Thảo luận về dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người: Phải đảm bảo tính khả thi của Luật

28/10/2010

Theo các đại biểu, nếu chỉ quy định chung chung như trong một số điều, khoản của dự thảo Luật thì rất khó phát huy hiệu quả khi Luật được ban hành và triển khai trong thực tế

Sáng 27/10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ, góp ý kiến vào dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người.

Dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người gồm 8 chương, 51 điều nhằm luật hoá các quy định hiện hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành liên quan về phòng ngừa mua bán người và hỗ trợ nạn nhân đã được thực tiễn kiểm nghiệm, đồng thời bổ sung những nội dung mới cho phù hợp với thực tiễn.

Bên cạnh đó, việc xây dựng Luật nhằm tạo cơ chế pháp lý hữu hiệu để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia đấu tranh phòng, chống mua bán người và hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân bị mua bán, đáp ứng yêu cầu đấu tranh phòng, chống mua bán người hiện nay cũng như những năm tới.

Thảo luận về dự thảo Luật trên, các đại biểu đều đồng tình về sự cần thiết phải ban hành một đạo luật về phòng, chống mua bán người với các lý do được nêu ra trong Tờ trình của Chính phủ. Tuy nhiên, theo các đại biểu, để Luật có tính khả thi, Ban soạn thảo cần xem xét, điều chỉnh một số điều, khoản trong dự thảo Luật.

Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp cho rằng, nhiều quy định của dự thảo Luật phù hợp với yêu cầu công tác đấu tranh phòng, chống mua bán người ở nước ta. Tuy nhiên, có một số quy định về các biện pháp phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Chính phủ, các bộ và địa phương trong phòng, chống mua bán người; chế độ hỗ trợ đối với nạn nhân bị mua bán trở về; bảo vệ an toàn cho nạn nhân… còn khá rộng, chưa phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của Việt Nam, khó bảo đảm thực hiện trên thực tế. Do đó, Chính phủ cần nghiên cứu, chỉnh lý lại cho phù hợp, bảo đảm tính khả thi.

Đại biểu Lê Quang Huy (đoàn Bạc Liêu) cho rằng, tại khoản 2, điều 24 của dự thảo Luật quy định UBND xã nơi gần nhất hỗ trợ về ăn mặc và các vật dụng cá nhân thiết yếu khác cho nạn nhân đến khai báo trong trường hợp cần thiết; hỗ trợ tiền tàu xe, tiền ăn trong thời gian đi đường để họ tự trở về nơi cư trú… Theo đại biểu, quy định như vậy thì không biết là UBND xã có làm được không, nhất là những xã ở biên giới, vùng sâu, vùng xa - nơi còn gặp nhiều khó khăn?

Về bảo vệ an toàn cho nạn nhân, quy định tại điều 29 của dự thảo Luật, đại biểu Lê Quang Huy cũng đồng tình với ý kiến trong Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Tư pháp cho rằng: Quy định về bảo vệ an toàn cho nạn nhân như bố trí lực lượng bảo vệ tại nơi ở, nơi làm việc, học tập của nạn nhân; thay đổi chỗ ở của nạn nhân và người thân thích của họ… là chưa phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tế của nước ta và tính khả thi không cao. Trong khi hiện nay không chỉ có nạn nhân bị mua bán cần được bảo vệ mà còn có nhiều đối tượng khác cũng cần bảo vệ như người làm chứng trong các vụ án buôn bán ma túy, khủng bố, rửa tiền, người tố cáo tham nhũng…. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu bảo đảm quy định phù hợp, cân đối với các đối tượng khác và thực hiện được trên thực tế.

Cũng bàn về tính khả thi của dự thảo Luật, đại biểu Hồ Trọng Ngũ (đoàn Ninh Thuận) nhận xét, có thể đây là một vấn đề mới và khó, nên trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo vẫn còn lúng túng, nhiều điều khoản diễn đạt trong dự thảo diễn đạt chưa được gãy gọn.

Đại biểu Hồ Trọng Ngũ cũng đặt vấn đề, nếu chúng ta quy định về việc hỗ trợ với nạn nhân bị mua bán theo 6 loại chế độ hỗ trợ là: hỗ trợ các nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ y tế; tâm lý; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ học văn hóa, học nghề; trợ cấp khó khăn ban đầu, hỗ trợ vay vốn… thì chúng ta lấy đâu cơ sở vật chất, tiền vốn để thực hiện các hỗ trợ đó. Liệu đặt ra như vậy thì khi áp dụng vào thực tế có thực hiện được không?

Xuất phát từ những lý do trên, đa số đại biểu cho rằng, hiện nay cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập ở 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, do Sở Lao động – Thương binh Xã hội quản lý, nếu bổ sung thêm chức năng hỗ trợ nạn nhân bị mua bán và tăng cường đầu tư cho các cơ sở này, nhất là ở những nơi thuộc địa bàn trọng điểm về mua bán người hoặc có nhiều nạn nhân bị mua bán thì sẽ tận dụng được các cơ sở hiện có và hoạt động hiệu quả, tiết kiệm hơn.

Đại biểu Ngô Thị Minh Hồng (đoàn TP HCM) cho rằng, cần làm rõ khái niệm “người bị mua bán” trong luật vì hiện nay có  cả tình trạng mua bán khi còn là trong bào thai, do vậy cần làm rõ để có hướng xử lý, phòng chống hiệu quả. Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hoà (đoàn Bắc Ninh) cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ nạn nhân là ai để tránh tình trạng chung chung. “Mặc dù đối tượng đa dạng như vậy nhưng trong dự thảo Luật mới chỉ đề cập đến nạn nhân nói chung. Phải phân rõ nạn nhân là trẻ sơ sinh, nạn nhân là nam giới, nạn nhân là phụ nữ, nạn nhân là trẻ em. Nếu không tiếp cận từ góc độ khác nhau về các nhóm nạn nhân chúng tôi thấy còn rất chung chung”, đại biểu Hoà nêu ý kiến.

Đại biểu Nguyễn Đức Hiền (đoàn Quảng Ngãi) góp ý, việc ngăn chặn, phòng chống nạn buôn bán người cần quy định rõ trách nhiệm của các bộ ngành liên quan và cần bổ sung trách nhiệm của Bộ Y tế. Đồng thời để công tác phòng chống mua bán người đạt hiệu quả cao cần có sự hợp tác quốc tế chặt chẽ.

Đại biểu Hoàng Văn Lợi (đoàn Bắc Giang) cho rằng, cần đặt nặng vấn đề phòng ngừa là chính, bởi đối với một con người, khi đã bị buôn bán, bị bóc lột sức lao động, bị xâm hại về tình dục, sức khoẻ… chúng ta mới phát hiện, xử lý thì cách gì cũng là muộn. Theo đại biểu, những quy định trong dự thảo Luật về công tác phòng, chống mua bán người vẫn còn chung chung, mang tính chất khẩu hiệu, chỉ thị chứ chưa đi vào những quy định cụ thể.

Chiều 27/10, Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Báo cáo của Uỷ ban thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Khoáng sản (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này./.

 

 

Mạnh Hùng

(http://vovnews.vn/)

Các bài viết khác