Cần hỗ trợ, khôi phục những lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách

05/11/2024

Tham gia góp ý cho kế hoạch tài chính ngân sách năm 2024, 2025 cũng như kế hoạch đầu tư công sáng 5-11, Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn đề nghị cần có quyết sách, hỗ trợ nhằm khôi phục những lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách như thị trường bất động sản hoặc các dự án đã hoàn thành sớm đưa vào sử dụng góp phần làm cho thu ngân sách được ổn định.

Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre Nguyễn Trúc Sơn: Tháo gỡ các rào cản, phân cấp, phân quyền mạnh mẽ trong lĩnh vực quy hoạch, đầu tư

Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp sáng 5-11

Theo đại biểu Nguyễn Trúc Sơn, khi chúng ta bàn về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, chúng ta không tách rời với kế hoạch đầu tư công cũng như là các vấn đề liên quan đến ngân sách. Qua đánh giá kế hoạch thu ngân sách năm 2024, Chính phủ trong 9 tháng đầu năm cùng với các bộ, ngành trung ương và địa phương rất nỗ lực, chúng ta dự kiến thu ngân sách 2024 sẽ tăng 10%, Chính phủ cũng yêu cầu các địa phương quyết liệt để tăng thu 10%, trong dự toán ngân sách năm 2025 Chính phủ cũng yêu cầu từ nền thu của năm 2024 phải tiếp tục thu tăng 5% nữa. “Với giải pháp này, tôi cũng đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành trung ương, nhất là Bộ Tài chính cố gắng làm sao hướng dẫn cho các địa phương trong quá trình thu ngân sách, giải quyết những vấn đề khó khăn”.

Theo đại biểu Trúc Sơn, năm 2024 khi chúng ta dự kiến thu tăng 10% thì cả nước còn hơn 26 tỉnh do bão số 3 (Yagi) có tác động rất lớn đến sản xuất, kinh doanh, nhất là doanh nghiệp, người dân. Do đó, chúng ta không thể lạc quan là tất cả những khoản thu chúng ta có thể đạt được.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn phát biểu tại phiên họp sáng 5-11

Với những khó khăn đặt ra, đại biểu đề nghị cần hết sức quyết liệt hỗ trợ cho các doanh nghiệp, hộ kinh doanh làm sao họ phục hồi sản xuất, kinh doanh nhanh và góp phần cho tăng thu ngân sách. “Còn trong quá trình đánh giá về các nguồn thu, chúng tôi thấy rằng các tỉnh khu vực phía Nam trừ xổ số kiến thiết hay trừ thu sử dụng đất thì thu nội địa còn rất khó. Do đó không có cách nào khác chúng ta phải tiếp tục thực hiện các chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, làm sao hết sức linh hoạt để hỗ trợ cho các nhóm đối tượng đóng góp lớn cho ngân sách không ai khác hơn ngoài doanh nghiệp” – đại biểu Nguyễn Trúc Sơn nêu dẫn chứng.

Theo đại biểu, cần có quyết sách cố gắng tiếp tục duy trì những giải pháp hỗ trợ mạnh làm sao khôi phục, phục hồi những lĩnh vực có đóng góp lớn cho ngân sách như thị trường bất động sản hoặc các dự án đang trong quá trình, đã hoàn thành sớm đưa vào sử dụng, như các dự án năng lượng cũng đã góp phần làm cho thu ngân sách được ổn định.

Còn đối với các nguồn thu thông thường, Bộ Tài chính giao cho các địa phương tăng thu thường dựa vào hai nguồn, đó là nguồn xổ số kiến thiết và nguồn sử dụng đất. Tuy nhiên, năm 2024 nguồn sử dụng đất thật ra thu lớn nhưng thu rất chậm, vì phải trải qua rất nhiều thủ tục. Nếu chúng ta không làm rõ bảng giá đất năm 2024, 2025 hoặc những chính sách mới qua các luật, như Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở hay Luật Đất đai vừa có hiệu lực, nếu chúng ta không khai thông sớm thì các nguồn thu từ sử dụng đất sẽ rất khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đề nghị Chính phủ cũng như các bộ, ngành tập trung hướng dẫn cho các địa phương. Nhiều khi địa phương dựa vào sự hướng dẫn rất cụ thể, chi tiết của Chính phủ để từ đó ra những giải pháp mạnh để tăng thu từ nguồn sử dụng đất này. Do đó, đây là một nguồn lớn cần phải tiếp tục để thu ổn định và chúng ta phải nâng dần tỷ lệ thu nội địa. Còn chúng ta dựa vào những nguồn này, trong thời gian sắp tới sẽ không còn nhiều.

Thứ hai, vấn đề trong ngân sách. Như Chính phủ cũng như Bộ Tài chính có yêu cầu tiết kiệm chi 5% cho đầu tư phát triển, tôi đề nghị nếu được ngay từ đầu năm làm dự toán chúng ta cắt ngang 5% này để đưa ngay vào chi đầu tư phát triển, còn nếu tiết kiệm để đến cuối năm chúng ta thực hiện rất nhiều thủ tục. Ví dụ phải trình qua cho Thường trực Hội đồng nhân dân, xin ý kiến đủ các ban bệ xong đưa vào kế hoạch vốn đầu tư công sẽ mất rất nhiều thời gian.

Các đại biểu tại phiên họp 

Đối với đầu tư công, trong kế hoạch đầu tư công và phân bổ ngân sách năm 2025, đại biểu cho rằng: “Chúng ta lập kế hoạch đầu tư công dựa vào kế hoạch thu ngân sách, thu tới đâu mới có đủ tiền để chi cho đầu tư công, việc này cũng là song hành với giải ngân đầu tư công. Chúng tôi kiến nghị Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải song hành trong quá trình lập kế hoạch, thậm chí kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm nhưng Bộ Tài chính chỉ có kế hoạch ngân sách 3 năm thôi nên sẽ có một độ chênh nhất định. Do đó nguồn cũng phải tập trung, trong quá trình lập kế hoạch và chi từ các nguồn tài chính cũng phải đủ để có thể giải ngân được”.

Vấn đề cuối cùng đại biểu Nguyễn Trúc Sơn đánh giá cao khi trong thời gian qua Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và tổ công tác của Chính phủ đã rất tích cực hỗ trợ cho 13 tỉnh, thành đồng bằng sông Cửu Long, cũng như Bộ Giao thông và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chuẩn bị chương trình dự án DPO, trong đó có rất nhiều nghị quyết, chúng tôi nghĩ rằng đã đến lúc kế hoạch đầu tư công trung hạn của 2026-2030 bắt đầu, do đó đại biểu mong muốn Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính sớm trình Chính phủ để hoàn thiện Nghị quyết và phê duyệt các đề xuất đầu tư cho 13 tỉnh, thành, trong đó còn nhiều tỉnh, thành chưa được phê duyệt đề xuất đầu tư, rất mong Chính phủ, các bộ, ngành trung ương tiếp tục hỗ trợ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Cổng thông tin Điện tử Quốc hội

Các bài viết khác