Ngày làm việc thứ ba, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII: Thảo luận ở tổ tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2011; dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012

25/10/2011

Hôm qua, 24-10, kỳ họp thứ hai, QH khóa XIII sang ngày làm việc thứ ba. Buổi sáng QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012. Buổi chiều QH thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khiếu nại.

Các đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh thảo luận ở tổ. ( Ảnh: ÐĂNG KHOA )

Tránh bình quân, dàn trải và thiếu tập trung trong chi ngân sách Nhà nước

 

Thảo luận tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012, nhiều đại biểu cơ bản nhất trí với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH.

 

Bên cạnh ghi nhận những kết quả từ việc Chính phủ ban hành kịp thời Nghị quyết số 11/NQ-CP với các giải pháp đúng đắn, kịp thời, nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, một số đại biểu cho rằng, về chính sách chi NSNN năm 2011 vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế. Thực tế cho thấy, tình trạng bình quân, dàn trải, chia cắt và thiếu tập trung trong chi NSNN chưa được cải thiện. Thực trạng đó là do hiệu lực quản lý, điều hành NSNN chưa nghiêm, kỷ luật tài chính còn lỏng lẻo và thiếu đồng bộ. Một số đại biểu cho rằng, các công trình trọng điểm, dự án chuyển tiếp chưa thật sự được ưu tiên bố trí vốn để sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng và phát huy hiệu quả; trong khi nhiều dự án mới chưa thật sự cấp bách vẫn được khởi công. Ðiều đó cho thấy việc thực hiện chưa nghiêm Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ. Theo đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh), ở nhiều địa phương, việc cắt giảm ngân sách một cách máy móc, làm nhiều công trình giao thông, xây dựng dở dang bị đình trệ.

 

Nhìn nhận kết quả thực hiện một số chính sách vừa qua, nhiều đại biểu cho rằng, trong năm 2011, cần đánh giá bổ sung tác động của việc cắt giảm ngân sách diễn ra tràn lan và đại trà, không có mục đích rõ ràng. Ðại biểu Trần Du Lịch cũng lưu ý cần có chương trình, giải pháp cụ thể đối với một trong những vấn đề cần được quan tâm hiện nay là thực trạng nguồn tín dụng ngắn hạn, trung hạn, dài hạn chủ yếu dựa vào ngân  hàng thương mại. Một thị trường tài chính chỉ đứng "một chân", ở đó 97% nguồn tín dụng chỉ dựa vào hệ thống ngân hàng thương mại là có biểu hiện không bền vững... Ðại biểu này kiến nghị, thời gian tới, bên cạnh chú trọng nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế tập trung trên các lĩnh vực quan trọng, cần chú ý những "tác dụng phụ" từ các chính sách này. Hơn nữa, không chỉ doanh nghiệp nhà nước, mà cả các doanh nghiệp tư nhân cũng cần được cấu trúc lại.

 

Nhiều đại biểu nhận xét, trong báo cáo thẩm tra nêu Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ tập trung vào việc cắt giảm chi tiêu công, nhưng tổng số chi NSNN vừa qua vẫn vượt dự toán 9,7%. Ðây là mức tăng khá lớn trong bối cảnh đang thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt. Ðề cập vấn đề này, theo phân tích của đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh), để ghi nhận khả năng điều hành của Chính phủ và khả năng giám sát của QH, chúng ta có thể dựa vào hiệu quả của đầu tư công. Ðừng để diễn ra tình trạng đầu tư công, chi tiêu công là nơi có thể trục lợi cá nhân và tiêu cực. Cũng theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, trong tổng chi ngân sách không phải chỉ có đầu tư phát triển, đầu tư công, mà còn chi cho các hoạt động khác, vì thế cần giám sát ở lĩnh vực này.

 

Ðề cập tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2011; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2012, một số ý kiến đề xuất, để đổi mới một cách toàn diện và cơ bản, cần bắt đầu từ việc sửa đổi Luật Ngân sách Nhà nước, qua đó thay đổi  phương thức phân bổ đầu tư truyền thống. Cách phân bố hiện nay dễ xảy ra tình trạng "chạy" dự án, "chạy" ngân sách. Một số đại biểu lo ngại mức bội chi NSNN hiện nay liên tục và kéo dài trong nhiều năm, từ đó dẫn đến tình trạng nợ công và nợ nước ngoài ở mức khá cao so với các nước trong khu vực. Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, nợ công ở Việt Nam ước tính đến cuối năm 2011 tương đương 54,6% GDP; nợ nước ngoài là 41,5% GDP, tương đương khoảng 50 tỷ USD. Vì thế, thời gian tới, đề nghị Chính phủ và QH cần kiên quyết thực hiện Kết luận 02 của Bộ Chính trị về tình hình KT-XH năm 2011 và Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ trong nhiều năm nữa, nhằm bảo đảm tính ổn định và tính bền vững kinh tế vĩ mô. Nhiều đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH đề nghị Chính phủ giải trình rõ về nguyên nhân  tăng chi, thẩm quyền quyết định tăng chi đầu tư phát triển vượt so với dự toán. Bên cạnh đó, thời gian tới, Ủy ban Thường vụ QH, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH thực hiện chức năng giám sát của mình, thẩm định lại các dự án đầu tư, các dự toán nhằm quản lý chặt chẽ các khoản chi từ NSNN.

 

Về dự toán NSNN năm 2012, một số đại biểu cho rằng, cần tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa thắt chặt, chấp hành nghiêm quy định của Luật NSNN, tuân thủ đúng thẩm quyền quyết định NSNN của QH và Ủy ban Thường vụ QH. Thời gian tới, cần cơ cấu lại chi NSNN, bảo đảm việc bố trí, phân bổ ngân sách có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên chi cho con người và lĩnh vực an sinh xã hội; bảo đảm các tỷ lệ đối với giáo dục, y tế, khoa học - công nghệ, theo Nghị quyết của QH. Nhiều đại biểu đề nghị, cần quan tâm đầu tư thích đáng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn; đầu tư phát triển vùng kinh tế động lực có khả năng thu ngân sách lớn; ưu tiên cho các vùng kinh tế trọng điểm, các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao và các địa phương có khả năng bứt phá để tự cân đối ngân sách...

 

Nhiều ý kiến khác nhau về phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo Luật Khiếu nại

 

Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại Hội trường, thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Khiếu nại. Mở đầu, các đại biểu đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Phan Trung Lý trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khiếu nại. Báo cáo cho biết, tại kỳ họp thứ 8, QH khóa XII đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Khiếu nại. Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Ủy ban Pháp luật, cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của đại biểu QH để chỉnh lý dự thảo luật và gửi xin ý kiến các vị đại biểu QH khóa XIII. Trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu QH khóa XIII, dự thảo luật đã được chỉnh lý, hoàn thiện để trình QH xem xét, thông qua tại kỳ họp này. Theo đó, dự thảo Luật Khiếu nại gồm tám chương, 73 điều.

 

Báo cáo đã nêu rõ tám vấn đề chung, năm vấn đề cụ thể còn ý kiến khác nhau về dự thảo và ý kiến của Ủy ban Thường vụ QH để QH xem xét. Thí dụ, về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại, qua thảo luận, có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành cơ chế giải quyết khiếu nại như quy định của dự thảo luật. Theo đó, việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại được thực hiện ở hai cấp. Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cơ chế giải quyết khiếu nại như dự thảo luật về cơ bản tương tự như cơ chế hiện hành chưa bảo đảm thật sự khách quan và kém hiệu quả; tuy nhiên, cần đổi mới cơ chế giải quyết để việc giải quyết khiếu nại có hiệu quả hơn.

 

Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, cần tiếp tục cơ chế giải quyết khiếu nại như quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, vì cơ chế này buộc cơ quan, tổ chức mà trước hết là người có quyết định hành chính, hành vi hành chính cần có trách nhiệm đến cùng đối với hoạt động quản lý hành chính của mình, không né tránh, đùn đẩy việc giải quyết khiếu nại lên cơ quan cấp trên, đồng thời tạo điều kiện cho họ khắc phục, sửa chữa kịp thời sai sót (nếu có). Trên thực tế, cơ chế này hằng năm đã giải quyết từ 75 đến 80% số vụ việc khiếu nại. Tuy nhiên, cơ chế này cần được điều chỉnh về trình tự, thủ tục giải quyết theo hướng công khai, dân chủ và kịp thời hơn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại, như rút ngắn thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu từ 30 ngày xuống còn 15 ngày (Ðiều 28), người khiếu nại được nhờ luật sư, trợ giúp viên pháp lý giúp đỡ (khoản 1 Ðiều 12 và Ðiều 16). Ðồng thời, cần sửa đổi trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại nhằm khắc phục những trở ngại đối với người khiếu nại thực hiện quyền khởi kiện vụ án hành chính ra tòa án ở bất cứ giai đoạn nào của quá trình giải quyết ở cơ quan hành chính (giải quyết theo trình tự tư pháp). Mặt khác, cần quy định rõ vai trò của thanh tra các cấp, các ngành trong việc kiểm tra, đôn đốc giải quyết khiếu nại, kể cả quyết định giải quyết khiếu nại; thẩm quyền xử lý của thanh tra trong việc phát hiện vi phạm các quy định về giải quyết khiếu nại để tăng cường quản lý nhà nước đối với công tác giải quyết khiếu nại có hiệu lực, hiệu quả hơn (Ðiều 25).

 

Trên cơ sở báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH, các đại biểu QH tiếp tục đóng góp ý kiến về dự thảo luật này. Một trong số những vấn đề lớn, thu hút nhiều đại biểu tham gia thảo luận là phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự thảo luật.

 

Về phạm vi điều chỉnh có hai loại ý kiến khác nhau. Loại ý kiến thứ nhất tán thành phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng của dự án luật, đồng thời đề nghị làm rõ thêm việc áp dụng luật này đối với đơn vị sự nghiệp công lập; đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam. Loại ý kiến thứ hai đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại. Theo đó công dân được quyền khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính của mọi cơ quan, tổ chức trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được ghi nhận tại Ðiều 74 của Hiến pháp.

 

Ủy ban Thường vụ QH nhận thấy, khiếu nại và giải quyết khiếu nại xảy ra ở tất cả các lĩnh vực quản lý nhà nước và xã hội, mỗi lĩnh vực lại có đặc thù riêng cho nên trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại ở mỗi lĩnh vực là khác nhau, ở các loại hình cơ quan, tổ chức là khác nhau. Do đó, Luật Khiếu nại không thể quy định cụ thể trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại cho tất cả lĩnh vực, tất cả các loại hình cơ quan, tổ chức khác nhau. Mặt khác, để cụ thể hóa quy định tại Ðiều 74 của Hiến pháp thì trình tự, thủ tục và thẩm quyền giải quyết khiếu nại của công dân không chỉ được quy định trong Luật Khiếu nại, mà còn được quy định trong nhiều đạo luật khác như Bộ luật Tố tụng Hình sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự... Vì vậy, đề nghị được giữ phạm vi điều chỉnh của luật là "Quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của cơ quan hành chính nhà nước, của người có thẩm quyền trong cơ quan hành chính nhà nước".

 

Tuy nhiên, để bảo đảm quyền khiếu nại của công dân được quy định tại Ðiều 74 của Hiến pháp và cũng phù hợp với Luật Tố tụng hành chính vừa được QH ban hành, thực tiễn giải quyết khiếu nại hiện nay và kế thừa quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành, Ủy ban Thường vụ QH cho rằng, vấn đề này cần được xử lý trong quy định về áp dụng pháp luật Khiếu nại và giải quyết khiếu nại tại Ðiều 3 của dự thảo luật. Cụ thể như sau:

 

"1- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại của cơ quan, tổ chức, cá nhân nước ngoài tại Việt Nam được áp dụng theo quy định của luật này, trừ trường hợp Ðiều ước quốc tế mà Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác.

 

2- Khiếu nại và giải quyết khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập được áp dụng theo quy định của luật này.

 

3- Căn cứ vào các quy định của luật này, các cơ quan khác của Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp, tổ chức kinh tế hướng dẫn việc thực hiện pháp luật về khiếu nại trong cơ quan, tổ chức mình.

 

4- Trường hợp luật khác có quy định về khiếu nại và giải quyết khiếu nại thì áp dụng theo quy định của luật đó".

 

Nhiều ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh như quy định tại dự thảo (Ðiều 1), nhưng về phạm vi áp dụng (Ðiều 3) lại có ý kiến khác, cho rằng việc khiếu nại trong các đơn vị sự nghiệp công lập không giải quyết theo quy định của luật này mà phải theo quy định của Luật Viên chức (đại biểu Nguyễn Ðức Chung - Hà Nội); việc khiếu nại trong tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp giải quyết theo Ðiều lệ của các tổ chức đó (đại biểu Trần Văn Ðộ - An Giang). Cũng có ý kiến tán thành phạm vi điều chỉnh mở rộng như quy định tại Ðiều 3 nói trên (đại biểu Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh).

 

Các ý kiến phát biểu cũng đề cập một số vấn đề khác như: Tiếp công dân, khiếu nại nhiều người, thẩm quyền giải quyết khiếu nại...

(http://www.nhandan.com.vn)

Các bài viết khác