Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi): Phải tạo động lực cho cả người lao động và người sử dụng lao động

09/10/2011

Công đoàn là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Song, tổ chức này cũng phải có trách nhiệm giáo dục, động viên công đoàn viên chấp hành đúng kỷ luật lao động, có sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Công đoàn là tổ chức đại diện chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho người lao động. Song, tổ chức này cũng phải có trách nhiệm giáo dục, động viên công đoàn viên chấp hành đúng kỷ luật lao động, có sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp mới ủng hộ công đoàn và công đoàn mới có điều kiện thực hiện được vai trò đại diện của mình. Cho ý kiến về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) tại Phiên họp thứ Ba, UBTVQH cho rằng, việc sửa đổi luật phải tạo động lực cho cả người lao động và người sử dụng lao động...

 

Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu: Phải khắc phục được tất cả những tồn tại, vướng mắc của luật hiện hành

 

 

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) là dự án có thể nói giành được sự quan tâm rất lớn của ĐBQH và dư luận xã hội chắc cũng rất quan tâm. Vì thế, chúng ta phải thảo luận rất kỹ lưỡng, nghiêm túc các nội dung của dự án Luật này. Đây lại là dự án Luật sửa đổi thì phải khắc phục được tất cả những tồn tại, vướng mắc của luật hiện hành và điều chỉnh được những vấn đề phát sinh trong thực tế khi áp dụng luật hiện hành, những vấn đề gì đang diễn ra trong cuộc sống hiện nay để đưa vào luật. Đó là những đòi hỏi mà chúng ta phải làm bằng được.

 

Dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) đã được chuẩn bị tương đối công phu, nghiêm túc. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đã khác rất nhiều so với thời điểm những năm 1957, 1990: chúng ta đã trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới; chúng ta đang đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế thị trường, bảo đảm các thành phần kinh tế khác nhau bình đẳng trước pháp luật; đồng thời đang tiến hành công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa... – như vậy đối tượng điều chỉnh của Luật Công đoàn lần này phải khác, các chính sách đưa vào luật lần này phải phù hợp với tình hình mới chứ không thể giữ như nguyên tắc chung, chỉ đạo chung, chính sách chung của Luật Công đoàn năm 1957, 1990 được. Việc sửa đổi Luật Công đoàn phải như một động lực không chỉ chăm lo bảo vệ người lao động mà cả người sử dụng lao động, các doanh nghiệp cũng thấy phấn khởi, hấp dẫn hay tạo ra sự đồng tình ủng hộ của họ đối với dự án luật này. Công đoàn viên ngoài quyền được chăm lo, được bảo vệ lợi ích thì tổ chức công đoàn phải có trách nhiệm giáo dục, động viên công đoàn viên, người lao động của mình chấp hành đúng pháp luật, kỷ luật lao động, có những cải tiến, có những sáng kiến góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Khi đó, mới tạo ra lợi nhuận, mới tạo ra lợi ích, các chủ doanh nghiệp thấy các nhóm lợi ích được bảo đảm hài hòa thì người ta mới thấy thích. Về địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 1 của dự thảo Luật, tôi thấy chưa đầy đủ lắm. Ở đây khẳng định công đoàn là một tổ chức chính trị xã hội, là đại diện cho giai cấp công nhân và người lao động để chăm lo, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động; tham gia với nhà nước, xã hội kiểm tra, giám sát, giáo dục và đóng góp vào việc xây dựng và bảo vệ luật pháp. Những chức năng, nhiệm vụ này phải nhất quán thể hiện trong luật.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Phan Xuân Dũng: Công đoàn bảo vệ người lao động nhưng không đối kháng với doanh nghiệp

 

 

Luật Công đoàn hiện hành đã được ban hành từ tháng 6.1990. Qua 21 năm, đến nay, giai cấp công nhân của ta đã có nhiều chuyển biến sâu sắc nên việc sửa đổi Luật này để phù hợp với tình hình mới là hết sức cần thiết. Theo phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật thì có hai vế: thứ nhất là người lao động, tức là công đoàn viên; thứ hai là bộ máy đại diện cho họ. Tuy nhiên, tôi đọc cả dự thảo Luật 34 điều thì thấy chỉ điều chỉnh đúng một vế là người lãnh đạo công đoàn viên. Còn  công đoàn viên trong này hầu như không được đề cập đến. Về địa vị pháp lý của công đoàn, tôi xin kể câu chuyện nhỏ của tôi, bây giờ làm Chủ nhiệm Ủy ban của QH nhưng chức vụ đầu tiên của tôi là tổ trưởng tổ công đoàn. Hồi ấy là năm 1984 - 1985, lúc đó rất khó khăn nên phải đi làm thêm mà cũng không phải làm đúng chuyên môn, mặc dù học ở nước ngoài về nhưng vẫn phải chịu khó đi cày ruộng để một năm được hai con lợn về chia cho cả Viện, mỗi người một miếng nhỏ nhưng mình cũng không lấy phần hơn. Mọi người bảo, ông lo cho nhiều người nên bầu làm tổ trưởng tổ công đoàn, tức là tổ trưởng tổ công đoàn là người lo cho mọi người. Nhưng sau đó một tuần, Giám đốc gọi lên bảo, bây giờ tôi đã nằm trong bộ tứ. Lúc ấy, tôi thấy người lãnh đạo công đoàn không phải chỉ lo cho công đoàn viên nữa mà còn phục vụ cho lợi ích của Đảng, phục vụ cho Nhà nước. Vậy thì địa vị pháp lý viết như trong dự thảo Luật sửa đổi lần này đã thực sự phù hợp với hệ thống chính trị  của ta hay chưa? Khẳng định chức năng của tổ chức công đoàn là đại diện chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho công nhân, công chức, viên chức, người lao động là rất đúng. Nhưng tổ chức công đoàn của mình hiện nay đâu phải chỉ có trách nhiệm với nhà nước mình? Trong doanh nghiệp Nhà nước, tôi thấy quyền lợi của người lao động được bảo đảm khá tốt. Nhưng ở doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp tư nhân sẽ như thế nào? Quy định như dự thảo Luật thì vô hình trung tổ chức công đoàn đối kháng với chủ doanh nghiệp, đã đối kháng với chủ doanh nghiệp thì dứt khoát doanh nghiệp không mời công đoàn vào làm gì, mà đã không mời công đoàn vào thì làm sao công đoàn tồn tại được trong doanh nghiệp của họ? Vì thế, cần nghiên cứu lại cách thức thể hiện địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn như thế nào cho hợp lý, phù hợp với tình hình KT - XH có nhiều thành phần như hiện nay.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai: Cần xác lập trong Luật chức năng quan trọng nhất của công đoàn là chức năng đại diện

 

 

Chức năng quan trọng nhất của công đoàn phải được xác lập trong luật này là chức năng đại diện. Quan hệ lao động có hai bên, một bên là chủ sử dụng, một bên là người lao động. Người lao động thì rất đông, phải có người đại diện cho họ thì quan hệ lao động mới ổn định, hài hòa, cân đối và tiến bộ được. Công đoàn trong doanh nghiệp có chức năng quan trọng nhất là chức năng đại diện. Công đoàn phải thực hiện được chức năng đại diện, nếu không thực hiện được chức năng này, người lao động không dựa vào anh được. Kết luận 09 của Bộ Chính trị nói: hiện nay, để tiến tới xây dựng quan hệ lao động tốt thì tính chất quyết định là xây dựng tổ chức công đoàn thực sự đại diện cho người lao động. Như vậy tính chất đại diện của tổ chức công đoàn là rất rõ, không có ông công đoàn làm đại diện xem như trong doanh nghiệp không còn quan hệ lao động. Tôi đề nghị làm rõ chức năng đại diện của công đoàn trong dự luật này. Cần bảo đảm để cả người sử dụng lao động và người lao động gặp nhau ở chỗ cùng thúc đẩy một quan hệ lao động tiến bộ hơn. Như vậy, công đoàn cũng không gây cản trở cho doanh nghiệp mà giúp cho người lao động thương lượng, trao đổi với người sử dụng lao động để giải quyết những vấn đề vướng mắc phát sinh tốt hơn. Nếu không có công đoàn thì không có ai đại diện cho người lao động để giải quyết những vấn đề liên quan đến Bộ luật Lao động, liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động. Giữa người sử dụng lao động và người lao động phải có người đại diện là nhà nước tham gia hỗ trợ, dẫn dắt cho quan hệ này tiến bộ.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện: Nên có kinh phí để công đoàn hoạt động đàng hoàng, minh bạch

 

 

Nên xem xét lại phạm vi điều chỉnh của dự án Luật này. Công đoàn thực ra cũng là một tổ chức chính trị xã hội tương tự như các tổ chức chính trị xã hội khác, tất nhiên có quy định đặc thù về nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Với tinh thần nó là một tổ chức chính trị xã hội, tôi đề nghị Luật này không chỉ điều chỉnh tổ chức công đoàn nói chung và người lãnh đạo công đoàn mà cần quy định cả về quyền và nghĩa vụ thành viên của tổ chức công đoàn. Đọc dự thảo Luật thì không thấy quy định nhiệm vụ, quyền hạn gì của đoàn viên công đoàn. Nếu được thì điều kiện gia nhập, kết nạp, khai trừ cũng phải quy định vào đây. Không biết bây giờ như thế nào, thời tôi đi học nước ngoài về cũng phải làm đơn kết nạp vào công đoàn. Đã là quy định của pháp luật thì phải có đầu, có đuôi... 

 

Về tài chính công đoàn, tôi nghĩ tinh thần chung là công đoàn của ta chưa thực hiện đúng với bản chất của tổ chức này. Tất nhiên, tổ chức công đoàn của ta khác với công đoàn các nước khác nên phải tạo nguồn kinh phí để tổ chức này hoạt động minh bạch, đàng hoàng. Tôi đề nghị phải tạo đủ kinh phí cho công đoàn hoạt động nhưng cũng cần quy định trong luật cho rõ ràng, minh bạch để các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nước ngoài khi đọc cũng thấy là bình đẳng, rõ ràng, không cãi vào đâu được. Nếu quy định như hiện nay nói thật là cũng khó. Đối với doanh nghiệp nhà nước, cơ quan nhà nước cứ 2% trích quỹ lương cho công đoàn thì cũng là tiền của ngân sách nhà nước cấp cho các cơ quan, đơn vị, sau đó trích lại 2% đưa vào quỹ công đoàn thôi. Nhưng với các tổ chức kinh tế, xã hội khác, nhất là các doanh nghiệp, tổ chức nước ngoài vào nước ta đầu tư, bây giờ bảo các ông nộp cho tôi 2% thì cũng không ai muốn vào.

 

Cần xác định đúng địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn

 

Điều 1, dự thảo Luật quy định: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động tự nguyện lập ra, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam; đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, công chức, viên chức và người lao động; góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Quy định này còn lẫn lộn giữa tổ chức với chức năng của công đoàn, hơn nữa chưa xác định đúng địa vị pháp lý của tổ chức công đoàn theo quy định tại Điều 10 của Hiến pháp năm 1992, đó là: Công đoàn là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động cùng với cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội chăm lo và bảo vệ quyền lợi của cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác; tham gia quản lý nhà nước và xã hội, tham gia kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế; giáo dục cán bộ, công nhân, viên chức và những người lao động khác xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Theo quy định này, công đoàn cùng với các chủ thể khác thực hiện việc chăm lo, bảo vệ quyền lợi của người lao động chứ không thực hiện chức năng đại diện và bảo vệ người lao động một cách độc lập như quy định của dự thảo Luật.

 

Mặt khác, trong điều kiện xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì đội ngũ người lao động nước ta đã có những chuyển biến mạnh mẽ cả về số lượng, cơ cấu và chất lượng. Người lao động gồm người lao động làm công ăn lương (cán bộ, công chức, viên chức, công nhân...) và người lao động khác (tiểu thương, tiểu thủ công, người làm nghề tự do,…). Ngay trong giai cấp công nhân cũng không còn thuần túy là đội ngũ làm công ăn lương, mà trong đó có một bộ phận vừa là người làm công ăn lương, vừa là chủ doanh nghiệp (cổ đông trong doanh nghiệp cổ phần). Vì vậy, Luật nên xác định mục tiêu bảo vệ người lao động tập trung vào khu vực nào (công lập, ngoài công lập) hay nhóm người lao động mà quyền lợi dễ bị tổn thương? Đồng thời, để người lao động gắn bó với công đoàn thì Luật này cũng phải làm rõ quyền lợi của người lao động khi tham gia công đoàn và trách nhiệm của tổ chức công đoàn đối với thành viên của mình, cơ chế đại diện, bảo vệ người lao động như thế nào? Dự thảo Luật cũng chưa thể hiện rõ chức năng của công đoàn trong việc chăm lo đến đời sống vật chất, tinh thần của người lao động, giáo dục người lao động xây dựng và bảo vệ Tổ quốc như quy định của Hiến pháp.

 

(Nguồn: Ủy ban Pháp luật)

 

 

 

Nguyễn Vũ

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác