Bên lề Quốc hội
  • Sự kiện nổi bật Hội nghị đại biểu Quốc hội tháng 4/2023
  • Tin hoạt động giám sát
  • Tin hoạt động Văn phòng Quốc hội
  • Phiên họp thứ 20
  • Quốc hội khóa XIV
  • Quốc hội khóa XIII
  • Quốc hội khóa XII
  • Quốc hội khóa XI
  • Quốc hội khóa X
  • KẾT LUẬN PHIÊN HỌP THỨ 40 CỦA ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI

    31/12/2019

    Từ ngày 17 đến 18/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp phiên thứ 40 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân để xem xét các nội dung và thông qua 15 Nghị quyết. Thực hiện chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc đã có văn bản số 3433/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp.

    Phiên họp thứ 40 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    1. Về chủ trương xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030 và tầm nhìn đến 2035

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh sự cố gắng của Kiểm toán nhà nước đã chủ động xây dựng Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2020-2030. Để bảo đảm chặt chẽ, đúng định hướng và bao quát cho một thời gian dài (10 năm), Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất tên gọi là “Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2030” và đề nghị Kiểm toán nhà nước lưu ý một số vấn đề sau:

    - Tổng kết, đánh giá, làm rõ hơn kết quả 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước đến năm 2020 để chỉ ra được những kết quả đạt được, hạn chế, bất cập và những vấn đề cần làm sâu sắc hơn trong Chiến lược phát triển Kiểm toán nhà nước giai đoạn tới.

    - Tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra của Ủy ban Tài chính, Ngân sách để làm rõ mô hình phát triển, mục tiêu tổng quát, những quan điểm lớn, những nội dung cụ thể của Chiến lược và nguồn lực thực hiện Chiến lược. Trong đó tập trung vào những vấn đề liên quan đến hiệu quả, tinh gọn, chất lượng, minh bạch và hội nhập quốc tế; lượng hóa mục tiêu thực hiện Chiến lược phát triển đất nước giai đoạn 2021-2030. Tiếp tục cập nhật tinh thần của các dự thảo Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, bảo đảm phù hợp với các chiến lược, nghị quyết, chủ trương của Đảng liên quan đến đổi mới, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; phối hợp với Ủy ban Tài chính, Ngân sách và các cơ quan chức năng liên quan để hoàn thiện Chiến lược và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định vào thời điểm thích hợp trong năm 2020.

    2. Về các Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của một số tỉnh và việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với các Đề án của Chính phủ, các Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Pháp luật và ý kiến của các cơ quan có liên quan về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã của các tỉnh Hòa Bình, Hà Giang, Phú Thọ, Hà Nam, Quảng Ninh, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An và thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông; đồng thời, quyết định việc thành lập, giải thể Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tại các đơn vị hành chính cấp huyện có liên quan theo quy định của pháp luật.

    Trên cơ sở ý kiến thảo luận tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ quan tâm thực hiện các công việc sau đây:

    Thứ nhất, đối với các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc diện phải sắp xếp trong giai đoạn 2019-2021 nhưng chính quyền địa phương đề nghị chưa sắp xếp, đề nghị Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các địa phương quán triệt nghiêm túc thực hiện chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật về sắp xếp các đơn vị hành chính.

    Thứ hai, trong quá trình chuẩn bị Đề án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án sắp xếp đơn vị hành chính bảo đảm tiêu chuẩn theo đúng quy định; quan tâm bố trí đội ngũ cán bộ, công chức, bảo đảm quyền lợi cho những cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; có giải pháp quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả cơ sở vật chất, trụ sở, trang thiết bị của các đơn vị hành chính thực hiện sắp xếp; chú trọng bảo đảm ổn định về chính trị, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm đoàn kết và ổn định sản xuất, đời sống của Nhân dân.

