phương tiện đi lại, nơi làm việc, trang thiết bị hoạt động và chế độ bảo đảm cung cấp thông tin, tài liệu.

Để giúp Ủy ban Thường vụ có cơ sở đánh giá hoạt động của Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng đã phối hợp với các địa phương tổ chức Hội nghị công tác Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội tại thành phố Hồ Chí Minh (tháng 9-2003) và thành phố Huế (tháng 7-2004). Nội dung của Hội nghị tập trung vào các vấn đề liên quan đến mô hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội; tình hình dự toán, quản lý và sử dụng kinh phí của Đoàn đại biểu Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI đến nay.

Từ kết quả của các Hội nghị nói trên, Văn phòng đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu tham mưu, phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 416/2004/NQ-UBTVQH11 ngày 25-9-2004 về việc thành lập Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội, Văn phòng phục vụ Hội đồng nhân dân ở địa phương.

Theo Nghị quyết 416, chức năng, nhiệm vụ, biên chế, tổ chức của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội được quy định cụ thể hơn. Triển khai thực hiện Nghị quyết này, ngay từ đầu năm 2005, Văn phòng đã cùng với Ban Công tác đại biểu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội theo dõi tình hình tổ chức và hoạt động của Văn phòng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội ở 37 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; cho ý kiến bổ nhiệm 23 Chánh văn phòng và 14 Phó Văn phòng. Đến nay, nhiều Văn phòng đã đi vào hoạt động và góp phần tích cực vào việc nâng cao chất lượng phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội[27].

Thực hiện chức năng tham mưu, giúp việc, Văn phòng đã phối hợp với Ban Công tác đại biểu phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội giám sát, hướng dẫn hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp và phê chuẩn các chức danh Chủ tịch, Phó Chủ tịch, ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Sau khi cuộc bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2004 - 2009 kết thúc, Văn phòng đã theo dõi sát tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân; xây dựng báo cáo định kỳ 6 tháng và cả năm; tổng hợp về tình hình tổ chức, hoạt động của Hội đồng nhân dân giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội xây dựng chương trình giám sát và hướng dẫn hoạt động đối với cơ quan này. Văn phòng còn phục vụ thành viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội tham dự kỳ họp Hội đồng nhân dân, Hội nghị Thường trực Hội đồng nhân dân khu vực và giám sát việc ban hành các Nghị quyết của Hội đồng nhân dân.

 2.7. Phục vụ công tác đối ngoại của Quốc hội

Năm 2002, Văn phòng đã phục vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội triển khai các hoạt động đối ngoại một cách chủ động, cả trong quan hệ song phương và tại các diễn đàn Nghị viện đa phương. Văn phòng đã tổ chức và phục vụ đón tiếp 68 Đoàn đại biểu Quốc hội từ 29 nước với 489 đại biểu đến thăm chính thức, làm việc, nghiên cứu khảo sát và dự 3 hội nghị quốc tế, trong đó có 12 Đoàn do Chủ tịch và Phó Chủ tịch Quốc hội các nước dẫn đầu. Đồng thời, phục vụ 59 Đoàn ra với 392 lượt đại biểu và cán bộ đi công tác, dự các hội nghị quốc tế tại 33 nước châu Á, châu Âu, châu Phi, châu Mỹ và Trung Đông. Năm 2003, Văn phòng đã trực tiếp thực hiện và phối hợp tổ chức 42 Đoàn đại biểu Quốc hội do lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban và lãnh đạo Văn phòng làm Trưởng đoàn đi thăm và làm việc tại các nước. Tổ chức phục vụ 22 đoàn đi dự Hội nghị quốc tế của các tổ chức Liên nghị viện khu vực và thế giới[28]. Để tạo cơ sở thống nhất, nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại của Quốc hội, các cơ quan Quốc hội, Văn phòng đã phục vụ Ủy ban Đối ngoại trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua Quy chế hoạt động đối ngoại.

Tại các diễn đàn Nghị viện đa phương, Văn phòng đã tích cực phục vụ để Quốc hội ta chủ động tham gia và đóng góp vào thành công chung của các hội nghị Liên nghị viện thế giới. Tháng 3-2004, Văn phòng đã phối hợp phục vụ Quốc hội tổ chức thành công Diễn đàn đối tác Nghị viện Á - Âu ASEP lần thứ ba (ASEP3) tại thành phố Huế với sự tham dự của 120 đại biểu đến từ 7 nước ASEAN và 15 nước thuộc Liên minh châu Âu (EU), cùng 3 đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Diễn đàn này được tiến hành với chủ đề hướng tới một nền thương mại quốc tế bình đẳng hơn, đồng thời thúc đẩy giao lưu và đa dạng văn hóa trong khuôn khổ đối tác Á - Âu. Tiếp đó, Văn phòng cũng đã phục vụ Quốc hội tổ chức thành công Hội nghị thường niên lần thứ 13 Diễn đàn Nghị viện các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương (APPF13) tại Quảng Ninh vào tháng 1-2005 với sự tham gia của 275 nghị viện đến từ 23 nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương; phục vụ Đoàn đại biểu Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội dẫn đầu tham dự Hội nghị toàn thế giới lần thứ II những người đứng đầu các cơ quan lập pháp các nước tổ chức tại trụ sở Đại hội đồng Liên hợp quốc ở New York (tháng 9-2005)… Ngoài ra, Văn phòng còn tổ chức các cuộc hội thảo, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phục vụ Quốc hội theo thỏa thuận giữa Văn phòng Quốc hội Việt Nam với Văn phòng Quốc hội Lào, góp phần củng cố và tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị đặc biệt giữa hai nước.

