Phát triển kinh tế-xã hội cần có cái nhìn tổng quan hơn

23/10/2010

Bên cạnh việc đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các đại biểu Quốc hội cũng đi sâu phân tích những hạn chế, yếu kém còn tồn tại để có thể phát triển nhanh và bền vững hơn thời gian tới

Sáng 22/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, cho ý kiến về báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2011 do Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại Kỳ họp lần này.

Đa số các đại biểu đều tán thành với mục tiêu tổng quát về các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà Chính phủ đã đánh giá trong Báo cáo, trong đó nhấn mạnh, năm 2010, chúng ta đã thoát khỏi và phục hồi được tốc độ phát triển của nền kinh tế; đảm bảo an sinh xã hội; ổn định được chính trị và trật tự an toàn xã hội. Đây là những kết quả đạt được nhờ những chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành kịp thời của Chính phủ và nỗ lực của bản thân các tầng lớp nhân dân.

Việc chúng ta sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng tài chính và phục hồi được tốc độ phát triển của nền kinh tế, đại biểu Vũ Văn Hiền (đoàn Hải Dương) đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò quản lý của Nhà nước. Theo đại biểu, bài học rút ra từ những nước sớm thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế thời gian qua đều cho thấy rõ vai trò quản lý chặt chẽ của Nhà nước về kinh tế, đặc biệt là Trung Quốc với vai trò đầu tàu đưa kinh tế thế giới thoát khỏi khủng hoảng.

Cũng theo đại biểu Vũ Văn Hiền, qua cuộc khủng hoảng này, chúng ta rút ra được những bài học kinh nghiệm quý báu. Thứ nhất lần đầu tiên chúng ta bị ảnh hưởng của khủng hoảng và cũng từ đây, chúng ta đã biết cách thoát khỏi nó - đó là kinh nghiệm rất quý. Thứ 2, qua cuộc khủng hoảng kinh tế vừa qua, chúng ta đã làm được 2 việc là thoát khỏi và giải quyết được vấn đề chống lạm phát, đồng thời cũng có kinh nghiệm bước đầu để chống lại sự trì trệ.

Đại biểu Vũ Văn Hiền nhấn mạnh: “Việc thoát khỏi khủng hoảng là cái được lớn nhất trong điều hành phát triển kinh tế của Việt Nam năm 2010”.

Cần phân tích rõ hơn những chỉ tiêu cụ thể

Đi vào những mục tiêu cụ thể trong Báo cáo mà Chính phủ đã nêu, bên cạnh những thành công trong việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế năm 2010, các đại biểu cũng chỉ ra nhiều hạn chế cần phải khắc phục.

Đại biểu Nguyễn Văn Hợp (đoàn Hải Dương) cho rằng, Chính phủ và các bộ, ngành liên quan cần xem xét, cân nhắc, đánh giá lại một số chỉ tiêu cụ thể, trong đó có đánh giá về công tác quản lý tài nguyên đất, tài nguyên nước. Theo đại biểu, công tác quản lý trên lĩnh vực này chưa được quan tâm đúng mức, có thể nói là hiệu quả đạt được rất thấp.

Thứ 2, theo đại biểu Nguyễn Văn Hợp, việc đánh giá “đến nay đã cơ bản hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” trong Báo cáo là không sát với thực tế. Đại biểu Hợp cũng đề nghị, trong phần đánh giá những tồn tại, yếu kém về “tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt khá cao nhưng lại làm nảy sinh những khó khăn mới cho ổn định kinh tế vĩ mô”, Chính phủ cần phân tích rõ vì sao lại như thế.

Về mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, đại biểu Nguyễn Văn Hợp đề nghị chỉ nên đặt mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 7% (mục tiêu của Chính phủ là từ 7-7,5%) vì năm 2011 là năm đầu tiên chúng ta thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm (2011 -2015), cần xác định, lựa chọn một phương án vừa sức, cũng như lường trước những bất ổn của khu vực cũng như trên thế giới, tránh tình trạng đến giữa năm chúng ta lại phải điều chỉnh mục tiêu.

Đồng quan điểm này, đại biểu Đinh Thế Huynh (đoàn Tuyên Quang) cũng cho rằng, chúng ta cần thảo luận kỹ hơn về quan điểm đặt mục tiêu tăng trưởng. Những năm trước đây chúng ta cũng đã nói đến việc đặt mục tiêu tăng trưởng nhanh và bền vững, nhưng thực chất vẫn chưa đạt được mục tiêu đó. Theo đại biểu, càng ngày thực tế càng cho thấy, việc phát triển bền vững cần được đặt đúng tầm mức của nó, chứ không phải là “cái đuôi” gắn vào để chúng ta yên tâm. Vì vậy, chúng ta phải rà soát lại những yếu tố không bền vững, những yếu tố không dẫn đến sự phát triển bền vững để từ đó có những chính sách, mục tiêu sát với thực tế.