    Thứ ba, đối với các trường hợp nhập đơn vị hành chính ở nông thôn vào đơn vị hành chính ở đô thị, đề nghị Chính phủ và chính quyền địa phương cần có chương trình, kế hoạch đầu tư phát triển hạ tầng đô thị để không ảnh hưởng đến chất lượng đô thị chung của quốc gia và của đơn vị được sáp nhập; đồng thời, trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ chỉ đạo để các địa phương có phương án sắp xếp, điều chỉnh hợp lý, bảo đảm các đơn vị hành chính đô thị hình thành sau sắp xếp (nhất là các thị trấn) vừa đáp ứng các tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên, quy mô dân số nhưng cũng phù hợp với khả năng cân đối nguồn lực để phát triển đô thị trong tương lai.

    Thứ tư, đề nghị Chính phủ khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, đề án về sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021 của các tỉnh, thành phố còn lại để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; thời hạn trình chậm nhất là tháng 01/2020.

    Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu tại phiên họp

    3. Việc giao kế hoạch đầu tư trung hạn vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất về nguyên tắc cần thanh toán các khoản thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương về cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018 như Tờ trình của Chính phủ.

    Việc giao kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam như đề xuất của Chính phủ là điều chỉnh mục tiêu chi và bổ sung dự toán ngân sách nhà nước thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Đề nghị Chính phủ; rà soát, tính toán chính xác các khoản thuộc trách nhiệm của ngân sách trung ương phải cấp bù chênh lệch lãi suất và phí quản lý cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam tính đến ngày 31 tháng 12 năm 2018. Trong đó làm rõ số phải thanh toán, số đã bố trí trong kế hoạch vốn đầu tư, số còn thiếu trong kế hoạch vốn đầu tư và nguồn lực thực hiện, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9 (tháng 5/2020).

    4. Kết quả kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự thảo các báo cáo về việc tổng kết kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV do Tổng Thư ký Quốc hội trình bày, đồng thời, nhấn mạnh một số vấn đề sau:

    Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp với việc ban hành nhiều quyết sách lớn mang tính lịch sử, có ý nghĩa quan trọng về đối nội và đối ngoại, để lại dấu ấn sâu sắc, được cử tri, Nhân dân và đại biểu Quốc hội đánh giá cao.

    Công tác chuẩn bị kỳ họp được tiến hành chu đáo, khẩn trương, thể hiện trách nhiệm, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và các cơ quan, tổ chức hữu quan. Các vị đại biểu Quốc hội đã phát huy tốt vai trò của mình, đóng góp nhiều ý kiến chất lượng góp phần vào thành công của kỳ họp.

    Việc tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong kỳ họp giúp đại biểu tra cứu tài liệu nhanh, kịp thời, giảm văn bản giấy, tiết kiệm thời gian, chi phí… Công tác thông tin tuyên truyền, bảo đảm an ninh, an toàn được thực hiện tốt.

    Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc báo cáo Tổng kết kỳ họp thứ 8 và việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9 của Quốc hội

    Tuy nhiên, kỳ họp vẫn còn một số hạn chế, như: hồ sơ tài liệu một số nội dung gửi đến đại biểu quá muộn; vẫn còn tình trạng đề nghị bổ sung nội dung quá gấp, ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị, tiến hành kỳ họp; một số phiên họp đại biểu vắng mặt quá nhiều, ảnh hưởng đến chất lượng thảo luận, tỷ lệ biểu quyết. Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh, đây là vấn đề cần tiếp tục rút kinh nghiệm và có biện pháp khắc phục trong thời gian tới nhằm bảo đảm chất lượng, hiệu quả kỳ họp.

    Giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại phiên họp để hoàn chỉnh Báo cáo tổng kết kỳ họp, gửi đến các vị đại biểu Quốc hội và cơ quan, tổ chức hữu quan.

    5. Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua Chương trình công tác năm 2020 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đồng thời, đề nghị lưu ý một số vấn đề sau:

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016-2020 trước khi trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 để Quốc hội khóa XV xem xét, quyết định các kế hoạch 5 năm này.

    - Đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai, Chính phủ cần cân nhắc việc trình Quốc hội trong năm 2020 (là năm diễn ra Đại hội đảng bộ các cấp…) để sớm báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định. Những vấn đề vướng mắc cần được sửa đổi, bổ sung, đề nghị Chính phủ tiến hành tổng kết kỹ lưỡng, phân tích, đánh giá tác động của chính sách, bảo đảm khoa học, thận trọng, có căn cứ lý luận, thực tiễn và chỉ sửa đổi, bổ sung những vấn đề đã chín muồi. Việc sửa đổi toàn diện Luật Đất đai nên được tiến hành thận trọng sau khi có nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.

    - Giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dự thảo văn bản thông báo ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông theo quy định tại Nghị quyết này.

    - Đối với các dự án luật, dự thảo nghị quyết được các cơ quan đề nghị bổ sung vào chương trình kỳ họp gần thời điểm khai mạc kỳ họp, sau khi xem xét nội dung, nếu thấy bảo đảm chất lượng, đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ quyết định đồng thời việc điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh và bổ sung vào dự kiến chương trình kỳ họp.

    - Căn cứ tình hình thực tế, có thể điều chỉnh thời điểm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét các nội dung, nhất là các dự án khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm nhưng cơ quan soạn thảo phải phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra và các cơ quan hữu quan nhằm bảo đảm đúng tiến độ theo quy định của các luật, nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua.

    6. Việc chuẩn bị kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với Báo cáo của Tổng Thư ký Quốc hội về dự kiến nội dung chương trình kỳ họp thứ 9. Đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan tiếp tục nghiên cứu cải tiến, đổi mới cách thức, khẩn trương chuẩn bị các nội dung kỳ họp, bảo đảm chất lượng, tiến độ, trong đó cần lưu ý một số vấn đề sau:

    - Tiếp tục đổi mới cách thức xem xét các vấn đề về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước tại kỳ họp giữa năm đạt hiệu quả cao hơn. Đối với các báo cáo đánh giá bổ sung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2019, các cơ quan cần lưu ý nêu rõ, ngắn gọn những nội dung mới, có thay đổi so với kỳ họp thứ 8, tập trung đánh giá về tình hình triển khai kế hoạch năm 2020; Quốc hội chỉ thảo luận những điểm mới bổ sung và dành phần lớn thời gian cho nội dung về tình hình thực hiện của những tháng đầu năm, phương hướng, nhiệm vụ những tháng cuối năm 2020.

    Thường vụ Quốc hội biểu quyết tán thành quyết định việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã tại 11 tỉnh và quyết định thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa, thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.

    - Tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội tại kỳ họp để tăng tính tiện ích, dễ sử dụng, bảo đảm kịp thời, hiệu quả.

    - Nghiên cứu điều chỉnh thời gian của một số nội dung cho phù hợp, như: giảm thời gian thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước; tăng thời gian thảo luận về Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030…

    Giao Tổng Thư ký Quốc hội nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tại phiên họp, hoàn thiện dự kiến nội dung chương trình kỳ họp, gửi xin ý kiến các cơ quan, tổ chức hữu quan.

    7. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua các Nghị quyết:

    - Về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc các tỉnh Hòa Bình, Quảng Ninh, Hà Nam; các đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Hà Giang, Phú Thọ, Nghệ An, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Lâm Đồng, Đồng Tháp, Long An; việc thành lập phường Quảng Thành thuộc thị xã Gia Nghĩa và thành lập thành phố Gia Nghĩa thuộc tỉnh Đắk Nông.

    - Ban hành chương trình hoạt động đối ngoại năm 2019 của Quốc hội.

    - Điều chỉnh kế hoạch đầu tư vốn nước ngoài năm 2019 giữa các bộ, ngành và địa phương.

    - Việc bổ sung kinh phí mua bù thuốc thú y dự trữ quốc gia đã xuất cấp từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/4/2019 từ ngày 01/01/2018 đến ngày 30/4/2019.

    Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan khẩn trương triển khai thực hiện kết luận, nghị quyết của phiên họp.

    Trọng Quỳnh