2.8. Thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Quốc hội

Công tác tham mưu, phục vụ điều hành là mảng công tác quan trọng, góp phần bảo đảm sự thành công của kỳ họp Quốc hội, phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các hoạt động khác của Quốc hội. Văn phòng đã nỗ lực phấn đấu để ngày càng nâng cao hiệu quả phục vụ. Các công việc xây dựng chương trình, chuẩn bị nội dung của kỳ họp, phiên họp được Văn phòng chủ động nghiên cứu sớm để trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Trong thời gian diễn ra các kỳ họp, phiên họp, Văn phòng đã tham mưu để Uỷ ban thường vụ Quốc hội sắp xếp, bố trí nội dung hợp lý vừa tiết kiệm được thời gian, vừa đạt hiệu quả. Các bộ phận chuyên môn của Văn phòng luôn đi sâu nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng biên tập để nâng cao chất lượng các văn bản phục vụ việc chỉ đạo, điều hành của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Việc chuẩn bị các tờ trình, báo cáo, dự thảo các bài phát biểu của lãnh đạo Quốc hội ngày càng được nâng cao về chất lượng cũng như đáp ứng kịp thời gian.

 Xuất phát từ tính đặc thù của cơ quan và nhu cầu của công tác tham mưu, giúp việc, ngày 10-10-2003, Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 418/2003/NQ-UBTVQH11 về tổng biên chế của Văn phòng Quốc hội[29]. Triển khai nghị quyết này, lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo cho các vụ, đơn vị rà soát biên chế của đơn vị mình; hoàn thiện các quy trình và thủ tục tuyển dụng, bổ nhiệm nhằm kiện toàn bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức để hoàn thành nhiệm vụ phục vụ Quốc hội. Việc tuyển dụng, điều động, bổ nhiệm cán bộ được thực hiện đúng quy trình, tiến hành thận trọng, chặt chẽ và dân chủ. Năm 2002, Văn phòng đã tiếp nhận 80 trường hợp chuyển về cơ quan làm việc, trong đó có 11 người trong biên chế và 47 người ở Nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương, Hà Nội chuyển sang. Công tác nhận xét, đánh giá cán bộ hàng năm cũng được triển khai thực hiện đồng bộ tới các vụ, đơn vị trong Văn phòng.

Căn cứ Nghị quyết số 417/2003/NQ-UBTVQH11 của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng đã ban hành Quyết định số 1758/QĐ-CNVP ngày 29-9-2005 về Quy chế làm việc của Văn phòng Quốc hội và ban hành đồng loạt các quyết định xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của các vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội. Việc ban hành các văn bản này đã hạn chế được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ và tạo ra quy trình xử lý công việc thống nhất trong Văn phòng. Bên cạnh đó, Văn phòng còn tổ chức nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện các văn bản phục vụ hoạt động của bộ máy Văn phòng như: Quy chế tuyển dụng công chức, viên chức của Văn phòng Quốc hội; Quy chế bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, từ chức, miễn nhiệm cán bộ quản lý cấp Vụ, cấp Phòng thuộc Văn phòng Quốc hội… và một số văn bản hướng dẫn khác. Cho đến nay, về cơ bản tổ chức bộ máy của Văn phòng Quốc hội đã dần ổn định, đáp ứng được yêu cầu phục vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội.

Nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, Văn phòng đã chú trọng tới công tác đào tạo, bồi dưỡng trình độ chính trị, chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức trong cơ quan, từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ. Năm 2005, đội ngũ cán bộ, công chức của Văn phòng đã có 371 người có trình độ đại học; số cán bộ chuyên viên có trình độ đại học và trên đại học ngành luật là 136 người, trong đó có 103 cử nhân luật, 28 thạc sĩ và 5 tiến sĩ luật[30].

Công tác bảo đảm kinh phí hoạt động và các điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật được Văn phòng thực hiện chu đáo. Căn cứ vào các hoạt động cụ thể của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng đã tham mưu phục vụ Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo và tổ chức thực hiện kinh phí hoạt động hàng năm của Quốc hội như: lập dự toán kinh phí hoạt động của Quốc hội trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến và trình Quốc hội xem xét, quyết định; tham mưu, giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội giao dự toán và phân bổ kinh phí hoạt động cho các cơ quan của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội và các Đoàn đại biểu Quốc hội; bảo đảm kinh phí phục vụ các kỳ họp Quốc hội, các hoạt động đối ngoại và các công tác khác. Năm 2004 là năm đầu thực hiện Luật Ngân sách nhà nước mới nên việc phân bổ, giao dự toán và phương thức bảo đảm kinh phí có nhiều thay đổi so với trước, Văn phòng đã chỉ đạo triển khai thực hiện đúng tiến độ và bảo đảm đúng quy định của pháp luật.

Công tác quản lý, chi tiêu tài chính luôn được Văn phòng quan tâm. Ngày 15-6-2004, Văn phòng đã soạn thảo, trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội ban hành Nghị quyết số 702/2004/NQ-UBTVQH11 quy định tạm thời về một số chế độ, định mức chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội. Việc ban hành Nghị quyết 702 và các văn bản hướng dẫn thực hiện chế độ định mức chi tiêu hội nghị, công tác phí, mua sắm tài sản, nghiên cứu khoa học… là tiến bộ đáng kể trong việc quản lý chi tiêu tài chính phục vụ hoạt động của Quốc hội.

Để việc sử dụng kinh phí thiết thực, hiệu quả, Văn phòng đã tăng cường công tác kiểm tra, công khai tài chính và tổ chức các đoàn đi kiểm tra quyết toán kinh phí hoạt động của các đơn vị trong Văn phòng Quốc hội và một số Đoàn đại biểu Quốc hội.

Công tác phục vụ, bảo đảm các điều kiện vật chất cho các hoạt động của Quốc hội cũng từng bước được cải tiến. Việc phục vụ đi lại, ăn nghỉ và điều kiện làm việc cho các đại biểu Quốc hội, nhất là đại biểu Quốc hội chuyên trách ngày càng được cải thiện. Năm 2005, nhu cầu phục vụ đi lại bằng ôtô ngày càng tăng nhưng do số lượng xe có hạn, Văn phòng đã chủ động và sử dụng hợp lý số xe hiện có để phục vụ tốt các kỳ họp Quốc hội; hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; đón các đoàn đến, các đoàn đi công tác trong nước và đưa đón cán bộ lãnh đạo hàng ngày bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và phương tiện. Đoàn xe của Văn phòng đã bước đầu thực hiện một số biện pháp quản lý xăng xe như lập sổ nhật trình xe, thông báo số lượng xăng tiêu thụ trong tháng cho người sử dụng xe và lãnh đạo Văn phòng. Công tác bảo dưỡng, sửa chữa trụ sở làm việc, mua sắm trang thiết bị kỹ thuật, điện nước, bố trí phòng họp, lễ tân, y tế và vệ sinh phòng dịch… cũng được duy trì thường xuyên.

Năm 2003, Văn phòng đã hoàn thành việc di chuyển và mở rộng địa điểm làm việc ở 37 Hùng Vương, Hà Nội. Sau khi tiếp nhận bàn giao một bộ phận ở Nhà khách Chính phủ 37 Hùng Vương, Hà Nội, Văn phòng đã tiến hành sửa chữa, bố trí trang thiết bị cho phù hợp với yêu cầu của nhà làm việc. Tuy thời gian gấp nhưng việc tổ chức thi công đã bảo đảm chất lượng, đúng tiến độ và được đưa vào sử dụng theo yêu cầu của lãnh đạo Quốc hội. Cùng với việc ổn định chỗ làm việc tại 37 Hùng Vương, Hà Nội, Văn phòng đã tiến hành sắp xếp, bố trí lại, mua sắm trang thiết bị và ổn định chỗ làm việc tại 35 Ngô Quyền, Hà Nội. Thời gian này, việc giải phóng mặt bằng trong khu vực nhà công vụ Hoàng Cầu, Hà Nội, việc xây dựng nhà làm việc của Văn phòng tại 194 Hoàng Văn Thụ, thành phố Hồ Chí Minh cũng được triển khai, thực hiện, đáp ứng yêu cầu mở rộng diện tích làm việc của Văn phòng và sắp xếp chỗ ở cho đại biểu Quốc hội chuyên trách ở Trung ương.

Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI do số lượng đại biểu tăng hơn so với Quốc hội khóa X, nên công tác sửa chữa, nâng cấp Hội trường Ba Đình cũng được tiến hành đối với một số hạng mục như hệ thống điều hòa trung tâm, bổ sung bàn ghế, hệ thống biểu quyết, micro, camera, âm thanh, video màn hình lớn… Tập thể cán bộ, nhân viên của Ban quản lý Hội trường Ba Đình đã phối hợp với các vụ, đơn vị hữu quan theo dõi, giám sát và quản lý chặt chẽ công việc này. Năm 2004, để kịp phục vụ Hội nghị Diễn đàn hợp tác Á-Âu lần thứ 5 (ASEM-5), Văn phòng đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ cải tạo lại một số nội thất và trang thiết bị ở Hội trường Ba Đình; năm 2006, Văn phòng tiếp tục phối hợp với Ban Tài chính Quản trị Trung ương cải tạo tổng thể Hội trường Ba Đình nhằm phục vụ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng. Nhìn chung, công tác bảo đảm về cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ các hoạt động của Quốc hội khóa XI đã được thực hiện chu đáo, tiết kiệm và hiệu quả.

Để làm tốt công tác thông tin, báo chí, nghiên cứu khoa học và thực hiện các dự án quốc tế, Văn phòng tiếp tục duy trì việc ghi âm, gỡ băng tại các kỳ họp Quốc hội, phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách; thường xuyên cập nhật cơ sở dữ liệu luật và đưa thông tin lên mạng nội bộ, phục vụ nhu cầu tìm hiểu của các đối tượng nghiên cứu; cung cấp thông tin về hoạt động của Quốc hội trên mạng Intranet và Internet, xuất bản đĩa CD-ROM, cung cấp cho các đại biểu Quốc hội, các vụ, đơn vị trong Văn phòng và góp phần tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong nhân dân.

Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2004, Văn phòng đã tổ chức ghi âm, gỡ băng và tổng hợp được 6.590 trang văn bản gốc, nhân thành 514.000 trang văn bản tài liệu. Duy trì và cập nhật hơn 1.000 văn bản dữ liệu, nâng tổng số cơ sở dữ liệu Việt Nam lên gần 16.800 văn bản; tổ chức 2 đợt in đĩa CD-ROM về cơ sở dữ liệu luật để phục vụ cho đại biểu Quốc hội và các vụ, đơn vị trong Văn phòng. Văn phòng còn triển khai rộng rãi việc sử dụng phần mềm văn phòng điện tử nhằm khắc phục hạn chế do địa bàn làm việc phân tán của các vụ, đơn vị, nâng cao tốc độ tiếp nhận, xử lý thông tin phục vụ hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

Trên cơ sở kinh nghiệm hoạt động của nhiệm kỳ Quốc hội khóa IX và khóa X, công tác thông tin, nghiên cứu phục vụ đại biểu Quốc hội đã đi vào nền nếp, hình thành các quy trình tổ chức và giữ mối liên hệ mật thiết với các đại biểu Quốc hội. Hiện nay, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học được giao thực hiện nhiệm vụ này đã và đang xây dựng một loạt các dịch vụ thông tin nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của đại biểu Quốc hội; nâng cao chất lượng phục vụ hình ảnh hoạt động của Quốc hội; tổ chức các cuộc điều tra dư luận xã hội về kỳ họp của Quốc hội và một số dự án luật; triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học và từng bước ứng dụng vào thực tế; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu về Quốc hội; tổ chức việc sưu tầm, bảo quản các hiện vật lịch sử về Quốc hội. Năm 2004, Văn phòng đã hoàn thành việc xuất bản cuốn Lịch sử Quốc hội Việt Nam giai đoạn 1960 - 1976 và tiếp tục nghiên cứu, biên soạn Lịch sử Quốc hội Việt Nam giai đoạn 1976 - 1992.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa I (ngày 6-1-1946 - ngày 6-1-2006), Văn phòng đã phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền sâu rộng về quá trình hoạt động và đổi mới của Quốc hội. Với tinh thần thiết thực, an toàn, tiết kiệm, không phô trương hình thức, Văn phòng đã triển khai nhiều hoạt động có chiều sâu như: tổ chức mít tinh cấp Nhà nước với sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, một số đoàn ngoại giao và khách quốc tế; tổ chức gặp gỡ các thế hệ đại biểu Quốc hội; tổ chức hai Hội thảo khoa học ở Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; phối hợp với Xưởng phim Tài liệu khoa học Trung ương xây dựng hai tập phim tư liệu về Quốc hội Việt Nam; phối hợp với Nhà xuất bản Thông tấn xuất bản tập sách ảnh 60 năm Quốc hội Việt Nam; phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia xuất bản cuốn sách 60 năm Quốc hội Việt Nam và cuốn kỷ yếu Hội thảo Quốc hội Việt Nam 60 năm hình thành và phát triển; phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh, Bảo tàng Cách mạng, Thư viện Quốc gia tổ chức triển lãm “Quốc hội Việt Nam 60 năm hình thành và phát triển”; tổ chức biên soạn tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền…

Với khoảng 30.000 đầu sách, chủ yếu là sách pháp luật, Thư viện Văn phòng Quốc hội đã phục vụ trên 1.600 lượt người đọc trong năm; cập nhật trên 8.000 tư liệu mới vào các cơ sở dữ liệu thư viện điện tử và trên 35.000 tin từ Bản tin A của Bộ Ngoại giao và các bản tin tham khảo của Thông tấn xã Việt Nam trên trang Intranet của Văn phòng.

Văn phòng đã phối hợp chặt chẽ với Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương, Cục Báo chí, Bộ Văn hóa - Thông tin và Bộ Ngoại giao để tổ chức, xây dựng các chuyên đề, chuyên mục về các nội dung quan trọng của kỳ họp Quốc hội và các phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Năm 2005, công tác báo chí phục vụ kỳ họp đã có cải tiến, lần đầu tiên các tài liệu về kỳ họp được cung cấp cho phóng viên báo chí qua mạng nội bộ của Văn phòng; tổ chức phòng trả lời phỏng vấn của đại biểu Quốc hội tại Hội trường Ba Đình… Kết quả là công tác thông tin phục vụ tuyên truyền về kỳ họp được triển khai nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả.

Việc triển khai thực hiện các chương trình của dự án quốc tế cũng đạt được kết quả như tiến hành quản lý và thực hiện các dự án của Chính phủ Đan Mạch (DANIDA), dự án của Chính phủ Thụy Sĩ và Chính phủ Canađa đồng tài trợ (VIE/02/07), dự án của Chính phủ Thụy Điển (SIDA)… Hoạt động của các dự án đã tập trung vào nhiều lĩnh vực như bồi dưỡng kỹ năng hoạt động lập pháp và giám sát của Quốc hội, đào tạo ngoại ngữ cho đại biểu Quốc hội và cán bộ Văn phòng Quốc hội; mua sắm trang thiết bị máy tính cho Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội ở 64 tỉnh, thành phố và các vụ, đơn vị thuộc Văn phòng Quốc hội…

Nhằm góp phần phản ánh một cách khách quan, trung thực quá trình tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Văn phòng đã tham mưu giúp Uỷ ban thường vụ Quốc hội ra Nghị quyết số 732/NQ-UBTVQH11 ngày 6-10-2004 về việc xuất bản Văn kiện Quốc hội toàn tập. Công tác biên soạn bộ sách Văn kiện Quốc hội toàn tập được tích cực triển khai, thông qua các bước sưu tầm, nghiên cứu, phân loại văn bản, tài liệu và đến cuối năm 2005, bản thảo tập 1 (1946-1960) được hoàn chỉnh và được Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng xuất bản duyệt, kịp xuất bản tại Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vào dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống của Văn phòng Quốc hội (2-3-1946 - 2-3-2006).                          

Báo Người đại biểu nhân dân thường xuyên cung cấp thông tin về các sự kiện chính trị của đất nước và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp. Năm 2005, báo đã tăng kỳ xuất bản từ 4 kỳ lên 6 kỳ/tuần và ngày 1-1-2006 được nâng cấp thành nhật báo Người đại biểu nhân dân. Báo được in ở hai địa điểm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và phát hành hàng ngày tới các địa phương trong toàn quốc.

Tạp chí Nghiên cứu lập pháp đã bám sát chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Tạp chí đã xuất bản 12 số định kỳ trong năm, và 1 số chuyên đề tiếng Việt, 1 số chuyên đề tiếng Anh. Nội dung các bài viết ngày càng phong phú, cung cấp một số vấn đề lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công tác lập pháp, giám sát. Từ tháng 7-2005, Tạp chí ra số đặc san hàng tháng Hiến kế lập pháp bổ sung cho số thường kỳ hiện nay của tạp chí, hình thức và cách thể hiện của đặc san dễ đọc và thuận tiện cho người tham gia viết bài.

Các ấn phẩm Kỷ yếu kỳ họp Quốc hội, Kỷ yếu phiên họp Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Tin hoạt động Quốc hội, Báo cáo tuần của Văn phòng đã được xuất bản kịp thời, bảo đảm chất lượng, phục vụ nhu cầu thông tin và nghiên cứu của đại biểu Quốc hội và cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội.

Công tác hành chính, văn thư đã phục vụ kịp thời các yêu cầu công tác của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Để nâng cao chất lượng phục vụ, Văn phòng đã cải tiến cách thức làm việc, bảo đảm quy trình tiếp nhận công văn, tài liệu. Trung bình mỗi năm, Văn phòng đã gửi và tiếp nhận hàng vạn bì công văn đi, đến, cung cấp hàng trăm đầu báo, bản tin đúng đối tượng; phân loại hàng nghìn trang tài liệu. Kho lưu trữ hồ sơ, tài liệu được bảo quản an toàn và ngày càng phát huy tác dụng phục vụ công tác nghiên cứu của đại biểu Quốc hội và cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội. Năm 2003, Văn phòng đã tổ chức Hội nghị về công tác văn thư, lưu trữ, qua đó tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong công tác phục vụ.

2.9. Về xây dựng mối quan hệ công tác với các cơ quan hữu quan

 Văn phòng Quốc hội là cơ quan duy nhất giúp việc Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội nên có mối quan hệ rộng rãi với các cơ quan hữu quan trong việc tổ chức phục vụ các hoạt động của Quốc hội, nhất là phục vụ các kỳ họp Quốc hội và các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội. Văn phòng đã duy trì sự phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước và các cơ quan hữu quan từ việc xây dựng chương trình làm việc, chuẩn bị các nội dung trong chương trình đến việc bảo đảm công tác an ninh, thông tin tuyên truyền về các hoạt động của Quốc hội và lãnh đạo Quốc hội. Sự phối hợp ngày càng được tăng cường và mở rộng, cụ thể như năm 2003, Văn phòng đã cùng với Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xây dựng Quy chế phối hợp công tác giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; năm 2004, xây dựng Nghị quyết liên tịch hướng dẫn đại biểu Quốc hội tiếp xúc cử tri. Văn phòng cũng đã chủ động phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức phục vụ các Hội nghị toàn quốc về tổ chức và hoạt động của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (tháng 3-2003); tổ chức Hội nghị triển khai và tập huấn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp khóa 2004 - 2009 (tháng 1-2004); tham mưu phục vụ các buổi làm việc của lãnh đạo Quốc hội với Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội; các cuộc làm việc của Chủ tịch Quốc hội với Chủ tịch nước, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Tư pháp… Văn phòng còn phối hợp chặt chẽ với Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của Quốc hội, Trưởng các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội về một số mặt công tác có liên quan đến các vụ phục vụ các cơ quan này như vấn đề bổ nhiệm cán bộ cấp vụ, vấn đề tài chính, tuyển dụng cán bộ… Tuy nhiên, hạn chế của Văn phòng trong lĩnh vực này là vẫn chưa chủ động trong việc tham mưu, đề xuất việc ban hành các Quy định về mối quan hệ phối hợp giữa Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Điều đó đã làm cho hiệu quả của công tác chỉ đạo, điều hòa, phối hợp giữa Uỷ ban thường vụ Quốc hội đối với Hội đồng và các Ủy ban chưa cao.

Mặc dù trong điều kiện hoạt động của cơ quan phân tán tại nhiều địa điểm, nhưng Văn phòng đã phối hợp chặt chẽ với lực lượng công an, quân đội, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hoạt động của cơ quan, các kỳ họp của Quốc hội, các phiên họp của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, các hội nghị quốc gia, quốc tế do Quốc hội tổ chức; kịp thời giải tỏa, xử lý các trường hợp khiếu kiện phức tạp, đông người tại Trụ sở tiếp dân ở số 1 Mai Xuân Thưởng, Hà Nội; duy trì chế độ kiểm tra, bảo dưỡng các phương tiện kỹ thuật phục vụ công tác bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy; chú trọng công tác bồi dưỡng, nâng cao trình độ công tác bảo vệ và các kiến thức liên quan. Tháng 5-2006, đội dân quân tự vệ của Văn phòng được thành lập trên cơ sở Pháp lệnh Dân quân tự vệ để làm nòng cốt trong việc bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn cơ quan.

2.10. Phục vụ công tác của Quốc hội ở khu vực phía Nam

 Vụ công tác phía Nam đã phục vụ các hoạt động của lãnh đạo Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội tại các tỉnh, thành phố phía Nam; thực hiện việc tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý đơn, thư khiếu nại, tố cáo; theo dõi, đôn đốc các cơ quan hữu quan giải quyết kiến nghị của cử tri. Năm 2004, Vụ đã tiến hành cải tạo nhà làm việc tại số 54 - 56 đường Nguyễn Văn Trỗi, thành phố Hồ Chí Minh thành Nhà khách của Văn phòng Quốc hội và chuẩn bị các thủ tục cho việc xây dựng mới Nhà khách 165 đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Hồ Chí Minh. Lãnh đạo Vụ luôn quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, nhân viên trong đơn vị. Với tinh thần đoàn kết, ý thức tự giác trong công việc, Vụ công tác phía Nam luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 
Tổ Văn thư Vụ Hành chính phục vụ tài liệu cho đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khoá IX (tháng 6-1994)   Cán bộ, nhân viên Văn phòng phục vụ công tác lập pháp tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khoá IX (tháng 9-1992)
     
     
Bộ phận đánh máy, in tài liệu phục vụ kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá IX (tháng 6-1993)   Cán bộ, nhân viên bộ phận máy vi tính phục vụ kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá IX (tháng 3-1995)
 
Văn phòng Quốc hội phục vụ họp báo quốc tế tuyên truyền về  kỳ họp Quốc hội (tháng 9-1997)   Dịch vụ thông tin “Hỏi-Đáp”, Trung tâm Thông tin, Thư viện và Nghiên cứu khoa học phục vụ kỳ họp thứ 10, Quốc hội khoá X (tháng 11-2001)
     
     
Hội nghị tập huấn Tài chính - Kế toán do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại các tỉnh phía Nam (thành phố Hồ Chí Minh, ngày 24 và 25-8-2006)   Hội nghị giới thiệu Website “Lấy ý kiến nhân dân về dự án luật, pháp lệnh” do Văn phòng Quốc hội tổ chức tại Hà Nội, tháng 12-2006
     
 
Đại hội Đại biểu Đảng bộ Văn phòng Quốc hội khoá XI thảo luận dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đảng lần thứ X và bầu đại biểu tham dự Đại hội Đảng bộ Khối I cơ quan Trung ương (ngày 1-10-2005)   Các đại biểu Quốc hội cùng với cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do cơn bão số 9 gây ra (Lễ quyên góp do Công đoàn Văn phòng Quốc hội tổ chức ngày 7-12-2006)
 
Đoàn thanh niên cơ quan Văn phòng Quốc hội biểu diễn văn nghệ chào mừng Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội (ngày 2-3-1946 - 2-3-2006)   Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa trao tặng Huân chương Sao vàng cho tập thể cán bộ, nhân viên Văn phòng Quốc hội nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội (từ trái qua phải: ông Nguyễn Sĩ Dũng, ông Lê Quang Vũ, ông Nguyễn Đức Hiền, ông Trần Ngọc Đường, ông Lê Trang, ông Vũ  Mão, ông Bùi Ngọc Thanh, bà Trương Mỹ Hoa, ông Nguyễn Đình Lộc, ông Nguyễn Duy Anh, ông Phạm Thanh Sơn, ông Trần Ngọc Hùng, ông Trần Quốc Thuận)
     
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An phát biểu tại buổi lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội   Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Ngọc Thanh phát biểu tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội và đón nhận Huân chương Sao vàng
 
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An, Phó chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa,
Phó chủ tịch Quốc hội Trương Quang Được với các thế hệ cán bộ
Văn phòng Quốc hội tại Lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Truyền thống
Văn phòng Quốc hội và đón nhận Huân chương Sao vàng
     

3. Hoạt động của tổ chức Đảng và các tổ chức đoàn thể

Đảng bộ Văn phòng Quốc hội đã lấy việc lãnh đạo cán bộ đảng viên phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của cơ quan là trọng tâm công tác của Đảng bộ. Từ việc xác định mục tiêu trên, Đảng bộ đã tập trung làm tốt công tác giáo dục chính trị tư tưởng, tổ chức học tập các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, của Đảng ủy Khối I cơ quan Trung ương, nhất là Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng.

Với 26 Chi bộ và trên 400 đảng viên, Đảng bộ cơ quan Văn phòng Quốc hội đã và đang phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo, Đảng ủy đã chỉ đạo các Chi bộ tiến hành tốt công tác xây dựng và phát triển Đảng theo tinh thần chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng, triển khai nghị quyết của Đảng bộ về công tác xây dựng và phát triển Đảng, chú trọng nội dung và đảm bảo thời gian sinh hoạt Chi bộ theo Điều lệ Đảng và quy định của Đảng uỷ Khối I các cơ quan Trung ương. Đảng uỷ Văn phòng Quốc hội đã kết hợp chặt chẽ với lãnh đạo chính quyền tiến hành đánh giá, rà soát lại các nội quy, quy chế của cơ quan để sửa đổi, bổ sung và ban hành các nội quy, quy chế mới làm cơ sở cho các hoạt động của cơ quan đi vào nền nếp, phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện mới. Ban Chấp hành Đảng uỷ thường xuyên cho ý kiến chỉ đạo đối với Công đoàn, Đoàn Thanh niên hoạt động có hiệu quả. Đảng bộ đã có nhiều cố gắng trong việc lãnh đạo công tác xây dựng Đảng, Chi bộ trong sạch, vững mạnh.

Căn cứ vào các hướng dẫn của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Đảng uỷ Khối I, hàng năm các Chi bộ trong Đảng bộ đều tiến hành kiểm điểm, đánh giá, phân loại Chi bộ, phân loại đảng viên một cách dân chủ, công bằng. Kết quả, từ năm 2002 đến năm 2006 Đảng bộ Văn phòng Quốc hội liên tục được Đảng uỷ Khối I công nhận đạt tiêu chuẩn trong sạch, vững mạnh, liên tục được tặng bằng khen.

Được sự quan tâm của Đảng uỷ Văn phòng Quốc hội và Công đoàn cấp trên, tổ chức Công đoàn Văn phòng Quốc hội đã không ngừng phát triển. Tháng 8-2004, Công đoàn Văn phòng đã tổ chức Đại hội lần thứ VI, bà Nguyễn Thị Thảo, Vụ trưởng Vụ Hành chính được Đại hội bầu làm Chủ tịch Công đoàn. Với đặc điểm là tổ chức Công đoàn cơ sở gồm 27 Công đoàn bộ phận có chức năng, nhiệm vụ chuyên môn khác nhau, nhưng Ban Chấp hành Công đoàn đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền và các đoàn thể vận động đoàn viên tích cực hưởng ứng phong trào thi đua lao động giỏi; động viên cán bộ, công nhân viên trên mọi cương vị công tác của mình phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn. Công đoàn đã quan tâm tới việc bảo đảm các chế độ, chính sách và quyền lợi cho cán bộ, nhân viên. Với truyền thống “uống nước, nhớ nguồn”, “lá lành đùm lá rách”, “tương thân, tương ái”, Công đoàn Văn phòng đã tổ chức và triển khai nhiều hoạt động thiết thực như: Nuôi dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng, giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thăm và tặng quà các cơ sở thương binh, gia đình liệt sĩ, tham gia Quỹ vì người nghèo…

Cùng với Đoàn Thanh niên, Công đoàn đã chủ trì tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao của cơ quan. Ban Nữ công của Công đoàn đã triển khai được nhiều hoạt động tích cực trong các phong trào “giỏi việc nước, đảm việc nhà”, “nuôi con khỏe, dạy con ngoan”… Năm 2005, để giúp đỡ những chị em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, Ban Nữ công đã tổ chức vận động xây dựng Quỹ tương thân tương ái được đông đảo các công đoàn viên hưởng ứng.

Chi hội Luật gia, Chi hội Nhà báo của cơ quan cũng có nhiều hoạt động hữu ích. Các tổ chức này đã phối hợp với chính quyền trong việc tuyên truyền đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và thúc đẩy các hoạt động chuyên môn trong cơ quan.

Với những cố gắng trong hoạt động của mình, Công đoàn Văn phòng Quốc hội nhiều năm đạt danh hiệu Công đoàn vững mạnh, được tặng Cờ thi đua và nhiều bằng khen của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Công đoàn viên chức Việt Nam. Nhiều cán bộ, đoàn viên được tặng Huy chương Vì sự nghiệp xây dựng tổ chức Công đoàn.

Đoàn viên thanh niên cơ quan Văn phòng Quốc hội luôn nêu cao vai trò xung kích trong các phong trào do Đoàn Thanh niên Khối I cơ quan Trung ương hoặc Công đoàn cơ quan phát động. Từ một Chi đoàn với số lượng vài chục đoàn viên, trong những năm đầu thập kỷ 90 của thế kỷ XX, đến nay Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội đã lớn mạnh gồm 9 Chi đoàn với tổng số 265 đoàn viên trong đó có 39 đảng viên tham gia sinh hoạt Đoàn. Tháng 8-2003, Đại hội Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội lần thứ nhất đã bầu Ban Chấp hành gồm 9 người do đồng chí Phạm Lê Hằng làm Bí thư. Tháng 11-2006, Đại hội Đoàn Thanh niên Văn phòng lần thứ II đã bầu Ban Chấp hành gồm 11 người do đồng chí Nguyễn Minh Sơn làm Bí thư. Được sự lãnh đạo của Đảng ủy Văn phòng Quốc hội và Ban Chấp hành Đoàn cấp trên, sự quan tâm tạo điều kiện về mọi mặt của lãnh đạo Văn phòng, lãnh đạo các vụ, cục, đơn vị trong Văn phòng, sự phối hợp chặt chẽ của Ban Chấp hành Công đoàn cơ quan, trong những năm qua, Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội đã chủ động tổ chức được nhiều hoạt động, thu hút đông đảo đoàn viên thanh niên tham gia như các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu với các cơ sở Đoàn bạn. Thông qua các hoạt động này, đoàn viên thanh niên Văn phòng Quốc hội đã góp phần tuyên truyền về Quốc hội và các hoạt động của Quốc hội. Đoàn còn chủ động tham gia các cuộc thi tìm hiểu nhân dịp các ngày lễ lớn để giúp các đoàn viên thanh niên hiểu thêm về lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng và của nhân dân qua các thời kỳ chiến đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đa số đoàn viên thanh niên đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao, luôn thể hiện sự năng động, có ý thức cầu tiến, ham học hỏi và xung kích trong các phong trào thi đua của cơ quan, nhiều đoàn viên đã trưởng thành và giữ những cương vị lãnh đạo mới. Trong 3 năm liên tục (2002, 2003, 2004), Đoàn Thanh niên Văn phòng Quốc hội được tặng Bằng khen của Trung ương Đoàn. Năm 2005, Đoàn Thanh niên Văn phòng đã được Trung ương Đoàn tặng Cờ thi đua, ghi nhận một quá trình phấn đấu không ngừng của tập thể đoàn viên thanh niên Văn phòng Quốc hội.

 

*
*     *

 

Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được của các nhiệm kỳ trước, trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, luôn bám sát và thực hiện nghiêm túc công tác tham mưu, phục vụ Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội và các đại biểu Quốc hội. Do có sự điều chỉnh về mặt quản lý và điều hành công việc chuyên môn của các vụ trực tiếp phục vụ các cơ quan của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, vì vậy, Văn phòng phải có sự linh hoạt trong chỉ đạo, điều hành công việc, tăng cường sự phối hợp giữa các vụ, đơn vị nhằm tạo ra sức mạnh tổng thể trong công tác tham mưu phục vụ Quốc hội. Văn phòng đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, tham mưu trong việc cải tiến phương thức làm việc của Quốc hội; chú trọng công tác kiện toàn đội ngũ cán bộ, công chức; phát huy vai trò của từng cá nhân, đơn vị và kịp thời động viên tinh thần, trách nhiệm của cán bộ, nhân viên toàn cơ quan. Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XI, khối lượng công việc tăng lên đáng kể, lãnh đạo Văn phòng đã chỉ đạo xây dựng, ban hành nhiều văn bản về quy trình, tổ chức công việc như: Quy chế làm việc của Văn phòng và các quyết định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các vụ, đơn vị trong Văn phòng. Do có sự chỉ đạo chặt chẽ, nêu cao tinh thần trách nhiệm và một phần nhờ việc áp dụng hệ thống văn bản thống nhất, thông suốt nên Văn phòng Quốc hội đã hoàn thành chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tham mưu, giúp việc Quốc hội. Văn phòng luôn làm tốt nhiệm vụ của mình là do tập thể lãnh đạo, cán bộ, công chức Văn phòng luôn quán triệt sâu sắc đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước; duy trì mối quan hệ công tác giữa Văn phòng Quốc hội với các Văn phòng Trung ương và các cơ quan hữu quan trong việc phục vụ hoạt động của Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Đặc biệt, sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể đã góp phần tạo động lực thúc đẩy Văn phòng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị của mình.


 

[1] Luật Tổ chức Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa VIII, ngày 15-4-1992, tại Điều 79 quy định: “Uỷ ban thường vụ Quốc hội tổ chức bộ máy giúp việc của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội. Tổ chức, nhiệm vụ của các cơ quan này do Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định”.

[2] Xem Phụ lục.

[3] Thông báo số 155VP/CN ngày 18-2-1995 về việc phân công công tác của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Hồ sơ lưu trữ Văn phòng Quốc hội.

[4] Tổ Chuyên viên kinh tế được thành lập theo Quyết định số 108QĐ/HĐNN8 ngày 25-5-1991 của Tổng Thư ký Hội đồng Nhà nước để phục vụ Ủy ban Kinh tế, Kế hoạch và Ngân sách của Quốc hội - Hồ sơ lưu trữ Văn phòng Quốc hội.

[5] Căn cứ vào Luật Tổ chức Quốc hội năm 1992, tại kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX đã quyết định thành lập Ủy ban Quốc phòng và An ninh, theo đó Vụ chuyên môn với chức năng tham mưu, giúp việc cho Ủy ban này cũng được thành lập.

[6] Năm 1992, có đại diện của Ủy ban Về các vấn đề xã hội; Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội. Năm 1994 có thêm đại diện của Ủy ban Quốc phòng và An ninh; Ủy ban Đối ngoại; Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

[7] Theo Báo cáo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện tổ chức, bộ máy phục vụ Quốc hội” - Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, tháng 7-2005.

[8] Báo cáo tổng kết năm 2001 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2002 của Văn phòng Quốc hội. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[9] Báo cáo tổng kết công tác năm 1997 và Báo cáo tổng kết công tác năm 2001 của Văn phòng Quốc hội. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[10] Theo Báo cáo kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa X, số 307BC/HĐBC ngày 28-7-1997. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[11] Báo cáo tổng kết công tác năm 2000 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2001 của Văn phòng Quốc hội, tr. 5.

[12] Báo cáo tổng kết công tác năm 1999 của Văn phòng Quốc hội, số 337VP/CN ngày 2-3-2000. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[13] Ban Công tác đại biểu được thành lập theo Nghị quyết số 368/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003.

[14] Ban Công tác lập pháp được thành lập theo Nghị quyết số 369/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003.

[15] Ban Dân nguyện được thành lập theo Nghị quyết số 370/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 17-3-2003.

[16] Xem Phụ lục.

[17] Ông Bùi Ngọc Thanh sinh năm 1944, quê xã Quảng Ngọc, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, tham gia cách mạng từ tháng 8-1959, vào Đảng Cộng sản Việt Nam tháng 5-1971, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, đại biểu Quốc hội các khóa IX, X, và XI, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khoá IX, X; ủy viên Uỷ ban thường vụ Quốc hội khoá XI; Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Trưởng Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội khóa XI.

[18] Thông báo số 2038VP/CN ngày 10-11-2005 về việc phân công công tác của lãnh đạo Văn phòng Quốc hội. Hồ sơ lưu trữ Văn phòng Quốc hội.

[19] Xem “Văn bản về công tác tổ chức, cán bộ của Văn phòng Quốc hội”, Hà Nội, tháng 6-2006. Lưu Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội.

[20] Cục Quản trị được đổi tên từ Vụ Quản trị theo Nghị quyết số 422NQ/UBTVQH11 ngày 28-10-2003. Cục Quản trị có con dấu riêng theo quy định của pháp luật, quản lý đơn vị dự toán cấp 3, được đăng ký tài khoản tại Kho bạc Nhà nước.

[21] Theo Nghị quyết số 1001/2006/NQ-UBTVQH11, biên chế hành chính của Văn phòng Quốc hội năm 2005 - 2006 là 467 người, trong đó biên chế thuộc các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội là 232 người, biên chế thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung là 235 người. Hiện nay (tính đến tháng 8-2006), tổng số cán bộ, công chức là 640 người (trong đó biên chế là 516 người, hợp đồng dài hạn là 124 người, hợp đồng khoán gọn là 31 người).

[22] Theo Báo cáo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện tổ chức, bộ máy phục vụ Quốc hội” - Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, tháng 7-2005.

[23] Theo Báo cáo tổng kết của Văn phòng Quốc hội năm 2003, Văn phòng đã phục vụ 43 cuộc giám sát của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội ở địa phương, cơ sở; phục vụ Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Hội đồng bầu cử Trung ương tổ chức 32 đoàn giám sát về công tác bầu cử đại biểu Quốc hội ở 63 tỉnh, thành phố; đồng thời tổ chức và phục vụ 37 lượt các cơ quan của Quốc hội nghe các cơ quan hữu quan báo cáo…

[24] Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ tư (tháng 11-2003) đã ra Nghị quyết về việc chia tách tỉnh, nâng số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lên thành 64.

[25] Theo Báo cáo số 285BC/HĐBC ngày 17-7-2002 về kết quả bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XI nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[26] Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2003 và 2004 của Văn phòng Quốc hội. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[27] Theo Báo cáo số 202/BCTĐB ngày 21-12-2004 của Ban Công tác đại biểu về “Tình hình tổ chức, hoạt động của Ban Công tác đại biểu từ ngày thành lập và phương hướng, nhiệm vụ năm 2005”. Hồ sơ lưu trữ, Văn phòng Quốc hội.

[28] Theo Báo cáo tổng kết công tác năm 2002 và 2003 của Văn phòng Quốc hội, Hồ sơ lưu trữ Văn phòng Quốc hội.

[29] Theo Nghị quyết 418/2003/NQ-UBTVQH11 ngày 10-10-2003, tổng biên chế của Văn phòng Quốc hội năm 2003 là 480 người, trong đó biên chế thuộc các vụ trực tiếp giúp việc Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và các Ban của Uỷ ban thường vụ Quốc hội là 187 người, biên chế thuộc các vụ, đơn vị phục vụ chung là 239 người.

[30] Theo Báo cáo khoa học “Xây dựng và hoàn thiện tổ chức, bộ máy phục vụ Quốc hội” - Vụ Tổ chức - Cán bộ, Văn phòng Quốc hội, Hà Nội, tháng 7-2005.