Tờ trình bổ sung số 385/TTr-CP của Bộ Kế hoạch và đầu tư về dự án Luật Quy hoạch

Cơ quan ban hành: Bộ Kế hoạch và đầu tư; 

Lĩnh vực: Quy hoạch

CHÍNH PHỦ

Số: 385/TTr-CP

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 2017

 

TỜ TRÌNH BỔ SUNG

Về dự án Luật Quy hoạch

 
   

 

Kính gửi: Quốc hội.

 

Thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, Chính phủ đã có Tờ trình số 343/TTr-CP ngày 29 tháng 9 năm 2016, Tờ trình số 389/TTr-CP ngày 11 tháng 10 năm 2016 và Tờ trình bổ sung số 87/TTr-CP ngày 17 tháng 3 năm 2017 trình Quốc hội về dự án Luật Quy hoạch.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Chính trị tại văn bản số 4113-CV-VPTW ngày 10 tháng 6 năm 2017 về việc tiếp tục rà soát, hoàn thiện, nâng cao chất lượng dự án Luật Quy hoạch trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV; trên cơ sở ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 162/UBTVQH14-PL ngày 18 tháng 7 năm 2017, Chính phủ đã có Tờ trình bổ sung số 362/TTr-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017 về dự án Luật Quy hoạch.

Tiếp theo Tờ trình bổ sung số 362/TTr-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ về dự án Luật Quy hoạch, Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội giải trình và đề nghị chỉnh lý, hoàn thiện một số nội dung về dự án Luật Quy hoạch như sau:

1. Về nội dung dự thảo Luật quy hoạch:

Trên cơ sở nghiên cứu, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XIV, Chính phủ đề nghị chỉnh lý và hoàn thiện dự thảo Luật Quy hoạch trình Quốc hội một số nội dung sau:

- Chính phủ đề nghị chuyển nội dung quy định về tư vấn phản biện độc lập quy định tại Điều 18 sang Điều 30 do việc lấy ý kiến của tư vấn phản biện độc lập đối với quy hoạch được áp dụng tại giai đoạn thẩm định quy hoạch và do Hội đồng thẩm định thực hiện. Còn nội dung của Điều 18 là việc lấy ý kiến về quy hoạch tại giai đoạn lập quy hoạch và do cơ quan lập quy hoạch thực hiện. Tư vấn phản biện độc lập có thể là tổ chức hoặc cá nhân; do vậy, tư vấn phản biện độc lập không nhất thiết phải có tư cách pháp nhân. Tuy nhiên, tư vấn phản biện độc lập vẫn phải đáp ứng điều kiện về năng lực chuyên môn phù hợp với công việc đảm nhận theo quy định của pháp luật có liên quan và quy định của Chính phủ.

- Chính phủ đề nghị bổ sung nội dung thành lập cơ quan lập quy hoạch tại Điều 16 để làm rõ hơn quy trình lập quy hoạch. Việc thành lập cơ quan lập quy hoạch được thực hiện theo quy định tại khoản 10 Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 về nhiệm vụ và quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ là “Quyết định các tiêu chí, điều kiện thành lập hoặc giải thể các cơ quan chuyên môn đặc thù, chuyên ngành thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện. Quyết định thành lập các cơ quan, tổ chức khác thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; quyết định thành lập hội đồng, Ủy ban hoặc ban khi cần thiết để giúp Thủ tướng Chính phủ nghiên cứu, chỉ đạo, phối hợp giải quyết những vấn đề quan trọng liên ngành.” Việc thành lập cơ quan lập quy hoạch theo quy định nói trên không phải là thành lập mới hay làm phát sinh thêm tổ chức, bộ máy, nhân sự vì cơ quan này hoạt động theo chế độ kiêm nhiệm và giải thể sau khi quy hoạch được phê duyệt.

- Chính phủ đề nghị chỉnh lý quy định “Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch chi tiết để thực hiện dự án quan trọng quốc gia…” tại khoản 3 các Điều 23, 24 và khoản 6 Điều 26  thành “Việc triển khai thực hiện các dự án quan trọng quốc gia…”. Đây là các quy định về việc áp dụng pháp luật liên quan trong tổ chức triển khai thực hiện danh mục dự án quan trọng quốc gia trong quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia. Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng cần thiết phải lập quy hoạch chi tiết để tổ chức triển khai. Vì vậy, việc quy định như dự thảo sẽ không bao quát đủ hết các trường hợp xảy ra trong thực tế.

- Chính phủ đề nghị chỉnh lý, làm rõ thêm việc quy định tại khoản 3, Điều 27 và khoản 3, Điều 28 của dự thảo Luật Quy hoạch để thống nhất với pháp luật khác có liên quan và để triển khai cụ thể nội dung của quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh bảo đảm tính khả thi trong triển khai quy hoạch được lập theo luật này. Cụ thể chỉnh lý quy định:

+ Khoản 3, Điều 27: 3. Chính phủ quy định chi tiết các vùng lập quy hoạch và nội dung quy hoạch vùng tại khoản 2 Điều này. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch chi tiết để thực hiện quy hoạch vùng quy định tại các điểm d, đ và e khoản 2 Điều này được thực hiện theo pháp luật về xây dựng, môi trường và pháp luật khác có liên quan.”.

+ Khoản 3, Điều 28: 3. Chính phủ hướng dẫn chi tiết nội dung quy hoạch tỉnh tại khoản 2 Điều này. Việc lập, thẩm định, phê duyệt, thực hiện quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết để thực hiện quy hoạch tỉnh quy định tại các điểm d, đ, e, g, h, i, k, l và m khoản 2 Điều này được thực hiện theo pháp luật về xây dựng, đất đai, môi trường và pháp luật khác có liên quan.”.

- Chính phủ cũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị chỉnh sửa kỹ thuật một số nội dung trong dự thảo Luật.

2. Về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch:

Dự án Luật Quy hoạch sẽ được trình Quốc hội khóa XIV xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 4 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2019,  để đảm bảo không có khoảng trống pháp luật trong thời gian Luật Quy hoạch được thông qua cho đến khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Chính phủ đã trình dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch kèm theo Tờ trình bổ sung số 362/TTr-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017. Chính phủ đề nghị bổ sung danh mục các luật cần sửa đổi, bổ sung đảm bảo đồng bộ với Luật Quy hoạch (các luật thuộc Nhóm 2, Mục 3 dưới đây) kèm theo Nghị quyết về việc thi hành Luật Quy hoạch để bổ sung và chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 và đảm bảo việc sửa đổi, bổ sung các các luật đồng bộ với Luật Quy hoạch.

3. Về sửa đổi, bổ sung các luật hiện hành đang điều chỉnh về hoạt động quy hoạch:

Về nội dung này, căn cứ vào chỉ đạo của Bộ Chính trị (tại Công văn số 4113-CV/VPTW ngày 10/6/2017 của Văn phòng Trung ương) và Ủy ban Thường vụ Quốc hội (tại Công văn số 162/UBTVQH14-PL ngày 18/7/2017), Chính phủ đã xem xét kỹ, thống nhất chủ trương báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại các Nghị quyết 61/NQ-CP ngày 11/7/2017, Nghị quyết 83/NQ-CP ngày 31/8/2017. Theo đó, Chính phủ đã có Tờ trình số 362/TTr-CP ngày 31/8/2017 trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phương án sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến quy hoạch theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; đồng thời Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư[1] giải trình với Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội một số nội dung sau:

- Việc đề xuất sửa đổi, bổ sung các luật quy định về hoạt động quy hoạch để bảo đảm đồng bộ với Luật quy hoạch, Chính phủ, Cơ quan chủ trì soạn thảo đã có đánh giá tác động của chính sách liên quan đến quy hoạch trong Báo cáo rà soát pháp luật về quy hoạch, Báo cáo đánh giá tác động của Luật Quy hoạch. Các báo cáo này đã được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2 trong hồ sơ kèm theo Tờ trình số 343/TTr-CP ngày 29 tháng 9 năm 2016, Tờ trình số 389/TTr-CP ngày 11 tháng 10 năm 2016. Phương án đề xuất của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan có quy định về hoạt động quy hoạch được phân thành 02 Nhóm:

Nhóm 1: Đề nghị sửa đổi, bổ sung 8 luật có nội dung đơn giản, mang tính kỹ thuật và không làm thay đổi nội dung chính của các luật được đề nghị sửa đổi tại điều 69, dự thảo Luật Quy hoạch.

Về nội dung này, tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2017, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất sửa đổi một số luật có nội dung sửa đổi đơn giản, kỹ thuật tại dự thảo Luật quy hoạch. Chính thảo luận và thông qua việc sửa đổi, bổ sung 08 luật tại Luật quy hoạch (Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017), gồm: Luật Công nghệ thông tin, Luật Người cao tuổi, Luật An toàn thực phẩm, Luật Đo lường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Thú y, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đây là những luật chỉ sửa đổi cụm từ “quy hoạch” thành “kế hoạch”; sửa đổi tên quy hoạch quy định tại các luật hiện hành để phù hợp với tên quy hoạch mới được quy định trong dự thảo Luật Quy hoạch và việc sửa đổi các điều, khoản trong các luật không nhiều.

Các nội dung thay đổi này là thay đổi về hình thức, cách thức quản lý nhà nước, không làm thay đổi nội hàm của chính sách. Về đánh giá tác động đối với 8 Luật này các thay đổi này đã được đánh giá tác động về yêu cầu sửa đổi, bổ sung để bảo đảm tính đồng bộ với Luật Quy hoạch khi xây dựng dự án Luật Quy hoạch trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV. Chính phủ đề nghị bổ sung thêm Điều 69 về sửa đổi, bổ sung 08 luật nói trên tại dự thảo Luật Quy hoạch gửi kèm Tờ trình bổ sung số 362/TTr-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017.

Nhóm 2: Đề nghị sửa đổi, bổ sung các luật có nhiều nội dung liên quan đến quy hoạch, có chính sách phức tạp hơn, liên quan đến đầu tư, kinh doanh,… cần có thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, đánh giá tác động của chính sách, lập đề nghị sửa đổi, bổ sung bảo đảm chất lượng. Về các dự án Luật này, Chính phủ chỉ đạo các bộ rà soát, lập đề nghị xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua theo phương án, tiến độ như sau:

- Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 năm 2017, Chính phủ đã thảo luận, thống nhất sửa đổi các luật đang điều chỉnh hoạt động quy hoạch có nhiều nội dung, chính sách lớn hoặc có liên quan đến đầu tư, kinh doanh, đất đai, xây dựng, nhà ở... để bảo đảm đồng bộ trong hệ thống pháp luật theo hướng sửa từng luật riêng hoặc luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuộc lĩnh vực quản lý của từng bộ (Nghị  quyết 61/NQ-CP ngày 11 tháng 7 năm 2017).

- Tại Phiên họp Chính phủ chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 8 năm 2017, Chính phủ đã thảo luận và thống nhất phương án sửa đổi, bổ sung các luật để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch. (Nghị quyết số 83/NQ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2017). Danh mục này gồm 24 luật, đã được Chính phủ thống nhất tại các Nghị quyết của Chính phủ nói trên, đã báo cáo Ủy ban thường vụ Quốc hội danh mục các Luật để này trình Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết của Quốc hội về triển khai thi hành Luật Quy hoạch (tại Tờ trình số 362/TTr-CP ngày 31/8/2017).

Đồng thời, theo Tờ trình này, Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, trình Quốc hội đưa nội dung giao Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật năm 2018 và chỉ đạo Chính phủ xây dựng các luật cần sửa đổi, bổ sung để bảo đảm đồng bộ với Luật Quy hoạch vào Nghị quyết của Quốc hội về việc thi hành Luật Quy hoạch để có cơ sở pháp lý cho Chính phủ triển khai, thực hiện; bảo đảm có hiệu lực thi hành đồng bộ với Luật Quy hoạch và tính khả thi trong triển khai thi hành Luật quy hoạch.

