UBTVQH cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và NSNN

03/10/2010

Ngày 2.10, dưới sự chủ tọa của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, UBTVQH nghe và cho ý kiến về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2010; dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH và dự toán NSNN năm 2011; phương án phân bổ ngân sách TƯ và bổ sung ngân sách địa phương năm 2011; định hướng các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015.

Đánh giá tổng quát về tình hình KT-XH năm 2010 theo Báo cáo của Chính phủ cho thấy, nền kinh tế từng bước phục hồi khá nhanh với tốc độ tăng trưởng về cuối năm càng cao và ổn định hơn. Giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp trong 8 tháng ước tăng 13,7% và cả năm tăng 13,8%; giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tăng khoảng 4,8% so với cùng kỳ; xuất khẩu tăng gấp hơn 3 lần chỉ tiêu kế hoạch; an sinh xã hội tiếp tục được bảo đảm, tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,5% từ mức 11,3% năm 2009, thấp hơn mục tiêu từ 10-11%... Dự kiến kế hoạch phát triển KT-XH năm 2011, phấn đấu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 10% so với năm 2010; tổng nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội chiếm khoảng 40% GDP; tạo việc làm cho khoảng 1,6 triệu lao động; giảm tỷ lệ hộ nghèo 2% theo chuẩn nghèo mới…

 

UB Kinh tế nhất trí với Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên KT- XH vẫn còn bộc lộ không ít hạn chế, trong đó kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp. Nhiều ý kiến cho rằng, các doanh nghiệp vẫn gặp khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; điều hành chính sách, quản lý thị trường giá cả, điều hòa sản xuất, phân phổi trong một số ngành, lĩnh vực chưa tốt. Đa số các ý kiến nhận thấy, năm 2011 cấn tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô gắn với chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2011 khoảng 7% là phù hợp với mục tiêu tổng quát; nhất trí với dự kiến của Chính phủ chỉ số CPI tăng dưới 7%. Về bội chi NSNN, UB Kinh tế đề nghị, rà soát các khoản thu, chi, tập trung cho những dự án thiết thực, có hiệu quả thì vẫn giảm được bội chi và duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế.

 

Về kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển, ước tính cả năm 2010, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt khoảng 800 tỷ đồng, tăng 12,9% so với năm 2009, trong đó vốn đâù tư NSNN tăng 4,7%, vốn trái phiếu Chính phủ tăng 47,8%, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước tăng 18,9%... Dự kiến khả năng huy động nguồn vốn đầu tư phát triển xã hội năm 2010 khoảng 905 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 40% GDP, tăng 13,1% so với ước thực hiện năm 2010. Tuy nhiên, các ý kiến cho rằng, việc thực hiện kế hoạch đầu tư phát triển tại một số bộ, ngành, địa phương vẫn còn tồn tại do phân bổ kế hoạch chậm, không phân bổ hết sô vốn được giao; vẫn còn tình trạng đầu tư dàn trải, nguyên nhân chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn; công tác chuẩn bị đầu tư, quy hoạch, công tác xây dựng chưa được quan tâm…

 

Theo báo cáo thẩm tra sơ bộ của UB Tài chính- Ngân sách về việc thực hiện NSNN năm 2010, các chỉ tiêu KT- XH năm 2010 dự ước thực hiện đều đạt, tăng trưởng kinh tế (GDP) cả năm dự kiến đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch đề ra; kim ngạch xuất khẩu ước tăng 18,2%, kim ngạch nhập khẩu ước tăng 16,5%. Tuy nhiên các ý kiến nhận thấy, chất lượng của nền kinh tế, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao trong đó có các yếu tố như môi trường ô nhiễm, hiệu quả đầu tư còn thấp. Đánh giá khái quát về hoạt động tài chính, ngân sách giai đoạn 2006-2010, nhiều ý kiến cho rằng, việc chấp hành các quy định của Luật NSNN còn nhiều hạn chế; tỷ lệ động viên vào NSNN ngày một tăng cao, trong đó mức huy động về thuế, phí và lệ phí trên GDP chưa giảm… Thường trực UB Tài chính- Ngân sách kiến nghị, xây dựng dự toán NSNN năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 theo những nguyên tắc như bám sát và kiên quyết thực hiện đúng các quy định trong Luật NSNN, bảo đảm tốc độ tăng chi không cao hơn tốc độ tăng thu. Năm 2011 là năm kết thúc nhiều chương trình, dự án, do đó cần cơ cấu lại chi ngân sách, giảm ban hành các chính sách mang tính bao cấp, tăng cường xã hội hóa để giảm bội chi ngân sách; phân cấp, phân quyền đi đôi với tăng cường trách nhiệm và kỷ luật tài chính của các bộ, ngành, địa phương, bảo đảm vai trò chủ đạo của ngân sách TƯ. Đối với chương trình mục tiêu quốc gia, các ý kiến đề nghị, đưa vào hoạt động thường xuyên của các bộ, ngành như chương trình giáo dục,y tế, dân số, VSATTP, phòng chống tội phạm…

(http://nguoidaibieu.com.vn)

Các bài viết khác