Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII: Thảo luận hai dự án Luật

22/10/2010

Ngày 21-10, ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Buổi sáng, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường (BVMT).

Ðánh thuế để bảo vệ môi trường

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH Phùng Quốc Hiển trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường. Báo cáo cho biết, sau kỳ họp thứ bảy, QH khoá XII, Ủy ban Thường vụ QH đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan tiếp thu ý kiến các vị đại biểu QH, lấy ý kiến tại các đoàn ÐBQH, các chuyên gia, các nhà khoa học có liên quan và đại diện cử tri để hoàn chỉnh dự án Luật. Dự thảo Luật sau khi chỉnh sửa gồm bốn chương, 13 Ðiều.

Phần lớn đại biểu đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế bảo vệ môi trường của Ủy ban Thường vụ QH. Một vấn đề nhiều đại biểu quan tâm là đối tượng chịu thuế (Ðiều 3). Ðại biểu Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang) và một số đại biểu tán thành quy định về năm nhóm đối tượng thuộc diện chịu thuế trong dự thảo Luật. Mặc dù trong dự thảo Luật không đưa thuốc lá vào diện chịu thuế BVMT vì dự thảo luật phòng chống tác hại của thuốc lá đang trong quá trình soạn thảo, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng đối với thuốc lá khá cao và trên thế giới hiện chưa có quốc gia nào thu thuế BVMT đối với mặt hàng này. Tuy nhiên, đại biểu Thái Thị An Chung (Nghệ An) và Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) vẫn đề nghị quy định thuốc lá là đối tượng chịu thuế vì hút thuốc lá ảnh hưởng đến sức khỏe và môi trường chung quanh. Ðại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai còn đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, xem xét việc đánh thuế BVMT đối với bao bì sản phẩm có chứa ni-lon. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội), dự thảo Luật cần xác định những loại nhiên liệu sạch không phải nộp thuế BVMT; còn đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Bình Thuận) cho rằng, dự thảo Luật này mới tập trung đánh thuế hàng hóa sử dụng gây ô nhiễm môi trường mà chưa đề cập tới hàng hóa thân thiện môi trường.

Về đối tượng không chịu thuế (Ðiều 4), đại biểu Trần Văn Tấn (Tiền Giang) đề nghị nên quy định điểm a và điểm b, khoản 1 điều này thành một điểm trong dự thảo Luật vì nội dung tương đồng nhau. Ðại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên), Lương Phan Cừ (Ðác Nông) cho rằng, nên bỏ Ðiều 4 vì Luật này không điều chỉnh những đối tượng không chịu thuế, nếu liệt kê như trong dự thảo Luật là chưa hợp lý, không bao quát.

Về người chịu thuế, phần lớn ý kiến phát biểu đồng tình quy định người tiêu dùng là người chịu thuế, người sản xuất, người nhập khẩu là người nộp thuế là hợp lý. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, thuế BVMT cần áp dụng ngay từ khâu hoàn tất sản xuất sản phẩm, vì hàng hóa cho vào kho là đã gây hại tới môi trường; chưa cần phải tiêu thụ, lưu thông trên thị trường mới gây hại. Liên quan đến người nộp thuế (Ðiều 5), có ý kiến cho rằng, cần làm rõ thêm quy định nộp thuế BVMT đối với các trường hợp như người nhận ủy thác nhập khẩu hàng hóa nộp thuế BVMT, chủ hàng bỏ chạy khi hàng gian lận thương mại bị cơ quan chức năng phát hiện ở cửa khẩu...

Trong khi đại biểu Nghiêm Vũ Khải (Ðiện Biên) đồng tình với quy định giao Ủy ban Thường vụ QH quy định thêm những đối tượng chịu thuế, thì đại biểu Ngô Minh Hồng (TP Hồ Chí Minh) và nhiều đại biểu đề nghị bỏ quy định nói trên, mà giao cho QH xem xét, quyết định khi cần thiết phải bổ sung đối tượng chịu thuế khác cho phù hợp với từng thời kỳ.

Liên quan phương pháp tính thuế, vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau. Các đại biểu Nguyễn Trung Nhân (Cần Thơ), Lương Phan Cừ, Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) cho rằng, nên tính theo mức thuế tương đối để bảo đảm tính linh hoạt, tránh phải điều chỉnh nhiều lần khi có biến động về giá cả, không nên tính theo tuyệt đối. Tuy nhiên, đại biểu Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang) lại cho rằng, nên áp dụng mức thuế tuyệt đối để tính thuế BVMT. Có đại biểu đề nghị, thời điểm tính thuế ngay từ khi sản phẩm sản xuất trong kho, tránh tình trạng tính chồng thuế khi đem bán ra, lưu hành trên thị trường. Ðại biểu Trần Ðình Long (Ðác Lắc) và Nguyễn Thị Kim Thúy (Ðà Nẵng) đề nghị không nên quy định hoàn thuế hàng hóa nhập khẩu để bán cho các phương tiện của hãng nước ngoài trên các tuyến đường qua cảng Việt Nam hoặc các phương tiện của Việt Nam trên các tuyến đường vận tải quốc tế theo quy định của pháp luật như trong dự thảo Luật này vì thực tế khó thực hiện.

Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh thay mặt Ban soạn thảo giải trình, làm rõ thêm một số điểm mà đại biểu QH quan tâm, đề cập tại phiên họp.

Cân nhắc dịch vụ bảo hiểm qua biên giới

Buổi chiều, các đại biểu thảo luận ở tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm. Nhiều đại biểu đồng tình với việc sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm, do luật hiện hành không còn phù hợp thực tiễn, nhất là trong bối cảnh Việt Nam là thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Nhiều đại biểu cho rằng, luật cần quy định cụ thể nhằm nâng cao hơn nữa trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, của doanh nghiệp bảo hiểm và của người tham gia bảo hiểm, cũng như hài hòa lợi ích giữa các chủ thể nói trên, góp phần vào sự phát triển của thị trường bảo hiểm.

Về quy định thành lập doanh nghiệp, một số đại biểu cho rằng, cũng như hoạt động ngân hàng, chứng khoán, kinh doanh bảo hiểm là hoạt động đặc thù trong lĩnh vực tài chính, do vậy đề nghị bổ sung điều kiện bắt buộc về năng lực tài chính đối với tổ chức, cá nhân tham gia góp vốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm và nên quy định cụ thể ngay trong luật như: điều kiện về tổng tài sản, số năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm, tỷ lệ góp vốn... Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành bảo hiểm tương tự như thanh tra thuế, thanh tra hải quan, nhằm kiểm tra giám sát để hoạt động kinh doanh bảo hiểm đạt hiệu quả cao. Liên quan đến tính an toàn của thị trường, nhiều đại biểu tán thành với quy định tái bảo hiểm bắt buộc đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ này. Tuy nhiên, Ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định chặt chẽ hơn về tiêu chí, tỷ lệ tái bảo hiểm, nhằm nâng cao hơn nữa hệ số an toàn của thị trường.

Về cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, nhiều đại biểu đề nghị cho phép cung cấp loại dịch vụ này cho các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Ðiều này phù hợp với cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO và phù hợp xu hướng phát triển thị trường bảo hiểm thế giới. Tuy nhiên, một số đại biểu lại cho rằng, việc cung cấp dịch vụ qua biên giới là vấn đề mới, liên quan đến việc chuyển tiền tệ từ trong nước ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam. Theo kinh nghiệm quốc tế cho thấy, các nước rất hạn chế cung cấp dịch vụ bảo hiểm qua biên giới, một số nước cho phép nhưng quy định rất ngặt nghèo thông qua rào cản kỹ thuật. Do vậy, Ban soạn thảo cần nghiên cứu đưa ra quy định chặt chẽ và có lộ trình cụ thể, tránh thất thoát ngoại tệ và thất thu thuế. 

Ðể dự luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh bảo hiểm có tính khả thi cao sau khi ban hành, nhiều đại biểu đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ những luật liên quan như Luật Ðầu tư, Luật Doanh nghiệp... để đưa ra những điều chỉnh phù hợp, tránh những quy định chồng chéo.

Nhiều đại biểu đề nghị, Ban soạn thảo cần đưa ra quy định nhằm khuyến khích phát triển thị trường bảo hiểm trong nước và cho phép mở rộng hơn nữa các loại hình bảo hiểm,  vì đây là thị trường quan trọng và tiềm năng còn rất lớn. Theo thống kê, hiện thị trường bảo hiểm trong nước chỉ chiếm khoảng 2% GDP, trong khi tỷ lệ chung của các nước thường chiếm từ 7% đến 8% GDP. Một số đại biểu đề nghị có những ưu đãi cần thiết nhằm khuyến khích doanh nghiệp tích cực tham gia bảo hiểm thị trường nông sản, một thị trường vốn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác