UBTVQH triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2010 và năm 2011

07/07/2010

Sáng 6.7, tại Hà Nội, UBTVQH đã tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH 6 tháng cuối năm 2010 và năm 2011. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu chủ trì Hội nghị. Cùng dự có đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Thường trực các Ủy ban của QH và đại diện các Bộ, ngành hữu quan.

Năm 2011 là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ QH Khóa XII và nhiệm kỳ QH Khóa XIII nên Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của QH có những đặc thù so với các năm khác. Kỳ họp thứ Chín – Kỳ họp cuối cùng của QH Khóa XII, do tập trung cho nhiệm vụ tổng kết nhiệm kỳ nên QH chỉ xem xét, thông qua 5 dự án Luật. Kỳ họp thứ Nhất, QH Khóa XIII, QH dành nhiều thời gian cho công tác tổ chức và nhân sự của bộ máy nhà nước, nhiều ĐBQH mới được bầu chưa có điều kiện tiếp cận các dự án Luật nên QH chỉ xem xét, thông qua Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2012 và cho ý kiến đối với 2 dự án Luật. Đến Kỳ họp thứ Hai, QH Khóa XIII, QH xem xét, thông qua 7 dự án Luật và cho ý kiến về 9 dự án Luật.

 

Tại Hội nghị, đại diện các Bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo các dự án Luật đều khẳng định sẽ cố gắng bảo đảm tiến độ chuẩn bị các dự án Luật trình UBTVQH và QH theo đúng Chương trình, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng xin hoãn hoặc rút các dự án Luật khỏi Chương trình.

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu nêu rõ: mặc dù số lượng các dự án Luật thuộc Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh năm 2011 không nhiều nhưng với đặc thù của năm 2011 thì đây vẫn là Chương trình khá nặng; trong đó có nhiều dự án Luật có phạm vi điều chỉnh rộng, phức tạp nên đòi hỏi các cơ quan, tổ chức hữu quan phải phát huy cao nhất tinh thần trách nhiệm, có kế hoạch và phương pháp làm việc cụ thể, chặt chẽ, khoa học và hợp lý ngay từ đầu. Phó chủ tịch QH nhấn mạnh: các cơ quan hữu quan cần phối hợp chặt chẽ và nỗ lực để bảo đảm tiến độ và chất lượng các dự án Luật; chỉ điều chỉnh Chương trình trong trường hợp thật cần thiết và phải được sự đồng ý của các ĐBQH. Cơ quan chủ trì soạn thảo cần bảo đảm chất lượng các báo cáo, tài liệu trong Hồ sơ dự án Luật, đặc biệt là Báo cáo tổng kết quá trình thực thi pháp luật hiện hành và Báo cáo đánh giá tác động của dự thảo Luật vì vừa qua, hồ sơ các dự án Luật trình QH đều đã có 2 Báo cáo này kèm theo nhưng nội dung rất sơ sài, không đáp ứng được yêu cầu của QH. Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp cần làm tốt vai trò gác cổng các dự án Luật bên sân của Chính phủ, khắc phục tình trạng khi dự án Luật được trình sang các cơ quan của QH thì cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan tham gia soạn thảo vẫn chưa thống nhất quan điểm.

P. Thúy

(http://www.nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác