Đề xuất thay đổi cách thức, quy trình để nâng cao hiệu quả hoạt động chất vấn
Toàn cảnh Phiên họp
Theo Tờ trình của Chính phủ, dự án Luật có bố cục gồm 08 Chương, 73 Điều, quy định về công nghiệp công nghệ số, bao gồm: hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số. Dự thảo Luật không quy định về hoạt động sản xuất, cung cấp sản phẩm, dịch vụ công nghệ số phục vụ cho quốc phòng, an ninh, hoạt động cơ yếu để bảo vệ thông tin bí mật nhà nước. Đối tượng áp dụng của dự thảo Luật gồm tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số tại Việt Nam.
Tờ trình của Chính phủ nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Luật là nhằm phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số. Đồng thời, phát triển ngành công nghiệp công nghệ số với trọng tâm là các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, từng bước chuyển dịch từ lắp ráp, gia công sang sáng tạo, thiết kế, tích hợp, sản xuất, làm chủ công nghệ lõi tại Việt Nam; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số…
Các đại biểu tại Phiên họp
Qua thảo luận, các đại biểu cơ bản cơ bản tán thành với sự cần thiết của dự thảo Luật. Trong bối cảnh đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới, kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy cho rằng, nền tảng số, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… là hết sức quan trọng. Theo đại biểu, việc ban hành dự án Luật sẽ góp phần tạo cơ hội để chuyển đổi số, các công nghệ liên quan đến dữ liệu số phát triển, góp phần tạo ra các động lực tăng trưởng mới theo đúng với tinh thần nghị quyết của Trung ương đang hướng tới.
Góp ý hoàn thiện các nội dung, đại biểu cho rằng, dự thảo Luật cần bổ sung thêm nguyên tắc nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ có sự linh hoạt nhất trong điều chỉnh và tổ chức thực hiện, để theo kịp với sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ. “Nếu chúng ta quy định quá cứng, bắt buộc phải thực hiện các điều khoản cụ thể sẽ làm việc vận hành chuyển đổi số của quốc gia bị chậm lại”, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo bổ sung thêm các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến khai thác, sử dụng, buôn bán và lạm dụng dữ liệu; xem xét quy định dữ liệu số và tài sản số là một loại tài sản, ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Đặc biệt, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin, đặc biệt là trong khu vực công để tạo động lực và thu hút nhân tài. Đồng thời gắn kết chặt chẽ Luật Công nghiệp công nghệ số với các luật khác có liên quan để tránh mâu thuẫn, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ; xây dựng các chính sách phát triển tăng tốc và bền vững đối với ngành công nghệ số.
Đại biểu Vũ Hải Quân
Cũng quan tâm đến nội dung về nguồn nhân lực của ngành công nghiệp công nghệ số, đại biểu Vũ Hải Quân cho biết, các thành phần chính của công nghiệp công nghệ số gồm: Nhân lực (nguồn nhân lực chất lượng cao); hạ tầng; dữ liệu; phần mềm và trí tuệ nhân tạo. Theo đại biểu, trong lĩnh vực này, nhân lực đang là điểm nghẽn then chốt lớn nhất hiện nay, dự thảo Luật cần phải có chính sách thực sự đột phá để thu hút và trọng dụng nhân tài trong lĩnh vực này. Cùng với đó, có các cơ chế đặc thù cho việc đấu thầu, mua sắm thiết bị công nghệ cao; cơ chế duy trì, vận hành các trung tâm nghiên cứu, thí nghiệm.
Để việc xây dựng Luật thực sự đáp ứng được yêu cầu thực tiễn, đại biểu cho rằng, Cơ quan chủ trì soạn thảo cần thực hiện tổng kết đánh giá thực tế cụ thể về kết quả, tồn tại, khó khăn và rào cản của ngành công nghiệp công nghệ thông tin trong 20-30 năm qua để rút ra bài học kinh nghiệm. Từ đó xác định rõ các điểm nghẽn và đề xuất các chính sách, điều khoản phù hợp để giải quyết các vấn đề, thực sự thúc đẩy được sự phát triển của công nghiệp công nghệ số; tránh tình trạng xây dựng các quy định chung chung, không có tính đột phá.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân
Nhấn mạnh dự án Luật Công nghiệp công nghệ số là một dự án Luật quan trọng để phát triển kinh tế số, phù hợp với xu thế chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 của đất nước, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, dự thảo Luật cần xây dựng được các chính sách nhằm giúp ngành công nghiệp công nghệ số phát triển tăng tốc và bền vững, đặc biệt là các chính sách liên quan đến tài chính, ưu đãi về thuế, nguồn nhân lực, hạ tầng dữ liệu…
Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát dự thảo Luật với các luật khác đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng ban hành, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật, tránh chồng chéo với các luật có liên quan, nâng cao tính quy phạm của các chế định trong dự thảo Luật, bảo đảm khả thi, đáp ứng mục tiêu xây dựng Luật.
Tại Phiên họp, các đại biểu cũng đã góp ý đối với các nội dung của dự thảo Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Một số hình ảnh tại Phiên họp:
Các đại biểu tại Phiên họp
Đại biểu Hà Phước Thắng
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa
Đại biểu Vũ Hải Quân
Đại biểu Dương Văn Thăng
Đại biểu Đỗ Đức Hiển
Đại biểu Trần Hoàng Ngân