Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên làm việc tại Kiên Giang

12/08/2010

Ngày 11.8, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên và Đoàn công tác của UBTVQH đã làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Kiên Giang về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH; tình hình đầu tư và thực hiện các dự án trọng điểm sử dụng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước trên địa bàn và việc thực hiện các chính sách về nông nghiệp, nông thôn và nông dân.

Báo cáo với Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Mai An Nhịn cho biết: bảy tháng đầu năm nay, tình hình KT-XH của tỉnh tiếp tục ổn định và tăng trưởng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 10,56%, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4,5% (thấp hơn so với tỷ lệ hộ nghèo chung của cả nước). Tỉnh đã tích cực thực hiện các chính sách về nông nghiệp, góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho việc huy động các nguồn lực đầu tư phát triển nông nghiệp – nông thôn, tạo bước phát triển mới trong nông nghiệp - nông thôn; đời sống vật chất và tinh thần của nông dân được nâng lên. Tuy nhiên, một số chỉ tiêu KT-XH đạt thấp so với kế hoạch; tiến độ thực hiện các dự án đầu tư ngoài ngân sách còn chậm; nguồn vốn tín dụng gặp khó khăn... Kiên Giang đề nghị: có cơ chế hỗ trợ nông dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh cũng như hỗ trợ về kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp; có chính sách thiết thực hơn hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản và có cơ chế hỗ trợ thu hút vốn đầu tư; có chính sách phát triển hệ thống điện phục vụ sản xuất nông nghiệp-nông thôn và nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông vận tải...

 

Đoàn công tác ghi nhận các kiến nghị của Kiên Giang, nhất là đề xuất về hỗ trợ và bổ sung vốn đầu tư cho địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đồng bằng sông Cửu Long. Đoàn công tác đề nghị, Kiên Giang tiếp tục khai thác các thế mạnh  trong sản xuất nông nghiệp; hoàn chỉnh quy hoạch và định hướng đầu tư phát triển theo hướng kinh tế thị trường và phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương. Bên cạnh đó, cần chú trọng khai thác tiềm năng du lịch, kinh tế biển đảo, tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận... phát huy tối đa tiềm năng của tỉnh để phát triển ổn định và bền vững. Rà soát và bố trí lại nhân lực quản lý các dự án trọng điểm quốc gia, bảo đảm thực hiện dự án tiết kiệm và hiệu quả. Trên cơ sở các điều kiện cụ thể của địa phương, tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các nội dung nhằm cụ thể hóa Đề án xây dựng 4 tỉnh trọng điểm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Tin và ảnh: Thanh Chi

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác