Điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp và việc làm cho người dân tộc thiểu số, khuyết tật

10/11/2024

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật Việc làm (sửa đổi), các ĐBQH cho rằng, Ban soạn thảo nên xem xét điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp lên ít nhất 80% để đảm bảo thực phù hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống. Ngoài ra, cần có chính sách việc làm cụ thể, thiết thực với người dân tộc thiểu số và khuyết tật.

Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật Việc làm (sửa đổi)

Sửa đổi Luật Việc làm: Thích ứng với già hóa dân số và Cách mạng công nghiệp 4.0

Theo chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi) vào ngày 26/11 tới. Đề cập về sự cần thiết ban hành Luật Việc làm (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, dự án Luật đã thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực, giải quyết việc làm, thị trường lao động, cải cách chính sách bảo hiểm thất nghiệp đã được quy định tại Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nghị quyết 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành Trung ương khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn mới và các Nghị quyết, Chỉ thị liên quan.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung 

Phạm vi điều chỉnh của dự án Luật Việc làm (sửa đổi) gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Đăng ký lao động; Hệ thống thông tin thị trường lao động; Phát triển kỹ năng nghề; Dịch vụ việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm. Trong đó, giữ nguyên tên gọi các nội dung so với Luật Việc làm 2013 gồm: Chính sách hỗ trợ tạo việc làm; Bảo hiểm thất nghiệp; Quản lý nhà nước về việc làm; đổi tên nội dung “Tổ chức, hoạt động dịch vụ việc làm” thành “Dịch vụ việc làm”, “Thông tin thị trường lao động” thành “Hệ thống thông tin thị trường lao động”; bổ sung nội dung phát triển kỹ năng nghề và đổi tên “Đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề” thành “Phát triển kỹ năng nghề”; bổ sung nội dung “Đăng ký lao động”.

Với sự điều chỉnh như trên, một trong những nội dung nhận được sự quan tâm của các ĐBQH tại Phiên thảo luận Tổ là nội dung điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp, chính sách hỗ trợ phát triển thị trường việc làm. Tại khoản 1 Điều 95 của dự án Luật Việc làm (sửa đổi) quy định “Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương tối thiểu tháng theo vùng do Chính phủ công bố tại tháng cuối cùng đóng bảo hiểm thất nghiệp”.

Đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai 

Nêu quan điểm về nội dung trên, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh - Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai đề nghị điều chỉnh tăng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp quy định từ 60% lên ít nhất là 80% mức tiền lương mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng đã đóng bảo hiểm thất nghiệp gần nhất trước khi thất nghiệp.

Lý do là vì đối với người lao động tham gia Bảo hiểm xã hội theo mức lương tối thiểu vùng, Nghị định số 74/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ quy định, mức lương của vùng IV là 3.450.000 đồng, số tiền tham gia đóng Bảo hiểm thất nghiệp: 3.450.000 đồng + 7%. Mức trợ cấp 60% của 06 tháng lương bình quân đóng bảo hiểm thất nghiệp chỉ được 2.214.000 đồng/tháng. Số tiền trợ cấp/tháng cho người lao động như vậy là rất thấp. Khi mất việc làm hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, người lao động không có thu nhập, khoản tiền trợ cấp thất nghiệp hàng tháng góp phần giải quyết khó khăn trong ngắn hạn cho người lao động khi chưa tìm được việc làm mới. Vì vậy, đại biểu Nguyễn Thị Lan Anh cho rằng, cần điều chỉnh mức trợ cấp thất nghiệp lên ít nhất 80% để đảm bảo thực phù hợp với thực tiễn nhu cầu cuộc sống.

Cần có chính sách việc làm thiết thực với người dân tộc thiểu số và khuyết tật

Khi sửa đổi Luật Việc làm hiện hành, đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang cho rằng, cần tập trung xem xét các chính sách về việc làm, đặc biệt các chính sách hỗ trợ phát triển thị trường việc làm trong nước, phát triển thị trường lao động khu vực nông thôn, lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Đại biểu Lý Anh Thư - Đoàn ĐBQH tỉnh Kiên Giang 

Ngoài ra, cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật cũng cần nghiên cứu, xem xét các chính sách hỗ trợ thị trường việc làm trong những ngành công nghệ như công nghệ bán dẫn, công nghệ trong áp dụng vào việc làm xanh… để đưa ra định hướng cho việc phát triển thị trường lao động phù hợp với xu hướng của tương lai. Thông qua đó, hướng tới xây dựng một thị trường việc làm trong nước vững mạnh, phát triển, mở rộng, mỗi người dân trong độ tuổi lao động đều được kết nối để được làm việc, tạo ra thu nhập nuôi sống bản thân.

Về các đối tượng cần được quan tâm hơn về việc làm, đại biểu Lý Anh Thư cho rằng, người khuyết tật vốn được xếp vào nhóm yếu thế trong xã hội, cơ hội việc làm đối với nhóm đối tượng này càng thấp hơn so với những người lao động bình thường trong xã hội, trong khi họ đều có mong muốn, nhu cầu được có việc làm, tạo ra thu nhập để nuôi sống bản thân. Bên cạnh đó, người dân tộc thiểu số cũng đa phần xuất phát từ những vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, do đó việc có việc làm đối với những nhóm đối tượng này thường hạn chế hơn rất nhiều so với các nhóm đối tượng khác.

Trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi), cần có chính sách việc làm thiết thực với người dân tộc thiểu số và khuyết tật (ảnh minh họa: Internet)

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Lý Anh Thư đề nghị, cần có những chính sách việc làm cụ thể, thiết thực đối với các nhóm đối tượng trên để góp phần nâng cao khả năng có được việc làm của người khuyết tật và cần thiết phải đưa vào thành một quy định cụ thể trong dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Bởi lẽ, việc quy định các chính sách cụ thể với các nhóm đối tượng này, không những góp phần thể hiện một cách rõ ràng quan điểm của Nhà nước và xã hội đối với nhóm những người yếu thế trong xã hội, nhưng cũng đồng thời là cơ sở để triển khai chính sách việc làm cho các nhóm đối tượng này trên thực tế một cách hiệu quả, thiết thực. Thông qua đó góp phần vào mục tiêu chung, từng bước củng cố thị trường việc làm trong nước bền vững hơn./.

Bích Lan

Các bài viết khác