Lương phải hướng đến đối tượng lao động yếu thế

06/10/2011

Trong điều kiện hiện tại ở nước ta, tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải quy định mức lương tối thiểu vùng.

Sáng 5/10, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi).

Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Bộ luật Lao động hiện hành gồm: 17 chương và 233 điều. Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) giữ nguyên số chương là 17 chương và nâng số điều lên tổng số 273 điều (giữ nguyên 52 điều, sửa đổi 157 điều và bổ sung mới 64 điều).

Cần quy định lương tối thiểu vùng

Báo cáo thẩm tra sơ bộ dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) của Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải sửa đổi Bộ luật Lao động hiện hành. Một trong những nội dung quan trọng của Bộ luật là quy định về tiền lương và lương tối thiểu.

Uỷ ban về các vấn đề xã hội nhất trí với quan điểm xuyên suốt trong quá trình thực hiện cải cách chế độ tiền lương và sửa đổi vấn đề trong Bộ luật nói riêng là đẩy mạnh phát triển thị trường lao động. Tiền lương, tiền công phải được coi là giá cả sức lao động, được hình thành trong cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước.

Tiền lương tối thiểu phải hướng đến mục tiêu bảo vệ người lao động dễ bị tổn thương, về bản chất là mức sống tối thiểu và là căn cứ giới hạn tối thiểu cho người sử dụng lao động và người lao động thoả thuận về tiền lương, nhất là đối với một số ngành nghề lao động giản đơn hay nhóm lao động yếu thế.

Trong điều kiện hiện tại ở nước ta, tỷ lệ lao động phổ thông còn khá lớn, cần thiết phải phải quy định mức lương tối thiểu vùng, trong tương lai khi nhóm lao động có tay nghề tăng lên cần phải hướng đến việc chỉ công bố mức lương tối thiểu đối với nhóm ngành nghề mà người lao động có khả năng rơi vào tình trạng yếu thế, hạn chế việc người sử dụng lao động lợi dụng lương tối thiểu như là lương tham chiếu để chi trả tiền lương không hợp lý.

Tuy nhiên, Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, cần tiếp tục xác định đúng bản chất của tiền lương trong nền kinh tế thị trường, việc thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động đòi hỏi phải có sự tham gia của Nhà nước để bảo đảm hỗ trợ cho người lao động - là bên yếu thế hơn, đạt được thoả thuận có được mức lương hợp lý, công bằng.

Do đó, phải bổ sung thêm quy định cơ cấu cụ thể của tiền lương, quy định căn cứ để trả lương nhằm bảo vệ người lao động và làm rõ phạm vi tham gia của Nhà nước đối với vấn đề tiền lương; Xem xét có cần thiết tiếp tục giữ quy định về thang lương, bảng lương; Vẫn tiếp tục công bố mức tiền lương tối thiểu vùng và ngành để bảo vệ người lao động nói chung và trong một số ngành nghề; Tiếp tục bổ sung các quy định để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người sử dụng lao động.

Cho ý kiến về vấn đề này, đại biểu Phùng Quốc Hiển phân tích mức lương tối thiểu cần để người lao động đảm bảo cuộc sống. Cũng cần có quy định bổ sung thêm mức lương theo lĩnh vực.

Ngoài ra, mức lương tối thiểu thoả thuận theo ngành việc quy định như trong dự thảo luật sẽ không khả thi, khó khăn trong việc xử lý, nhất là với những đơn vị hưởng lương theo ngân sách, ví dụ theo mức lương tối thiểu của Chính phủ hay theo mức lương tối thiểu của ngành.

Đại biểu Nguyễn Kim Khoa dẫn chứng hiện nay hưởng lương của người lao động trong các tập đoàn, tổng công ty lớn của nhà nước mặc dù làm ăn lỗ nhưng vẫn hưởng mức lương rất cao. Trong khi đó, nhiều trường hợp người lao động ở các doanh nghiệp vốn nhà nước phải nhận lương không tương xứng với chất xám, sức lao động bỏ ra. Đây là những vấn đề mà trong luật chưa có quy định cụ thể. Đại biểu đề nghị, dự án luật cần cụ thể hoá vấn đề tiền lương mới đáp ứng vấn đề thực tiễn đang diễn ra.

Sẽ cho phép nghỉ thai sản tối đa 6 tháng

Theo Tờ trình Chính phủ, về thời gian nghỉ thai sản, có 2 ý kiến khác nhau: Đề nghị tăng thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ lên 6 tháng; giữ thời gian nghỉ thai sản của người lao động như quy định hiện hành 4 tháng trong điều kiện làm việc bình thường, 5 tháng trong điều kiện công việc nặng nhọc, ba ca.

Uỷ ban Về các vấn đề xã hội cho rằng, nên quy định linh hoạt qua việc đưa ra mức sàn tối thiểu, có thể là 4 tháng và cho phép thời gian nghỉ thai sản tối đa là 6 tháng.

Ủng hộ việc cho nữ thai sản nghỉ 6 tháng, tuy nhiên đại biểu Phan Trung Lý cho rằng cần tính toán cho phù hợp hơn đối với từng đối tượng.

Theo đại biểu Phùng Quốc Hiển, không nên phân biệt thời gian nghỉ thai sản của lao động nữ là 5 hay 6 tháng mà nên thống nhất một thời gian cố định là 6 tháng, phù hợp với khả năng hồi phục sức khoẻ người mẹ cũng như đảm bảo sự phát triển của trẻ.

Đối với thời gian làm thêm, có ý kiến cho rằng nhu cầu làm thêm giờ là có thực từ hai phía. Tuy nhiên, việc cho phép làm thêm sẽ dẫn đến việc người sử dụng lao động thâm canh sức lao động của người lao động và làm mất đi cơ hội được lao động của người khác. Bên cạnh đó, chúng ta đang khuyến khích nâng cao chất lượng công nghệ để giải phóng lao động thì việc nâng mức giờ làm thêm tối đa 200 giờ như hiện nay lên hơn nữa là không phù hợp.

Ngoài ra, các đại biểu cũng cho ý kiến về các vấn đề  bình đẳng giới và tuổi nghỉ hưu, giải quyết tranh chấp lao động, thương lượng tập thể và thoả ước lao động tập thể…

Các đại biểu cũng nhất trí, đây là Bộ luật lớn, quan trọng liên quan đến nhiều luật, đến quyền lợi của người lao động nên có thể đưa ra Quốc hội xem xét, cho ý kiến cụ thể nhiều lần chứ không nhất thiết phải thực hiện theo quy trình hiện nay./.

(http://vov.vn/)

Các bài viết khác