Ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII: Thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011

03/11/2010

Ngày 1-11, ngày làm việc thứ 10, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các đại biểu thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.

Kinh tế  phát triển khá nhanh, tuy nhiên chưa bền vững

Thảo luận về Báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2010 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2011 của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH, nhiều ý kiến phát biểu cơ bản đồng tình với những nội dung nêu trong các báo cáo và nhấn mạnh, năm 2010, nền kinh tế nước ta đã vượt qua giai đoạn suy giảm và trên đà phục hồi tăng trưởng từ những tháng cuối năm 2009. Mặc dù năm 2010 còn gặp nhiều khó khăn, song với quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, với sự nhanh nhạy trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức thực hiện, đã đạt được kết quả khá toàn diện. Ðó là tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009. Trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết của Quốc hội, có 15 chỉ tiêu đạt và vượt so với kế hoạch, trong đó có nhiều chỉ tiêu chủ yếu, góp phần quan trọng hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế-xã hội của Kế hoạch 5 năm 2006-2010, tạo không khí phấn khởi trong năm kỷ niệm nhiều sự kiện quan trọng của đất nước. Tăng trưởng kinh tế cả năm khả năng đạt 6,7%, cao hơn kế hoạch (6,5%) và cao hơn khá nhiều mức tăng 5,32% năm 2009. Kim ngạch xuất khẩu cả năm ước tăng 19,1%, gấp hơn ba lần so với kế hoạch. Xuất khẩu tăng cao là yếu tố quyết định kiểm soát được nhập siêu dưới mức dưới 20%. Thu ngân sách đạt kết quả khá cao, dự kiến vượt dự toán khoảng 58.600 tỷ đồng. Dự kiến bội chi ngân sách khoảng 5,95% GDP, thấp hơn chỉ tiêu 6,2% theo Nghị quyết của Quốc hội. Giải ngân các nguồn vốn tốt hơn các năm trước.

Các đại biểu cũng đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành chủ động, linh hoạt, nhất là trong việc xử lý những tình huống phát sinh. Công tác cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được chỉ đạo sát sao, bước đầu đạt nhiều kết quả cụ thể. Ðến nay đã công bố cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và triển khai thực hiện đơn giản hóa 258 TTHC thuộc những lĩnh vực liên quan nhiều đến người dân và doanh nghiệp như thuế, hải quan, công chứng, khám, chữa bệnh, xây dựng... là bước mở đầu quan trọng, có ý nghĩa chính trị-xã hội lớn, làm cơ sở cho việc xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch hóa chính sách, thủ tục, góp phần chống tham nhũng, giảm phiền hà cho người dân và tổ chức kinh tế. Lĩnh vực xã hội đạt được nhiều thành tích đáng khích lệ. Tỷ lệ hộ nghèo của cả nước giảm còn 9,5% từ mức 11,3% năm 2009, thấp hơn mục tiêu 10-11% của Kế hoạch 5 năm 2006-2010; tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực nông thôn tiếp tục giảm, dự kiến còn khoảng 12% vào cuối năm 2010; tạo việc làm 1,6 triệu người, đạt chỉ tiêu kế hoạch; 62 huyện nghèo nhất đã cơ bản hoàn thành xóa nhà dột nát cho hộ nghèo. Quốc phòng, an ninh được giữ vững, công tác đối ngoại được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực. Việc tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16, Hội nghị Ðại hội đồng liên Nghị viện các nước ASEAN lần thứ 31 (AIPA - 31), Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội... qua đó giới thiệu được nhiều hình ảnh đẹp về đất nước và con người, làm cho các nước và bạn bè quốc tế hiểu hơn về Việt Nam, vị thế trong quan hệ quốc tế được tăng cường.

Bên cạnh đó, các đại biểu cũng phân tích, nêu rõ những hạn chế, khuyết điểm và đề xuất các giải pháp khắc phục nhằm tạo bước chuyển biến cho những năm tiếp theo. Nhiều đại biểu cho rằng, kinh tế vĩ mô vẫn thiếu nền tảng vững chắc, chất lượng tăng trưởng thấp, tiềm ẩn không ít bất trắc, nếu không sớm khắc phục có thể ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định trong những năm tiếp theo. Nhập siêu tuy đạt mức dưới 20% kim ngạch xuất khẩu nhưng số tuyệt đối dự kiến vẫn là 13,5 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2009. Nợ công có xu hướng tăng nhanh sẽ là những trở ngại lớn cho sự phát triển kinh tế trong những năm tới đây. Chỉ số giá tiêu dùng cả năm dự kiến được kiểm soát dưới 8% nhưng diễn biến không ổn định trong năm, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, tác động xấu đến tâm lý của người dân và khó khăn cho các cơ quan hoạch định và điều hành chính sách.

Ðại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) và Vũ Quang Hải (Hưng Yên) cho rằng, nhập siêu, bội chi ngân sách, nợ công trong Báo cáo Chính phủ vẫn chưa thấy lối ra an toàn, do các khoản nợ của các dự án không tạo giá trị gia tăng nhiều, hiệu quả xã hội thấp, chưa kể những dự án vay mà không hiệu quả như của Vinashin. Bội chi cao, nợ công tiệm cận mức không an toàn, đòi hỏi QH phải giám sát chặt chẽ hơn, cần xiết chặt quản lý thu chi ngân sách, đầu tư tập trung những dự án thiết thực, có hiệu quả, kiểm soát chặt chẽ nợ công và vốn vay ODA. Theo đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và đại biểu Trương Thị Thu Hằng (Ðồng Nai), trong 21 chỉ tiêu theo Nghị quyết của QH vẫn còn sáu chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch. Tình trạng lạm phát, giá cả thị trường liên tục tăng, ảnh hưởng đời sống người dân trong khi việc bình ổn giá chỉ mang tính tình thế, doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rất khó khăn. Theo đại biểu Bùi Văn Tỉnh (Hòa Bình), điều hành tiền tệ nặng tính hành chính, làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Ðại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên) và một số đại biểu nhận định, việc điều hành chính sách, quản lý thị trường, giá cả; điều hòa sản xuất, lưu thông, phân phối trong một số ngành, lĩnh vực chưa tốt. Thị trường vàng, ngoại tệ diễn biến phức tạp, do đó chỉ cần chênh lệch giá USD, đồng yên, đồng ơ-rô do trượt giá sau này khi trả nợ  sẽ phải trả thêm hàng tỷ USD, số lượng tiền trả nợ sẽ nhiều hơn.

Các đại biểu cũng đề xuất Chính phủ cần chỉ đạo quyết liệt các giải pháp để tăng cường ổn định vĩ mô, từng bước khắc phục tình trạng nhập siêu, mất cân bằng cán cân thanh toán và cân đối ngoại tệ. Tăng cường quản lý thị trường vàng; kiểm soát nợ công, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia trong trung hạn và dài hạn. Ðại biểu Cao Sỹ Kiêm (Thái Bình) cho rằng, báo cáo của Chính phủ nêu và phân tích khuyết điểm, hạn chế khá toàn diện, sát thực tế. Sang năm 2011, cần tập trung có chương trình, lộ trình sửa chữa, tạo chuyển biến rõ rệt khắc phục sáu khuyết điểm báo cáo nêu. Trước mắt, trong ba tháng cuối năm cần giải quyết thành công nút thắt kinh tế hiện nay, tạo tiền đề chuyển biến giảm bội chi ngân sách và nhập siêu...

Về tình trạng thiếu điện và trách nhiệm để xảy ra những sai phạm tại Vinashin

Ðại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) và một số đại biểu đề cập vấn đề bức xúc là   tình trạng điện thiếu nghiêm trọng, kéo dài, làm ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân, nhưng điều hành lĩnh vực này chưa tốt và chưa có biện pháp tiết kiệm điện hiệu quả. Hầu hết các dự án nguồn điện dự kiến đưa vào vận hành năm 2010-2011 bị chậm. Việc triển khai các dự án trong tổng sơ đồ điện VI nhìn chung chậm so với tiến độ là nguyên nhân chính dẫn đến thiếu điện trong năm 2010 và có nguy cơ tiếp tục thiếu điện cho những năm tiếp theo. Ðại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đặt câu hỏi, Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam lâu nay độc quyền, khi có thành tích ngành điện chia thưởng cho cán bộ cao, vậy vai trò đầu tàu của ngành điện ở đâu khi thiếu điện triền miên, ai phải chịu trách nhiệm chính về tình trạng này? Ðại biểu Huỳnh Ngọc Ðáng (Bình Dương) nhấn mạnh, khủng hoảng thiếu điện chẳng khác nạn tham nhũng, nguy cơ tụt hậu và yêu cầu Tập đoàn Ðiện lực Việt Nam báo cáo trước QH về tình hình nói trên. Cũng về tình trạng thiếu điện, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) lại chỉ ra nguyên nhân hạn chế về tầm nhìn và chất lượng quy hoạch thông qua dẫn chứng quy hoạch xi-măng dẫn đến dư thừa, nhiều địa phương xé rào quy hoạch ngành thép phát sinh nhiều nhà máy thép ngoài quy hoạch, tiêu tốn rất nhiều điện và đề nghị Chính phủ cần chấn chỉnh kịp thời những dự án ngoài quy hoạch, tránh tình trạng 'tiền trảm, hậu tấu', hạn chế cấp phép đầu tư các dự án sản xuất tiêu thụ điện năng cao như gia công thép từ phôi, dự án sản xuất xi-măng.

Trước những câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cho biết, vào mùa khô năm 2010, từ tháng 5 đến tháng 7, tình hình cung ứng điện có nhiều khó khăn. Khó khăn này có nhiều nguyên nhân, trước hết chúng tôi thấy có trách nhiệm về mặt chỉ đạo, đó là việc thực hiện tổng sơ đồ phát triển điện giai đoạn sáu từ năm 2006 đến năm 2010 và có tầm nhìn đến năm 2015. Nếu thực hiện đúng theo quy hoạch sẽ không xảy ra tình trạng thiếu điện như vừa qua. Theo tính toán, từ năm 2006 đến 2015 bình quân mỗi năm tăng phụ tải điện khoảng 16 đến 17%. Thực tế, việc huy động các nguồn lực vào sản xuất, cung ứng điện có chậm trễ, vì nhiều lý do, trong đó có lý do thiếu vốn, nhất là năm 2008, 2009 do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu. Ðể khắc phục tình trạng nói trên, giải pháp quyết liệt là phải đẩy mạnh tiến độ xây dựng công trình nguồn điện theo tổng sơ đồ VI và tổng sơ đồ VII. Chính phủ chỉ đạo Bộ Công thương đưa những công trình nhiệt điện đã xây dựng mới đi vào hoạt động như nhiệt điện Hải Phòng, Cẩm Phả, Quảng Ninh. Tuy nhiên, hoạt động chưa ổn định vì khiếm khuyết về mặt kỹ thuật. Sắp tới sẽ trình Chính phủ đề án tái cơ cấu ngành điện. Mục tiêu là xây dựng phương án chủ động cung ứng điện trong bất cứ tình huống nào xảy ra, dù khó khăn đến đâu trong các năm 2011, 2012, phải đáp ứng được yêu cầu điện cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân. Bộ Công thương  đang chỉ đạo rà soát lại công trình sử dụng điện lãng phí, không hiệu quả, công nghệ lạc hậu để báo cáo Chính phủ, tiếp tục xây dựng đề án điều chỉnh giá điện theo hướng bám sát chỉ đạo của T.Ư, thực hiện cơ chế giá thị trường nhưng bảo đảm các hộ nghèo, khó khăn nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước, triển khai các giải pháp vận động tiết kiệm điện.