Đại biểu Đinh Thế Huynh cho rằng, cuộc khủng hoảng vừa qua cũng là cơ hội để chúng ta tái cơ cấu nền kinh tế. Tái cơ cấu ở cả 3 cấp độ là toàn bộ nền kinh tế; từng doanh nghiệp; từng ngành hàng. Đây là điều mà trong Báo cáo của Chính phủ vẫn chưa chỉ rõ được.

Đại biểu Vũ Văn Hiền (đoàn Hải Dương) cho rằng, trong quá trình hội nhập quốc tế, chúng ta học hỏi kinh nghiệm từ những nước phát triển là điều tốt. Tuy nhiên, nếu cứ áp dụng y nguyên mô hình của nước ngoài vào để phát triển đất nước thì không ổn, bởi thể chế chính trị của chúng ta khác với họ.

Đại biểu Vũ Văn Hiền cũng cho rằng, cách thức phát triển, cách thức đầu tư của chúng ta hiện nay không phù hợp với tình hình của đất nước. Nhiều khi chúng ta có cách thức suy nghĩ theo kiểu phương Tây hơn là chú ý đến tình hình thực tế trong nước.

Mục tiêu phát triển xã hội cần được coi trọng hơn nữa

Đánh giá cao những kết quả đạt được trong thời gian qua trên các mặt xoá đói giảm nghèo, an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng chính sách… đại biểu Trần Thế Vượng (đoàn Hải Dương) cũng cho rằng, về mặt xã hội có nhiều vấn đề rất đáng báo động.

Trước hết là vấn đề vi phạm pháp luật và tỷ lệ tội phạm gia tăng, có thể nói là nghiêm trọng. Bên cạnh tội phạm về kinh tế, tỷ lệ tội phạm xâm phạm trật tự xã hội như giết người, cướp của, hiếp dâm, chống người thi hành công vụ… đang ở mức báo động. Điều lo lắng là đối tượng phạm tội là trẻ em có chiều hướng gia tăng.

Theo đại biểu, việc gia tăng tỷ lệ tội phạm như ngày nay, một mặt có tác động xấu đến trật tự xã hội, còn có tác động rất lớn đến vấn đề phát triển kinh tế. “Người ta cố tình làm trái, ví dụ quyết định mua một con tàu hàng ngàn tỷ, vậy chúng ta làm đến bao giờ, bao nhiêu người quyết, bao nhiêu người thực hiện thì mới có được hàng ngàn tỷ đó???” - đại biểu Trên Thế Vượng nói.

Theo đại biểu, bên cạnh việc tìm mọi giải pháp để phát triển kinh tế, cần phải tìm ra giải pháp để ngăn ngừa tỷ lệ tội phạm tăng cao.

Đại biểu Đinh Thế Huynh (đoàn Tuyên Quang) đặt vấn đề, tại sao đất nước pháp triển nhưng đời sống lại chưa thực sự yên vui. Theo đại biểu, cái gốc của vấn đề là thực chất đời sống của nhân dân đang đi xuống, bởi đồng tiền mất giá nhiều hơn so với chỉ số giá tiêu dùng. Theo đại biểu, chính từ việc này đã nảy sinh ra nhiều phức tạp trong xã hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý (đoàn Đà Nẵng) cho rằng, công tác xoá đói, giảm nghèo của cả nước đã đạt được những kết quả tốt. Tuy nhiên chưa bền vững, cần sớm có sự thống nhất đánh giá và điều chỉnh cho phù hợp. “Nếu giảm nghèo chỉ chạy theo tốc độ là thiếu tính bền vững. Tôi kiến nghị cần chia đối tượng nghèo làm 2 nhóm, một nhóm nghèo kinh niên và một nhóm nghèo có tính thời điểm để từ đó áp dụng chính sách cho phù hợp, có như thế mới giảm nghèo bền vững được”, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thuý nói.

Về phương hướng, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, nhiều ý kiến đại biểu đề nghị: Năm 2011 cần tiếp tục tập trung xây dựng nền tảng cho ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, đồng thời phải quan tâm giải quyết những vấn đề trung và dài hạn liên quan đến cả mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế và thể chế kinh tế.

Chiều 22/10, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách Nhà nước 2010; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2011./.

Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác