Kỳ họp thứ Tám, QH khóa XII

25/10/2010

Ngày 23-10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường 2 dự án luật: Luật Tố tụng hành chính và Luật Thanh tra (sửa đổi)

* Dự án Luật Tố tụng hành chính: Giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về thi hành án tố tụng hành chính

* Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi): Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan giúp Chính phủ quản lý công tác thanh tra, vừa là cơ quan thực hiện thanh tra theo pháp luật

 

Sáng 23.10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tố tụng hành chính.

 

Theo Báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tố tụng hành chính do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Thu Ba trình bày, sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH về dự án Luật Tố tụng hành chính tại Kỳ họp thứ Bảy, QH khóa XII, UBTVQH đã chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo luật. Về khởi kiện vụ án hành chính, UBTVQH quyết định giữ như quy định của dự thảo Luật là không bổ sung thẩm quyền của Viện kiểm sát nhân dân trong việc khởi tố vụ án hành chính đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, nếu họ không có người khởi kiện. UBTVQH cho rằng, theo quy định của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì Viện kiểm sát nhân dân là người tiến hành tố tụng tại phiên tòa. Nếu quy định Viện kiểm sát nhân dân có quyền khởi tố vụ án với vai trò của người tham gia tố tụng là không phù hợp với chức năng của Viện kiểm sát; mặt khác, trường hợp Viện kiểm sát nhân dân khởi tố vụ án hành chính thì ai là nguyên đơn trong vụ kiện đó, quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn sẽ được thực hiện như thế nào? Thực tiễn 14 năm qua, Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án hành chính đã quy định thẩm quyền này cho Viện kiểm sát nhân dân, nhưng chưa khởi tố được vụ án hành chính nào.

 

Dự thảo Luật đã bổ sung sửa đổi các quy định có liên quan đến vấn đề tranh chấp về quyền sử dụng đất tại khoản 2 Điều 136 và việc giải quyết khiếu nại tại khoản 2 và khoản 3 Điều 138 của Luật Đất đai được thể hiện tại Điều 262 của dự thảo Luật.

 

Đa số các ĐBQH tán thành với những nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Tư pháp. Các đại biểu cơ bản nhất trí với quy định giao Bộ Tư pháp giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thi hành án tố tụng hành chính và giao cho cơ quan thi hành án dân sự, cơ quan quản lý thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp có nhiệm vụ giúp Bộ thực hiện. Đóng góp ý kiến vào dự thảo luật, ĐB Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) cho rằng, dự thảo luật nên có một khoản chỉ rõ thẩm quyền của Tòa án tối cao là cấp phúc thẩm, đồng thời là cấp giám đốc thẩm hoặc tái thẩm đối với các quyết định giải quyết vụ án hành chính của Tòa án nhân dân các cấp, để giúp những ngườâi không thuộc giới luật gia khi đọc luật có thể nắm bắt rõ. ĐB Võ Thị Thuý Loan cũng kiến nghị, cần quy định rõ ngay trong dự thảo luật về phân định thẩm quyền giữa Tòa án và cơ quan hành chính, không nên giao thẩm quyền hướng dẫn cho Tòa án tối cao về việc phân định thẩm quyền đối với các trường hợp vừa có đơn khiếu nại hành chính, vừa có đơn khởi kiện vụ án hành chính về một vụ việc chỉ có một người hay một vụ việc có nhiều người. Như vậy sẽ rõ ràng và minh bạch hơn.

 

Về vấn đề khởi kiện, ĐB Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đánh giá cao quy định về khởi kiện vụ án hành chính tại Điều 104 của dự thảo luật. Theo đó, quy định cơ quan, tổ chức nếu không đồng ý với quyết định hành chính, hành vi hành chính thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính ra Tòa án mà không phải khiếu nại đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu rồi mới có quyền khởi kiện. Đây là một hướng mở rất nhân văn, nhằm mở rộng hơn quyền lựa chọn của người dân có thể là kiện cơ quan hành chính hoặc kiện ra Tòa án mà không bắt buộc phải qua thủ tục khiếu nại trước khi khởi kiện. Việc quy định cơ chế dân kiện quan thông thoáng như vậy không những tạo điều kiện thuận lợi cho người dân mà cho cả Tòa án trong việc thụ lý giải quyết các vụ án hành chính. Đồng thời nhằm hạn chế những biểu hiện lạm dụng quyền lực, thiếu trách nhiệm của một số cơ quan, công chức nhà nước trong việc giải quyết công việc cho người dân. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) thì cho rằng, hiện nay nhiều cơ quan Nhà nước khi quyết định về một vấn đề nào đó thường không ra quyết định hành chính mà chỉ có công văn truyền đạt ý kiến, thông báo mang tính chỉ đạo bắt buộc thi hành. Người dân nếu không đồng ý với quyết định này thì cũng chưa có cơ sở khởi kiện vì hình thức thể hiện của văn bản không phải là quyết định hành chính. Do vậy, đề nghị dự thảo luật mở rộng hơn khái niệm quyết định hành chính, các văn bản của cơ quan Nhà nước có đóng dấu quốc huy do người có thẩm quyền ký, đều được coi là quyết định hành chính.

