Cần những giải pháp đủ mạnh để phát triển KTXH

24/10/2011

Những vấn đề kinh tế- xã hội đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận sôi nổi, nhất là việc nhìn nhận cho đúng tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng vừa qua.

Nếu như ở kỳ họp trước, Quốc hội tập trung chủ yếu vào công tác nhân sự, kỳ họp cuối năm này lại đặt trọng tâm vào việc thảo luận tình hình kinh tế - xã hội. Dù mới diễn ra được 2 ngày, nhưng nhiều vấn đề quan trọng đã được đặt lên bàn nghị sự. Đó là việc đánh giá sát tình hình thực tế 9 tháng qua để có liều thuốc đủ mạnh cho những tháng còn lại của năm 2011, năm 2012 và những năm tiếp theo.

 

Trong bài phát biểu khai mạc của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày đều có chung nhận định: năm 2011, khó khăn và thách thức lớn hơn so với dự báo. Thủ tướng Chính phủ đã nghiêm túc thừa nhận: chính sách nới lỏng tài khoá, tiền tệ trong nhiều năm để đáp ứng yêu cầu tăng trưởng kinh tế, đầu tư phát triển hạ tầng, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội đã đem lại những thành tựu quan trọng nhưng cũng làm phát sinh những hệ quả tiêu cực.

 

Lạm phát và mặt bằng lãi suất tăng cao, nhập siêu lớn, cán cân thanh toán quốc tế thâm hụt, dự trữ ngoại hối giảm mạnh gây áp lực lên thị trường tiền tệ và tỷ giá, giá vàng trên thị trường biến động bất thường, sản suất kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Theo báo cáo của chính phủ, mức tăng trưởng GDP năm nay dự kiến đạt khoảng 6%, chỉ số giá tiêu dùng tăng 18%. 

 

Một ngày sau phiên khai mạc, những vấn đề kinh tế- xã hội đã được thảo luận sôi nổi tại tổ, nhất là việc nhìn nhận cho đúng tình hình kinh tế- xã hội 9 tháng vừa qua. Đó là những khó khăn của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, số lượng ngân hàng quá nhiều so với quy mô của nền kinh tế, hiệu quả kinh doanh của các tập đoàn còn thấp, các lĩnh vực độc quyền như xăng dầu, hàng không, điện, nước… chưa minh bạch, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao, tồn tại nhiều vấn đề bức xúc về xã hội, môi trường, ùn tắc giao thông ở các thành phố lớn, chất lượng khám chữa bệnh ở các tuyến dưới…

 

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế Quốc hội  trình bày ngay tại phiên khai mạc đã thẳng thắn chỉ ra những giải pháp mạnh cho những tháng còn lại của năm 2011. Theo Uỷ ban này, Chính phủ cần đặc biệt chú ý đến việc xử lý mối quan hệ giữa lạm phát, tỉ giá và lãi suất, trong đó ưu tiên kiềm chế lạm phát và ổn định tỉ giá; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế phát sinh nợ xấu; Đảm bảo an sinh xã hội và khắc phục kịp thời hậu quả thiên tai, dịch bệnh…     

 

Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, để đạt được kết quả tốt hơn trong những tháng cuối năm 2011, năm 2012 và những năm tiếp theo, chúng ta phải có quyết tâm rất cao, các giải pháp phải thích hợp, bảo đảm thực hiện mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vi mô, bảo đảm an ninh xã hội, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Cụ thể hoá quyết tâm này, Chính phủ đã đưa ra 7 nhóm giải pháp, trong đó ưu tiên nguồn lực thực hiện 3 đột phá chiến lược. Theo đó, mô hình tăng trưởng sẽ chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu. Ngay trong năm 2012, Chính phủ sẽ tập trung tái cơ cấu đầu tư, trước hết là đầu tư công, tái cơ cấu doanh nghiệp cả nước, trọng tâm là các tập đoàn và tổng công ty, tái cơ cấu hệ thống tài chính tiền tệ, trọng tâm là hệ thống ngân hàng thương mại và các định chế tài chính.

 

Năm 2012, Chính phủ đề ra mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 10%, tăng trưởng GDP khoảng 6%, khi có điều kiện thuận lợi sẽ phấn đấu đạt mức 6,5%.

 

Những giải pháp mà Chính phủ đưa ra xuất phát từ tình hình thực tế song cũng là đòi hỏi bức thiết của cử tri cả nước.

 

Theo Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Huỳnh Đảm, hơn 1.000 ý kiến của cử tri gửi đến kỳ họp này đều mong muốn Chính phủ ưu tiên ngăn ngừa lạm phát cao trở lại, đảm bảo sản xuất kinh doanh, đời sống nhân dân, đặc biệt là người nghèo, người thu nhập thấp, người về hưu, cán bộ, công nhân viên chức…

 

Để thực hiện hiệu của các giải pháp nêu trên, Chính phủ cũng mong muốn sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị với quyết tâm, tinh thần đổi mới và năng lực sáng tạo cao nhất./.

 

 

 

Hương Giang

(http://vov.vn)

Các bài viết khác