Về phương án này, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, cơ quan liên quan rà soát tổng thể các luật này trên cơ sở đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tư pháp để đề xuất sửa đổi từng luật riêng hoặc luật sửa đổi, bổ sung một số luật thuộc lĩnh vực quản lý của mỗi bộ, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ và khả thi trong việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến hoạt động quy hoạch.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, xác định thời hạn các Bộ có trách nhiệm trình Chính phủ đề nghị xây dựng các luật cần sửa đổi, bổ sung trong tháng 11 năm 2017 để Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong tháng 12 năm 2017 đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 theo quy định tại Điều 51, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015; đây cũng là thời điểm Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch, sẽ có căn cứ pháp lý đầy đủ cho các Bộ, cơ quan lập đề nghị, xây dựng các dự án Luật này bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Chính phủ nhận thấy, việc sửa đổi, bổ sung các luật này là nhiệm vụ triển khai thi hành Luật, được thực hiện đối với tất cả các Luật khác, không chỉ riêng Luật Quy hoạch; đây không phải là vấn đề về nội dung, chính sách lớn của dự án Luật này; Chính phủ báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội theo Điều 51 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 là đúng thẩm quyền của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, với khối lượng văn bản luật cần sửa đổi khá lớn, việc Chính phủ đề nghị Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 để Chính phủ triển khai là bảo đảm tính linh hoạt, khả thi, bảo đảm cân đối Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội năm 2018. Khi được Quốc hội cho phép điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, trong đó, một số Luật có nội dung sửa đổi đơn giản, không có tác động chính sách lớn, Chính phủ sẽ đề nghị cho phép áp dụng sửa đổi các luật theo trình tự rút gọn theo quy định của Điều 146 và Điều 148 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015, để các luật sửa đổi có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019, cùng thời điểm có hiệu lực của Luật Quy hoạch. Như vậy, việc sửa đổi các luật có thể trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2018) hoặc kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018) để bảo đảm có hiệu lực đồng thời với Luật Quy hoạch theo phương án Chính phủ đề nghị nói trên là hoàn toàn khả thi.

4. Về công tác chuẩn bị triển khai thi hành Luật Quy hoạch:

Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các Bộ, cơ quan liên quan chủ động xây dựng dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, hoàn thiện các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quy hoạch trình Chính phủ ngay sau khi Quốc hội thông qua Luật Quy hoạch trong năm 2017.

Theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra (Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội) chủ trì, tổ chức việc nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật. Chính phủ nhận thấy, cơ quan chủ trì thẩm tra đã phối hợp với cơ quan trình dự án luật nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật để xây dựng dự thảo báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật báo cáo Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.

Thực hiện chỉ đạo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tại Văn bản số 162/UBTVQH14-PL ngày 18 tháng 7 năm 2017, các nội dung, phương án đề xuất nói trên đã được Chính phủ thảo luận kỹ, cho ý kiến nhiều lần và đã thống nhất cao. Chính phủ đã chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp chặt chẽ với cơ quan chủ trì thẩm tra. Chính phủ nhận thấy, đến thời điểm này, dự án Luật đã bảo đảm chất lượng, các điều kiện để triển khai, thi hành, bảo đảm khả thi để trình Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 4 theo đúng chỉ đạo của Bộ Chính trị và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Chính phủ khẳng định nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ trình Quốc hội dự án Luật này nhằm hoạch định không gian phát triển, xóa bỏ các rào cản từ quy hoạch chồng chéo, mâu thuẫn, cản trở việc khơi dậy các nguồn lực để tạo các động lực tăng trưởng trong 20-30 năm tới và tầm nhìn phát triển lâu dài, bền vững cho đất nước.

Từ những giải trình và phân tích như trên, Chính phủ kiến nghị Quốc hội:

- Chấp thuận cho phép sửa đổi, bổ sung các luật liên quan để đảm bảo thống nhất trong hệ thống pháp luật khi Luật Quy hoạch được thông qua và có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2019. Việc sửa đổi các luật liên quan này được thực hiện theo trình tự rút gọn quy định tại Điều 146 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

- Xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết về thi hành Luật Quy hoạch (dự thảo Nghị quyết gửi kèm theo).

- Xem xét, thông qua dự thảo Luật Quy hoạch tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV.

Chính phủ trình Quốc hội xem xét./.

 

Nơi nhận:

- Như trên;

- Thủ tướng CP, các Phó Thủ tướng CP (để b/c);

- Các Bộ, cơ quan ngang bộ;

- Ủy ban Kinh tế của Quốc hội;

- Ủy ban Pháp luật của Quốc hội;

- Văn phòng Trung ương Đảng;

- Văn phòng Tổng Bí thư;

- Văn phòng Quốc hội;

- VPCP: BTCN, các PCN,

  các Vụ: QHĐP, KTTH, CN, NN, TH;

- Lưu: VT, PL (3).

TM. CHÍNH PHỦ

TUQ. THỦ TƯỚNG

BỘ TRƯỞNG

BỘ KẾ HOẠCH VÀ ĐẦU TƯ

 

 

(đã ký)

 

 

 

Nguyễn Chí Dũng

 

 

 

[1] Công văn số 9279/VPCP-PL ngày 31/8/2017, Công văn số 9798/VPCP-PL ngày 14/9/2017 của VPCP.