Nghĩa Đàn là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Nghệ An. Trước khi chia tách, Nghĩa Đàn có diện tích tự nhiên 73.000 ha với 19 vạn dân, 32 xã và 1 thị trấn là Thái Hòa. Thực hiện Nghị định 164/2007/NĐ-CP của Chính phủ về việc chia tách địa giới hành chính huyện Nghĩa Đàn để thành lập thị xã Thái Hòa (ban hành ngày 15.11.2007) - huyện Nghĩa Đàn (mới) có diện tích tự nhiên hơn 61.000 ha; dân số là gần 13 vạn người sinh sống ở 308 thôn, bản của 24 xã, trong đó khoảng 1/3 dân số là đồng bào dân tộc ít người; 9 xã đặc biệt khó khăn và hơn một nửa số xã có xóm, bản đặc biệt khó khăn.
Báo cáo với Phó chủ tịch QH, Bí thư huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Nghĩa Đàn Lê Đức Trường cho biết, sau khi chia tách, cơ cấu kinh tế Nghĩa Đàn có bước chuyển biến lớn. Năm 2009, tỷ trọng nông – lâm – nghiệp giảm xuống còn hơn 53%; tỷ trọng công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản đạt gần 24%; tỷ trọng thương mại – dịch vụ đạt hơn 23%. Huyện giữ vững ổn định diện tích và sản lượng lương thực với hơn 37 nghìn tấn trong năm 2009. Cây công nghiệp dài ngày có xu hướng giảm về diện tích, nhưng tăng về năng suất và hiệu quả. Việc trồng rừng mới tập trung và khoanh nuôi bảo vệ rừng có nhiều tiến bộ, năm 2009, huyện trồng mới được 600 ha, dự kiến năm 2010 tăng diện tích trồng mới lên 1.000 ha. Một trong những thành tích nổi bật sau khi chia tách là huyện đã làm tốt công tác thu hút đầu tư và xây dựng cơ bản trên địa bàn. Cụ thể, huyện đã tập trung thực hiện việc quy hoạch, thu hút đầu tư triển khai xây dựng khu trung tâm huyện lỵ, các tuyến giao thông quan trọng, tạo đà cho sự phát triển của huyện trên các lĩnh vực. Huyện đã hoàn thành việc quy hoạch Khu công nghiệp nhỏ Nghĩa Long; dự án chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp có tổng mức đầu tư 350 triệu USD; dự án nhà máy gỗ DMF với tổng vốn 110 triệu USD và nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao khác...
Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng hoan nghênh những cố gắng và thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền và đồng bào huyện Nghĩa Đàn đã đạt được trong thời gian qua. Vượt qua những khó khăn của một đơn vị mới chia tách, Nghĩa Đàn đã sớm ổn định tổ chức bộ máy và đạt nhiều kết quả tích cực trên nhiều lĩnh vực. Phó chủ tịch QH nêu rõ, huyện đã phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, trình độ canh tác và địa bàn sản xuất tập trung, thuận lợi cho phát triển các vùng chuyên canh, vùng nguyên liệu và các dự án nông nghiệp công nghệ cao; gắn bó và sử dụng có hiệu quả các diện tích đất của nông - lâm trường trước đây để giao lại cho các dự án, công trình đầu tư trên địa bàn, đặc biệt là các dự án nông nghiệp công nghệ cao.
Phó chủ tịch QH mong muốn, Nghĩa Đàn tiếp tục đoàn kết phấn đấu, tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, quan tâm hơn tới công tác quy hoạch, phát triển KT – XH, phát huy tiềm năng, lợi thế của huyện để ổn định và nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc trên địa bàn; phấn đấu xây dựng Nghĩa Đàn trở thành điểm sáng về phát triển nông nghiệp – công nghiệp đối với các đơn vị miền núi. Thực hiện tốt các nội dung của Nghị quyết Trung ương 7 về nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Tiếp tục chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp, trong đó chú ý những bước đi và phương hướng phát triển của huyện trong thời gian tới. Phát huy quy chế dân chủ ở cơ sở, giải quyết tốt các ý kiến, kiến nghị của nhân dân trên địa bàn.
Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã gửi lời thăm hỏi ân cần và lời chúc tốt đẹp nhất tới Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc huyện Nghĩa Đàn.
+ Trước đó, sáng 14.5, Bí thư Trung ương Đảng, Phó chủ tịch QH Tòng Thị Phóng đã dự Lễ khởi công xây dựng Nhà máy sữa TH tại xã Nghĩa Sơn, Nghĩa Đàn. Đây là dự án công trình chào mừng kỷ niệm 120 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.