Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XII

31/10/2010

Buổi chiều ngày 29-10, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

* Dự án Luật Khiếu nại: Đông người khiếu nại chung một nội dung thì phải cử ra người đại diện

* Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng: Nên khu biệt khái niệm người tiêu dùng để có thể bảo vệ đúng đối tượng yếm thế

 

Sáng 29.10, QH đã thảo luận ở tổ Dự án Luật Khiếu nại. ĐB Trương Thị Ánh (TP HCM) cho rằng, nên mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật Khiếu nại, theo đó đề nghị không chỉ giới hạn việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính mà cần điều chỉnh cả việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật của các cơ quan, tổ chức (không phải là cơ quan hành chính nhà nước) thuộc mọi lĩnh vực (trừ lĩnh vực tố tụng). Trường hợp không mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật thì nên lấy tên gọi là Luật Khiếu nại hành chính.

 

ĐB Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, việc xây dựng dự án Luật Khiếu nại là nhằm góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của công dân, vì vậy cần phải coi đây là một nguyên tắc quan trọng và cần được nhấn mạnh trong quan điểm, nguyên tắc xây dựng Luật. So với Luật Khiếu nại, tố cáo hiện hành thì dự thảo Luật Khiếu nại chỉ bổ sung một số quy định mới về trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại phù hợp với thực tiễn theo hướng đơn giản, công khai, dân chủ và kịp thời hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếu nại, nhất là việc giải quyết khiếu nại lần đầu. Quy định như vậy là tốt, tạo cơ hội cho người có quyết định hành chính sai được sửa sai, nhưng trên thực tế lại không có hiệu quả. ĐB Huỳnh Ngọc Đáng đề nghị, cần nghiên cứu, xây dựng được một cơ chế giải quyết hiệu lực hơn.

 

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) đề nghị, dự thảo luật cần bổ sung quy định về khiếu nại đông người. Thực tế tình trạng khiếu nại đông người vẫn diễn ra ở nhiều nơi với tính chất gay gắt, phức tạp và thường liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhà ở, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, môi trường... đòi hỏi các cơ quan nhà nước phải xem xét. Đối với các vụ việc này, nhìn chung các cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải giải quyết dưới các hình thức khác nhau như tiến hành thanh tra, xác minh, sau đó ra văn bản trả lời,... Tuy nhiên, do chưa có quy định của pháp luật về xử lý khiếu nại đông người nên khi có vụ việc xảy ra đã gặp không ít khó khăn, lúng túng trong quá trình xem xét, giải quyết. Theo Phó chủ tịch QH Huỳnh Ngọc Sơn, không nên đưa nội dung này vào dự thảo Luật Khiếu nại vì thực chất khiếu nại đông người là một hình thức biểu tình quy mô nhỏ. Hiện pháp luật Việt Nam chưa có luật biểu tình, vì vậy có thể chờ đến khi soạn thảo luật biểu tình để đưa nội dung này vào. PCT Huỳnh Ngọc Sơn cho rằng, nếu muốn quy định việc giải quyết khiếu nại đông người trong dự thảo Luật Khiếu nại thì cần quy định rõ trường hợp nhiều người khiếu nại có cùng một nội dung phải cử người đại diện ra để viết một đơn khiếu nại chung. Theo đó, dự thảo cũng nên quy định rõ bao nhiêu người khiếu nại cùng nội dung thì cần phải cử đại diện.

 

Buổi chiều, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Đức Kiên, QH thảo luận tại hội trường về Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

 

 Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của UBTVQH do Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Đặng Vũ Minh trình bày nêu rõ: khác với nhiều lĩnh vực pháp luật khác, việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực trong đời sống, kinh tế, xã hội. Để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phải sử dụng một hệ thống pháp luật điều chỉnh. Bên cạnh đó, hiện có nhiều văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh đối với hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Do vậy, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng không quy định lại từng lĩnh vực cụ thể mà tiếp cận theo hướng chỉ quy định những vấn đề mới, đặc thù chưa có văn bản quy phạm pháp luật hiện hành điều chỉnh, đồng thời, tập trung quy định các cơ chế để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ mình. Về giải quyết tranh chấp tại Tòa án, dự thảo Luật được chỉnh sửa tại các điều về giải quyết tranh chấp tại Tòa án cho phù hợp với các quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, về án phí, lệ phí tòa án... Ngoài ra, thực tiễn cho thấy các tranh chấp của người tiêu dùng thường là đơn lẻ, có giá trị không lớn... trong khi trình tự, thủ tục giải quyết các vụ kiện dân sự tại tòa án theo tố tụng dân sự hiện hành còn phức tạp, kéo dài, không phù hợp với khả năng của người tiêu dùng nên công cụ này hoạt động chưa thực sự hiệu quả để người tiêu dùng có thể tự bảo vệ quyền lợi của mình. Để khắc phục tình trạng trên và nâng cao vai trò của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật quy định về áp dụng thủ tục xét xử đơn giản đối với các tranh chấp của người tiêu dùng với các tổ chức cá nhân kinh doanh, quy định cụ thể các đặc thù trong giải quyết vụ án bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có sự tham gia của tổ chức xã hội.

 

Cơ bản tán thành với nội dung tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của UBTVQH, tuy nhiên, ĐB Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) đề nghị, không nên xác định người tiêu dùng cũng là tổ chức mua, sử dụng hàng hóa, dịch vụ không nhằm mục đích bán lại. Thực tế, nhiều quốc gia trên thế giới không đưa tổ chức vào khái niệm người tiêu dùng. Bản hướng dẫn của Liên Hiệp Quốc tuy không nêu rõ khái niệm về người tiêu dùng, song cũng khẳng định các quyền của người tiêu dùng phù hợp với chủ thể là cá nhân, không phải là tổ chức. Như vậy, thông lệ trên thế giới chỉ giới hạn khái niệm người tiêu dùng là cá nhân mua hàng hóa để sử dụng, không vì mục đích thương mại. Hơn nữa, Nhà nước khó đủ kinh phí để bảo vệ quyền lợi của các tổ chức. Trong khi đó, các tổ chức thường có điều kiện tài chính và kiến thức để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Do vậy, ĐB Vũ Tiến Lộc đề nghị, cần khu biệt khái niệm người tiêu dùng, để có thể bảo vệ đúng đối tượng yếm thế nhất trong xã hội.

 

Về vấn đề hòa giải trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân tại Điều 37, ĐB Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) băn khoăn: Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân có điều kiện thành lập tổ chức hòa giải theo quy định của Chính phủ để giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh. Đây là điều khuyến khích tự nguyện, ai có điều kiện thì thành lập tổ chức hòa giải để giải quyết những vấn đề đặt ra ở các Điều 35, 36. Vậy bây giờ nếu khuyến khích mà không có ai lập ra thì hòa giải này như thế nào? Có nên quy định chọn bên thứ ba và xác định bên thứ ba này là ai? Có nghĩa là người ta có thể chọn bất cứ ai, bất cứ tổ chức nào hay không? Theo ĐB Trịnh Thị Thanh Bình, quy định tại các Điều 36, 37, 38 không khả thi vì không ai tự nhiên lập ra một tổ chức để làm những việc hòa giải như thế này.

 

Một số ĐBQH cho rằng, các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong giao dịch với cá nhân hoạt động trong thương mại độc lập, thường xuyên, không phải đăng ký kinh doanh; trách nhiệm bồi thường thiệt hại do khuyết tật của hàng hóa; trách nhiệm của các tổ chức xã hội trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; bảo vệ thông tin của người tiêu dùng... không có tính khả thi cao. Trước tình trạngå nhập nhằng, đưa thông tin sai trong quảng cáo hàng hóa, dịch vụ khiến người tiêu dùng bức xúc, ĐB Dương Kim Anh (Trà Vinh) cho rằng, cơ quan có trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cần tăng cường kiểm tra, hậu kiểm tra và cung cấp thông tin kịp thời, giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn khôn ngoan hàng hóa, dịch vụ, không bị nhầm lẫn bởi quảng cáo. Đồng thời xử phạt nghiêm minh với các doanh nghiệp vi phạm, để bảo vệ cho quyền lợi người tiêu dùng.

P. Thủy - T.Chi

(http://daibieunhandan.vn)

Các bài viết khác