 

Về việc xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Khoản 1, Điều 228 quy định: Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có quyền kiến nghị Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) băn khoăn, nên hiểu quy định này là quyền kiến nghị hay quyền kháng nghị? Nếu hiểu là quyền kiến nghị thì tôi đề nghị xem lại vì nếu là quyền kiến nghị thì căn cứ vào đâu, thời hạn của quyền kiến nghị như thế nào? ĐB Vũ Hồng Anh (Hà Nội) cho rằng, cần bổ sung vào khoản 1, điều 228 ; khoản 1 điều 237 quy định Bộ trưởng Bộ Tư pháp cũng có quyền kiến nghị xem xét lại quyết định của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Theo ĐB Vũ Hồng Anh, đây là cơ chế đặc biệt nhằm sửa sai quyết định bản án của Tòa án liên quan đến việc quản lý hành chính nhà nước, có đối tượng xét xử là đơn vị hành chính, hành vi hành chính. Theo quy định của khoản 2 Điều 229 và khoản 2 Điều 238 của dự thảo luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp có trong thành phần Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao tại phiên họp xem xét lại quyết định bản án. Ngoài ra, Bộ trưởng Bộ Tư pháp là người đứng đầu Bộ Tư pháp - cơ quan của Chính phủ có trách nhiệm bảo đảm tính hợp pháp, tính thống nhất của các văn bản do cơ quan chính phủ ban hành trong đó có các quyết định hành chính, là người có điều kiện tiếp cận với quyết định bản án của Tòa án. Vì vậy, khi phát hiện sai sót, Bộ trưởng bộ Tư pháp  có thể kiến nghị ngay mà không cần thông qua đề nghị với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hay với Viện trưởng Viện kiếm sát nhân dân tối cao.

 

Buổi chiều, QH tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Thanh tra (sửa đổi).

 

 Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thanh tra (sửa đổi) của UBTVQH, do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Văn Thuận trình bày nêu rõ: việc sửa đổi Luật Thanh tra là nhằm nâng cao địa vị pháp lý, vai trò, tính độc lập và tự chịu trách nhiệm của Thanh tra Chính phủ nói riêng, của cơ quan thanh tra nói chung về hoạt động, quyết định của mình. Và tổ chức hoạt động thanh tra để bảo đảm cho Thanh tra Chính phủ thực hiện tốt vai trò giúp Chính phủ quản lý nhà nước về công tác thanh tra. Tuy nhiên, trong khuôn khổ hiện hành, và để tránh xáo trộn tổ chức bộ máy nhà nước, bảo đảm sự ổn định về tổ chức, hoạt động của ngành thanh tra, trong giai đoạn trước mắt khi chưa thể thực hiện được phương án tổ chức cơ quan thanh tra độc lập, thì cần đổi mới từng bước tổ chức và hoạt động thanh tra theo hướng tuy vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối. Theo đó, Thanh tra Chính phủ vừa là cơ quan ngang bộ, giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; vừa là cơ quan thực hiện thanh tra theo quy định của pháp luật và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về các quyết định của mình. Về vấn đề thanh tra nhân dân, UBTVQH cho rằng, trong điều kiện chưa xây dựng một văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về tổ chức và hoạt động của mô hình thanh tra này, thì cần giữ lại những quy định  về thanh tra nhân dân trong Luật hiện hành. Bởi đây là một phương thức quan trọng bảo đảm quyền làm chủ của nhân dân; đồng thời, phù hợp với quy định của Luật Khiếu nại, tố cáo và Luật Phòng, chống tham nhũng, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là nâng cao vai trò của Ban thanh tra nhân dân trong cơ quan nhà nước, để đẩy mạnh công tác đấu tranh, phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.

 

Các ĐBQH cơ bản tán thành với phương án tổ chức và hoạt động thanh tra vẫn gắn với hoạt động quản lý nhà nước, nhưng có tính độc lập tương đối. Để bảo đảm thanh tra có tính độc lập tương đối thì cũng cần bổ sung một số quy định về nhiệm vụ, cụ thể của cơ quan thanh tra. Trong đó, cơ quan thanh tra có quyền chủ động xây dựng Kế hoạch thanh tra sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt định hướng chương trình thanh tra. Cơ quan thanh tra trong phạm vi, quyền hạn của mình có thể chủ động tiến hành thanh tra theo Kế hoạch thanh tra đã được phê duyệt, trường hợp phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thì Thủ trưởng cơ quan thanh tra có quyền quyết định thanh tra và chịu trách nhiệm về quyết định của mình, không chỉ tiến hành thanh tra theo yêu cầu của Thủ trưởng cơ quan quản lý cùng cấp. ĐB Đặng Huyền Thái (Hà Nội) đề nghị, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung quy định quyền hạn, nhiệm vụ của Thanh tra Chính phủ trong trường hợp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách, quyết định không đúng.

 

Về thanh tra chuyên ngành tại các cơ quan trực thuộc bộ được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, nhiều ĐBQH nhất trí với phương án không tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành ở tổng cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở, mà giao cho chính các cơ quan này tổ chức thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành. Theo ĐB Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), thanh tra chuyên ngành thực chất cũng là một nội dung quản lý của cơ quan Nhà nước. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động thanh tra chuyên ngành đòi hỏi người tiến hành phải có chuyên môn sâu trong lĩnh vực chuyên ngành thực hiện. Do vậy, hoạt động này nên giao cho chính cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn trong các cơ quan này trực tiếp tiến hành thanh tra và quyết định xử lý vi phạm thì sẽ kịp thời, hiệu quả hơn là việc thành lập một bộ phận riêng. Tổ chức một bộ máy thanh tra nữa thì sẽ khiến phình bộ máy hành chính, đi ngược với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng tinh giản, gọn nhẹ tổ chức bộ máy và biên chế hiện nay. Nhưng ĐB Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) băn khoăn: thanh tra của bộ, sở dù được bổ sung cán bộ thì có chắc sẽ với tới đến cơ sở hay không? Lực lượng cán bộ, công chức thực hiện nhiệm vụ chuyên môn tại cấp tỉnh, huyện có đáp ứng được khối lượng công việc tăng lên hay không? ĐB Nguyễn Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, cần quy định xuyên suốt theo hướng tại nơi nào làm nhiệm vụ quản lý Nhà nước thì nơi đó tổ chức thanh tra. Điều này cũng phù hợp với xu hướng bộ, ngành quản lý đa ngành, đa lĩnh vực hiện nay; giúp tổ chức thanh tra minh bạch hơn, tránh chồng chéo, trùng lắp.

 

ĐB Phạm Thị Hoa (Thanh Hóa), ĐB Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, quy định nguyên tắc hoạt động thanh tra theo hướng không làm cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân là đối tượng thanh tra; không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thanh tra; giữa cơ quan thanh tra với Kiểm toán Nhà nước. Bởi thực tế, khi tiến hành thanh tra tại một cơ quan, tổ chức thì sẽ khó tránh khỏi làm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, do sẽ nảy sinh tâm lý lo lắng cho cán bộ, công chức. Hơn nữa, quy định việc thanh tra không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian thanh tra giữa các cơ quan thanh tra, thì sẽ thực hiện như thế nào với việc thanh tra lại cũng được quy định trong dự thảo Luật. Đặc biệt, quy định không trùng lặp về phạm vi, đối tượng, nội dung, thời gian giữa cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước sẽ tạo kẽ hở, hạn chế hoạt động của cơ quan kiểm toán. Bởi quy định như vậy thì khi cơ quan thanh tra tổ chức kiểm tra, thanh tra, thì đương nhiên Kiểm toán Nhà nước sẽ không được hoạt động. Ban soạn thảo cần rà soát để đưa quy định phù hợp, giúp cơ quan thanh tra và Kiểm toán Nhà nước có thể phối hợp nhuần nhuyễn.

P.Thủy – T.Chi

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác