Đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện khi phân cấp thẩm quyền cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án

06/11/2024

Ngày 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi). Góp ý hoàn thiện dự thảo luận tại phiên thảo luận tại tổ, nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự cần thiết sửa đổi để tăng cường phân cấp, phân quyền, gắn với trách nhiệm trong đầu tư công. Đại biểu cũng đề nghị đánh giá tác động đối với quy định về phân cấp thẩm quyền cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý.

ĐBQH phân tích nguyên nhân giải ngân vốn đầu tư công 9 tháng năm 2024 đạt thấp

Một trong những điểm mới trong dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 là quy định về phân cấp thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý. Nhiều đại biểu nhận định, việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn. Bên cạnh đó, việc quyết định chủ trương đầu tư các dự án là vấn đề quan trọng của địa phương, nên Luật Đầu tư công hiện hành đang giao Hội đồng nhân dân (HĐND) quyết định chủ trương đầu tư dự án, UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực, hạn chế việc lạm quyền. Vì vậy, có ý kiến đề nghị đối với dự án nhóm A do HĐND cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư, phân cấp UBND các cấp quyết định đầu tư dự án nhóm B, C. Bên cạnh đó, đối với cấp huyện, cần bổ sung giao cho HĐND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, phân cấp UBND cấp huyện quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm C.

Đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái 

Nêu quan điểm về quy định này, đại biểu Nguyễn Quốc Luận – Đoàn ĐBQH tỉnh Yên Bái cho rằng, dự thảo luật đã tháo gỡ được các vướng mắc mang tính bao trùm, nhất là quy định phân cấp cho các địa phương quyết định chủ trương đầu tư các dự án, tháo gỡ khó khăn, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công.

Băn khoăn về kỹ thuật lập pháp, đại biểu Nguyễn Quốc Luận cho biết, kỹ thuật trình bày, câu chữ chưa rõ ràng sẽ khó khăn trong tổ chức thực hiện ở địa phương. Điển hình như tại điểm a khoản 1 Điều 28 quy định: Chủ tịch UBND các cấp có trách nhiệm giao cho đơn vị trực thuộc bao gồm cả đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc, UBND cấp dưới trực tiếp lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, báo cáo đề xuất đầu tư đầu tư…. Quy định như vậy là bao gồm cả UBND cấp xã quyết định chủ trương đầu tư các dự án – không đảm bảo tính khả thi, bởi ở cấp này không có các phòng, ban chuyên môn chức năng giúp việc không có cán bộ chuyên môn.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng – Đoàn ĐBQH tỉnh Hưng Yên khẳng định, việc phân cấp cho UBND cấp tỉnh và UBND các cấp phê duyệt chủ trương đầu tư dự án theo dự án nhóm B, nhóm C sẽ rút ngắn được quy trình, trình tự, thủ tục quyết định Chủ trương đầu tư. Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 3, Điều 19, Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của tỉnh theo quy định của pháp luật. Do vậy, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát, nghiên cứu các quy định trong dự thảo luật để đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan.

“Sửa đổi Luật Đầu tư công giúp tháo gỡ các vướng mắc, bất cập của các luật hiện hành, nhưng phải bám sát và giải quyết được vấn đề thực tiễn đặt ra. Mọi chủ trương, chính sách, quy định pháp luật thực sự phải xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của Nhân dân. Cơ chế, chính sách, pháp luật phải giúp khai thông nguồn lực, góp phần góp phần phục vụ sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời gian tới”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Nêu ý kiến về nội dung phân cấp thẩm quyền quyết định Chủ trương đầu tư đối với Dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng, việc phân cấp này cần thiết tạo sự chủ động cho UBND các cấp, đặc biệt là cấp tỉnh trong việc chủ động quyết định chủ trương đầu tư các dự án nhóm B, nhóm C thuộc cấp mình quản lý, nhằm đáp ứng yêu cầu hoàn thiện thủ tục đầu tư xây dựng kế hoạch đầu tư công. Cơ sở để sửa đổi nội dung này, trong hồ sơ Chính phủ trình cũng đã thể hiện đầy đủ; qua nghiên cứu, quy định này phù hợp, bởi tại khoản 7, Điều 17 của Luật Đầu tư công hiện hành cũng quy định trong trường hợp cần thiết, HĐND giao cho UBND cùng cấp quyết định Chủ trương đầu tư.


Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh – Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình

Theo hồ sơ Chính phủ trình về thực hiện quy định này của Luật Đầu tư công hiện hành, giai đoạn 2021 - 2025 đã có 43/63 địa phương trong thực hiện phân cấp từ HĐND cho UBND cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B và nhóm C. Do vậy, đã có cơ sở để khẳng định sự cần thiết sửa đổi, nhưng để đảm bảo tính thống nhất giữa nội dung sửa đổi này với quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của HĐND, cần thiết sửa Luật Tổ chức chính quyền địa phương, để đảm bảo tính thống nhất.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng nhấn mạnh, việc chuyển thẩm quyền quyết định đầu tư từ HĐND (cơ quan dân cử) sang UBND (cơ quan quản lý nhà nước) là một thay đổi lớn nên trong hồ sơ trình, Chính phủ cũng cần đánh giá tác động kỹ lưỡng hơn, đặc biệt nghiên cứu có những quy định trong luật về cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Dự thảo luật cũng cần nghiên cứu làm rõ hơn trách nhiệm của người được giao chủ trì thực hiện trong việc quyết định chủ trương đầu tư, quyết định dự án đầu tư, phê duyệt danh mục dự án đầu tư và chỉ đạo triển khai thực hiện dự án đảm bảo tiến độ, chất lượng, xác định rõ trách nhiệm của những người quyết định để đảm bảo tiến độ và chất lượng dự án.

Đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình

Nhất nhất trí với việc cần đẩy mạnh phân cấp, trao quyền tạo chủ động, linh hoạt trong công tác quản lý đầu tư công, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình cho rằng, phân cấp, phân quyền cũng cần bảo đảm nguyên tắc phân công, phối hợp kiểm soát quyền lực theo quy định của Hiến pháp, nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy trong quản lý đầu tư công. Phân cấp, phân quyền phải phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ và khả năng, điều kiện tổ chức thực hiện.

Cụ thể, đối với quy định về phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý từ HĐND cho UBND cùng cấp, đại biểu đề nghị đánh giá kỹ lưỡng, toàn diện quy định này. Bên cạnh đó, quy định của Luật Đầu tư công hiện hành giao HĐND quyết định chủ trương đầu tư dự án, Chủ tịch UBND cùng cấp quyết định đầu tư dự án là một biện pháp để kiểm soát quyền lực. Do đó, nếu quy định phân cấp thẩm quyền cho UBND cùng cấp như dự thảo Luật cần có cơ chế kiểm soát quyền lực để tránh việc lạm quyền trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương.

Lan Hương

Các bài viết khác