Về quy hoạch ngành thép, Bộ trưởng Công thương thừa nhận một số dự án thép nằm ngoài quy hoạch tại một số địa phương. Thời gian tới sẽ rà soát lại quy hoạch ngành thép, nếu qua kiểm tra phát hiện nhà máy thép không nằm trong quy hoạch, công nghệ lạc hậu, không hiệu quả phải đình chỉ. Bộ trưởng đồng tình với nhận định nhập siêu còn cao và là khó khăn, thách thức đe dọa ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, tỷ lệ nhập siêu những năm qua đã có những tiến bộ nhất định, thực tế con số nhập siêu giảm nhưng không nhiều (năm 2010 dự kiến khoảng 12 tỷ USD) và việc khắc phục tình trạng này đòi hỏi quá trình tương đối dài, không phải một sớm một chiều.

Về quy hoạch ngành xi-măng, Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Hồng Quân cho biết, nguồn cung xi-măng trong nước đang cao và vượt cầu. Tuy nhiên, quan hệ cung cầu này chịu tác động của quy luật kinh tế thị trường. Nhiệm vụ của Chính phủ là nhìn ra sự tác động đó để điều tiết quan hệ cung cầu. Hiện Chính phủ đang chỉ đạo theo hướng giảm nhập khẩu clanh-ke (năm 2009 nhập 3,5 triệu tấn, năm 2010 nhập khoảng 1,7 triệu tấn). Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Quân, trong việc điều chỉnh quy hoạch xi-măng, bộ đã tính đến việc giảm cung. Trong quy hoạch sẽ  tính toán cân đối cung cầu giữa các vùng, miền. Theo dự báo, thị trường xi-măng trong những năm tới tiếp tục tăng, các dự án xi-măng đưa vào quy hoạch đang bảo đảm cung phù hợp với cầu. Tuy nhiên, trong những năm tới cung sẽ cao hơn cầu từ 2 đến 5 triệu tấn xi-măng. Bộ Xây dựng đang đề xuất các biện pháp để báo cáo Chính phủ, trong đó có việc tăng cường tiêu thụ xi-măng hơn nữa bằng việc đưa xi-măng vào các công trình giao thông, thủy lợi, kênh mương nội đồng, đường giao thông nông thôn... kể cả quốc lộ và đẩy mạnh xuất khẩu xi-măng. Ngoài ra, Chính phủ đã phê duyệt Ðề án phát triển các loại vật liệu không nung thay thế cho vật liệu sản xuất từ đất sét nung nhằm giải quyết vấn đề tiêu thụ xi-măng và giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường, vấn đề năng lượng và đất đai do sản xuất các vật liệu gạch, ngói từ đất sét nung gây ra.

Một số đại biểu cũng đồng tình với nhận định trong báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế QH là quản lý Nhà nước và thực hiện quyền chủ sở hữu đối với doanh nghiệp nhà nước nói chung và tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước nói riêng bộc lộ sự bất cập, chưa thay đổi kịp với chuyển biến của nền kinh tế thị trường; công tác thanh tra, giám sát, kiểm toán và quản lý tài chính doanh nghiệp còn kém hiệu quả. Việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước tiến hành chậm. Việc Tập đoàn công nghiệp tàu thủy Việt Nam (Vinashin) đứng trước nguy cơ phá sản được nhiều đại biểu dẫn chứng cho việc đầu tư dàn trải, thiếu hiệu quả, chưa thật sự tuân theo quy luật thị trường và công tác kiểm tra, kiểm soát nhiều hạn chế, chưa phát hiện và ngăn chặn kịp thời những quyết định sai trái về đầu tư, về sử dụng vốn. Theo đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai đồng bào món nợ khổng lồ không dưới 100.000 tỷ đồng. Ðại biểu Nguyễn Minh Thuyết cho rằng, có sai phạm trong chỉ đạo điều hành và các thành viên Chính phủ có liên quan phải kiểm điểm và nhận kỷ luật trước Quốc hội, không thể chỉ nhận khuyết điểm một cách chung chung. Căn cứ Hiến pháp và Luật Tổ chức Quốc hội, đại biểu đề nghị Ủy ban Thường vụ QH tổ chức để QH biểu quyết thành lập Ủy ban lâm thời điều tra trách nhiệm của các thành viên Chính phủ trong việc này. Trên cơ sở đó, vào thời gian cuối kỳ họp, bỏ phiếu tín nhiệm một số thành viên Chính phủ có liên quan. Ðể tạo điều kiện cho công tác điều tra của Ủy ban lâm thời, đề nghị QH tạm đình chỉ chức vụ của các vị cần được điều tra. Ðồng tình với đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đưa ra dẫn chứng, bình quân mỗi công dân phải gánh nợ cho Tập đoàn Vinashin khoảng 1,5 triệu đồng. Ðại biểu này cho rằng, Chính phủ đã đứng ra bảo lãnh cho tập đoàn này được vay hàng tỷ USD trái phiếu quốc tế, để cho họ mang tiền Nhà nước đi tung hoành khắp đó đây từ nam ra bắc, thu gom nhiều xí nghiệp làm ăn thua lỗ về, đi mua tàu, mua nhà máy phát điện cũ. Cử tri kiến nghị QH cần xác định rõ nguyên nhân, trách nhiệm cụ thể của Chính phủ, các thành viên của Chính phủ có liên quan. Về sai phạm ở Vinashin, đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) đề nghị phải truy trách nhiệm đến cùng. Ðại biểu Huỳnh Ngọc Ðáng (Bình Dương) phân tích, Vinashin là 'biến cố' quan trọng trong hình thành phát triển của tập đoàn Việt Nam nhưng báo cáo của Chính phủ chưa đánh giá đúng mực. Nhiều cử tri quan tâm vấn đề 'hậu' Vinashin và 'tân' Vinashin, trong đó cơ chế sẽ được khắc phục như thế nào, những người có trách nhiệm liên quan phải chịu trách nhiệm thế nào cho công minh và đề nghị QH cần có nghị quyết chuyên đề về vấn đề này. Ðại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) cho rằng,  Vinashin là điển hình làm xấu đi hình ảnh các tập đoàn Nhà nước; cần nghiêm túc chấn chỉnh, có cơ chế kiểm soát chặt chẽ, tránh những vấn đề tương tự xảy ra. Ðại biểu Lê Thị Nga  (Thái Nguyên) khẳng định, chủ trương thí điểm thành lập tập đoàn Nhà nước là đúng đắn và hoan nghênh Chính phủ kịp thời tái cơ cấu Vinashin. Theo đại biểu này, trên phạm vi thí điểm chỉ nên hẹp, nếu khẳng định thành công mới tiếp tục mở rộng. Ðại biểu Lê Thị Nga nêu rõ tình trạng tập đoàn đầu tư đa lĩnh vực, chồng chéo, ồ ạt, đầu tư chứng khoán, bất động sản, quản lý yếu... và ngoài Vinashin cần kiểm toán tập đoàn điện lực.

Về sai phạm xảy ra tại Vinashin, Bộ trưởng Giao thông vận tải Hồ Nghĩa Dũng cho biết, việc quản lý nhà nước đối với lĩnh vực đóng tàu tại Vinashin, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện đúng luật và đúng quy định quốc tế. Tuy nhiên, đối với chức năng đại diện chủ sở hữu tại các tập đoàn mà cụ thể ở đây là Vinashin rất khó thực hiện. Theo quy định, thứ nhất, Bộ Giao thông vận tải phải báo cáo Chính phủ ý kiến của mình khi tập đoàn trình quy hoạch phát triển, mục tiêu, chiến lược, điều lệ tổ chức, nhân sự của tập đoàn và việc phê duyệt những vấn đề này do Thủ tướng ra quyết định, bộ không có quyền phê duyệt. Thứ hai, Bộ Giao thông vận tải cùng với các bộ, ngành có trách nhiệm giám sát công tác đầu tư của tập đoàn, phát hiện những sai phạm báo cáo Chính phủ. Tuy nhiên, nhiều sai phạm ở Vinashin, Bộ Giao thông vận tải không phát hiện được hoặc phát hiện chậm. Ðây là thiếu sót và khuyết điểm của Bộ Giao thông vận tải. Bộ trưởng Hồ Nghĩa Dũng cho rằng, theo quy định, bộ không được can thiệp quá sâu vào công việc điều hành cụ thể của tập đoàn, nên việc giám sát gặp khó khăn.

Liên quan đến việc xảy ra ở Vinashin, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền đã báo cáo QH về hiệu quả, hiệu lực các cuộc thanh tra, kiểm tra, trong đó có việc thanh tra, kiểm tra tại Vinashin. Tổng Thanh tra Chính phủ cho rằng, việc đại biểu QH bày tỏ ý kiến bức xúc về những sai phạm và cách xử lý sai phạm ở Vinashin là  sự quan tâm đầy trách nhiệm của đại biểu. Về những sai phạm tại Vinashin, ý thức rõ trách nhiệm của mình, Chính phủ đã có báo cáo gửi đại biểu QH, trong đó xác định trách nhiệm của Chính phủ còn lúng túng trong việc giao, kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Vinashin. Về ý kiến của một số đại biểu QH cho rằng, Chính phủ buông lỏng, bao che, biết nhưng không xử lý Vinashin, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết, không có dấu hiệu cho thấy Chính phủ bao che những sai phạm tại Vinashin và không có chuyện Thanh tra Chính phủ đề xuất thanh tra tại Vinashin, nhưng  Chính phủ bảo dừng.

Ở góc độ cơ quan chức năng, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho biết,  mặc dù tiến hành 11 lần kiểm tra, giám sát tại Vinashin, nhưng việc kiểm tra, giám sát được thực hiện do nhiều cơ quan khác nhau, không phải chỉ riêng cơ quan thanh tra. Do chúng ta chưa phân định trách nhiệm rõ ràng, nên nhiều cơ quan vào cuộc, nhưng chỉ làm ở khía cạnh khác nhau, không toàn diện. Qua 11 lần thanh tra, kiểm tra đã phát hiện vi phạm về các vấn đề về sử dụng vốn, đầu tư ngoài ngành không đúng quy định, nhưng pháp luật không cho phép cơ quan thanh tra xử lý trực tiếp. Một số sai phạm tại Vinashin đã được cơ quan chức năng báo cáo Chính phủ và Chính phủ đã yêu cầu Vinashin kiểm tra, xử lý kịp thời, nhưng Vinashin không chấp hành đúng.

 Với trách nhiệm của mình, Thanh tra Chính phủ đã chủ động nắm tình hình và đề xuất thanh tra toàn diện đối với Vinashin ba lần, nhưng do những điều kiện khác nhau, nên đến khi Ủy ban Kiểm tra T.Ư vào cuộc và đưa ra kết luận về sai phạm tại tập đoàn này, Thanh tra Chính phủ vẫn chưa thực hiện thanh tra toàn diện được. Năm 2008, Thanh tra Chính phủ đề xuất thanh tra Vinashin, nhưng thời điểm đó, thanh tra ngành tài chính đang tiến hành thanh tra về mặt tài chính tại Vinashin, nên Thanh tra Chính phủ chưa tiến hành được để tránh chồng chéo. Năm 2009, Thanh tra Chính phủ lại đề xuất thanh tra toàn diện Vinashin, nhưng do khủng hoảng kinh tế thế giới, nên không tiến hành thanh tra nhằm tránh gây xáo trộn hoạt động kinh doanh, sản xuất của các tập đoàn kinh tế. Cuối năm 2009, Thanh tra Chính phủ tiếp tục đề nghị thanh tra toàn diện Vinashin, nhưng lúc đó Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc, nên Thanh tra Chính phủ không thực hiện được.

Nguyên nhân dẫn đến không phát hiện, phát hiện chậm những sai phạm tại Vinashin, Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền cho rằng, do nhiều nguyên nhân, trong đó có bất cập từ cơ chế; chưa phân định rõ trách nhiệm giữa các cấp, ngành; công tác điều hành còn có khiếm khuyết. Về vấn đề này, Thanh tra Chính phủ nhận trách nhiệm của mình. Thời gian tới, cần điều chỉnh cơ chế hoạt động để công tác thanh tra, giám sát đạt hiệu quả tốt nhất.

Một số đại biểu đề nghị cần tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, cải cách hành chính, cơ cấu lại hệ thống doanh nghiệp nhà nước, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, bình đẳng. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích, phát triển mạnh các loại hình kinh tế ngoài nhà nước, ưu tiên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, đưa thành phần kinh tế này trở thành động lực phát triển quan trọng của đất nước trong những năm tới đây.

Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp

Một vấn đề mà nhiều đại biểu đề cập là tăng cường đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Ðại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) nhận định, thời gian qua Chính phủ đã nỗ lực triển khai Nghị quyết của Hội nghị Ban Chấp hành T.Ư Ðảng lần thứ 7 về nông nghiệp, nông thôn, nông dân. Kết quả bước đầu đạt được rất đáng khích lệ. Tuy nhiên việc đầu tư cho nông nghiệp chứa đựng nhiều rủi ro, đất nông nghiệp manh mún, do vậy việc đưa cơ giới vào đồng ruộng khó khăn, những nơi có tiềm năng sản xuất lúa chất lượng không đồng nhất do khâu chọn giống, phân bón... và đề nghị nghiên cứu xây dựng một bộ giống cây lương thực chuẩn, quy hoạch sử dụng đất nông nghiệp bao gồm cả quy hoạch vùng nông nghiệp chuyên canh lớn, không cho lấy đất trồng lúa làm việc khác để người dân yên tâm sản xuất. Tăng cường đào tạo nghề cho nông dân, ưu đãi phát triển hợp tác xã nông nghiệp. Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) đề cập tình trạng người làm nông nghiệp đang chán ruộng, việc làm cho thanh niên nông thôn đang là bài toán nan giải. Chính sách đất đai còn bộc lộ nhiều bất cập, chậm sửa đổi, thị trường nông sản bấp bênh nên ít người muốn đầu tư cho nông nghiệp. Hơn nữa, giá cả đầu vào vừa cao lại vừa loạn, hàng kém chất lượng, giá giống, giá vật tư phân bón, thuốc trừ sâu tăng liên tục. Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhị đề nghị Chính phủ cần sớm tổng kết việc thực thi chính sách đất đai trong nông nghiệp, khuyến khích các doanh nghiệp thuê đất đầu tư sản xuất nông nghiệp; tăng cường quản lý Nhà nước về thị trường, nhất là thị trường nông sản, thị trường cung ứng giống, vật tư cho sản xuất nông nghiệp, đầu tư mạnh cho hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, nhất là giao thông và thủy lợi; khuyến khích đầu tư công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ðồng tình với kiến nghị nói trên, đại biểu Võ Minh Phương (Lâm Ðồng) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp quyết liệt hơn trong điều hành và kiểm soát giá cả, nhất là sử dụng quỹ bình ổn giá cả, bảo đảm giá các mặt hàng thiết yếu và các loại vật tư nông nghiệp ổn định, tạo điều kiện cho nông dân yên tâm sản xuất, tăng cường hỗ trợ nông dân, doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ðại biểu Nguyễn Ðăng Vang (Bình Ðịnh) cho rằng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn chưa tương xứng. Ðầu tư nông nghiệp năm 2009 chỉ bằng 6,26% tổng đầu tư cho xã hội, trong khi GDP ngành này là 20,91%. Ðầu tư cho nông nghiệp ngày càng giảm, hiện nay bằng 30% so với trung bình tương đương giá trị GDP của chính ngành này mang lại. Ðại biểu này dẫn chứng, kinh nghiệm các nước đã mắc sai lầm khi lãng quên đầu tư cho nông nghiệp và đề nghị năm 2011 không nên tiếp tục giảm tỷ lệ đầu tư ở khu vực này. Theo đại biểu Nguyễn Danh (Gia Lai), nông nghiệp là lĩnh vực chịu nhiều rủi ro và bị ảnh hưởng thiên tai hàng năm, năng suất lao động nông nghiệp thấp, hơn 80% hộ nghèo sống ở nông thôn... là những khó khăn cho phát triển. Ðại biểu này đề nghị cần tăng cường ngân sách đầu tư cho khu vực nông nghiệp, nông thôn nhằm phát triển nông thôn nhanh hơn. Ngoài góp phần phát triển kinh tế, rừng còn có chức năng cân bằng môi trường sinh thái và tạo sinh cảnh cho đa dạng sinh học, do đó cần coi trọng việc bảo vệ và phát triển nguồn tài nguyên bị suy giảm này. Ðề nghị cần kịp thời rà soát, sửa đổi bất cập và có chính sách đầu tư đồng bộ, chỉ đạo quyết liệt nhằm nhanh chóng phục hồi rừng, làm cho lâm nghiệp đóng góp tích cực hơn vào phát triển kinh tế. Ðặc biệt có cơ chế, chính sách bảo đảm đời sống những người sống dựa vào rừng, tạo sự gắn bó và có trách nhiệm với tài nguyên được giao. Ðại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) đề cập tình trạng các loại giống cây trồng, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, gây thất thiệt cho nhà nông nhưng đến nay vẫn chưa được ngăn chặn và đề nghị Bộ NN và PTNT có giải pháp và chế tài xử lý dứt điểm.

Ðại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) và nhiều đại biểu cũng đề cập tình trạng một số vấn đề về xã hội và môi trường bức xúc chậm được giải quyết. Không chỉ riêng năm 2010 mà cả trong 5 năm 2006-2010, hầu hết các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm đều không đạt kế hoạch. An toàn vệ sinh thực phẩm chưa có bước tiến đáng kể, xuất hiện nhiều thực phẩm, thuốc kích thích sử dụng trong nuôi trồng thực phẩm không rõ nguồn gốc, gây độc hại, nhưng quyền lợi người tiêu dùng chưa được bảo vệ. Chất lượng giáo dục thấp; quản lý đại học, cao đẳng, trung học chưa tốt.  Tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị vẫn rất gay gắt, tình trạng bạo lực xã hội diễn biến ngày càng phức tạp. Ðại biểu Trương Thị Thu Hằng (Ðồng Nai) đề cập, bạo lực học đường ngày càng gia tăng, bạo lực gia đình ngày càng nghiêm trọng, ý thức người dân về chấp hành quy tắc của xã hội như giữ trật tự, vệ sinh công cộng đáng báo động.

Cũng trong phiên thảo luận hôm qua, trong phần giải trình, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Tuấn Anh nhấn mạnh đến công tác tổ chức lễ hội, lễ kỷ niệm và chi tiêu tại các hoạt động lễ hội. Bộ trưởng cho biết, ba năm qua, hoạt động văn hoá, thể thao, du lịch có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó tâm điểm là Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội vừa được tổ chức thành công, được người dân và bạn bè quốc tế đánh giá cao. Công tác tổ chức lễ hội thời gian qua nói chung và Ðại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được thực hiện với tinh thần tiết kiệm và xã hội hóa cao.

 

(http://www.nhandan.com.vn/)

Các bài viết khác